Văn chính luận.
Văn chính luân (tiếng Pháp : articles sur ỉa vie politique et sociale) là thể văn nghị luận viết về những vấn đề nóng bỏng thuộc nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau: chính trị, kinh tế, triết học, văn hoá,…
Mục đích của văn chính luận là bàn bạc, thảo luận, phê phán hay truyền bá tức thời một tư tưởng, một quan điểm nào đó nhằm phục vụ trực tiếp cho lợi ích của một tầng lớp, một giai cấp nhất định.
Các tác phẩm chính luận hướng tới mục đích bàn bạc, thảo luận, phê phán hay truyền bá tức thời một tư tưởng, một quan điểm nào đó nhằm tác động đến dư luận xã hội đương thời, đến lối sống, các quyền lợi chính trị hiện hành; đề xuất việc củng cố hoặc thay đổi chúng cho phù hợp với quyền lợi giai cấp hoặc với lý tưởng xã hội, đạo đức, phục vụ trực tiếp cho lợi ích của một tầng lớp, một giai cấp nhất định; đồng thời thể hiện rõ về phong cách của người viết. Chính vì thế, tác phẩm chính luận bao giờ cũng thể hiện khuynh hướng tư tưởng, lập trường công dân rõ ràng. Tình cảm sục sôi, luận chiến quyết liệt và tính khuynh hướng công khai là những dấu hiệu quan trọng của phong cách chính luận. Tất cả những cái đó làm cho giọng điệu, cấu trúc và chức năng của lời văn chính luận gần gũi với giọng điệu, cấu trúc và chức năng của lời văn tuyên truyền, hùng biện.
Đặc trưng cơ bản của văn chính luận là tính chất luận thuyết. Khác với văn học nghệ thuật, văn chính luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lập luận, lí lẽ. Phong cách chính luận nổi bật tính khuynh hướng, tính luận chiến, tính cảm xúc, rất gần gũi với giọng điệu, kết cấu và chức năng của lời diễn thuyết hay hùng biện. Văn chính luận đôi khi cũng tái hiện đời sống, miêu tả các tính cách và số phận. Nhưng người viết văn chính luận tái hiện đời sống, miêu tả tính cách, số phận chỉ nhằm mục đích đưa ra những ví dụ sinh động làm cơ sơ cho lập luận thường là những hình tượng minh hoạ, nó chỉ chứa đựng nội dung phổ quát của chủng loại, chứ không phải là hiện tượng tiêu biểu cho cái độc đáo, không lặp lại.
Đối tượng phản ánh của chính luận là toàn bộ cuộc sống quá khứ và hiện tại, cuộc sống cá nhân cũng như đời sống xã hội, đời sống thực và đời sống được phản ánh trong báo chí, nghệ thuật. Những bức tranh về thực tại, tính cách và số phận con người biểu hiện trong tác phẩm chính luận như những chứng cứ lấy từ chính đời sống, như một hệ thống những luận cứ, như đối tượng của sự phân tích hoặc được dùng làm cơ sở cho xúc cảm, làm tác nhân kích thích, làm nguyên cớ để lên án, tố cáo, hoặc chất vấn các giới hữu quan để khẳng định lý tưởng.
Chính luận có vai trò đặc biệt trong lịch sử văn hóa, trong các phong trào xã hội và là một trong những phong cách sáng tác tiêu biểu nhất thể hiện được giọng điệu, phong cách và ý thức hệ của người cầm bút. Văn chính luận giữ vai trò đặc biệt trong các cuộc đấu tranh xã hội, trong lịch sử văn hoá của nhân loại nói chung, của dân tộc ta nói riêng. “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch Hổ Chí Minh là những tác phẩm chính luận bất hủ.