“Hưng quan quần oán” nghĩa là gì?
HƯNG QUAN QUẦN OÁN (兴观群怨): Thuật ngữ trong lý luận , chỉ 4 loại tác dụng xã hội của thơ ca. Thuật ngữ “hưng quan quần oán” có xuất xứ từ sách Luận ngữ thiên “Dương Hóa”: “Tử viết: Tiểu tử hà mạc học phù Thi? Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán. Nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa thức vu điểu thú thảo mộc chi danh” (Khổng Tử nói: “Các trò sao không học Thi (tức Kinh Thi)? Thi có thể làm người ta phấn chấn, có thể khiến người ta biết quan sát mọi điều, có thể hợp quần với nhau, có thể bày tỏ những tình cảm oán hận. Gần thì biết thờ cha, xa thì biết thờ vua, lại có thể biết được nhiều tên gọi các loại chim muông cây cỏ”.
Trong câu này, “hưng” chỉ sự khơi gợi cảm xúc, ý chí ;“quan” chỉ sự quan sát phong tục, tìm xem sự tốt xấu thế nào; “quần” chỉ sự hợp quần gần gũi, khiến có sự hòa thuận mà không dua xuôi theo; “oán” chỉ sự dùng thơ mà gửi gắm tâm tình, để oán thán chê trách chính sự hà khắc.
Trước kia, tác dụng của thơ ca là “ngôn chí” (thi ngôn chí) là “khen chê”, là “quan sát phong tục”, là “biết rõ dân tình”, điều này đã được mọi người biết đến, song Khổng Tử là người đầu tiên chỉ ra một cách có hệ thống và toàn diện rằng thơ ca có chức năng nhận thức mọi thịnh suy, phong tục và phê bình chính sự đương thời, lại nhấn mạnh rằng thơ ca có thể giáo hóa con người. Ý kiến của ông đã khái quát tác dụng nhận thức, giáo dục và mỹ cảm của thơ ca, vì vậy được các nhà lý luận đời sau tiếp thu và giải thích, phát huy, xem là một nội dung quan trọng của lý luận văn học thời cổ đại Trung Quốc.