Cách viết đoạn văn trình bày cảm nghĩ về một đoạn thơ, bài thơ

cach-viet-doan-van-cam-nghi-ve-mot-doan-tho-bai-tho

Cách viết đoạn văn trình bày cảm nghĩ về một đoạn thơ, bài thơ.

Yêu cầu của đoạn văn cảm nghĩ về một bài thơ, đoạn thơ:

– Giới thiệu được tác giả, tác phẩm và nội dung khái quát của đoạn thơ, bài thơ.

– Trình bày được ý nghĩa nội dung và các biện pháp nghệ thuật đặc sắc của đoạn thơ, bài thơ.

– Có trích dẫn từ ngữ, chi tiết, hình ảnh của đoạn thơ,. bài thơ vào trong bài viết.

– Bày tỏ suy nghĩ, đánh giá, cảm nghĩ về giá trị của bài thơ, đoạn thơ.

Cấu trúc đoạn văn.

– Mở đoạn: Giới thiệu nhan đề, tác giả và cảm nghĩ chung của người viết về bài thơ bằng một câu (câu chủ đề).

– Thân đoạn:

+ Trình bày cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa nội dung được biểu hiện qua hình ảnh, chi tiết, từ ngữ, câu thơ, khổ thơ…

+ Phát hiện và nhận xét, đánh giá về đặc sắc nghệ thuật của bài thơ: cách sử dụng từ ngữ, xây dựng hình ảnh, chi tiết, sử dụng biện pháp tu từ, thể thơ, nhịp thơ….

* Chú ý: Cần làm rõ cảm xúc, suy nghĩ bằng những chi tiết, hình ảnh, từ ngữ được trích từ bài thơ.

– Kết đoạn: Khẳng định lại cảm nghĩ về bài thơ và ý nghĩa của nó đối với người viết.

Ví dụ minh họa.

Đề bài 1. Cảm nghĩ về bài thơ “Quê hương” của Đỗ Trung Quân:

Quê hương

(Đỗ Trung Quân)

Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy hãy yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè.

Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Tiếng ếch râm ran bờ ruộng
Con nằm nghe giữa mưa đêm

 

Quê hương là bàn tay mẹ
Dịu dàng hái lá mồng tơi
Bát canh ngọt ngào tỏa khói
Sau chiều tan học mưa rơi

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người đều có
Vừa khi mở mắt chào đời
Quê hương là dòng sữa mẹ
Thơm thơm giọt xuống bên nôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.

 

 

 

 

 

Bài làm:

Bài thơ ”Quê hương” của Đỗ Trung Quân đã khắc họa nên bức tranh thôn quê bình yên, mộc mạc gắn liền với bao tuổi thơ của con người, đồng thời thể hiện sâu sắc tình yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ và vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên, gần gũi của con người thôn quê. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp lặp từ ngữ, lặp cấu trúc ngữ pháp câu, biện pháp liệt kê, cấu trúc thơ vắt dòng rất đặc sắc. Khung cảnh làng quê trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam hiện lên thân thương, giản dị mà xúc động lòng người. Những cặp câu thơ dần hiện lên như những thước phim quay chậm, cảnh vật có gần có xa, có mờ có tỏ, có lớn có nhỏ. Nhịp thơ đều đặn, nhịp nhàng, gần như cả bài thơ chỉ có một nhịp 2/4. Cả ba khổ thơ với những câu thơ cùng một nhịp, kết cấu giống nhau nhưng vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát vô cùng. Phải chăng, vẻ đẹp của những hình ảnh thơ đã làm cho người đọc quên đi hình thức bên ngoài của ngôn ngữ ? Nhà thơ đã biến cái không thể thành cái có thể, và được độc giả nồng nhiệt đón nhận bằng một sự đồng cảm rất tự nhiên. Quê hương là một khái niệm trừu tượng, nhà thơ đã cụ thể hoá nó bằng những hình ảnh sống động. Quê hương không thể tương đương với chùm khế ngọt, đường đi học rợp bướm vàng bay, con diều biếc thả trên cánh đồng, con đò nhỏ khua nước ven sông, cầu tre nhỏ, nón lá nghiêng che, đêm trăng tỏ, hoa cau rụng trắng ngoài hè… nhưng tất cả những điều đó lại làm nên một hình ảnh quê hương đẹp đẽ, lung linh, trọn vẹn và thiêng liêng. Bài thơ kết thúc bằng một hình ảnh so sánh mang ý nghĩa sâu sắc. Quê hương được so sánh với mẹ vì đó là nơi ta được sinh ra, được nuôi dưỡng lớn khôn, giống như người mẹ đã sinh thành nuôi ta khôn lớn trưởng thành. Vì vậy, nếu ai không yêu quê hương, không nhớ quê hương mình thì không trở thành một người tốt được. Lời thơ nhắc nhở mỗi chúng ta hãy luôn sống và làm việc có ích, hãy biết yêu quê hương xứ sở, vì quê hương là mẹ và mẹ chính là quê hương, vì “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn” (Chế Lan Viên)

