ca-dao-dan-ca-cau-noi-giua-qua-khu-va-hien-tai

Ca dao dân ca: cầu nối giữa quá khứ và hiện tại

Ca dao dân ca: cầu nối giữa quá khứ và hiện tại

Ca dao dân ca trong cuộc sống hôm nay không chỉ góp mặt ở các hoạt động hiện tại, các hoạt động của đời sống, các hoạt động nghệ thuật, sự tồn tại của ca dao dân ca còn có giá trị như một cầu nối nối giữa quá khứ và hiện tại, là công cụ để người thời nay nhận thức quá khứ, để hiểu rõ quá khứ và rút ra được những bài học cho mình. Văn học là một tấm gương phản ánh cuộc sống, văn học bao chứa trong nó hiện thực khách quan với tất cả những biến động dù là nhỏ nhất của nó, đồng thời cũng bao chứa cả những cảm xúc, tâm tư tình cảm của con người gắn liền với hiện thực khách quan ấy.

Mặt khác, như Sedrin đã từng nói, “nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”, những gì của hiện thực khách quan về con người, thời đại được thể hiện trong văn chương, sẽ được văn chương gìn giữ qua những biến động và thăng trầm của thời gian, để những chân giá trị được tồn tại mãi và để gửi gắm những bức thông điệp quan trọng cho những thế hệ sau. Chính vì những điều ấy, nên ca dao dân ca, một phần của văn học, đã trở thành một công cụ đắc lực để người thời nay nhận thức quá khứ, và việc nhận thức quá khứ thông qua ca dao dân ca nói riêng hay văn học dân gian nói chung, cũng là một nhiệm vụ không thể chối bỏ của người thời nay.

Trong cuộc sống hôm nay, việc nghiên cứu ca dao dân ca nói riêng hay việc nghiên cứu văn học dân gian nói chung cũng đang rất được chú trọng, không chỉ trong phạm vi ngành nghiên cứu văn học, mà còn các ngành nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu tôn giáo, nghiên cứu văn hóa. Trong nhà trường, văn học dân gian bao gồm cả ca dao dân ca cũng rất được chú trọng, trở thành một mảng lớn của bộ môn văn học. Hệ đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng cũng có rất nhiều ngành học liên quan đến việc nghiên cứu ca dao dân ca, nhất là ngành ngữ văn và ngành âm nhạc.

Vậy, ca dao dân ca giúp cho chúng ta nhận thức được điều gì từ quá khứ? Ca dao dân ca cho chúng ta hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, qua quan điểm tâm tư tình cảm mang tính thẩm mỹ của dân gian. Những bài ca dao về lịch sử chủ yếu nói về những bậc vĩ nhân, những vị lãnh tụ, những anh hùng là trung tâm của các sự kiện lịch sử, được nhân dân kính trọng, tôn thờ. Có thể kể đến một vài bài ca dao:

“Ai về đến huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ Loa hình ốc khác thường
Trải bao năm tháng, nẻo đường còn đây.”

“Thùng thùng trống đánh quân sang
Chợ Già trước mặt, quân Nam bên đàng
Qua Chiêng thì rẽ về Giàng
Qua quán Đông Thổ vào làng Đình Hương
Anh đi theo chúa Tây Sơn
Em về cầy cuốc mà thương mẹ già.”

“Vĩnh Long có cặp rồng vàng
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuấn Trần.”

Không có những chi tiết cụ thể, cũng chẳng có những thông tin về ngày tháng,  giá trị lịch sử của ca dao dân ca hay văn học dân gian không bằng chính sử, nhưng đó cũng là một nguồn tư liệu cho nhà sử học, giúp ho thấy được quan điểm của nhân dân trong từng thời kì lịch sử, để mỗi sự kiện không đơn thuần là sự kiện, mà nó còn bao hàm cả tâm tư tình cảm thái độ của nhân dân, của dân tộc trong đó.

Ngoài ra, ca dao dân ca còn cho chúng ta những hiểu biết về phong tục tập quán của người xưa, như tục ăn trầu, tục thách cưới , lễ vinh quy bái tổ của người đỗ đạt trạng nguyên…:

“Đêm qua trăng sáng mập mờ
Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
Vào vườn trẩy quả cau xanh
Bổ ra làm sáu trình anh xơi trầu
Trầu này têm những vôi tàu
Ở giữa đệm quế, đôi đầu thơm cay
Mời anh xơi miếng trầu này
Dù mặn dù nhạt, dù cay dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương”

“Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh quốc cấm nên voi không bàn
Dẫn trâu sợ họ máu hàn
Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo mời dân mời làng
– Chàng dẫn thế em lấy làm sang
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Người ta thách lợn, thách gà
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang
Củ to thì để mời làng
Còn như củ nhỏ họ hàng ăn chơi
Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi
Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà
Bao nhiêu củ rím, củ hà
Để cho con lợn, con gà nó ăn”

“Cái bống mặc xống ngang chân
Lấy chồng kẻ chợ cho gần, xem voi
Trèo lên trái núi mà coi
Thấy ông quản tượng dắt voi đánh cồng
Túi vóc mà thêu chỉ hồng
Têm trầu cánh phượng cho chồng đi thi
Một mai chồng đỗ vinh quy
Võng anh đi trước anh thì õng sau
Tàn quạt, hương án theo hầu!
Vinh quy bái tổ, giết trâu ăn mừng!”

Phong tục tập quán chính là nếp sống, thể hiện nếp nghĩ, nếp cảm của người xưa, mang đậm tính cách và bản sắc dân tộc. Qua ca dao dân ca, các phong tục tập quan này hiện lên đầy sinh động, ca dao dân ca dẫn dắt những chi tiết phong tục tập quán không phải với mục đích thuyết minh, mà lồng vào đó bao giờ cũng là tâm tư tình cảm, là buồn vui yêu ghét, là ước mơ, là khát vọng… Đó là những nét đẹp văn hóa không bao giờ lu mờ, là chìa khóa để mở cánh cửa khám phá tính cách và tâm hồn và tính nhân văn của dân tộc. Chính vì vậy, ca dao dân ca cũng trở thành một nguồn tư liệu nghiên cứu phong phú của các nhà nghiên cứu văn hóa, và cả của ngành du lịch.

Không chỉ đi vào các hoạt động sống, ca dao dân ca mở cho chúng ta cánh cửa đồng vọng, để những cảm xúc từ trái tim đồng vọng với những cảm xúc của trái tim, vượt qua rào cản của không gian và thời gian, để những cung bậc tâm tư tình cảm được chia sẻ và thấu hiểu. Trong quá trình khám phá quá khư, ca dao dân ca giúp người thời này hiểu được những cảm xúc của người xưa gửi gắm, đồng thời từ những cảm xúc ấy, họ cũng lại tìm thấy chính mình. Đó chính là sức đồng cảm mạnh liệt của thơ ca, của ca dao dân ca. Ca dao dân ca thuộc thể loại trữ tình, nên cảm xúc gửi gắm trong ấy rất đa dạng phong phú với đủ cung bậc, nhưng mảng đề tài phổ biến hơn cả có lẽ đó là mảng đề tài về tình yêu, với rất nhiều cung bậc của tình yêu, trong nhiều giai đoạn từ chớm nở đến khi chia lìa:

“Chẳng tham nhà ngói rung rinh ,
Tham vì một nỗi , anh xinh miệng cười
Miệng cười anh đáng mấy mươi
Chân đi đáng nén , miệng cười đáng trăm.”

“Có đêm thơ thẩn một mình
Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
Có đêm tạc đá ghi vàng
Ngày nào em chả nhớ chàng , chàng ơi !”

“Xa nhau xa bóng xa hình
Nhưng không xa được tấm tình cho nhau”

“Yêu nhau chẳng quản gần xa
Một ngày chẳng đến bằng ba bốn ngày”

“Tìm nàng mà chẳng thấy nàng
Bâng khuâng như mất lạng vàng trong tay”

Cảm xúc là cái cá nhân, mỗi người, mỗi hoàn cảnh sẽ có những cảm xúc với những cung bậc khác nhau. Tuy vậy, trong mỗi con người luôn có những cảm xúc mang tính bản năng, nghĩa là trong hoàn cảnh tương tự ta cũng sẽ có những cảm xúc tương tự. Chính điều đó làm nên sợi dây đồng cảm giữa người với người, mà ca dao dân ca, với sức sống lâu bền của nó, đã trở thành người sứ giả chân thành của trái tim, vượt qua mọi rào cản và giới hạn của sự tồn tại để đưa những trái tim cách xa nhau cả ngàn năm đến gần với nhau. “Thơ là chuyện đồng điệu”(Tố Hữu), tìm thấy những cảm xúc của người xưa, hiểu người xưa, cũng chính là người thời nay tìm thấy chính mình, thấu hiểu được những cảm xúc của chính mình để từ đó tìm ra đường đi đúng trong cuộc sống của mình.

