nghi-luan-van-hoc-phan-anh-cuoc-song-bang-hinh-tuong-nhung-van-hoc-khong-phan-anh-may-moc-thu-dong-nhu-mot-tam-guong-ma-thong-qua-tu-tuong-tinh-cam-cach-nhin-cach-danh-gia-cua-tung-nha-van

Nghị luận: “Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng (…) Nhưng văn học không phản ánh máy móc, thụ động như một tấm gương mà thông qua tư tưởng, tình cảm, cách nhìn, cách đánh giá của từng nhà văn”.

Phân tích hình tượng người lính trong hai bài thơ “Đồng chí” (Chính Hữu) và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật) để làm sáng tỏ nhận định: “Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng (…) Nhưng văn học không phản ánh máy móc, thụ động như một tấm gương mà thông qua tư tưởng, tình cảm, cách nhìn, cách đánh giá của từng nhà văn”.

I. Mở bài:

– Trong SGK Ngữ văn 9, tập 2 có nhận định: “Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng (…) Nhưng văn học không phản ánh máy móc, thụ động như một tấm gương mà thông qua tư tưởng, tình cảm, cách nhìn, cách đánh giá của từng nhà văn”. Lấy chất liệu từ trong cuộc sống, tác phẩm văn học được nhào nặn qua lăng kính của người nghệ sĩ, ở đó mang dấu ấn riêng, độc đáo và khác biệt của người sáng tạo.

– Bài thơ “Đồng chí” (Chính Hữu) và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật) là những sáng tạo độc đáo, mang đậm phong cách sáng tác của mỗi nhà thơ.

II. Thân bài:

1. Giải thích nhận định:

– Hiện thực cuộc sống là chất liệu quan trọng của văn học nghệ thuật để từ đó nhà văn xây dựng nên các hình tượng cho tác phẩm của mình.

– Văn học không phản ánh máy móc, thụ động như một tấm gương: Tuy nhà văn là người thư ký trung thành của hiện thực cuộc sống, nhưng trong tác phẩm của mình, nhà văn không ghi lại một cách nguyên vẹn cuộc sống. Nhà văn chân chính không bao giờ đi trên những lối mòn xưa cũ mà bao giờ cũng tìm tòi, sáng tạo, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có.

– Hình tượng văn học mang đậm dấu ấn cá nhân nhà văn: thời đại lịch sử, cách nhìn, cách nghĩ,…

→ Đây là nhận định hoàn toàn đúng đắn về đặc trưng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

2. Phân tích chứng minh qua hình tượng người lính trong hai bài thơ “Đồng ch픓Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

a. Hiện thực đất nước giai đoạn 1945 -1975 là hiện thực của hai cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp và chống Mỹ nên người lính cách mang trở thành hình tượng tiêu biểu, điển hình.

– Đó là những con người mộc mạc, bình dị, chân chất, đời thường từ cách cảm đến cách nghĩ song ở họ toát lên những phẩm chất cao đẹp: Tình đồng chí, đồng đội keo sơn, tinh thần lạc quan, lòng quả cảm, đức hy sinh và lòng yêu nước nồng nàn. Họ cùng chiến đấu cho hòa bình và độc lập tự do của dân tộc với tinh thần quyết chiến quyết thắng.

– Họ mang trong mình những phẩm chất chung của anh bộ đội cụ Hồ qua các thời kỳ: Bình dị mà vĩ đại; sống có lý tưởng; cái cao cả vĩ đại được bắt nguồn từ những gì bình dị nhất.

b. Tuy nhiên, ở mỗi tác phẩm, thông quan lăng kính chủ quan của nhà thơ, hình tượng người lính lại có những nét đẹp riêng.

* Người lính trong bài thơ “Đồng chí”:

– Đậm chất mộc mạc, bình dị, chất phác, ra đi từ luống cày, thửa ruộng, từ những miền quê nghèo khó. Họ cùng chung một cảnh ngộ “Quê hương anh nước mặn đồng chua/Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

– Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những người nông dân mặc áo lính vượt lên những gian khổ, thiếu thốn, khám phá một tình cảm mới mẻ, đáng trân trọng: Tình đồng chí.