Đề bài 2. Cảm nghĩ về đoạn thơ sau:

“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay.”

(Quê hương – Đỗ Trung Quân)

Quê hương với mỗi người thật giản dị, thân thương. Yêu quê là yêu con đường đến trường, yêu những mái nhà tranh, yêu cánh đồng lúa chín… Nhà văn Ê-ren-bua đã từng nói: suối chảy vào sông, sông chảy ra biển, tình yêu tổ quốc bắt nguồn từ lòng yêu với những thứ thân thuộc quanh mình. Tình yêu đất nước bao giờ cũng bắt nguồn từ tình yêu quê chân thành, giản dị như thế. Có những so sánh hình ảnh quê hương thật gần gũi. Nhà thơ Đỗ Trung Quân chắc hẳn yêu quê lắm mới có những hình ảnh so sánh đẹp và dễ đi vào lòng người đến thế. Đọc câu thơ nhiều người ngỡ ngàng khi nhận ra, quê hương sao gần quá. Nó ở trong tuổi thơ, trong câu chuyên bà kể, trong lời hát mẹ ru, trong trái cây dịu mát. Quê hương là chùm khế ngọt, quê hương là con đường đi học. Còn gì gần gũi hơn thế với mỗi người dân đất Việt. Quê hương là vô hình, khó định nghĩa và khó có thể gợi ra được cụ thể, rõ ràng. Thế nhưng nhà thơ đã đưa ra cho ta một định nghĩa thật giản dị, biến cái vô hình thành hữu hình. Quê hương có thể nhìn thấy, có thể cầm nắm, có thể thưởng thức được mỗi ngày. Với chùm khế ngọt con người cảm nhận quê hương đầy đủ nhất bằng mọi giác quan. Tuổi thơ ai cũng trải qua những năm tháng tới trường. Con đường đi học đã trở thành người bạn tri kỉ. Hình ảnh “rợp bướm vàng bay” gợi nên cho ta những gì thân thương và trong sáng nhất của tuổi học trò. Quê hương là thế đó. Nhắm mắt lại ta như thấy quê hương đã ở đó rồi, ở ngay bên trong trái tim mỗi con người.

Đề bài 3: Viết đoạn văn trình bày cảm nghĩ về đoạn thơ sau:

Bàn tay mẹ chắn mưa sa
Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng.

Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
À ơi này cái trăng tròn
À ơi này cái trăng còn nằm nôi…

Bàn tay mẹ thức một đời
À ơi này cái mặt trời bé con…
Mai sau bể cạn non mòn
À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

(À ơi tay mẹ – Trần Đăng Khoa)

Bài làm:

Đoạn thơ trích trong bài “À ơi tay mẹ” của Nguyễn Đăng Khoa khắc họa nỗi vất vả, gian lao của mẹ qua hình ảnh đôi bàn tay vừa rắn rỏi, mạnh mẽ vừa dịu dàng, yêu thương. Đôi bàn tay cần mẫn ấy đã bao lần “chắn mưa sa”, “chặn bão qua mùa màng”, che chở cho con được yên bình. Vì con, mẹ luôn kiên cường trước sóng gió, chịu biết bao khổ nhọc. Vì con, mẹ hi sinh tất cả chỉ để con lớn lên từng ngày trong hạnh phúc. Cũng đôi bàn tay ấy, mẹ dịu dàng đưa nôi, hát những lời ru ngọt ngào, êm ái đưa con vào giấc ngủ ngon. Lời ru của mẹ êm êm như ánh trăng soi trên cánh đồng, như dòng nước chảy qua khe đá, như gió thổi đầu cành. Con là vầng trăng dịu hiền của mẹ. Con là mặt trời ấm áp của mẹ. Con là ánh sáng rực rỡ, là niềm tin và hi vọng mà mẹ từng ngày dưỡng nuôi. Vì con, mẹ đã thức cả một cuộc đời. Mai sau, khi con lớn khôn, dù con có đi đâu, về đâu, tình mẹ vẫn theo con suốt cuộc đời. Hai tiếng “à ơi” dìu dặt, kết hợp với thể thơ lục bát nhịp nhàng đã tạo cho bài thơ một giai điệu ngọt ngào như tiếng mẹ ru, đánh thức trong tâm hồn ta những kỷ niệm ấu thơ. Hình ảnh “bàn tay mẹ” lặp lại năm lần kết hợp với biện pháp hoán dụ khắc họa đậm nét hình ảnh người mẹ tảo tần, giàu đức hi sinh. Cảm ơn nhà thơ đã giúp tôi thấm thía tình yêu thương vô hạn, đức hi sinh cao cả của mẹ dành cho con.

Đề bài 4: Cảm nhận tình yêu quê hương qua bài thơ Quê hương của Tế Hanh:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

(Quê hương – Tế Hanh)

Bài làm:

Bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh đã khắc họa khắc họa một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển, nổi bật là vẻ đẹp khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân làng chài. Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu về quê hương là một làng nghề đánh cá, nằm gần biển. Cách giới thiệu hết sức ngắn gọn, dễ hiểu. Hình ảnh con người hiện lên trong lao động: “bơi thuyền đi đánh cá”, mở đầu cho không khí ra khơi đầy tin tưởng. Khổ thơ hai khắc họa đậm nét hình ảnh con thuyền băng băng vượt sóng ra khơi. Khí thế ra khơi của con thuyền được so sánh như “con tuấn mã”. Những mái chèo khỏe khoắn đưa con thuyền mạnh mẽ “vượt trường giang” hướng đến biển khơi. Cánh buồm căng gió lồng lộng đưa con thuyền vút lên phía trước. Hình ảnh con thuyền cũng chính là niềm tin chiến thắng của người dẫn chài mỗi chuyến ra khơi. Đến khổ thơ ba, tác giả miêu tả cảnh con thuyền trở về trong không khí đón mừng, hớn hở. Những con thuyền đầy ắp cá tôm, khẳng định một chuyến ra khỏi thắng lợi. Sau chuyến đi xa, con thuyền lại trở về bến nằm nghỉ ngơi, gạt bỏ tất cả những gian nguy và ồn ào của biển cả. Những chàng trai của biển cũng thâu gọn mọi thứ lên bờ, kết thúc một chuyến ra khơi. Khổ thơ cuối là niềm tưởng nhớ của nhà thơ về quê hương làng chài bình dị. Hình ảnh con thuyền vượt sóng, màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồn vôi và khung cảnh lao động mãi mãi động lại trong kí ức, trở thành niềm nhớ nhung quê hương tha thiết. Bằng cảm xúc chân thành và cảm động, Tế Hanh đã khắc họa thành công hình ảnh quê hương làng chài thân thuộc, êm đềm, bình dị. Cảm ơn nhà thơ đã đánh thức trong tôi những nỗi nhớ về quê hương, giúp tôi nhận ra quê hương là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người như Đỗ Trưng Quân đã từng viết: “Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nỗi thành người”.

Đề bài 5: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về bài thơ “Mây và sóng” của tác giả Ta-go

Bài làm:

Tình mẫu tử luôn là tình cảm thiêng liêng và cao cả nhất trong trái tim mỗi người. Ta-go, một nhà thơ nổi tiếng của Ấn Độ, ông đã thể hiện tình cao quý ấy qua lăng kính của một cậu bé trong những câu chuyện kể về mẹ. Trong câu chuyện mây rủ đi chơi xa, cậu bé khao khát được bay lên ngắm bình minh và vầng trăng trên trời cao. Nhưng khi nhận câu trả lời:”hãy đến tận cùng của trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”. Cậu đã nghĩ đến mẹ và nhận ra rằng không thể rời xa mẹ để theo đuổi thú vui của mình. Thay vào đó, là một trò chơi với mẹ “Con là mây và mẹ sẽ là trăng”. Như vậy, thay vì đi xa đến chân trời góc bể, người con đã lựa chọn ở lại bên mẹ và cùng mẹ khám phá về thiên nhiên trong mái nhà ấm áp hư trời cao xanh thẳm. Chỉ cần có mẹ, nơi ấy con có niềm vui và hạnh phúc. Và rồi đứng trước biển cả rộng lớn, cậu muốn là con sóng, đi xa bờ và khám phá đại dương bao la. Nhưng cậu chợt nhận ra “buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà”. Đó không chỉ là tình yêu tha thiết dành cho đáng sinh thành, đó còn là trách nhiệm của cậu bé khi nhớ tới lời dặn của mẹ. Dù trong hoàn cảnh nào, em cũng luôn mong mẹ sẽ là vầng trăng dịu mát hay bến bờ để con có thể trở về trong vòng tay ấm áp, yêu thương. Và để con có thể thủ thỉ mọi điều hay chỉ là những câu chuyện nhỏ, để được mẹ lắng nghe và sẻ chia tất cả. Hạnh phúc đôi khi bắt đầu từ những gì giản dị, gần gũi và thân thương đến thế. Nhà văn cũng muốn nhắn nhủ tới người đọc một chân lí không thể thay đổi đó là không có thứ gì có thể thay đổi được tình mẫu tử, đó là tình cảm thiêng liêng và vĩnh hằng.

Đề bài 6: Viết đoạn văn cảm nhận bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh.

Bài làm:

Bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh đã gợi nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm gia đình, quê hương đã làm sâu sắc thêm tình yêu đất nước. Bao trùm bài thơ là nỗi nhớ cồn cào, da diết. Nhớ nhà, đó là tâm trạng tất yếu của những người lính trẻ vừa bước qua hoặc chưa bước qua hết tuổi học trò đã phải buông cây bút, cầm cây súng ra đi đánh giặc cứu nước. Nỗi nhớ ở đây thật giản dị và cụ thể. Chỉ một tiếng gà trưa bất chợt nghe thấy khi dừng chân bên xóm nhỏ là đã gợi dậy cả một trời thương nhớ. Tiếng gà nhảy ổ làm xao động nắng trưa và cũng làm xao xuyến hồn người. Nghe tiếng gà mà như nghe thấy tiếng quê hương an ủi, vỗ về và tiếp thêm sức mạnh. Điệp từ “nghe” được nhắc lại ba lần, mở đầu ba câu thơ liên tiếp thể hiện sự rung cảm cao độ trong tâm hồn chiến sĩ: “Tiếng gà ai nhảy ổ . Cục… cục tác cục ta”.  Quê nhà hiện lên rõ nét trong tâm tưởng và những kỉ niệm tuổi thơ lần lượt sống dậy qua những hình ảnh thân thương. Tiếng gà trưa nhắc nhớ đến “Ổ rơm hồng những trứng” của mấy chị mái mơ, mái vàng xinh xắn, mắn đẻ. Tiếng gà trưa khiến người cháu xa nhà nhớ đến người bà kính yêu một đời tần tảo. Thương biết mấy là cảnh đứa cháu tò mò xem gà đẻ, bị bà mắng: “Gà đẻ mà mày nhìn/Rồi sau này lang mặt”. Chẳng hiểu hư thực ra sao nhưng cháu tin thật: “Cháu về lấy gương soi/Lòng dại thơ lo lắng”. Giờ đây, đứa cháu đã trưởng thành ao ước trở về thời bé bỏng để lại được nghe tiếng mắng yêu của bà, được thấy bóng dáng quen thuộc của bà khum tay soi trứng, chắt chiu từng mầm hy vọng sẽ có được một đàn gà con đông đúc. Suốt một đời lam lũ, lo toan, bà chẳng bao giờ nghĩ đến bản thân mà chỉ lo cho cháu, bởi đứa cháu đối với bà là tất cả. Bà thầm mong đàn gà thoát khỏi nạn dịch mỗi khi mùa đông tới: “Để cuối năm bán gà/Cháu được quần áo mới”. Ao ước của đứa cháu có được cái quần chéo go, cái áo cánh chúc bâu còn nguyên vẹn lần hồ sột soạt và thơm mùi vải mới được nhân lên gấp bội trong lòng bà yêu cháu. Hạnh phúc gia đình giản dị, đầm ấm mà rất đỗi thiêng liêng cùng bao khát vọng tuổi thơ dường như gói gọn cả trong tiếng gà trưa. Thông qua nỗi nhớ được khơi dậy từ tiếng gà trưa, nhà thơ Xuân Quỳnh đã miêu tả tâm hồn trong sáng, hồn nhiên và tình cảm yêu mến, kính trọng bà của một em bé nông thôn. Tình bà cháu thắm thiết đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người chiến sĩ hôm nay đang trên đường hành quân chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Khổ thơ cuối cùng là lời tâm sự chân thành của đứa cháu chiến sĩ trên đường ra tiền tuyến gửi về người bà kính yêu ở hậu phương. Từ tình cảm cụ thể là tình bà cháu đến tình cảm lớn lao như lòng yêu Tổ quốc, yêu xóm làng thân thuộc đều được biểu hiện bằng hình thức nghệ thuật giản dị, mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngày; ấy vậy mà nó lại gây xúc động sâu xa bởi nhà thơ đã nói giúp chúng ta những điều thiêng liêng nhất của tâm hồn. Bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh, một lần nữa chúng ta nhận thấy rằng nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua thật sáng suốt khi đúc kết nên chân lý: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.

Bảng kiểm kĩ năng viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một đoạn thơ/bài thơ:

Tiêu chí Đạt Chưa đạt
Mở đoạn: Mở đoạn bằng chữ viết hoa lùi vào đầu dòng.
Dùng ngôi thứ nhất để trình bày cảm xúc về bài thơ.
Có câu chủ đề nêu tên bài thơ, tên tác giả và khái quát về bài thơ.
Thân đoạn: Trình bày cảm xúc, suy nghĩ về bài thơ theo trình tự hợp lí.
Làm rõ cảm xúc, suy nghĩ bằng những hình ảnh, từ ngữ được trích từ bài thơ.
Dùng các từ ngữ để liên kết các câu.
Kết đoạn: Khẳng định lại cảm nghĩ và ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân.
Dùng dấu câu để kết thúc đoạn văn.
Diễn đạt: Sử dụng một vài phép liên kết phù hợp.
Viết đúng chính tả, ngữ pháp.
Dùng từ phù hợp.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.