cam-nhan-doan-tho-minh-di-co-nho-nhung-ngay

Cảm nhận đoạn thơ “Mình đi có nhớ những ngày…”

Cảm nhận đoạn thơ “Mình đi có nhớ những ngày…”

  • Mở bài:

– Giới thiệu Tố Hữu và bài thơ “Việt Bắc”.

– Giới thiệu đoạn trích.

  • Thân bài:

* Khái quát về bài thơ, đoạn thơ:

– Về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, cảm hứng chung của tác phẩm;

– Vị trí, nội dung đoạn thơ.

* Cảm nhận nội dung, nghệ thuật đoạn thơ:

Mười hai câu hỏi – gợi những kỉ niệm ở Việt Bắc trong những năm tháng đã qua, gợi nhớ những kỉ niệm thời kháng chiến gian khổ nhưng thắm đượm nghĩa tình.

1. Ngươi về miền xuôi có còn nhớ những tháng ngày đấu tranh gian khổ, hi sinh (4 dòng thơ đầu):

– Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

+ Nhớ cảnh thiên nhiên khắc nghiệt: Mưa nguồn suối lũnhững mây cùng mù. Cảnh mưa trắng nguồn, lũ ngập đầy suối, mây mù bao phủ núi rừng…là sự khắc nghiệt của thời tiết, của thiên nhiên Việt Bắc. Mưa, lũ, mây còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những gian khổ, thử thách mà quân và dân ta phải trải qua những năm dài máu lửa.

+ Nhớ nơi chiến khu đầy khó khăn, gian khổ, nhưng sẵn lòng căm thù giặc sâu sắc: Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai. Mình về có nhớ “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”: Tố Hữu đã lấy cái cụ thể là “miếng cơm chấm muối ” để nói lên cái trừu tượng, gian khổ thiếu thốn. “Mối thù nặng vai ” cũng là một hình ảnh cụ thể biểu cảm. Mối thù đối với quân xâm lược đè nặng đôi vai, luôn luôn nhắc nhở nuôi dưỡng ý chí chiến đấu để giải phóng đất nước, giành lại tự do, hòa bình cho nhân dân.

2. Người về miền xuôi có nhớ những người ở lại (4 dòng thơ giữa):

Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

+ Những câu hỏi gợi cảm giác cô đơn lòng người ở lại  khi chia tay. Rừng núi là hình ảnh hoán dụ, chỉ người Việt Bắc. “Ai” là từ phiếm chỉ, đặt trong văn cảnh, ai là người cán bộ. Đây là câu hỏi tu từ.“Rừng núi, trám bùi, măng mai” được nhân hóa cùng với hình ảnh “trám rụng – măng già không ai thu hái gợi nhiều bơ vơ, man mác buồn thương. Tác giả mượn cái thừa để nói cái thiếu vắng nhằm biểu đạt kín đáo, sâu sắc cái tình của Việt Bắc với cách mạng, với cán bộ về xuôi  làm cho nỗi nhớ như thắt vào lòng kẻ ở lại. Trám bùi, măng mai là nguồn lương thực vô tận của núi rừng Việt Bắc, từng làm thức ăn lót dạ thay ngô, sắn, cơm để nuôi bộ đội đánh giặc trong những năm kháng chiến gian khổ. Hương vị núi rừng ấy tượng trưng cho mối tình Việt Bắc sâu nặng, ân nghĩa.

+ Vẫn tiếp tục là những câu hỏi tu từ gợi nhớ, người Việt Bắc hỏi người cán bộ: khi về xuôi rồi thì có nhớ những nhà ở Việt Bắc trong cảnh hắt hiu lau xám nhưng lại đậm đà lòng son không? Hai câu thơ có hình ảnh tượng trưng và tương phản đặc sắc. Những nhà là tất cả các đồng bào dân tộc Việt Bắc. Hắt hiu lau xám là cảnh hoang vu, hoang vắng của núi rừng, biểu tượng cho sự nghèo đói, thiếu thốn vật chất. Tương phản với hắt hiu lau xám là đậm đà lòng son, một hình ảnh ẩn dụ rất đẹp ca ngợi tấm lòng son sắt, thuỷ chung.

