»» Nội dung bài viết:
Bàn về yêu thương, Elbert Hubbard đã từng nói: Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là sự yêu thương duy nhất mà chúng ta giữ được. Zoe Kravitz lại cho rằng: Một khi bạn yêu thương chính mình, đó là khi bạn xinh đẹp nhất.
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về hai ý kiến trên.
Hướng dẫn làm bài:
1. Giải thích:
Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là gì?
– Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là tình cảm gắn bó, quyến luyến, trân trọng giữa người và người.
→ Nhận định của Elbert Hubbard đề cập đến sự “cho” và “giữ lại” trong yêu thương è Khẳng định vai trò quan trọng của tình yêu người khác. Biểu hiện của người dành tình yêu thương cho mọi người đó là sự đồng cảm trước nỗi đau của đồng loại, luôn quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn, mất mát với những người xung quanh, sẵn sàng hy sinh, biết cho đi để thắp lên ngọn lửa yêu thương…
Yêu thương chính mình là gì?
– Yêu thương chính mình: là yêu thương bản thân mình, chấp nhận con người của chính bạn trong thời điểm hiện tại – tất cả mọi thứ bạn đang có. Nó có nghĩa là sống thật với cảm xúc của mình, đặt nhu cầu sức khỏe thể chất, tình cảm và tinh thần cá nhân lên hàng đầu.
→ Nhận định của Zoe Kravitz lại hướng tình yêu ấy vào vào bản thân mỗi người, khẳng định tầm quan trọng của tình yêu bản thân. Biểu hiện của lối sóng của người yêu thương chính mình đó là sự quan tâm, chăm sóc bản thân; có ước mơ, đam mê và nỗ lực thực hiện ước mơ, đam mê ấy, biết mưu cầu hạnh phúc chính đáng và đấu tranh cho quyền được hưởng hạnh phúc ấy…
⇒ Hai nhận định tưởng như đối lập nhưng thật ra bổ sung cho nhau, giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về tình yêu thương.
2. Bàn luận:
Nhận định của Elbert Hubbard: Chúng ta cần yêu thương người khác.
– Nhận định của Elbert Hubbard là hoàn toàn xác đáng. Vì sao “sự yêu thương mà chúng ta cho đi là sự yêu thương duy nhất mà chúng ta giữ được”?
+ Khi ta cho đi yêu thương, ta có cơ hội giúp đỡ những người xung quanh, làm những việc cụ thể, thiết thực đóng góp cho xã hội, những giá trị cụ thể ấy không mất đi, và nó mang lại hạnh phúc đến cho mọi người è Dẫn chứng: Bill Gates, mẹ Theresa…
+ Khi ta yêu thương mọi người, ta sẽ thắt chặt sợi dây liên kết giữa người với người, tạo ra sự đoàn kết, đồng thuận lớn trong cộng đồng, trong xã hội Dẫn chứng: Lê Thanh Thúy đã mất đi nhưng tình yêu thương của chị và phong trào “Ước mơ của Thúy” mà chị khởi xướng đến nay vẫn được mọi người tiếp nối, với nhiều hoạt động thiện nguyện như làm hoa giấy bán từ thiện, gây quỹ giúp bện nhân ung thư…
Nhận định của Zoe Kravitz: Chúng ta cũng cần yêu thương chính mình.
– Bên cạnh đó, ta cũng thấy rằng nhận định của Zoe Kravitz đã cho chúng ta một bài học bổ ích. VÌ sao ta “xinh đẹp nhất” khi biết “yêu thương chính mình”?
+ Chỉ yêu thương chính mình, ta mới có thể yêu cuộc sống, nhận ra những giá trị tốt đẹp của cuộc đời quanh ta, từ đó trân trọng, nâng niu các giá trị cuộc sống. Dẫn chứng: Dù bị liệt bẩm sinh, nhưng Nick Vujicic vẫn không ngừng nỗ lực tập luyện để có cuộc sống tốt đẹp, trở thành một diễn giả nổi tiếng truyền cảm hứng về “cuộc sống không giới hạn” đến những người kém may mắn trên toàn thế giới. Kì tích đó chỉ có được khi Nick biết trân trọng và yêu thương chính bản thân mình, có nghị lực vượt qua những nghịch cảnh đầy khắc nghiệt của cuộc sống.
+ Yêu thương chính mình, thấu hiểu những đam mê chính đáng của bản thân và nỗ lực thực hiện những đam mê ấy cũng là một cách tích cực để ta đóng góp cho nhân loại. Dẫn chứng: Picasso, Ánh Viên…
3. Mối quan hệ giữa hai vấn đề.
– Yêu thương mọi người và yêu thương chính mình là hai mặt của một vấn đề, là hai mảnh ghép quan trọng mà khi kết hợp lại ta được bức tranh tuyệt đẹp và ấm áp của tình yêu thương. Ta cần biết kết hợp hài hòa giữa hai tình yêu ấy để sống cuộc sống thật có ích.
+ Nếu chỉ yêu thương mọi người mà không yêu thương bản thân, ta cũng khó có thể có được sức mạnh, nghị lực hay động cơ để làm những điều tốt đẹp cho người khác. Một người không yêu thương, chăm lo cho sức khỏe của mình thì làm sao có thể chăm lo cho sức khỏe của người khác? Hơn nữa, nếu hủy hoại bản thân mình vì người khác, ta sẽ khiến những người yêu thương ta đau lòng.
+ Nếu chỉ yêu thương bản thân mà không yêu thương mọi người, ta sẽ trở nên cô độc, thậm chí trở thành một kẻ lầm đường, lạc lối, mang đến những điều xấu cho người khác, cũng sẽ bị diệt vong.
+ Cho nên, tình yêu thương mọi người và tình yêu thương chính mình không bao giờ tách rời.
+ Yêu thương mọi người cũng là yêu thương chính mình: Khi ta cho đi yêu thương trước hết ta nhận lại niềm vui làm một việc tốt. Tình yêu thương người khác sẽ giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách, sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. DC: Mark Zuckerberg hiến 99% tài sản làm từ thiện để con gái được lớn lên trong một thế giới tốt đẹp hơn.
+ Yêu thương chính mình cũng là yêu thương người khác. Trân trọng bản thân ta cũng là biết ơn cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng. Khi ta dám lên tiếng đòi hỏi hạnh phúc chính đáng cho cá nhân mình, đó cũng là ta đã cất lên tiếng nói chung cho những người xung quanh. DC: Hồ Xuân Hương, nhà thơ nữ đòi quyền hạnh phúc cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
+ Khi biết hài hòa giữa tình yêu thương cá nhân và tình yêu thương tha nhân, ta sẽ tránh được sự yêu thương mù quáng, để tình yêu thương của ta mang đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.
4. Bàn luận mở rộng:
– Những người không biết trân trọng bản thân.
– Những người ích kỉ, vô cảm, không yêu thương người khác.
5. Bài học nhận thức và hành động.
– Quan điểm sống “cho đi yêu thương” thực sự đúng đắn. Khi con người biết yêu thương, sẻ chia với nhau thì họ sẽ cảm nhận được sự hạnh phúc.
– Luôn biết cho đi, biết chia sẻ với mọi người ở xung quanh.
Tham khảo:
Cho đi yêu thương, nhận lại hạnh phúc.
Cuộc sống của mỗi người luôn cần có được sự yêu thương, chia sẻ từ những người xung quanh. Nếu không có tình yêu thương và sự chia sẻ, con người sẽ không có quá khứ, không có hiện tại và cũng chẳng có tương lai. Bàn về vấn đề này, có người từng cho rằng: “Cho đi yêu thương, nhận lại hạnh phúc”.
Vậy, tình yêu thương là gì? Tình yêu thương là một khái niệm chỉ phẩm chất tình cảm, vẻ đẹp tâm hồn của con người. Đó là tình cảm thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau giữa con người với con người. Thứ tình cảm đó rất đỗi thiêng liêng, được xuất phát từ lòng chân thành chứ không có bất cứ mục đích nhu cầu vụ lợi nào. Còn với hạnh phúc, lại có rất nhiều định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Nếu xét theo góc độ khoa học: Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Nó là cảm xúc bậc cao, chỉ có ở loài người. Karl Marx từng nói rằng: “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất”. Còn Trịnh Công Sơn lại định nghĩa hạnh phúc là: “Hạnh phúc là một điều không bao giờ có thật. Nếu có thật thì những nhà tiên tri vĩ đại đã không nhọc lòng bịa đặt thêm Thiên Ðường và Niết Bàn để làm gì nữa. Cái hạnh phúc ở Trần Gian chính là ý thức được khổ đau. Ðau khổ nên phải biết rộng lòng với nhau hơn, tử tế hơn, độ lượng hơn, biết tha thứ, nhân hậu hơn. Bài học ấy không dễ gì, bởi Cuộc Sống cho đến nay điều Thiện vẫn còn vắng bóng”. “Hạnh phúc lớn nhất trên đời này là tin rằng mình được yêu” (Victor Hugo).
Đúng vậy, chỉ có khi chúng ta biết cho đi yêu thương, chúng ta mới nhận lại được yêu thương và hạnh phúc. Từ khi sinh ra, chúng ta đã nhận được tình yêu thương của bố mẹ. Họ là người đã đưa chúng ta đến với cuộc đời, ở bên chúng ta trong mọi hành trình của cuộc đời. Họ là người đã đưa tay ra ôm lấy khi chúng ta ngã trong những bước đi chập chững đầu tiên. Bố mẹ cũng là người luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay đón những đứa con của mình trở về mỗi khi vấp ngã. Nếu được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, con người sẽ cảm thấy ấm áp và bình yên hơn bao giờ hết. Khi lớn lên, trong thế giới mỗi người sẽ có thêm nhiều người hơn: bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp… Thật hạnh phúc nếu như chúng ta có thể đón nhận tình cảm chia sẻ chân thành từ họ. Một người bạn thân sẽ luôn ở bên khi chúng ta cần, cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn và buồn vui. Thầy cô dành cho chúng ta sự chỉ dạy tận tình. Những người đồng nghiệp tốt sẽ chia sẻ những kinh nghiệm đáng quý để chúng ta hoàn thành tốt những công việc. Những trái tim yêu mến chân thành và đồng cảm thật tâm sẽ đem đến niềm hạnh phúc cho những người nhận được.
Nhưng trong xã hội, có nhiều người kém may mắn khi không có được tình yêu thương. Nhiều đứa trẻ sinh ra đã thiếu thốn đi tình cảm của cha mẹ. Những người già neo đơn không có nơi nương tựa. Điều đó khiến cho họ luôn cảm thấy cô độc và tủi thân trong cuộc sống. Vậy tại sao chúng ta không đem đến cho họ một sự giúp đỡ. Không phải quá nhiều về của cải hay vật chất nhưng nếu dùng tình cảm chân thành để đối xử với những người như vậy, chắc chắn họ sẽ cảm thấy ấm áp và hạnh phúc biết bao. Đôi khi, tình yêu thương không xuất phát từ trái tim chân thành sẽ đem đến những tổn thương cho người nhận được. Có nhiều người bạn chỉ đến với nhau vì một mục đích có lợi về vật chất hay quyền lực nào đó. Để rồi khi đạt được, sẵn sàng nói ra và làm ra những hành động gây tổn thương. Những tổn thương về tình cảm như vậy sẽ khiến chúng ta không những không cảm thấy hạnh phúc mà có thể bị mắc phải những bệnh về tâm lý như trầm cảm, vô cảm.
Mỗi ngày qua đi, mỗi người đều sẽ nhận được những tình cảm yêu thương từ mọi người xung quanh. Và hạnh phúc chỉ đến khi bạn biết cách lan tỏa tình yêu thương cho những người xung quanh.
Mỗi người đều cảm thấy hạnh phúc khi nhận được những tình cảm từ gia đình và bạn bè, thầy cô. Mỗi ngày, chugns ta đều được mẹ chuẩn bị cho những bữa ăn thật ngon miệng. Những lời hỏi thăm động viên cố gắng ôn tập tốt cho kỳ thi sắp tới của ba. Những lời giảng tận tình của thầy cô khi chúng ta còn chưa hiểu bài. Lời ủng hộ của những người bạn thân… Thì ra tình yêu thương được thể hiện từ những hành động rất nhỏ bé nhưng lại dễ dàng khiến chúng ta cảm thấy ấm áp trong lòng biết bao nhiêu. Khi nhận lại được hạnh phúc đó, bất cứ ai cũng muốn lan tỏa tình yêu thương với mọi người để bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn nữa.
Như vậy, có thể thấy quan điểm trên thực sự đúng đắn trong cuộc sống của mỗi người. Chúng ta hãy biết cho đi yêu thương để lan tỏa hạnh phúc.