Tư tưởng văn dĩ tải đạo trong tư duy sáng tác của nhà Nho trung đại.

Tư tưởng văn dĩ tải đạo trong tư duy sáng tác của nhà Nho trung đại.

Quan niệm về một thứ văn chương coi trọng chữ “đạo“, để từ đó gìn giữ thiên lương, giáo huấn con người đã có từ xa xưa trong hệ tư tưởng Nho giáo, và được thấm nhuần trong nền văn hóa truyền thống ở nước ta trong suốt chiều dài của nhà nước phong kiến. Từ nền tảng thuyết lí Nho gia, đến hệ thống lí luận văn chương cổ điển, mối quan hệ giữa “văn” và “đạo” giữ vai trò đặc biệt quan trọng và trở thành một hệ giá trị cốt lõi chi phối đến quá trình sáng tác của các nhà Nho.

Trong kho tàng văn hóa phương Đông, “đạo” là một trong những phạm trù trung tâm, phức tạp, bởi nó bao trùm từ quy luật vận hành của vũ trụ đến sự nhất quán trong thế giới tinh thần của con người. “Đạo” là cái lẽ tự nhiên (thiên đạo), là nguyên lí hình thành của càn khôn, là chu trình biến dịch trong sự hài hòa Âm Dương, và gần gũi nhất. “Đạo” là cách cư xử tốt đẹp, hướng thiện của con người (nhân đạo). Đó là giá trị cốt lõi của con người, từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi, để phân biệt với vạn vật trong vũ trụ bao la này. Khổng Tử từng dạy: “Đạo không xa người. Khi người làm cho Đạo xa mình, thì nó không thể xem là Đạo được nữa”.

Tính giáo huấn mạnh mẽ của quan niệm này đã được nhà nước phong kiến tận dụng một cách triệt để và nâng lên thành quy tắc sáng tác trong văn chương, đặc biệt là văn chương khoa cử. Từ rất sớm, trong sách Luận ngữ, Khổng Tử đã bước đầu xác lập mối quan hệ giữa hình thức và nội dung thông qua tương quan giữa hai phạm trù “thơ” và “đạo”. Ở thiên “Dương hóa”, Khổng Tử nói: “Thơ có thể khiến người ta phấn chấn, có thể khiến người ta quan sát phong tục, có thể khiến người ta hợp quần, có thể khiến người ta phúng thích chính trị đương thời. Gần thì biết đạo thờ cha, xa thì biết đạo thờ vua, lại biết được nhiều tên chim muông cỏ cây”. Đến thời Đông Hán, xuất phát từ quan niệm của Khổng Tử, Vương Sung đã bổ sung và hoàn thiện thành một mệnh đề có tính bao quát hơn là “văn vị tế dụng”. Trong sách Luận hành, ông nói: “Có ích dụng cho đời thì trăm thiên cũng vô hại. Không có ích dụng cho đời, thì một chương cũng vô bổ. Còn như đều có ích dụng cả, thì nhiều là hơn, ít là kém”, ý chỉ là khi sáng tác văn chương phải đề cao tính “dụng ích” cho đời, phải thực hành đạo đức, bồi bổ giáo hóa, gìn giữ thiên lương… để từ đó có thể “di phong dịch tục”, sửa đổi những “tệ lậu xã hội”, hướng đến cái thiện của con người và duy trì chính giáo.

Càng về sau, cùng với sự hậu thuẫn của chính quyền phong kiến, các nhà lí luận văn học đã biến nhiệm vụ tải đạo trở thành một yêu cầu gần như bắt buộc đối với những nhà Nho khi sáng tác. Trong Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp khẳng định: “Đạo nhờ thánh nhân mà thành văn chương, nhưng thánh nhân những nhờ văn chương mà làm sáng tỏ được đạo”. Cho nên, “không thuật lại lời dạy của bậc hiền triết đời trước, là vô ích đối với điều lo nghĩ của hậu sinh”. Đến đời nhà Minh, Tống Cảnh Liêm cho rằng: “Giảng minh được đạo lý mới gọi là văn, lập được giáo hóa mới gọi là văn, có thể giúp được phong tục, hóa được nhân nhân mới gọi là văn”.

Như vậy, văn chương gắn liền với đạo trở thành một trong những ý niệm cốt lõi chi phối trực tiếp đến tư duy sáng tác của các nhà Nho trung đại. “Văn học của Nho giáo chính thống là một thứ văn học chí thiện, phải hoàn toàn phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức, được đo bằng những thước đo đạo đức” . Vì thế, bên cạnh việc lựa chọn thi đề và khả năng dụng ngôn, người sáng tác phải chú trọng đến nội dung giáo huấn.

Xét cho cùng, mục đích then chốt của văn chương thời phong kiến vẫn là cổ xúy cho lễ giáo, luân thường, nhằm hướng đến sự ổn định trong ý thức hệ và duy trì một nền tảng xã hội ôn hòa, đề cao tính thiện. Cho nên, hình ảnh của văn nhân khi cầm bút “dù là ngâm vịnh mây ráng, thưởng thức gió trăng nhưng kỳ thực thì không rời khỏi đạo thường của cha con vua tôi” đã trở thành mẫu mực trong văn hóa cổ điển phương Đông. Cũng phải nói thêm rằng, tuy công thức “văn dĩ tải đạo” ràng buộc nhà Nho trong những nội dung khuôn sáo, nhưng nó cũng mang đến cho họ sự sủng hạnh tuyệt đối từ cộng đồng, điều mà sau này những văn sĩ chuyên nghiệp trong xã hội hiện đại không dễ gì có được.

Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.