3. Người về miền xuôi có nhớ nhiệm vụ của mình (4 câu thơ cuối).

Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

+ Câu hỏi thứ nhất, người Việt Bắc hỏi người cán bộ khi về xuôi rồi còn nhớ tới “núi non” ở Việt Bắc không? Có nhớ thời kháng Nhật, lúc Việt Minh còn hoạt động ở Việt Bắc hay không? Câu thơ có liệt kê hình ảnh và sự kiện để nhắc người cán bộ về xuôi rằng: Việt Bắc là nơi có mặt trận Việt Minh lãnh đạo cuộc cách mạng đánh Pháp đuổi Nhật. Việt Bắc là căn cứ quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc thời kì trước 1945.

+ Câu hỏi thứ hai, người Việt Bắc hỏi người cán bộ “Mình đi, mình có nhớ mình” hay không, có nhớ cây đa Tân Trào, mái đình Hồng Thái hay không? Cách hỏi ở câu lục có thể hiểu từ “mình ” thứ nhất và thứ hai là chỉ người cán bộ về xuôi, từ “mình” thứ ba chỉ người Việt Bắc. Giữa người Việt Bắc và cán bộ như đã có sự gắn bó mật thiết, hòa nhập, tuy hai nhưng đã thành một. Trong câu hỏi, người Việt Bắc còn kể tên hai địa danh Tân Trào và Hồng Thái, hai địa danh gắn bó với hai sự kiện quan trọng trước Cách mạng tháng Tám để khẳng định: Việt Bắc chính là cái nôi của cách mạng, là cội nguồn cách mạng.

3. Đặc sắc nghệ thuật.

+ Nỗi nhớ được thể hiện bằng những dòng thơ lục bát đậm chất dân gian, những cặp câu thơ lục bát có sự phối hợp thanh điệu hài hòa. Sáu dòng lục bát tạo thành một điệp khúc âm thanh: nó đan dày thành những cấu trúc thanh bằng – trắc – bằng tạo ra nhạc điệu ngân nga trầm bổng nhẹ nhàng, khoan thai.

+ Hầu hết các câu thơ ngắt theo nhịp 4/4 làm nên những tiểu đối cân xứng, hô ứng về câu trúc, nhạc điệu: Mưa nguồn suối lũnhững mây cùng mùMiếng cơm chấm muốimối thù nặng vaiTrám bùi để rụngmăng mai để già… Có những cặp tiểu đối khắc ghi những sự kiện, có những cặp tiểu đối vế đầu nói về hiện thực gian khổ, vế còn lại khắc sâu vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Bắc son sắt thủy chung. Người đọc như gặp lại hồn xưa dân tộc trong những trang thơ lục bát của Tố Hữu.

+ Câu thơ: Mình đi mình lại nhớ mình: “nhớ mình” – tức là nhớ người ở lại nhưng cũng như là nhắc nhở chính mình hãy nhớ về quá khứ gian khổ nhưng thấm đẫm nghĩa tình.

+ Đại từ “mình ”: “mình ” và “ta ” hòa quyện, gắn bó.

  • Ban đầu, chữ “mình ” được dùng với nghĩa để chỉ người ra đi (sáu câu đầu), còn hình ảnh người ở lại được biểu thị bằng những hình ảnh ẩn dụ: “mưa nguồn suối lũ”, “miếng cơm chấm muối”…
  • Đến cuối đoạn thơ, cả hai đối tượng đã hòa chung với nhau vào một chữ “mình” thân thương, giản dị nhưng lại chứa đựng cả một tình cảm nồng nàn tha thiết: “mình đi mình có nhớ mình ”.

+ Hai chữ “đi – về”:

  • Ý nghĩa cụ thể chỉ sự “đi – về ” cụ thể theo phương hướng ngược chiều;
  • Nghĩa bóng mình sẽ có ngày trở về, người cán bộ kháng chiến hôm nay về xuôi, chắc chắn cũng sẽ có ngày trở lại với Việt Bắc và Việt Bắc lúc nào cũng một lòng một dạ chờ đón sự trở về của những người kháng chiến thân yêu cũ, những người được gọi là “mình đi ” trong cuộc chia tay hôm nay.

4. Chất trữ tình chính trị của đoạn thơ.

– Biểu hiện: Đoạn thơ đậm chất trữ tình chính trị: hồn thơ Tố Hữu luôn hướng đến cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn và niềm vui lớn với nhân dân Việt Bắc, cách mạng và kháng chiến. Chất chính trị được biểu hiện qua 15 năm gắn bó cùng nhau chiến đấu gian khổ hi sinh. Tác giả đã đưa ra những địa danh như “Tân trào” , “Hồng Thái”, khẳng định Việt Bắc là cái nôi của cách mạng. Chất trữ tình thể hiện ở những câu hỏi dồn dập của người ở lại với người đi, thực chất là gợi nhớ và nhắc nhở đừng quên tháng năm chiến khu Việt Bắc có thiên nhiên khắc nghiệt, có cuộc sống gian khổ mà vẫn sâu nặng nghĩa tình thuỷ chung cách mạng. Những vấn đề chính trị trong đoạn thơ đã được chuyển hoá thành vấn đề tình cảm, cảm xúc rất mực tự nhiên, chân thành với mọi người qua giọng thơ ngọt ngào, nhịp thơ như nhịp võng đưa trong hát ru êm ái, du dương, nhẹ nhàng, tha thiết; hình ảnh thơ đậm chất dân tộc, gắn bó với thiên nhiên và con người Việt Bắc.

Ý nghĩa: Chất chất trữ tình chính trị của đoạn thơ đã làm nổi bật phong cách thơ độc đáo của Tố Hữu; thể hiện sâu sắc cảm hứng chủ đạo của cả bài thơ, đó là nỗi nhớ thương lưu luyến trong giờ phút chia tay, là nghĩa tình thắm thiết với Việt Bắc, quê hương cách mạng, với đất nước và nhân dân, với cuộc kháng chiến nay đã trở thành kỉ niệm khiến niềm vui trong hiện tại luôn gắn kết với nghĩa tình trong quá khứ và niềm tin ở tương lai.

  • Kết bài:

Kết luận về nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp của đoạn thơ trong bài thơ Việt Bắc;

– Nêu cảm nghĩ về lòng biết ơn, tấm lòng thuỷ chung cách mạng.

Bài văn tham khảo:

Ra đời vào tháng 10 năm 1954 khi Tố Hữu chứng kiến cuộc chia tay lịch sử của nhân nhân Việt Bắc với người cán bộ cách mạng về xuôi. Bài thơ ghi lại tâm tình của người đi – người cán bộ cách mạng, người ở lại – nhân dân Việt Bắc để bày tỏ tấm lòng của mình với cách mạng và nhân dân. Nghĩa tình cao đẹp ấy được chuyển tải bằng lối thơ đậm đà tính dân tộc. Đây là một yếu tố thể hiện sự gắn bó giữa tác phẩm văn học, bản sắc văn hóa và giá trị tinh thần của dân tộc. Tính dân tộc được thể hiện trên hai phương diện: nội dung và nghệ thuật, về nội dung, tác phẩm mang tính dân tộc khi phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên của con người mang màu sắc dân tộc và ca ngợi phẩm chất cao đẹp cùa dân tộc, về hình thức, tác phấm mang tính dân tộc khi kết tinh vẻ đẹp nghệ thuật từ thể thơ đến giọng điệu, hình ảnh và ngôn từ. Mười hai dòng thơ lời người ở lại thể hiện rõ vẻ đẹp của tính dân tộc.

Đoạn trích tuy chỉ mười hai dòng thơ nhưng mang nội dung đậm đà tính dân tộc. Đó là lời nhắc nhở về những kỉ niệm kháng chiến ân tình suốt mười lăm năm gắn bó. Vì thế trong lời nhắn nhủ về nỗi nhớ ta nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên con người mang đậm màu sắc dân tộc:

Minh đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù.

Hình ảnh quen thuộc của bức tranh thiên nhiên Việt Bắc hiện lên một cách chân thật với “mưa nguồn suối lũ”, “mây cùng mù”, một thiên nhiên khắc nghiệt tiềm ẩn bao nguy hiểm. Đó cũng chính là môi trường kháng chiến gian khổ nhiều khó khăn thử thách mà quân và dân ta đã gắn bó trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Không những thiên nhiên khắc nghiệt mà cuộc sống ở đây lại càng thiếu thốn hơn:

Minh về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Hình ảnh thơ xúc động được diễn đạt theo hình thức tiểu đối nhấn mạnh về hồi ức về những ngày “miếng cơm chẩm muối”. Nhưng trong gian khổ thừ thách, người đi kẻ ở, cách mạng với nhân dân cùng đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi. Họ đoàn kết sánh vai nhau vì mục đích lí tường chung: “moi thù nặng vai”.

Bên cạnh hình ảnh thiên nhiên, hình ảnh con người cũng hiện lên cụ thể và bình dị:

Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.

Một lời nhắn nhủ kín đáo mà ẩn chứa bao nhiêu tâm sự. Đó là một nỗi nhớ da diết, bâng khuâng khi gợi nhớ đến “trám bùi”, “măng mai”- những sản phẩm của núi rừng một thời là nguồn lương thực nuôi cách mạng trong những ngày gian khó thể hiện một khát khao, một tình cảm lớn lao của con người Việt Bắc với cán bộ cách mạng về xuôi. Đó chính là biểu hiện của tính dân tộc:

Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son.

Khung cảnh Việt Bắc hoang vu, vắng lặng và cuộc sống nghèo nàn “hắt hiu lau xám” nhưng con người luôn có một lòng thủy chung sâu sắc. Họ là những con người bình dị, thầm lặng hi sinh và cống hiến cho cách mạng. Chính họ là những người luôn gắn bó với cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến: Mình về, cồn nhớ núi non/ Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh. Đây là kỉ niệm sâu sắc về thời kì gian khó khi Việt Bắc trở thành cái nôi của cách mạng là căn cứ địa quan trọng của Việt Minh. Điều đó càng cho thấy vẻ đẹp phẩm chất dân tộc của người ờ lại – người dân Việt Bắc.

Cuối cùng, ta cảm nhận được hình ảnh của dân tộc hòa cùng khát khao thủy chung, mười lăm năm gắn bó với Việt Bắc đã trở thành một phần máu xương của mỗi người qua câu thơ: Mình đi, mình có nhớ mình Tân Trào, Hồng Thải, mái đình cây đa? Mười hai dòng thơ là lời nhắn nhủ ân tình thủy chung của người ở lại thể hiện một khát khao, một hi vọng được gắn bó với người ra đi.

Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu không chỉ được thể hiện qua nội dung mà còn được thể hiện đậm nét qua cả hình thức với việc sử dụng thể thơ lục bát với nhịp điệu nhẹ nhàng sâu lắng. Hơn thế nữa lối đối đáp giao duyên của dân gian cách xưng hô “mình” – “ta” ngọt ngào tình tứ trong ca dao, dân gian. Tuy nhiên, không giống như trong ca dao, dân ca truyền thống cách xưng hô “mình – ta” để chỉ tình yêu đôi lứa, trong thơ Tố Hữu “mình – ta” là để chỉ tình quân dân thắm thiết, tình yêu của người cán bộ với nhân dân Việt Bắc, “ta” với “mình” hòa làm một.

Ngoài ra, tính dân tộc còn được thể hiện qua hình ành dân gian quen thuộc “miếng cơm chấm muối”, “hắt hiu lau xám” cùng lối nói vòng vo ẩn ý kín đáo của dân gian: Mình đi mình có nhớ mình là một lời nhắc nhở mười lăm năm kháng chiến gắn bó thủy chung son sắt ta với mình tuy hai mà một người đi phải ghi nhớ quãng thời gian đẹp đẽ đó. Bên cạnh đó, cách ngắt nhịp thơ 4/4 nhẹ nhàng, da diết như một lời ru mang đậm phong vị của dân gian và hơi thở của dân tộc. Tính dân tộc thể hiện ngay trong chính đề tài sử thi là cuộc kháng chiến hơn mười lăm năm chống Pháp oanh liệt, cùng chủ đề tư tưởng ca ngợi vẻ đẹp đạo lí của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” giàu tình yêu Tổ quốc, con người.

Mười hai dòng thơ là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng sâu lắng của người ở lại với người cán bộ về xuôi. Qua đoạn thơ, người đọc càng thây rõ hơn biệt tài của Tố Hữu – nhà thơ của trữ tình chính trị, khi đã sáng tạo nên Việt Bắc như một khúc tình ca, một bản hùng ca bất diệt mang đậm tính dân tộc trong tùng hơi thở của thời đại. Với tôi, là một người con của dân tộc được sinh ra và lớn lên trong thời bình, không phải chứng kiến bom đạn của chiến tranh, bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu đã giúp tôi thêm yêu đất nước này, càng quý trọng tình cảm của những người xung quanh, trân trọng, biết ơn những điều tốt đẹp mà cuộc đời đem lại vì theo như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang