bai-van-nghi-luan-xa-hoi

Dàn bài bài văn nghị luận xã hội

NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÝ

I. Văn nghị luận là gì?

Văn nghị luận là thể văn nghị luận viết về những vấn đề nóng bỏng thuộc nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau: chính trị, xã hội, triết học, văn hoá. Mục đích của văn chính luận là bàn bạc, thảo luận, phê bình hay truyền bá tức thời một tư tưởng, một quan điểm nào đó. Đặc trưng cơ bản nhất của văn chính luận là tính chất luận thuyết. Văn chính luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lập luận, lí lẽ.

Văn nghị luận là loại văn phổ biến trong nhà trường, thường được lấy làm yêu cầu của phần làm văn trong các đề thi hiện nay. Nội dung và cấu trúc của một văn bản nghị luận được hình thành từ các yếu tố cơ bản là: Vấn đề cần nghị luận (luận đề), luận điểm, luận cứ và lập luận (luận chứng). Căn cứ vào nội dung nghị luận, có thể chia văn nghị luận thành hai loại: nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

II. Các kiểu bài văn nghị luận xã hội.

1. Nghị luận xã hội.

Nghị luận xã hội là một dạng bài trong văn nghị luận, dùng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc về một vấn đề xã hội nhằm thể hiện quan điểm, tư tưởng, lập trường của người viết. Nghị luận xã hội không chỉ mang những đặc điểm chung của văn nghị luận mà còn có những đặc trưng riêng. Trước hết, đề tài của dạng bài nghị luận xã hội hết sức rộng mở gắn liền với đời sống thực tiễn phong phú đa diện đa chiều. Nó gồm tất cả những vấn đề về tư tưởng, đạo lí, lối sống, quan niệm sống hay một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, có thể nói, nghị luận xã hội là dạng bài văn ghi đậm dấu ấn cá nhân của người viết nhất. Trước các vấn đề xã hội, người viết có quyền bộc lộ thẳng thắn suy nghĩ, quan điểm của mình, có quyền đồng tình hoặc không đồng tình, bảo vệ quan điểm của mình hoặc phản bác những ý kiến đi ngược lại với nhận thức của bản thân.

2. Nghị luận xã hội thường được chia thành ba dạng:

– Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí: Bàn luận về một vấn đề tư tưởng, đạo đức, lối sống… của con người, mang tính khái quát cao về những chân lí, những bài học đạo đức; góp phần định hướng cho con người có lẽ sống tốt đẹp.

– Nghị luận về một hiện tượng đời sống: Bàn luận về một hiện tượng, một vấn đề có tính thời sự, được dư luận xã hội quan tâm, thường đi vào những vấn đề cụ thể (như những biểu hiện tích cực hoặc tiêu cực) trong cuộc sống. Từ đó, gợi ý cho con người những hành vi và cách ứng xử đúng đắn.

– Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học: Bàn luận về một vấn đề xã hội (một tư tưởng, đạo đức, lối sống hoặc một hiện tượng đời sống) được rút ra từ một câu/ một đoạn trích hoặc rút ra từ nội dung của một tác phẩm văn học nào đó. Xuất phát từ nội dung xã hội cụ thể trong một tác phẩm văn học, đề bài hướng đến mục tiêu: Hình thành cho học sinh năng lực khái quát vấn đề, thể hiện quan điểm của mình trước những vấn đề đời sống.

– Ngoài những nét khác biệt như trên, ba dạng đề này còn có những điểm tương đồng về:

– Về nội dung: Cùng đề cập đến những vấn đề xã hội, góp phần nâng cao nhận thức và định hướng về lối sống, cách ứng xử cho con người.

– Về phương pháp nghị luận: Để thực hiện các dạng bài trên, người viết đều cần vận dụng kết hợp các thao tác lập luận như: giải thích, bình luận, phân tích, chứng minh, bác bỏ để bàn luận, trình bày quan điểm của mình xoay quanh vấn đề xã hội được đề cập.

III. Dàn bài bài văn nghị luận xã hội:

  • Mở bài:

– Nêu vấn đề cần nghị luận.
– Trích dẫn vấn đề (nếu có).

  • Thân bài:

1. Giải thích (làm rõ khái niệm, ý nghĩa của vấn đề cần bàn luận).
2. Biểu hiện (Như thế nào?).
3. Chứng minh (dùng lý lẽ, dẫn chứng để khẳng định hoặc bác bỏ vấn đề (Tại sao?).
4. Giải pháp giải quyết vấn đề (Làm thế nào?)
4. Phê phán những biểu hiện tiêu cực của vấn đề.
5. Bài học nhận thức và hành động.

  • Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề.
– Rút ra bài học nhận thức và hành động cụ thể cho bản thân.


NGHỊ LUẬN VỀ MỘT SỰ VIỆC, HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG

I. Khái niệm: Nghị luận về một sự vật, hiện tượng đời sống là bàn về một sự việc, hiện tượng nổi bật/ có tác động đến đời sống xã hội của con người.

II. Dàn bài:

  • Mở bài:

– Nêu sự việc, hiện tượng cần nghị luận.
– Nhận định khái quát về ảnh hưởng của sự việc, hiện tượng đối với đời sống.

  • Thân bài:

1. Nêu hiện tượng:

– Giải thích hiện tượng.
– Quy mô (Phổ biến rộng hay hẹp)
– Đối tượng (Tập trung ở những đối tượng nào? Khu vực nào?).
– Biểu hiện/ thực trạng.

2. Nguyên nhân:

– Nguyên nhân khách quan.
– Nguyên nhân chủ quan

3. Trình bày tác hại/ tác dụng.
4. Giải pháp:
5. Phê phán
6. Bài học nhận thức và hành động:

  • Kết bài:

– Đánh giá lại sự việc, hiện tượng.
– Rút ra bài học và hành động cụ thể cho bản thân.


* Một số đề văn nghị luận xã hội

Đề 1: “Phải chăng chỉ có điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?”. Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận ngắn trả lời cho câu hỏi trên.

Đề 2: Trình bày ý kiến của anh/ chị về câu nói sau:Những ngày trước đây đều đã qua đi, vậy những ngày sau này cũng nhất định sẽ qua đi. Hãy luôn giữ lấy sự bình yên cho tâm hồn và khi gặp khó khăn hãy nhớ tới câu danh ngôn “Xe đến trước núi tất có dường đi”.

Đề 3: Trình bày ý kiến của anh/ chị về câu nói sau: “Con người giống như cửa kính muôn màu. Họ bừng sáng và lấp lánh khi trời nắng; nhưng khi mặt trời lặn, vẻ đẹp thực sự của họ chỉ lộ ra nếu có ánh sáng phát ra từ bên trong”.

Đề 4Trình bày ý kiến của anh/ chị về câu nói sau: “Kẻ khốn cùng nhất trên thế giới này không phải là người không một đồng xu dính túi, mà là kẻ không có nổi một ước mơ”.

Đề 5: Anh chị suy nghĩ gì về câu nói sau của Tổng thống Mỹ Barack Obama: Tương lai trao thưởng cho những ai tiến lên phía trước. Tôi không có thời gian để cảm thấy tiếc nuối cho mình. Tôi không có thời gian để phàn nàn. Tôi sẽ tiến về phía trước.”

Đề 6: Anh/ chị hãy bàn luận về ý kiến: “Sự hèn nhát khiến con người đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”.

Đề 7:  Anh chị suy nghĩ gì về câu chuyện sau:

Ông lão và con lừa

Ông lão nhà quê và đứa cháu bàn nhau đem con lừa ra hội chợ bán. Để con lừa khỏi mệt mỏi hầu có thể bán được giá cao, họ buộc chân lừa lại và hai ông cháu khệ nệ gánh con lừa đi. 

Đi được một đoạn, người đi đường thấy thế phá ra cười và bảo: “Có con lừa mà không chịu cỡi lại khiêng nó. Sao mà ngu thế!” Ông lão nhận thấy mình ngu thật, vội để con lừa xuống, cởi trói cho nó, và để đứa cháu cỡi lên lưng lừa, còn ông thì đi theo sau.

Một lúc sau, khách bộ hành trông thấy thế, mắng thằng cháu: “Mày là đồ bất hiếu bất mục! Sao lại để Ông mày già yếu thế mà đi bộ Chính mày phải đi bộ mới phải!” Một lần nữa, nghe theo ý khách bộ hành, Ông già leo lên lưng con lừa, đứa cháu bước theo sau. 

Đến một đoạn đường khác, ba cô gái đi qua thấy vậy, một cô bảo: “Tội nghiệp thằng bé, phải đi khập khễnh theo sau, trong khi ông già tưởng mình khôn ngoan lại ngồi chễm chệ trên lưng lừa!” Ông già nhận thấy ý kiến đúng, bảo thằng cháu cùng lên ngồi trên lưng lừa.

 Rồi một toán người khác đi ngang qua lại phê bình: “Sao lại bắt con lừa đáng thương ấy chở nặng như vậy? Họ không biết thương hại con vật già nua của họ tí nào cả. Ra đến hội chợ thì họ chỉ còn mảnh da lừa để bán!” Một lần nữa, hai ông cháu xuống đi bộ, để con lừa đi thong dong đằng trước.
Vẫn chưa hết, một khách qua đường thấy vậy than rằng: “Sao họ không để con lừa vào lồng kính mà thờ! Họ đi mòn giầy của họ để bảo vệ con lừa. Đúng là ba con lừa!” 

Bấy giờ Ông lão mới trả lời: “Vâng, chính tôi là con lừa! Nhưng từ nay về sau, dù người ta khen hay chê tôi, dù người ta nói điều gì hay không nói điều gì, tôi chỉ làm theo đầu óc của tôi mà thôi!”

Đề 8:

“Một con lừa vô ý rơi vào giếng cạn, mọi người nghĩ cách cứu nó nhưng không ai thành công; họ liền quyết định chôn luôn con lừa. Con lừa đau xót kêu to, nhưng khi bùn đất rơi xuống, nó lại bình tĩnh một cách bất ngờ. Nó cố gắng đứng trên bùn đất đang rớt xuống ầm ầm và giẫm nát bùn đất dưới chân, cố gắng đứng cao hơn một chút. Cứ như vậy, nó theo bùn đất rớt xuống mà không ngừng lên cao. Cuối cùng, trong sự kinh ngạc của mọi người, con lừa bước ra khỏi giếng cạn.”

Anh chị suy nghĩ gì về câu chuyện trên.

Đề 9: Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba – 1442: “Hiền tài là nguyên khí cuả quốc gia, nguyên khí thịnh thi thế nước mạnh, rồi lên cao nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.”

Đề 10:

“Ông trồng chè khoe họ được uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán. Bà bán rau cũng hân hoan nói nhà mình được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán. Ông bán thịt lợn cũng vậy.

Nhưng họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác… Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi…”

(Chia sẻ của Trần Nhất Hoàng – cựu thành viên ban nhạc Bức Tường khi nhắc đến kỷ niệm về cố nhạc sỹ Trần Lập).

Anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về thực trạng được nói đến trong đoạn trích trên bằng bài viết (khoảng 600 chữ)?

Đề 11:

Viết bài văn ngắn khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng sau:

“Mới đây, dư luận lại xôn xao về một cô thiếu nữ có “khuôn mặt ưa nhìn” đã phô ra trên Facebook cả một loạt ảnh ngồi ghếch chân trên bia mộ liệt sĩ…”

(Theo Nỗi sợ hãi không muốn “học làm người” – Mục Góc nhìn của nhà thơ Trần Đăng Khoa –Tuổi trẻ và đời sống, số 152 ngày 14/1/2013)

Đề 12:

Trong một bài viết trên báo, có một bạn trẻ tâm sự:

“Tôi ưa nói, ưa tranh luận, nhưng khi tôi 17 tuổi nếu tôi giơ tay phát biểu trước lớp về một vấn đề không đồng ý với quan điểm của thầy cô, tôi bị dòm ngó, tẩy chay, cười mỉa…Hình như ở Việt Nam, người ta rất khó chấp nhận chuyện người nhỏ hơn mình “sửa sai” hay tranh luận thẳng thắn với người lớn”

 (Đặng Anh Sống đúng là chính mình, tuoitre.vn ngày 9/9/2013).

Từ góc độ của một người trẻ, anh/chị hãy viết bài văn ngắn khoảng 600 từ cho biết suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Đề 13: Viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày ý kiến của anh/chị về nạn bạo hành trong xã hội.

Đề 14:

“Trong quyển lưu bút cuối năm học, học sinh viết:“Nhưng mìn hứa sẽ mãi lè bẹn thân đeng wên teo dzà mái trừng iu zấu nì nha”. Xin tạm dịch:  Nhưng mình hứa sẽ mãi là bạn thân, đừng quên tao và mái trường yêu dấu này nha”.Và đây nữa:“Gửi mail nhớ thim cái đuôi @ da heo chấm cơm nha, mi u bit ko, năm nay lại ko được học chung dzới nhau gùi”. Tạm dịch là: “Gửi mail nhớ thêm cái đuôi @ da heo chấm cơm nha, mấy bạn biết không, năm nay lại không được học chung với nhau rồi”.

Phần chữ in đậm trong đoạn văn trên là những câu trích trong cuốn lưu bút của học sinh lớp 8 một trường chuyên Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh”.

(Trích Ngôn ngữ chat – Việt Báo – 18/5/2006 – Tác giả Ngọc Mai)

Hiện nay, trong sinh hoạt và học tập, một bộ phận lớp trẻ có thói quen sử dụng tiếng lóng trên mạng, còn gọi là “ngôn ngữ chat”, “ngôn ngữ SMS”, “ngôn ngữ @”,… như trong đoạn trích trên. Anh (chị) hãy viết bài văn ngắn khoảng 600 từ bày tỏ ý kiến của mình về việc này.

Đề 15: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió”.

(Trích Đường đến ngày vinh quang – nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập)

Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về nhận định trên.

Đề 16: Thịt heo có chất tạo nạc salbutamol, thịt bò được làm từ thịt heo tẩm hóa chất và mới đây, một số ngư dân thản nhiên vớt cá chết bán cho thương lái trong vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung. Những câu chuyện về sản xuất, buôn bán thiếu trung thực trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về thái độ sống ích kỷ, hẹp hòi của một số người trong xã hội hiện đại?

Viết một bài văn không quá 600 từ trình bày quan điểm của mình về vấn đề nêu trên.

Đề 17:

“Sáng 16/4, nhằm mùng 10 tháng 3 âm lịch – ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã hứng chịu một đợt “tấn công” khủng khiếp: hàng vạn người tràn lên núi Nghĩa Lĩnh (TP. Việt Trì, Phú Thọ). Dù không mang theo vũ khí, mức độ “sát thương” họ gây ra không hề nhỏ. Trẻ em khóc thét, lạc người thân; hàng loạt phụ nữ và người lớn tuổi ngất xỉu giữa cảnh chèn ép, xô đẩy, trước sự vất vả “chống đỡ” của lực lượng cảnh sát gìn giữ trật tự. Bất chấp lời kêu gọi của cơ quan chức năng, nhiều người đã leo rào, xâm nhập rừng cấm để lên núi. Xem những phóng sự ảnh, các video clip từ hiện trường, rất nhiều người bàng hoàng tự hỏi điều gì đang xảy ra nơi đất Tổ Phong Châu? Những món lễ vật bị xô nghiêng, phục trang bị giằng kéo, những tiếng hò hét như xung trận khi ba lớp rào chắn được dỡ đi và biển người tràn lên như thác lũ… Đó chắc chắn không thể gọi là một cuộc hành hương. Đó cũng không thể gọi là một lễ giỗ – nơi mà sự tôn nghiêm, chuẩn mực, thanh tịnh… được đặt lên hàng đầu. Có thể gọi đó là cuộc càn quét, tàn phá Đền Hùng của đám “con cháu” tự bao giờ chẳng rõ đã trở nên hung hãn và xấc xược, quên lời tổ tiên dạy dỗ đang tranh phần đút lót tiền nhân.”

(Trích “Điều gì đang xảy ra nơi đất Tổ” Nhân Sư, phunuonline, 18/04/2016) 

Anh chị hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng đang được đề cập đến ở đoạn trích trên.

Đề 18:  Channel News Asia đã so sánh bầu không khí người Hà Nội hít thở với “khí quyển ngày tận thế” (Airpocalypse) trong một bài báo nói về ô nhiễm môi trường tại thủ đô Hà Nội. Anh (chị) có suy nghĩ gì về vấn đề này? Hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ để trình bày quan điểm của bản thân.

Đề 19: Trong tác phẩm “Nhìn về vốn văn hóa dân tộc”, Trần Đình Hượu viết: “Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hoá không chỉ trông cậy vào sự sáng tạo mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, sự đồng hóa những giá trị văn hóa bên mình”. Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng tiếp nhận văn hóa ngoại lai của giới trẻ hiện nay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang