Ý và tứ trong thơ.
“Ý” và “tứ” trong thơ quyện với nhau, không thể tách ý thơ ra khỏi lời thơ. Ý là nội dung, ý nghĩa bài thơ. Tứ là linh hồn bài thơ, cái làm toát lên vẻ đẹp, sắc thái của bài thơ.
1. Ý là gì?
Ý là khởi nguồn cho thơ. Khi gặp một cảm xúc mãnh liệt thì nhà thơ có ý tưởng lưu lại cảm xúc đó. Lúc này ý mới chỉ là suy nghĩ trừu tượng trong đầu.
Một bài thơ hay là bài thơ có ý đẹp lời hay. Lời thơ phải phản ánh được trung thực cảm xúc thơ và có sức truyền cảm mạnh đến người đọc.
Ý trong thơ không rõ ràng như trong văn xuôi, nó mơ hồ, huyền ảo, lung linh, không dễ nắm bắt, thông qua tứ thơ để hiểu ý trong bài thơ.
Ý thơ được chia làm 4 tiêu chuẩn chính:
– Thơ biểu tình (gọi là thơ tình). Tình ở đây được hiểu theo nghĩa rộng. Không chỉ là tình yêu trai gái mà còn là sự yêu ghét, hờn giận, tình yêu con người với con người, tình yêu với thiên nhiên, Tổ quốc, quê hương…
– Thơ thuyết lý: là thơ có những giá trị kinh điển.
– Thơ tả cảnh.
– Thơ tức sự.
Có khi ý chỉ là đơn thuần, có ý nghĩa tình riêng tình, lý riêng lý. Cảnh riêng cảnh và sự riêng sự. Cũng có khi ý là sự phức hợp của một tiêu chuẩn này với 1,2 hoặc 3 tiêu chuẩn. Như trong lý có tình, trong tình có cảnh, trong cảnh có sự…
2. Tứ thơ là gì?
Thi tứ (còn gọi là tứ thơ) là cảm xúc thơ hoặc ý nghĩa hình ảnh thơ có tác động bao trùm tác phẩm thơ. Nói cách khác, thi tứ (tứ thơ) là cách liên kết, cấu trúc của các ý thơ nhằm tập trung thể hiện có hiệu quả nhất chủ đề trữ tình.
Người xưa thường nói: ”thi tứ ở nơi gió tuyết, trên lưng ngựa chứ đâu ở nơi lầu son gác tía”. Lại có người nói “tứ thơ ở nơi cành mai, khóm trúc” là ý muốn nói cảm xúc thơ là cảm xúc thẩm mỹ, thi vị và giàu màu sắc chứ không phải là cảm xúc trong trong sinh hoạt thực dụng hàng ngày. Hình ảnh thơ là hình ảnh được chuyển hóa cụ thể hóa từ ý thơ, nó không giống những hình ảnh mà mắt thường nhìn thấy được. Nó được ta nhìn thấy bằng cảm xúc thơ. Vì vậy khi làm thơ phương pháp tu từ được sử dụng rất nhiều.
Việc làm thơ phải bắt đầu từ cảm xúc thơ, tức là tứ thơ. Nhà thơ Quách Tấn giải thích bằng sự ví von như sau: “Nội dung bài thơ tỉ như một khóm cây mà nơi cội cành là ý, hoa lá quả là tứ”. Nói cách khác: Tứ là sản phẩm của ý, là chi tiết do ý sinh ra và làm cho ý thêm sắc thái, âm vị cũng như hoa là tứ cội cành sinh ra và làm cho cội cành thêm tươi, thêm thắm. Nói một cách khác. Tứ là sắc thái, là hương vị là âm thanh của ý”.
Cùng là một ý nhưng ai cũng có thể có, từ ngàn xưa đến nay đều có, nhưng thơ của mỗi người mỗi khác vì cách diễn đạt ý không ai giống ai. Đó là vì tứ mỗi người một khác. Cách diễn đạt chính là tứ thơ. Cho nên, thơ phải có tứ, thơ nào tứ ấy, chỉ có tứ thơ hay, hay tứ thơ không hay chứ không có bài thơ mà không có tứ.