– Họ cùng chung những khó khăn gian khổ nơi chiến trường: rét, áo rách, quần vá.

– Cùng chung một lý tưởng, chung ý chí và tâm hồn Việt Nam: “Đầu súng trăng
treo”

→ Vẻ đẹp của người lính bước lên từ đồng ruộng, tiêu biểu cho vẻ đẹp của anh bộ đội cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

– Dấu ấn sáng tạo của Chính Hữu trong bài thơ “Đồng chí” chủ yếu thiên về khai thác nội tâm:

+ Ngôn từ: Mộc mạc, bình dị, quen thuộc, không phải thô sơ mà được tinh lọc từ lời ăn tiếng nói dân gian.

+ Hình ảnh: Đậm chất hiện thực nhưng giàu sức biểu cảm, hàm xúc, cô đọng.

+ Giọng điệu: Tâm tình, thủ thỉ, thấm thía, sâu lắng.

* Người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”:

– Đậm chất ngang tàng, ngạo nghễ, tâm hồn phóng khoáng, trẻ trung, tinh nghịch, yêu đời của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. “Không có kính, ừ thì có bụi…. Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”

– Ở họ toát lên tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, coi thường gian khổ hiểm nguy, bất chấp khó khăn, thử thách “Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”; ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

– Hình ảnh người chiến sĩ có sự hòa quyện giữa phong thái người nghệ sĩ và tinh thần người chiến sĩ.

– Dấu ấn sáng tạo của Phạm Tiến Duật trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính thiên về đi tìm khám phá vẻ đẹp trong diễn biến sinh động, trong sự phát triển không ngừng của cuộc sống; cách nhìn, cách khai thác hiện thực, khai thác chất thơ từ sự khốc liệt của chiến tranh:

+ Ngôn từ: Giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khỏe khoắn mang đậm phong cách của người lính lái xe.

+ Hình ảnh: chân thật nhưng độc đáo, giàu chất thơ.

+ Giọng điệu: Lạ, ngang tàng, tinh nghịch, dí dỏm, vui tươi. Những câu thơ văn xuôi, những lời đối thoại thông thường…

→ Nét riêng ấy đã thể hiện sự phát triển trong nhận thức, khám phá của các nhà thơ về hình tượng anh bộ đội cụ Hồ. Đó là sự trưởng thành của người lính đi qua hai cuộc trường chinh và sự lớn lên về tầm vóc dân tộc được tôi luyện trong lửa đạn chiến tranh.

Tóm lại: Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính ra đời cách nhau 21 năm. Một khoảng cách của hai thế hệ văn nghệ sĩ. Hai thi phẩm đều có cùng một điểm nhìn nghệ thuật, gần nhau trong bút pháp: xuất phát từ cảm xúc chân thực trước hiện thực cuộc sống, nhưng đều mang đậm nét riêng của mỗi thi nhân. Có được thành công này, Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đều là những người trong cuộc, vừa cầm súng chiến đấu vừa cầm bút viết về chính những gì họ đã trải qua. Họ đều là anh bộ đội cụ Hồ.

3. Đánh giá:

– Hình tượng văn học luôn mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà văn. Điều đó đã khẳng định vị trí, đóng góp của nhà văn trong nền văn học.

– Hình tượng văn học mang đậm dấu ấn nhà văn sẽ đem đến cho người đọc thế giới hình tượng văn học vô cùng phong phú, đa dạng, tạo nên cái nhìn đa chiều, sâu sắc về cuộc sống.

III. Kết bài:

Hoài Thanh từng nói: “Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này nhưng thế giới trong con mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng”. Còn Xuân Diệu khẳng định: “thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu ấn vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay”. Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật rõ ràng là những sáng tạo mang đậm dấu ấn riêng, bản sắc riêng của tác giả và thời đại.

Chứng minh: Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy, nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang