Luận đề là gì?
– Luận đề là vấn đề được bàn luận trong văn bản nghị luận. Vấn đề đó có tính chất bao trùm, xuyên suốt văn bản. Mỗi văn bản nghị luận thường chỉ có một luận đề. Luận đề có thể được nêu rõ ở nhan đề, ở một số câu hoặc có thể được khái quát từ toàn bộ nội dung của văn bản. Luận đề trong văn bản nghị luận xã hội là hiện tượng hay vấn đề của đời sống được nêu để bàn luận.
– Luận đề là mệnh đề hay thuyết coi là đúng và đưa ra để bảo vệ bằng luận cứ. Luận đề trả lời câu hỏi “cần chứng minh điều gì?” trong nghiên cứu. Luận đề là một “phán đoán” hay một “giả thuyết” cần được chứng minh. Luận đề có nội hàm lớn hơn luận điểm.
– Luận đề là một đề bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống xã hội hoặc một vấn đề văn học.
Ví dụ:
– Luận đề: Bàn luận về vấn đề thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình.
– Luận đề: Hãy suy nghĩ về nhận định: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”.
– Luận đề: Suy nghĩ của bản thân về bản lĩnh con người trong thời đại hiện nay.
– Luận đề: Suy nghĩ về cuộc đời và số phận của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám được phản ánh trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.