Tri thức Ngữ văn bài 3 (Ngữ văn 11, Chân trời sáng tạo)
1. Truyện thơ dân gian.
– Truyện thơ dân gian là một thể loại văn học dân gian, sáng tác dưới hình thức văn vần, thường xoay quanh đề tài tình yêu, hôn nhân; kết hợp tự sự với trữ tình, rất gần gũi với ca dao, dân ca; phát triển nhiều ở các dân tộc miền núi. Ví dụ: Tiễn dặn người yêu (dân tộc Thái), Nàng con côi, Út Lót – Hồ Liêu (dân tộc Mường), Kim Quế (dân tộc Tày – Nùng)…
– Cốt truyện trong truyện thơ dân gian: Cốt truyện đơn giản, thường xoay quanh số phận của một vài nhân vật chính; có thể sử dụng yếu tố kì ảo (ví dụ: Nàng con côi, Kim Quế…) hoặc không sử dụng (ví dụ: Tiễn dặn người yêu).
– Nhân vật chính trong truyện thơ dân gian thường là những con người có số phận ngang trái, bất hạnh trong cuộc sống, tình yêu như nhân vật chàng trai, cô gái (“anh”, “em”) trong Tiễn dặn người yêu (Xống chu xon xao) hoặc chàng Hồ Liêu, nàng Út Lót trong Út Lót – Hồ Liêu.
– Ngôn ngữ trong truyện thơ dân gian là ngôn ngữ truyền khẩu, giàu chất trữ tình và mang âm hưởng của các làn điệu dân ca Việt Nam.
2. Truyện thơ Nôm (hay truyện Nôm)
– Truyện thơ Nôm (hay truyện Nôm) là một thể loại văn học độc đáo của văn học Việt Nam, sáng tác dưới hình thức văn vần (lục bát hoặc song thất lục bát), có cốt truyện, phát triển mạnh vào cuối thế kỉ XVIII và thế kỉ XIX; dùng thơ tiếng Việt viết bằng chữ Nôm (thường là thơ lục bát) để kể chuyện (trần thuật), có khả năng phản ánh về hiện thực xã hội và con người với một phạm vi tương đối rộng. Truyện thơ Nôm thường chia làm hai loại:
+ Truyện thơ Nôm bình dân do các tác giả trong giới bình dân (thường là khuyết danh) sáng tác, chủ yếu lưu hành trong dân gian, nội dung phản ánh cuộc sống và khát vọng của người dân tầng lớp dưới, ngôn ngữ giản dị gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân. Ví dụ: Thạch Sanh, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa…
+ Truyện thơ Nôm bác học do các tác giả là trí thức Nho học (thường có tên tuổi, lai lịch rõ ràng) sáng tác, lưu hành rộng rãi nhưng chủ yếu vẫn trong giới trí thức tinh hoa, có nội dung phản ánh số phận và nhu cầu của giới trí thức, có chất lượng nghệ thuật cao. Ví dụ: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Mai đình mộng kí (Nguyễn Huy Hổ), Sơ kính tân trang (Phạm Thái)…
– Cốt truyện trong truyện thơ Nôm: Truyện thơ Nôm có thể sử dụng cốt truyện dân gian, cốt truyện trong văn học viết Trung Quốc hoặc cốt truyện lấy từ chính cuộc đời tác giả và thực tiễn đời sống. Cốt truyện trong truyện thơ Nôm thường được chia làm hai nhóm, thể hiện qua các mô hình sau:
1. Mô hình Gặp gỡ (Hội ngộ) – Tai biến (Lưu lạc) – Đoàn tụ (Đoàn viên):
Gặp gỡ (Hội ngộ) → Tai biến (Lưu Lạc) → Đoàn tụ (Đoàn viên)
Một số truyện tiêu biểu cho mô hình này: Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Truyện Kiều…
2. Mô hình Nhân – Quả:
Một số truyện tiêu biểu cho mô hình này: Thạch Sanh, Quan âm Thị Kính…
+ Nhân vật trong truyện thơ Nôm thường được chia thành hai tuyến rõ ràng: nhân vật chính diện (đại diện cho cái tốt, cái đẹp, cái tiến bộ) và nhân vật phản diện (đại diện cho cái xấu, cái ác, cái bảo thủ). Nhân vật trong truyện thơ Nôm thường được xây dựng theo khuôn mẫu như: chàng trai tài giỏi (tài tử), chung tình, hiếu học, trải qua nhiều khó khăn về sau thành đạt; cô gái xinh đẹp (giai nhân), nết na, đảm đang, hiếu thảo, luôn sắt son chung thuỷ…
+ Ngôn ngữ trong truyện thơ Nôm: Truyện thơ Nôm được viết bằng chữ Nôm, có sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình. Truyện thơ Nôm bình dân có ngôn ngữ gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày, còn truyện thơ Nôm bác học sử dụng nhiều biện pháp tu từ và nhiều điển tích, điển cố. Có nhiều tác phẩm đạt tới trình độ điêu luyện.
3. Đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nói.
Ngôn ngữ nói là lời nói sử dụng trong giao tiếp hằng ngày; thể hiện thái độ, phản ứng tức thời của người nói và người nghe. Vì vậy, ngôn ngữ nói thường có những đặc điểm cơ bản sau:
– Đa dạng về ngữ điệu (gấp gáp, chậm rãi; to, nhỏ;…), góp phần thể hiện trực tiếp tình cảm, thái độ của người nói.
– Thường sử dụng khẩu ngữ, từ địa phương, tiếng lóng, trợ từ, thán từ, từ ngữ chêm xen, đưa đẩy…
– Thường sử dụng cả câu tỉnh lược và câu có yếu tố dư thừa, trùng lặp. Câu tỉnh lược thường được dùng để lời nói ngắn gọn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, câu lại chứa nhiều yếu tố dư thừa, trùng lặp (do người nói vừa nghĩ vừa nói, không có điều kiện gọt giũa hoặc do người nói muốn lặp lại để giúp người nghe có thời gian lĩnh hội thấu đáo nội dung giao tiếp).
– Kết hợp với các phương tiện phi ngôn ngữ như: nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ…
Lưu ý:
– Nói và đọc (thành tiếng) một văn bản là khác nhau. Đọc (thành tiếng) bị lệ thuộc vào văn bản viết. Dù vậy, người đọc vẫn có thể tận dụng những ưu thế của ngôn ngữ nói như ngữ điệu, các phương tiện phi ngôn ngữ để làm cho phần đọc diễn cảm hơn.
– Ngôn ngữ nói có thể được ghi lại bằng chữ viết, chẳng hạn như đoạn đối thoại của các nhân vật trong văn bản truyện, cuộc phỏng vấn trong một bài báo…