chi-tiet-nghe-thuat

Đặc điểm, vài trò của chi tiết nghệ thuật

Đặc điểm, vài trò của chi tiết nghệ thuật.

I. Chi tiết nghệ thuật là gì?

Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, chi tiết nghệ thuật là “Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng” và được gọi chung là chi tiết nghệ thuật.

Cũng theo “Từ điển thuật ngữ văn học”: “Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm”.

Chi tiết nghệ thuật gắn với “quan niệm nghệ thuật” về thế giới con người, với truyền thống văn hoá nghệ thuật nhất định”. Những chi tiết được chọn lọc, gửi gắm mọi tư tưởng, tình cảm của nhà văn là sự dồn nén những điều nhà văn muốn nói. Tầm vóc của nhà văn được thể hiện ngay trong chính cách nhà văn lựa chọn và sử dụng chi tiết trong tác phẩm. Một chi tiết nhỏ cũng là kết quả của việc sử dụng, sắp xếp và mô tả của nhà văn gắn với tư duy và sáng tạo nghệ thuật của nhà văn khi hình thành tác phẩm. Nó xuất hiện như thế nào phụ thuộc vào con mắt nhìn, khả năng thấu hiểu đời sống, thấu hiểu con người của nhà văn.

Sách giáo khoa ngữ văn 11 (bộ nâng cao) cho rằng chi tiết nghệ thuật “là những biểu hiện cụ thể, lắm khi nhỏ nhặt, nhưng lại cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của chúng, đồng thời cũng biểu hiện sự quan sát và nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Do đó chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn, thú vị vừa bộc lộ ý nghĩa của chúng”.

Một chi tiết dù nhỏ nhưng đặt trong mạch vận động của tác phẩm vẫn có vai trò riêng của nó:

+ Với nhà văn để thể hiện ý đồ, tư tưởng một cách thuyết phục tạo chiều sâu cho tác phẩm.

+ Với người đọc quá trình đọc tác phẩm là sự giải mã các chi tiết, một chi tiết dù nhỏ cũng có thể mang chứa thông điệp giúp người đọc thâm nhập vào thế giới nghệ thuật tác phẩm, nắm bắt thông điệp của tác giả. Những chi tiết đặc sắc còn tạo hứng thú cho người đọc trong quá trình tiếp nhận tác phẩm.

Như vậy chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thi góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn lôi cuốn người đọc là nhờ chi tiết.

– Chi tiết nghệ thuật được xem như linh hồn của một văn bản nghệ thuật. Muốn hiểu, nắm chắc văn bản, phải hiểu rõ chi tiết nghệ thuật. Khái niệm chi tiết được đặt ra nhằm phân biệt với tổng thể nhưng nó không tách rời tổng thể. Sự hòa hợp giữa chi tiết và tổng thể sẽ tạo thành chỉnh thể. Chi tiết nghệ thuật được xem là thành tố nhỏ nhất trong một chỉnh thể nghệ thuật.

  • Ngoài tính tạo hình, chi tiết nghệ thuật mang bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ, bản chất văn hóa của một cộng đồng.
  • Chi tiết gắn với quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc sống của nhà văn.
  • Chi tiết đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện.

II. Đặc điểm của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự.

– Tính tạo hình của chi tiết nghệ thuật: Hình tượng nghệ thuật cụ thể, gợi cảm, sống động nhờ các chi tiết về môi trường, phong cảnh chân dung, nội thất, cử chỉ, phản ứng nội tâm, hành vi lời nói. Trong tác phẩm tự sự chi tiết có khả năng gợi ra hình ảnh về sự vật, cảnh vật, con người… đặc biệt là vai trò khắc hoạ tính cách nhân vật. Nhà văn sử dụng rất nhiều chi tiết- những nét cụ thế để miêu tả ngoại hình, nội tâm, hành động của nhân vật, cũng như cảnh vật, sự kiện có liên quan đến nhân vật đó. Đan dệt hàng loạt các chi tiết với nhau mới có được một bức tranh bằng ngôn ngữ có thể tạo nên một ấn tượng tương đối xác định về nhân vật.

Ví dụ:

– Chi tiết đồ vật tàn tạ trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam hiện ra chân thực với chiếc chõng tre, cửa hàng tạp hoá “nhỏ xíu”, gánh hàng nước của mẹ con chị Tí, manh chiếu rách, chiếc thau sắt rúm ró, cây đàn bầu cũ kĩ…góp phần làm nên bức tranh phố huyện nghèo nàn héo hắt, tiêu điều mà trong đó cuộc sống của con người cứ lay lắt héo mòn từng ngày.

– Trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, nhân vật Chí Phèo được hiện ra sinh động với các chi tiết về ngoại hình ngôn ngữ và nội tâm:

+ Sự tha hoá của Chí Phèo được khắc hoạ bằng những chi tiết về ngoại hình và ngôn ngữ, hành động của nhân vật.

+ Sự thức tỉnh với chi tiết miêu tả nội tâm của Chí Phèo từ sau khi gặp Thị Nở.

– Không chỉ gợi ra hình ảnh về sự vật, khắc hoạ tính cách nhân vật mà chi tiết nghệ thuật còn có vai trò cá biệt hoá nhân vật. Nhờ những chi tiết đắt giá sắc nét được tạo nên bởi tài năng của nhà văn mà các nhân vật văn học trở thành những gương mặt “quen mà lạ”, “con người này” không hề trộn lẫn mặc dù xuất hiện giữa đám đông cùng loại. Đều là những người nông dân nhưng Chí Phèo khác hẳn với Tràng. Bá Kiến cũng rất khác với Nghị Quế mặc dù đều là điển hình cho bọn cường hào ác bá.

III. Vai trò của chi tiết đối với tác phẩm văn học và thể hiện tài năng của nhà văn.

Chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thì góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn, lôi cuốn người đọc là nhờ chi tiết.

Chi tiết có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm.

Chi tiết nghệ thuật còn gắn với quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người, với truyền thống văn hóa nghệ thuật nhất định. Do đó, “chi tiết nhỏ” có khả năng tạo nên “nhà văn lớn”.

1. Ngoài tính tạo hình, chi tiết nghệ thuật mang bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ, bản chất văn hóa của một cộng đồng.

– Chúng ta đều thấy chỉ qua một vài con chữ trong Truyện Kiều, như chữ “tót” (Ghế trên ngồi tót sỗ sàng), chữ “cò kè” (Cò kè bớt một thêm hai) mà thi hào Nguyễn Du đã lật tẩy cả một chân dung kẻ con buôn, vô học, thô lỗ của nhân vật Mã Giám Sinh, hay một chữ “lẻn” làm lộ ra một tính cách mờ ám, lén lút, tráo trở… của Sở Khanh, hay hai chữ “mặt sắt” đã gọi ra một chân dung tính cách lạnh lùng, hiểm độc, tàn nhẫn của Hồ Tôn Hiến… Các chữ “tót”, “cò kè”, “mặt sắt” được gọi là những chi tiết đắt giá làm nổi lên hồn cốt nhân vật.

– Chi tiết hàm chứa nhiều nét nghĩa, nhiều giá trị được gọi là tín hiệu nghệ thuật. Đã gọi là tín hiệu thì luôn mang một mã, để giải mã thì phải nhờ đến cả một chiều sâu văn hóa. Ví dụ để hiểu bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương phải có vốn văn học dân gian nhất định: Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương mới quệt rồi/ Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá, bạc như vôi. Để cắt nghĩa được văn bản người đọc buộc phải liên tưởng về câu chuyện cổ Trầu cau. Lại phải đặt bài thơ vào quan niệm truyền thống phương Đông trong tình yêu hôn nhân: Cái duyên và màu sắc đỏ… Như vậy nếu dịch bài thơ này sang một ngôn ngữ khác là cực khó, không muốn nói là không thể.

2. Chi tiết gắn với quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc sống của nhà văn.

– Chỉ cần đọc một câu thơ Bố cu lổm ngổm bò trên bụng của “Bà Chúa thơ Nôm” cũng cho thấy cả một cái nhìn coi thường, khinh miệt giới đàn ông trong xã hội phong kiến hà khắc vốn luôn coi phụ nữ chỉ là đồ chơi. Động từ “lổm ngổm” thường để chỉ những con vật loài cua cáy, đặt trong văn cảnh bài thơ nó toát lên một tiếng cười mỉa: Tưởng cái anh đàn ông phải là “Làm trai cho đáng lên trai/ Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên”, nhưng thực ra cũng chỉ là thứ cua cáy mà “bò” trên sự vĩ đại của người phụ nữ… Chi tiết này còn cho thấy một sự nổi loạn, sự đối chọi với cả một ý thức hệ hẹp hòi, ích kỷ, phản nhân văn lỗi thời.

– Hãy nhìn vào những so sánh của bài ca dao sau ta thấy người Việt xưa yêu quý cái đẹp lắm, nhất là cái đẹp thuộc về con người: Cổ tay em trắng như ngà/ Đôi mắt em sắc như là dao cau/ Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen. Và cái đẹp của người con gái xứ Kinh Bắc trong Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm không chỉ là cái đẹp trần thế mà còn là cái đẹp mang tầm vĩnh cửu của tạo hóa tỏa ánh sáng và sự sống xuống cõi trần gian: Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng.

3. Chi tiết đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện.

– Hẳn chúng ta không ai quên cái hình dáng “ngật ngưỡng” của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao: “Hắn vừa đi vừa chửi, bao giờ cũng vậy, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời…”. Đây là chi tiết mở đầu tác phẩm, ngoài sự khơi gợi hấp dẫn lôi kéo bạn đọc, nó vừa có tác dụng gián tiếp giới thiệu thân thế, tiểu sử nhân vật vừa có chức năng mở ra một trường không – thời gian trong quá khứ rồi tiếp đến thì tương lai trong cuộc đời ngắn ngủi của Chí Phèo.

– Dưới góc độ xã hội học, cũng chi tiết này còn mở ra một ý nghĩa về thân phận con người trong xã hội cũ. Bản chất của xã hội là giao tiếp. Không có giao tiếp thì không có xã hội, mà xét đến cùng chửi nhau cũng là một cách giao tiếp, có điều là giao tiếp trong thế đối lập. Kênh giao tiếp sẽ bị đóng băng hoàn toàn khi cả hai bên không thèm để sức, có hơi và nhiệt tình để mà chửi nhau nữa. Thế cho nên khi Chí chửi cả làng Vũ Đại tức là Chí khát khao được giao tiếp với mọi người. Cả làng Vũ Đại không ai thèm “ra nhời” với Chí vì Chí không còn xứng đáng là người để họ chửi. Tức là dân làng Vũ Đại đã coi Chí ở một thế giới khác, thế giới của thân phận loài vật, có lẽ chính xác hơn là thân phận loài chó, mà bằng chứng là có chi tiết: “Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu…”.

– Giả sử Chí Phèo không có chi tiết “bát cháo hành” thì truyện sẽ rất bình thường, nhưng nhờ có nó mà cốt truyện như đào sâu thêm vào cái bi kịch không được làm người của một kẻ khát khao lương thiện, nhờ đó ý nghĩa truyện nâng thêm một tầm cao.

4. Chi tiết thể hiện tập trung cho cấu tứ.

– Trường hợp này thường để nhà thơ cấu trúc tác phẩm và người bình thơ nương theo đó mà tìm ra tứ thơ. Xin ví dụ bằng bài thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng) của đại thi sĩ Lý Bạch:

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu

(Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng.
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời).

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

– Hai câu đầu nói tới người đi (Mạnh Hạo Nhiên) với không gian chia ly: Tại lầu Hoàng Hạc, thời gian chia ly: Giữa mùa hoa khói. Nơi đến: Dương Châu. Như vậy Lý Bạch không tiễn bạn nơi quê nhà mà ở nơi đất khách: Lầu Hạc – một địa danh gắn liền với truyền thuyết vị tiên cưỡi hạc vàng bay đi. Dương Châu thời điểm bấy giờ là một thành phố nổi tiếng sầm uất nhất vùng Giang Nam mà Lý Bạch đã từng đến. Thế cho nên đằng sau những chi tiết địa danh này còn ẩn một lý do nào đó mà Lý Bạch không thể đi cùng bạn. Điều này cắt nghĩa hai câu sau với những chi tiết đặc sắc càng làm cho tứ thơ tiễn bạn thật nặng tình, chất chứa tâm trạng. Tình lồng trong cảnh: Chiếc buồm cô đơn cũng là người bạn cô đơn đang xa dần rồi mất hút vào màu xanh vô tận của sông nước bao la. Thuyền đi đã khuất bóng mà người đưa tiễn vẫn còn đứng trên lầu cao để trông theo. Chi tiết cô phàm (cánh buồm cô đơn) cho thấy nhà thơ không chỉ nhìn theo bằng mắt mà còn nhìn bằng cả tấm lòng.

* Như vậy trong phép làm văn, sự dụng công hướng vào việc tìm ra chi tiết. Chi tiết càng có sức biểu hiện càng góp phần nâng cao giá trị tác phẩm. Không bao giờ có một tác phẩm hay mà chi tiết lại nhạt nhẽo, nông cạn, thiếu sức sống.

IV. Chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn.

Trong truyện cổ tích, nhân vật được xây dựng theo kiểu chức năng theo hai tuyến thiện ác. Nhân vật không có tâm lí chỉ có chi tiết hành động thực hiện hai chức năng đó. Tấm với chi tiết diễn tả sự hoá thân liên tiếp (chim vàng anh, khung cửi, cây xoan đào, quả thị) thể hiện sức sống dẻo dai, mãnh liệt của cái thiện. Kết lại tác phẩm với hành động Tấm dội nước sôi vào Cám là sự trừng phạt đích đáng của cái thiện đối với cái ác qua đó thể hiện mơ ước của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện trong cuộc đấu tranh giành và giữ hạnh phúc.

Trong văn học trung đại, con người được quan niệm như con người siêu cá thể. Tư tưởng và hành động cũng như cách ứng xử của con người đều theo khuôn mẫu, quy ước chung bởi bị chi phối của thi pháp nặng về tính qui phạm , ước lệ và tính phi ngã. Con người được đặt trong những mối quan hệ cơ bản( tam cương), những đức tính chủ yếu trong hệ thống đạo đức của nho giáo (ngũ thường) chi phối đời sống tình cảm của con người. Khi nội tâm có sự giống nhau thì không có bí ẩn để khám phá. Do vậy, lựa chọn những chi tiết thể hiện tâm lí chủ yếu bằng những chi tiết ngoại hiện như ngôn ngữ, hành động. Điều đó lí giải vì sao Kiều cứ nhất định phải bằng hành động bán mình chuộc cha mới là có hiếu. Nhân vật Vũ Nương với những chi tiết hành động và ngôn ngữ thể hiện vẻ đẹp “công dung ngôn hạnh” của người phụ nữ trung đại. Nhân vật Ngô Tử Văn khẳng khái nóng nảy, thấy chuyện bất bằng không tha cũng được khắc hoạ với các chi tiết hành động và ngôn ngữ. Đặc biệt là chi tiết Tử Văn đốt đền tà của viên Bách hộ họ Thôi.

Văn học hiện đại những năm 1930-1945: ở mỗi nhà văn có sự thức tỉnh về ý thức cá nhân, họ đã đi vào khám phá đời sống cá nhân mỗi con người, trong đó mỗi cá nhân là một tiểu vũ trự chứa đầy bí mật có cử chỉ, ngôn ngữ, đời sống nội tâm riêng. Nam Cao thuộc lớp nhà văn ấy, ông đã hướng ngòi bút vào khai thác thế giới nội tâm- chỗ tinh vi huyền diệu nhất của con người… Nam Cao đã miêu tả tâm lí nhân vật bằng rất nhiều thủ pháp với những chi tiết vô cùng đặc sắc. Những trang văn miêu tà sự thức tỉnh khát khao lương thiện của Chí Phèo được xem là thành công nhất kết tinh cho biệt tài phân tích tâm lí đạt đến trình độ bậc thầy ở Nam Cao là nhờ những chi tiết khơi sâu vào nội tâm nhân vật.

Văn học giai đoạn 1945-1954: với quan niệm con người riêng -chung, con người nhỏ bé bất hạnh trong xã hội cũ được đổi đời trong xã hội mới. Hạnh phúc của họ tìm thấy trong hạnh phúc chung của dân tộc. Xuất phát từ quan niệm này nên số phận của nhân vật có khác so với nhân vật trong văn xuôi hiện thực phê phán 1930 – 1945 là do cách lựa chọn chi tiết kết thúc khác nhau. Kết thúc của Chí Phèo là bi kịch với chi tiết cái lò gạch cũ, còn Tràng trong Vợ nhặt chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng được kết chi tiết lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió.

Văn học kháng chiến 1945-1975: với quan niệm con người mang tính sử thi, tạc dáng đứng hào hùng vào lịch sử do vậy việc lựa chọn chi tiết để xây dựng nhân vật cũng khác. Nhà văn chọn những chi tiết để lí tưởng hoá nhân vật, nhân vật toả ánh hào quang, họ đẹp ở mọi phương diện trong chiến đấu và trong cả đời thường. Trong truyện Rừng xà nu, Tnú là một nhân vật anh hùng toàn diện. Tnú anh hùng từ nhỏ, lớn lên ườ thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung và còn là người chồng người cha giàu yêu thương. Việt, Chiến ở Những đứa con trong gia đình cũng đẹp ở mọi phương diện và nhà văn cũng đã lựa chọn những chi tiết tiêu biểu để khắc hoạ vẻ đẹp lí tưởng ấy.

Văn xuôi sau 1975 vận động đổi mới theo hướng dân chủ hoá và trên tinh thần nhân bản sâu sắc. Văn học hướng tới hiện thực đa chiều, con người đa diện. Mọi mặt của đời sống con người được văn học quan tâm phản ánh: con người cá nhân, đời thường, con người với cả hạnh phúc và bi kịch, con người phi lí tưởng, nhân loại, tự nhiên bản năng… Do vậy việc lựa chọn chi tiết để khắc hoạ nhân vật cũng khác với văn học giai đoạn trước.

+ Số phận của Mị trong Vợ chồng A Phủ có khác với người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền thuyền ngoài xa bởi do xuất phát từ quan niệm nghệ thuật về con người có khác nhau nên cách chọn chi tiết kết thúc truyện cũng Khác nhau. Mị được đổi đời trong xã hội mới với chi tiết Mị giải thoát cho A Phủ và chạy theo A Phủ tới Phiềng Sa. Sau đó, hai người được tham gia vào đội quân giải phóng quê hương. Người đàn bà hàng chài cuối cùng vẫn phải cam chịu chấp nhận số phận không dám rời bỏ người chồng vũ phu, chấp nhận cảnh đòn roi như cơm bữa “ba ngày một rận nhẹ, năm ngày một trận nặng” và con thuyền gia đình chị vẫn đang chao đảo trong cơn bão cấp 11.

Gắn với quan niệm nghệ thuật về con người, do vậy chi tiết nghệ thuật có vai trò quan trọng làm nên diện mạo nhân vật văn học của từng thời. Khi phân tích nhân vật phải đặt nó trong típ người của từng thời kì văn học và cần phải lựa chọn những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu để thẩm bình, làm nổi bật đặc điểm của nhân vật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang