bai-3-thien-nhien-va-hon-nguoi-luc-sang-thu-vu-nho-ngu-van-8-tap-1-chan-troi-sang-tao

Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu (Vũ Nho) (Bài 3, Ngữ văn 8, tập 1, Chân Trời Sáng Tạo)

Đọc hiểu văn bản:

Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu
(Vũ Nho)

* Nội dung chính: Văn bản là lời cảm nhận sâu sắc của tác giả Vũ Nho đối với thiên nhiên và hồn người trong bài thơ Sang Thu của nhà thơ Hữu Thỉnh

I. Chuẩn bị đọc.

Câu hỏi. Ghi lại một vài cảm nhận của em khi đọc bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh (Ngữ Văn 7, tập một, Bộ sách Chân trời sáng tạo) trước khi đọc văn bản này.

Trả lời:

– Cảm nhận của em khi đọc bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh: Nội dung bài thơ cho thấy những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước vẻ đẹp và sự biến đổi của thiên nhiên: hương ổi phả, sương thu chùng chình, sông dềnh dàng, mây vội vã…

II. Trải nghiệm cùng văn bản.

1. Theo dõi: Việc nêu ba câu hỏi liên tiếp có tác dụng gì?

– Việc nêu ba câu hỏi liên tiếp như vậy có tác dụng nhấn mạnh tâm trạng bất ngờ, đột ngột.

2. Suy luận: Em hiểu thế nào về nhận xét “khổ thứ ba là cái gốc của câu thơ đó”?

– Nhận xét “khổ thơ thứ ba là cái gốc của cây thơ đó” đã chỉ rõ nguyên nhân của sự bất ngờ, ngỡ ngàng của nhà thơ trước các dấu hiệu giao mùa. Khổ thơ đem đến cho bài thơ một vẻ đẹp mới, làm trọn vẹn thêm cái ý sang thu của hồn người chưa thật sự rõ ở hai khổ thơ trên.

III. Suy ngẫm và phản hồi.

Câu 1. Xác định hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng của văn bản.

Trả lời:

* Luận điểm 1: Mùa thu đến một cách đột ngột và bất ngờ:

– Bắt đầu là hương ổi thơm nao nức.

– Sương chùng chình qua ngõ.

– Tác giả không tin mùa thu đã về: “Hình như thu đã về”.

* Luận điểm 2: Cảm nhận thực về mùa thu:

– Tác giả quan sát thiên nhiên ở không gian rộng lớn hơn.

– Thấy được sự đổi thay của các sự vật:

+ Dòng sông khác ngày thường.

+ Chim bắt đầu vội vã.

+ Đám mây chuyển mình.

* Luận điểm 3: Những dấu hiệu rõ ràng của mùa thu.

– Mùa thu được cảm nhận bằng cả kinh nghiệm lẫn suy ngẫm.

– Tác giả nhận ra sự khác thường của mưa, nắng, sấm, chớp…

* Luận điểm 4: Cảm nhận, suy nghĩ, tình cảm của tác giả đối với mùa thu.

– Sự thay đổi của con người khi sang thu.

– Nhan đề thấm vào cảnh vật và con người.

Câu 2. Nêu luận đề của văn bản. Dựa trên cơ sở nào em xác định như vậy?

Trả lời:

– Luận đề của văn bản là Sự thay đổi của con người và thiên nhiên trong buổi giao mùa từ hạ sang thu. Dựa vào nhan đề của văn bản, đoạn kết và cách trình bày của các đoạn văn mà em xác định như vậy.

Câu 3. Phân tích mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng.

Trả lời:

– Mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Nếu thiếu một trong 3 yếu tố thì văn bản sẽ mất đi sự logic, mạch lạc , giảm sức thuyết phục. Luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có vai trò là sáng tỏ luận đề.

Câu 4. Tìm câu văn thể hiện bằng chứng khách quan và ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết trong đoạn văn sau:

Với các thi nhân, mùa thu lưu dấu của mình trong những vần thơ đượm một vẻ riêng trong trẻo. Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi,… đều có những câu thơ, bài thơ tuyệt đẹp. Đến lượt mình, Hữu Thỉnh lại làm cho mùa thu có thêm hương sắc mới.

Trả lời:

– Câu văn thể hiện bằng chứng khách quan trong đoạn văn sau: “Với các thi nhân, mùa thu lưu dấu ấn của mình trong những vần thơ đượm một vẻ riêng trong trẻo: Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh. Nguyễn Đình Thi,… đều có những câu thơ, bài thơ tuyệt đẹp.”

– Ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết trong đoạn văn: Đến lượt mình, Hữu Thỉnh lại làm cho mùa thu có thêm hương sắc mới.

Câu 5. Em có đồng ý với nhận định: “Nhan đề Sang thu vừa bao trùm lại vừa thấm vào từng từ ngữ, cảnh vật” hay không? Vì sao?

Trả lời:

– Em đồng ý với nhận định rằng “Nhan đề Sang Thu vừa bao trùm lại vừa thấm vào từng từ ngữ, cảnh vật”. Bởi vì, nhan đề bài thơ đã giúp tác giả truyền tải chủ đề tác phẩm, rất thành công trong việc thể hiện sự lựa chọn tuyệt vời của khoảnh khắc thời gian, tạo nên một sự kết hợp đầy tinh tế giữa sự mơ hồ và cái có, tạo ra cho tâm hồn của người đọc cảm giác đong đầy của mùa thu. Nó mang trong mình sự nhạy cảm, nhẹ nhàng, vừa lạ vừa quen, đã đánh thức những cảm xúc sâu thẳm nhất trong ta. “Sang thu” cũng thể hiện sự chuyển biến của cuộc đời, khi đời người sang thu, đã trải qua nhiều thăng trầm nên vững chắc hơn trước những thử thách của cuộc sống.

Câu 6. Viết đoạn văn (từ bảy đến chín câu) để trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của thiên nhiên lúc giao mùa.

Trả lời:

– Có lẽ là, tiết trời đã bắt đầu chuyển mùa từ cuối tháng sáu. Cái oi nồng, nóng bức của mùa hạ đã bắt đầu dịu xuống, thay vào đó là một bầu trời trong xanh, lộng gió thu sang. Những cây phượng già đã bắt đầu rụng lá, ngập đỏ cả một con đường. Trên kia, từng tia nắng ấm đã dần dần nhuộm vàng lên từng hàng cây, hay nền gạch tạo nên một khung cảnh mùa thu như trong thơ ca vẫn thường nói đến. Một khung cảnh tuyệt đẹp và rất hiếm thấy. Và cảm giác mát mẻ của sự chuyển mùa ấy bắt đầu len lỏi vào tâm hồn tôi, xóa tan cái nóng bức và khó chịu của mùa hạ. Thu đã sang, nhưng dư âm của mùa hạ vẫn còn vương. Những đám mây trắng lãng đãng như vẫn còn ấm màu nắng của mùa hạ. Đâu đó màu hoa cúc nở rộ bỗng nhuốm đầy không gian hòa vào với khung cảnh thơ ca êm đềm, thơ mộng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang