Bài thơ: Sông núi nước Nam (?), Phò giá về kinh (Trần Quang Khải) (đầy đủ) – SGK Ngữ văn 7

van-ban-song-nui-nuoc-nam-pho-gia-ve-kinh-tran-quang-khai-day-du-ngu-van-7

Sông núi nước Nam (Nam Quốc sơn hà) (?)

Phiên âm:

Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư[1].
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch nghĩa:

Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành ở trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám tới xâm phạm?
Chúng bay hãy chờ xem, thế nào cũng chuốc lấy bại vong.

Dịch thơ:

Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

(Lê Thước, Nam Trân)

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

(Hoàng Xuân Hãn)

[1] Chỉ sách Thượng thư hay Kinh thư (là bản Thượng thư mà Khổng Tử đã san định). Trong Thượng thư đại truyện có kể về Việt Thường Thị giao hảo với nhà Chu, cống chim trĩ.

Tương truyền, năm 1077, hơn 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát, ở phía nam bờ sông, giả làm thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã quá nửa. Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hoà, mở đường cho quân Tống rút quân về nước, giành lại giang sơn, giữ vững bờ cõi Đại Việt. Một số nhận định xem bài thơ này là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.

Bài thơ này nằm trong truyền thuyết về hai anh em Trương Hống, Trương Hát. Có tài liệu gắn truyền thuyết này với Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến chống quân Tống năm 1076, sớm nhất là Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên đời Trần), sau đó được nhiều sách sử khác như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án,… chép lại. Trong khi đó, sách Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp đời Trần) lại gắn truyền thuyết này với cuộc chiến chống quân Tống lần thứ nhất thời Tiền Lê của Lê Đại Hành năm 981, với nội dung như sau:

南國山河南帝居,
皇天已定在天書。
如何北虜來侵掠,
白刃翻成破竹餘。

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược,
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.

(Sông núi nước Nam thì vua Nam ở.
Thượng đế đã định như vậy trong sách trời.
Cớ sao giặc phương Bắc lại tới đây xâm lược,
Gươm sáng sẽ chém hết các ngươi tan tành như chẻ tre.)

Ngoài ra, bài thơ còn có khoảng hơn 30 dị bản được chép trong các sử và sách khác nhau.

I. Đọc – hiểu văn bản:

Câu 1: Căn cứ vào lời giới thiệu sơ lược về thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ở chú thích để nhận dạng thể thơ của bài Sông núi nước Nam về số câu, số chữ trong câu, cách hiệp vần.

Câu 2: Sông núi nước Nam được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta viết bằng thơ. Vậy thế nào là một tuyên ngôn độc lập? Nội dung tuyên ngôn độc lập trong bài thơ này là gì?

Câu 3: Sông núi nước Nam là một bài thơ thiên về sự biểu ý (bày tỏ ý kiến). Vậy nội dung biểu ý đó được thể hiện theo một bố cục như thế nào? Hãy nhận xét về bố cục và cách biểu ý đó?

Câu 4: Ngoài biểu ý, Sông núi nước Nam có biểu cảm (bày tỏ cảm xúc) không? Nếu có thì thuộc trạng thái nào? (lộ rõ, ẩn kín). Hãy giải thích tại sao em chọn trạng thái đó?

Câu 5: Qua các cụm từ “tiệt nhiên”, “định phận tại thiên thư”, “hành khan thủ bại hư”, hãy nhận xét về giọng điệu bài thơ.

* Ghi nhớ:

Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà) được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Nổi bật trên tất cả là giọng điệu hùng hồn, đanh thép, thể hiện quyết tâm chiến thắng kẻ thù và niềm tự hào kiêu hãnh của dân tộc ta.

II. LUYỆN TẬP

Nếu có bạn thắc mắc sao không nói là ”Nam nhân cư” (người Nam ở) mà lại nói “Nam đế cư’ (vua Nam ở) thì em sẽ giải thích thế nào?

* Soạn bài:

Sông núi nước Nam (Nam Quốc sơn hà)
(?)

Câu 1:

Nguyên văn bài Nam quốc sơn hà là bài thơ chữ Hán được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật:

– Bốn câu, mỗi câu bảy chữ.

– Vần ở chữ cuối câu 1, câu 2 và câu 3.

Câu 2:

– Tuyên ngôn Độc lập là lời tuyên bố về quyền của một đất nước và khẳng định không một thế lực nào xâm phạm.

– Nội dung Tuyên ngôn Độc lập gồm có hai ý:

+ Khẳng định chủ quyền, nước Nam là của người Nam (hai câu đầu): Tác giả khẳng định nước Nam là của người Nam. Đó là điều đã được ghi tại “thiên thư” (sách trời). Tác giả viện đến thiên thư vì ngày xưa người ta vẫn còn coi trời là đấng tối cao. Người Trung Quốc cổ đại tự coi mình là trung tâm củavũ trụ nên vua của họ được gọi là “đế”, các nước chư hầu nhỏ hơn bị họ coi là “vương” (vua của những vùng đất nhỏ). Trong bài thơ này, tác giả đã cố ý dùng từ “Nam đế” (vua nước Nam) để hàm ý sánh ngang với “đế” của nước Trung Hoa rộng lớn.

+ Kẻ thù không được xâm phạm (hai câu sau): Ý nghĩa tuyên ngôn còn thể hiện ở lờ khẳng định chắc chắn rằng nếu kẻ thù vi phạm vào quyền tự chủ ấy của nước ta thì chúng thế nào cũng sẽ phải chuốc lấy bại vong.

Câu 3:

– Hai câu đầu: chủ quyền dân tộc.

+ Sông núi nước Nam, vua Nam ở, điều đó cũng có nghĩa là ở phương Bắc thì vua Bắc ở. Đất nào vua ấy. Đó là sự hiển nhiên tất yếu không ai được xâm phạm của ai → chân lí cuộc đời.

+ Trong đời sống tinh thần của người Việt Nam và Trung Quốc. Trời là oai linh tối thượng, sắp đặt và định đoạt tất cả mọi việc. Cương vực lãnh thổ của vua Nam, của người Nam đã được định phận tại sách trời – có nghĩa là không ai được phép đi ngược lại đạo trời → chân lí của đất trời.

Như vậy tuyên bố chủ quyền dựa trên chân lí cuộc đời, chân lí đất trời, dựa trên lẽ phải. Chủ quyền nước Nam là không thể chối cãi, không thể phủ nhận.

– Hai câu cuối: quyến tâm bảo vệ chủ quyền.

+ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm là lời hỏi tội kẻ đã dám làm điều phi nghĩa “nghịch lỗ”, dám làm trái đạo người, đạo trời.

+ Chúng bay sẽ phải nhận kết cục bại vong.

– Nhận xét bố cục: Bố cục rất chặt chẽ giống như một bài nghị luận. Hai câu đầu nêu lên chân lí khách quan, hai câu sau nêu vấn đề có tính chất hệ quả của chân lí đó.

Câu 4:

– Sông núi nước Nam là một bài thơ, cho nên, tuy thiên về sự biểu ý, nó vẫn có biểu cảm (bày tỏ, cảm xúc) ẩn kín vào bên trong ý tưởng. Vì tác giả không bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp. Người đọc phải nghiền ngẫm mới thấy cảm xúc yêu nước mãnh liệt thể hiện trong đó.

– Qua các cụm từ: “tiệt nhiên”, “định phận tại thiên thư”, “hành khan thủ bại hư”, ta thấy giọng điệu bài thơ thể hiện khí phách anh hùng, tinh thần bất khuất của dân tộc.

Câu 5:

Bài thơ có giọng điệu đanh thép, hùng hồn:

– Khẳng định chủ quyền thông qua “thiên thư” sách trời có nghĩa là chân lý không thể phủ nhận được.

– Cảnh cáo bọn giặc khi gây ra tội ác chắc chắn sẽ phải chuốc bại vong.

II. LUYỆN TẬP

Nếu có bạn thắc mắc sao không nói là ”Nam nhân cư” (người Nam ở) mà lại nói “Nam đế cư’ (vua Nam ở) thì em sẽ giải thích thế nào?

Sở dĩ không nóí “Nam nhân cư”, mà nói “Nam đế cư”, vì nói “Nam đế” là một cách khẳng định đất nước có sông núi bờ cõi riêng, đất nước có chủ quyền. Không có chủ quyền thì không thể có “đế” được. Hơn nữa, xưa kia các vua Tàu chỉ xem nước họ là nước lớn và tự xưng là “đế” còn nước Nam ta cũng như các nước chư hầu chỉ là các nước nhỏ, vua chỉ được gọi là “vương”, vì thế nói “Nam đế” là một cách xem nước ta cũng ngang hàng, cũng có chủ quyền như nước Tàu vậy.


Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư)
(Trần Quang Khải)

Phiên âm.

Tụng giá hoàn kinh sư

Đoạt sóc[1] Chương Dương độ,
Cầm Hồ[2] Hàm Tử quan.
Thái bình tu nỗ lực,
Vạn cổ thử gian san.

Dịch nghĩa:

Cướp giáo giặc ở bến Chương Dương,
Bắt quân Hồ ở cửa Hàm Tử.
Buổi thái bình nên gắng hết sức,
(Thì) muôn đời (có) giang sơn này.

Dịch thơ:

Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy nghìn thu.

(Trần Trọng Kim)

[1] Có thể phiên âm là “sóc” hoặc “sáo”, đều có nghĩa là ngọn giáo.
[2] Trung Quốc từ đời Hán đã thường hay bị rợ Hồ – một số tộc ở vùng biên ải phía Bắc – vào quấy nhiễu. Trong văn thơ cổ Trung Quốc và Việt Nam, “Hồ” mặc dù là danh từ riêng, nhưng thường được dùng để chỉ giặc ngoại xâm nói chung.
Ngày 6 tháng 6 năm Ất Dậu 1285, sau khi đuổi quân Thoát Hoan, giải phóng kinh thành Thăng Long, Trần Quang Khải đưa hai vua Trần về lại kinh đô, theo phò giá và làm bài thơ này. 

I. Đọc – hiểu văn bản:

Câu 1: Em hãy căn cứ vào lời giới thiệu sơ lược về thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt ở chú thích để nhận dạng thể thơ của bài Tụng giá hoàn kinh sư về số câu, số chữ, cách hiệp vần.

Câu 2: Nội dung được thể hiện trong hai câu đầu và hai câu sau của bài thơ khác nhau ở chỗ nào? Hãy nhận xét về cách biểu ý và biểu cảm của bài thơ.

Câu 3: Cách biểu ý và biểu cảm của bài Phò giá về kinh và bài Sông núi nước Nam có gì giống nhau?

* Ghi nhớ:

Bài thơ ra đời trong không khí hào hùng, ngây ngất men say của vinh quang chiến thắng. Thể hiện sự sáng suốt của vị cầm quân lo việc lớn và khát vọng đất nước thái bình thịnh trị.


* Soạn bài:

Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư)
(Trần Quang Khải)

Câu 1:

Tụng giá hoàn kinh sư, nguyên văn chữ Hán được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật

– Cả bài gồm có 4 câu thơ.

– Mỗi câu có 5 từ.

– Hiệp vần: Các chữ cuối cùng của câu 2 và câu 4 hiệp vần với nhau.

Câu 2:

Nội dung bài thơ

– Hai câu đầu: Sự chiến thắng hào hùng của dân tộc.

– Hai câu sau: Lời động viên xây dựng đất nước và niềm tin vào sự bền vững muôn đời của đất nước.

Với hình thức diễn đạt cô đúc, dồn nén cảm xúc vào bên trong ý bài thơ Phò giá về kinh đã thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta thời đại nhà Trần.

Câu 3:

Cách biểu ý và biểu cảm của bài Phò giá về kinh và bài Sông núi nước Nam đều giống nhau. Nghĩa là ý tưởng được diễn đạt rõ ràng, không cầu kì, hoa mĩ; cảm xúc được bộc lộ một cách kín đáo qua ý tưởng.

Luyện tập.

Cách nói giản dị, cô đúc của bài thơ này có tác dụng trong thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình của dân tộc ta thời đại nhà Trần:

– Bằng cách nói giản dị và súc tích, tác giả đã cho ta thấy được 2 vấn đề quan trọng của đất nước: thành quả thời kì chiến tranh và khi đất nước trở lại thái bình.

– Bài thơ đã thể hiện được hào khí Đông A (nhà Trần): đây là một trong những đặc điểm tinh thần nổi bật của quân dân, tướng sĩ Đại Việt đầu đời Trần – đó là lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khí thế quyết tâm mãnh liệt của nhân dân ta.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.