Ca dao dân ca còn giúp người thời nay hiểu rõ được những đau khổ trong số phận của người xưa, thông qua những bài ca dao than thân. Đó là số phận đau khổ và bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội trọng nam khinh nữ, là tiếng lòng đau đớn của những thân phận truân truyên, “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” :

“Thân em mười sáu tuổi đầu
Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người
Nói ra sợ chị em cười
Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay
Tôi về đã mấy năm nay
Buồn riêng thì có, vui rày thì không.:”

“Ngày thời vất vả ngoài đồng
Tối về thời lại nằm không một mình
Có đêm thức suốt năm canh
Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò…”

“Đường xa muôn dặm sơn hà
Thân em trôi nổi biết là về đâu.
Nao nao mặt nước gợn sầu
Gẫm câu nhân thế ruột đau như chín.”

“Ai về đợi với em cùng
Thân em nay bắc mai đông một mình
Chi bằng ruộng tốt rừng xanh
Vui cha, vui mẹ, vui anh em nhà!
Áo tứ thân em treo trên mắc
Đêm anh nằm anh đắp lấy hơi
Nhớ em em vẫn nhớ đời
Quên em, em mới ra người kiếp xưa”

Đó cũng có thể là lời người nông dân, những con người thấp cổ bé họng bị áp bức bóc lột trong xã hội cũ, hóa thân trong hình ảnh con cò lam lũ, cực nhọc, tội nghiệp đáng thương:

“Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Nếu có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con”

“Cái cò chết tối hôm qua
Có hai hạt gạo với ba đồng tiền
Một đồng mua trống mua kèn
Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vong
Một đồng mua mớ rau răm
Đem về thái nhỏ thờ vong con cò”

“Cái cò là cái cò con,
Mẹ đi xúc tép để con ở nhà.
Mẹ đi một quảng đường xa,
Mẹ xà chân xuống phải mà anh lươn
Ông kia có chiếc thuyền nan,
Chở vào ao rậm xem lươn bắt cò.
Ông kia chống gậy lò rò,
Con lươn tuột xuống con cò bay lên.”

Đối diện với số phận bất hạnh của người xưa trong ca dao, người thời nay sẽ nảy sinh lòng trắc ẩn và yêu thương con người, từ đó sống đẹp hơn, tốt hơn. Nhìn nhận được những nỗi đau trong quá khứ, ta sẽ biết trân trọng hiện tại và có ‎ý thức xây dựng, bảo vệ hiện tại. Mặt khác, cuộc đời không bằng phẳng, bất kì thời đại nào, dù xưa hay nay, dù là người xưa hay người nay thì số phận đều có những nỗi đau riêng, những bất hạnh riêng, đối diện với nỗi đau của người xưa ta tìm được sự đồng cảm, đồng thời cũng tìm được sức mạnh vượt qua nghịch cảnh, khi ta nhận thức được rằng nghịch cảnh là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thì ta sẽ không ảo tưởng về cuộc sống bằng phẳng, cũng không thấy mình là kẻ bất hạnh, khi ấy ta sẽ chuẩn bị cho mình một tâm thế để đương đầu với tất cả, và dần dần vượt qua.

Có ai đó dã nói rằng, quá khứ là những gì đã qua, tương lai mãi là một bí ẩn, và hiện tại là một món quà. Nghĩa là ta phải biết sống cho hiện tại, biết qu‎í trọng món quà mà cuộc sống ban tặng. Nhưng hiện tại được làm nên từ quá khứ, và tương lai được làm nên từ hiện tại. “Quá khứ làm thay đổi hiện tại, cũng nhiều như hiện tại làm thay đổi quá khứ”. Tìm về với quá khứ qua ca dao dân ca, hiểu về thời đại đã làm nên thời đại của ta, ta sẽ hiểu hơn nhiều thứ về cuộc sống, về bản thân, về xã hội. Ta cũng sẽ rút ra được bài học cho mình, học từ quá khứ để sống tốt hơn trong hiện tại, cũng chính là đang đặt những viên gạch vững chắc xây dựng nên tương lai. Và ca dao dân ca, với nguồn tri thức, với những tư tưởng tình cảm gửi gắm, chính là một cánh  cửa đầy xúc cảm để con người thời nay chạm tay vào quá khứ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang