Mối quan hệ giữa ca dao, dân ca và văn học viết

moi-quan-he-giua-ca-dao-dan-ca-va-van-hoc-viet

Mối quan hệ giữa ca dao, dân ca và văn học viết

Sự tồn tại của ca dao dân ca trong đời sống hôm nay còn thể hiện ở mối quan hệ của ca dao dân ca với nghệ thuật hiện đại. Với nghệ thuật, ca dao dân ca cũng đóng góp một phần không nhỏ cho quá trình sáng tạo. Nghệ thuật là tấm gương chân thực phản ánh đời sống, ca dao dân ca,  nếu với những hoạt động sinh hoạt trong đời sống đóng một vai trò rất quan trọng, thì khi bước từ địa phận cuộc đời vào địa phận nghệ thuật, nó cũng đóng một vai trò không thể thiếu  là trở thành chất liệu nghệ thuật, cung cấp cho hoạt động sáng tác nghệ thuật một nguồn thi liệu gợi cảm, đa dạng, dồi dào, và đắt giá.

Về vấn đề này, giáo trình văn học dân gian nhận định: :“ Văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng nền văn học dân tộc Việt Nam. Nhiều thể loại văn học viết được xây dựng và phát triển dựa trên sự kế thừa các thể loại văn học dân gian. Nhiều tác phẩm , nhiều hình tượng do văn học dân gian tạo nên là nguồn cảm hứng , là thi liệu , văn liệu của văn học viết. Nhiều nhà thơ , nhà văn lớn của dân tộc ( Nguyễn Trãi , Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du , Hồ Xuân Hương , Phan Bội Châu , Hồ Chí Minh,….) đã tiếp thu có kết quả văn học dân gian để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương ưu tú”. Đó là một nhận định xác đáng.

Tại sao ca dao dân ca lại có thể trở thành một nguồn chất liệu dồi dào cho đời sống nghệ thuật? Thứ nhất, như nhà văn Serdin đã từng nhận xét: “Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”, ca dao dân ca nói riêng và văn học dân gian nói chung, với tư cách là hình thái văn học đầu tiên của dân tộc, cũng chính là hình thái văn học trải qua sự sàng lọc, rèn dũa của thời gian nhiều nhất, bị thời gian tác động mạnh mẽ và khắc nghiệt nhất. Qua bàn tay tàn nhẫn nhưng công bằng của thời gian, những gì chưa hoàn thiện, những giá trị nhất thời, dần bị phủ mờ bởi lớp bụi lãng quên. Chỉ còn những gì tinh túy nhất, hoàn thiện nhất, tốt đẹp nhất, mới đủ sức vượt qua sự thử thách ấy để tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Cho nên, không ngoa khi nói rằng, những gì còn lại của văn học dân gian cho đến hôm nay chính là những hạt ngọc sáng nhất, lấp lánh nhất của quá khứ. Chính ánh sáng đã được bàn tay thời gian tôi luyện ấy, chính là một nguồn cảm hứng, một chất liệu tuyệt vời cho sáng tác nghệ thuật của hiện đại. Bên cạnh đó, văn học dân gian đồng hành cùng tuổi thơ của mỗi chúng ta, êm ả bên cánh ru êm, chính điều đó, trong cả hoạt động sáng tác lẫn hoạt động tiếp nhận, văn học dân gian đề có những tác động nhất định đến tư tưởng và tình cảm của chúng ta.

Mặt khác, với bản chất của thể loại trữ tình, ca dao dân ca là nơi cất giữ mọi cung bậc cảm xúc của người xưa, qua bao biến động của thời gian, dần chắt lọc lại đến nay, đã kết tinh thành những cảm xúc có tính nhân bản, là những cảm xúc thuộc về bản chất con người, những cảm xúc luôn rung động trong trái tim con người ở mọi thời, bất kể quốc gia, thời đại. Khi ấy, ngôn ngữ chỉ là hình thức thể hiện, còn cảm xúc chứa đựng trong ấy, có sức mạnh lan truyền lớn lao, có thể chạm vào bất kì trái tim nào, dù là lạnh giá nhất. “Thơ ca là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người”, trong hoạt động sáng tác  hôm nay, sự hồn nhiên ấy, cái cảm xúc bản năng và chân thật ấy cần cho chúng ta biết bao?

Hơn nữa, về mặt nghệ thuật, ca dao dân ca vốn là lời hát, bản thân nó có tính nhạc cả ở trong hình thức của lời hát, tức chỉ đọc ca dao lên cũng đã thấm đẫm chất nhạc trong đó. Chính đặc điểm này về nghệ thuật cũng giúp ca dao trở thành sư lựa chọn của người nghệ sĩ trong việc sử dụng ngôn từ của ca dao làm ngôn từ của tác phẩm, dùng chất nhạc của nhân dân kết tinh trong ca dao làm nên nhịp điệu du dương trầm bổng chắp cánh cho nội dung mà mình gửi gắm, để con đường đến với trái tim bạn đọc của tác phẩm trở nên gần hơn và sâu sắc hơn.

Tuy có những đặc tính như vậy, nhưng việc sử dụng ngôn ngữ của cao dao dân ca nói riêng, hay văn học dân gian nói chung, đối với sáng tác nghệ thuật, chỉ dừng lại ở mức độ là chất liệu. Người nghệ sĩ sáng tác  nếu có sử dụng ngôn ngữ ca dao dân ca vào tác phẩm, thì những yếu tố sử dụng ấy cũng rất tiết chế, và chỉ dừng lại ở mức là công cụ để thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm. Hay nói cách khác đi, trong quá trình sáng tác, mỗi người nghệ sĩ đều phải dụng công biến cái chung của dân gian thành cái riêng trong sáng tác của mình.

Thật ra điều này cũng rất dễ hiểu, bởi đặc trưng của nghệ thuật là sự sáng tạo, Nam Cao đã từng nói: “Văn học không cần những người thợ khéo tay làm theo những kiểu mẫu đưa cho, văn học chỉ cần những người biết đào sâu, khơi những nguồn chưa ai khơi, tìm ra những gì chưa có”, Gorki nói : “Anh có thể học cách viết ở tất cả những nhà văn nổi tiếng, nhưng anh phải tìm cho mình một giọng điệu riêng”, cũng như vậy, Sê khốp cho rằng: “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả…Nếu anh không có giọng riêng,anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ” , nếu không sáng tạo mà sao chép y nguyên những gì đã có, thì đó không phải là hoạt động nghệ thuật, và thành phẩm làm ra cũng sẽ bị quên lãng.

Vậy các nhà văn nhà thơ của thời đại hôm nay đã sử dụng chất liệu ca dao dân ca trong tác phẩm của mình như thế nào?

Về mặt nội dung, ca dao dân ca cung cấp cho văn học một nguồn chất liệu dồi dào, đó là những hình tượng nghệ thuật quen thuộc con cò, cái bống, cây trúc, cay mai, hoa nhài, gốc đa, sân đình… Những hình tượng ấy vốn dĩ là những hình tượng được lặp đi lặp lại trong ca dao, truyền tải những cung bậc tình cảm khác nhau với sức lay động mạnh mẽ. Bước một từ thế giới ca dao vào trang giấy của văn học viết, những chất liệu ca dao bỗng lột xác, những nội dung, tình cảm của ca dao dân ca được con người thời nay soi chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau, hòa nhịp với những cung bậc tình cảm của thời đại mới để trở thành những nội dung đầy tính mới mẻ, mang đặc trưng của văn học viết hiện đại.

Từ bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” quen thuộc, Phùng Quán đã đưa ra một cái nhìn mới mẻ, nếu không muốn nói là táo bạo:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền
Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen.
Nhưng tôi không thể nào tin được
Câu ca này gốc gác tự nhân dân
Bởi câu ca sặc mùi phản trắc
Của những phường bội nghĩa vong ân!
Vốn con cái của giai cấp cùng khổ
Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son
Nghĩ đến cha mẹ chúng xấu hổ
Chúng mưu toan giấu che từ bỏ
Nói xa gần chúng mượn chuyện sen
….Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Tất cả là trong cái chữ “gần”
Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột
Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
Bùn với sen đâu phải chuyện gần?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh…
Tất cả, tất cả, tất cả!…
Là do bùn hôi nuôi dưỡng
Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
Cũng là xương thịt của bùn tanh!
Như nhân dân
Gian truân, thầm lặng, vô danh
Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ…
Nhân danh bùn
Nhân danh sen
Tôi đề nghị:
Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!

(Sen)

Bài thơ là thực chất lại là một bài bình giảng đầy mới mẻ cho một câu ca dao đã quá đỗi quen thuộc.  Sen và bùn trong câu ca dao xưa, theo cách hiểu cố hữu của chúng ta là ẩn dụ cho nét đẹp thanh cao của con người Việt Nam, dù ở gần bùn đen, ẩn dụ cho những xấu xa, cạm bẫy của cuộc sống, vẫn giữ được cốt cách thanh cao của mình. Ở đây Phùng Quán đã nhìn bùn và sen theo một mối quan hệ khác, xuất phát từ cuộc sống, bùn chính là nguồn sống của sen, và mối quan hệ giữa bùn và sen không phải là “gần” mà là mối quan hệ hữu cơ, sen dựa vào bùn mà sống.

Chính cái nhìn của người hiện đại đi sâu vào bản chất của hiện tượng đã làm sen và bùn ở câu ca dao xưa có một tầng nghĩa khác, tách li hoàn toàn với tầng nghĩa chỉ nhìn vào biểu hiện bên ngoài của người xưa. Bùn ở đây lại ẩn dụ cho cha mẹ, cho nhân dân lam lũ, sen lại là ẩn dụ cho những kẻ thành tài từ cái lam lũ ấy, để rồi quay lại phủ nhận, phụ bạc cái nôi mà mình đã sinh ra. Thái độ của tác giả ở đây rất quyết liệt và ngang tàn: “Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu nhân gian!”. Có lẽ chính cái thái độ ấy đã làm nên sức hấp dẫn của bài thơ, bởi “Sự tầm thường là cái chết của thơ ca”. Ở đây là Phùng Quán phủ định dân gian, phủ định một bài ca dao cổ xưa? Bề ngoài là vậy, nhưng thực chất, chính thái độ căm ghét, bất bình với những kẻ ăn cháo đá bát, phủ nhận nguồn cội là nguyên nhân cho giọng điệu có vẻ như liều lĩnh ấy. Phùng Quán không phủ nhận câu ca dao xưa, mà Phùng Quán đang phê phán đả kích những kẻ vong ơn bạc nghĩa trong cuộc sống này, để từ đó đưa ra một cách sống đúng đắn, tốt đẹp, đó mới là ‎nghĩa đích thực. Và như vậy, câu ca dao xưa, đã trở thành một chất liệu hoàn hảo, trở thành một thứ vũ khí sắc bén trong tay nhà thơ liều lĩnh, để tư tưởng được cất lên đầy tính thuyết phục và cũng đầy tính chiến đấu.

Chất liệu ca dao dân ca còn là những cung bậc đồng cảm, hòa điệu với những cảm xúc của con người thời nay, sự đồng vọng giữa trái tim với trái tim, giữa cảm xúc với cảm xúc đã hòa trộn nên những áng thơ đẫm nước mắt và đầy trăn trở. Đó là hình cảnh con sáo sang sông từ câu lí Nam Bộ cất cánh vào thơ:

“ Tẽn tò con sáo sang sông
Bờ bên này tưởng cũng không có gì
Tẽn tò con sáo bay đi
Lạc bờ bên ấy có gì cũng không”

(Con sáo sang sông – Đồng Đức Bổn)

Cũng là hình ảnh con sáo sang sông trong điệu lí Nam Bộ, nhưng từ cái tiếc nuối của người ở lại, “Ai mang con sáo sang sông/ Để cho con sáo sổ lồng bay đi”, là cái tiếc nuối của chàng trai ngậm ngùi trước cảnh “sáo sang sông”, nhìn tình yêu của mình vụt mất, từ cái tiếc nuối của dân ca, đến bài thơ hiện đại hình ảnh con sáo lại cõng trong mình cái tẽn tò chênh vênh quẩn quanh và hụt hẫng của chính mình, của người con gái ra đi. Tẽn tò… Tẽn tõ… Cấu trúc ấy cứ lặp đi lặp lại tạo thành một vòng luẩn quẩn đầy xót xa, càng xót xa hơn nữa khi bờ bên này “tưởng cũng không có gì”, bờ bên ấy “Có gì cũng không”, từ ngữ lặp lại và xáo trộn trong cái vòng quẩn quanh bế tắc của cảm xúc, để rồi đọng lại một cái gì đó xót xa và hụt hẫng lắm, chênh vênh lắm, như những dư ba ngân mãi, day dứt khôn nguôi. Ở đây, cái nhìn về chủ thể cảm xúc thay đổi, nhà thơ đã thay đổi điểm nhìn cảm xúc cho chất liệu, để từ đó bày tỏ những cảm xúc mà mình ấp ủ.

Cũng có những lúc, cảm xúc ấy là những cung bậc đồng điệu, chắp cánh cho nhau:

“Qua bao mùa hoa cải
Chỉ mình anh biết thôi
Mình anh không dám hái
Hoa cải bay về trời”

(Mùa hoa cải – Nghiêm Thị Hằng)

Câu thơ “Hoa cải bay về trời” mở đường cho chúng ta tìm về câu ca dao xưa:

“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”

Câu ca dao xưa ngậm ngùi một nỗi niềm chia cắt. Sự phụ bạc của tình yêu, có thể. Nguyễn Ngọc Tư cũng từng viết về câu ca dao ấy: “Đau, tức vậy mà trách cứ nhẹ hều…”. Đấy là cái hiền lành thâm trầm của người xưa. Cái đau thâm trầm ấy hòa một nhịp với nỗi niềm người con gái ẩn thân trong hình ảnh hoa cải, bông hoa cải mà “anh không dám hái”, đê rồi đành ngậm ngùi “Bay về trời”. Sự hòa nhịp ấy tạo nên một cộng hưởng man mác buồn, đọng lại trong ta cái ngậm ngùi tiếc nuối, làm cho bài thơ của Nghiêm Thị Hằng phủ mờ một màu vàng bạt ngàn của những vườn cải đầy hoa, mà cũng xa ngái một màu vàng của kí ức và những điều dang dở…

Ngoài làm chất liệu cho nội dung, ca dao dân ca còn là chất liệu cho việc xây dựng hình thức nghệ thuật. Sử dụng chất liệu ca dao dân ca vào việc xây dựng hình thức của tác phẩm văn học thực chất chính là mượn cách nói của người xưa để thể hiện đến những chuyện của thời nay, dùng ngôn ngữ của người xưa để góm ghém cảm xúc của người hiện đại. Có thể lấy một đoạn trong bài thơ “Chiều ca dao” của Ngô Thị Ý Nhi làm ví dụ:

“Ngủ đi anh! Ngủ đi anh!
À ơi!
Con cò bay lả bay la
Bay từ cổ tích bay qua đời mình
Bao giờ rau diếp làm đình
Gỗ lim ăn ghém thì mình xa nhau…”

Đoạn thơ dùng hình thức của những khúc hát ru với tiếng “à ơi”, “ngủ đi” để tạo nên âm hưởng da diết trầm bổng, chính vì thế từng vần thơ cất lên êm dịu và chan chứa tình cảm như những nốt nhạc trong làn điệu hát ru. Những hình ảnh quen thuộc của ca dao như cánh cò êm ả cũng làm tăng thêm nhạc tính của đoạn thơ. Nhưng sự vận dụng hình thức của ca dao vào thể hiện ‎ tưởng phải kể đến hai câu thơ cuối:

“Bao giờ rau diếp làm đình
Gỗ lim ăn ghém thì mình xa nhau…”

Hai câu thơ này là sử dụng hình thức của câu ca dao:

“Bao giờ rau diếp làm đình
Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta”.

“Rau diếp làm đình”, “gỗ lim thái ghém” là những sự kiện hoang đường, chẳng bao giờ xảy ra, cũng giống như cách sử dụng của câu ca dao “Bao giờ trạch đẻ ngọn đa…”, đặt chúng với “bao giờ” ‎y chỉ một mốc thời gian không bao giờ đến, là một cách nói trực tiếp mà gián tiếp, dùng một mốc thời gian mơ hồ để phủ định một  sự việc nào đó. Nhưng nếu câu ca dao xưa đầy oán trách, đầy tuyệt vọng,  “bao giờ… thì mình lấy ta”, thì bài thơ của Ngô Thị Ý Nhi lại đầy tin yêu vào sự bền vững của tính yêu “Bao giờ… thì mình xa nhau”. Cùng một cách nói, nhưng cái đợi chờ mòn mỏi của quá khứ hóa thân vào bài thơ hiện đại lại chở thành niềm tin yêu vô bờ. Ở đây ca dao đã trở thành một chất liệu hình thức, làm nên hình hài sắc vóc cho nội dung, làm tình cảm của nội dung cất cao và đầy sức lay động. Để làm được điều ấy, tài năng và sự tinh tế của nhà thơ trong việc nắm bắt cảm xúc và vận dụng ngôn ngữ nhân dân đã được vận dụng một cách tài hoa, khéo léo.

Như vậy, trong cuộc sống hôm nay, chất liệu ca dao dân ca thể hiện trong nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn chương thể hiện khá rõ và đặc sắc, nhưng đa số chất liệu ấy chỉ dùng cho thơ, như Xuân Diệu từng nhận xét, đại y rằng, nhà thơ học thơ từ cao dao, còn nhà văn học chuyện từ cổ tích. Sự tương đồng về phương thức biểu đạt giữa ca dao và thơ, phương thức trữ tình, chính là mối liên kết mạnh mẽ giữa ca dao và thơ ca hiện đại, đó cũng là điều kiện cơ bản để ca dao trở thành nguồn chất liệu dồi dào cho sáng tác thơ ca.

Không chỉ là chất liệu sáng tác, đối với nghệ thuật, sự tồn tại của ca dao dân ca còn có vai trò là cảm hứng sáng tác. Tố Hữu đã từng nói, “cuộc đời là điểm khởi đầu và là điểm đi tới  của văn chương”, cuộc đời chính là mảnh đất màu mỡ để cái cây nghệ thuật bắt rễ và xanh tốt. Ca dao dân ca, một mặt là một loại hình nghệ thuật, nhưng mặt khác, chính loại hình nghệ thuật ấy lại gắn bó với đời sống, tồn tại gắn chặt với đời sống. Với tư cách là một loại hình nghệ thuật, ca dao dân ca trở thành nguồn thi liệu dồi dào cho sáng tác văn học hiện đại. Nhưng với tư cách là một phần của cuộc sống, của hiện thực khách quan, ca dao dân ca lại trở thành một nguồn cảm hứng cho sáng tạo, trở thành động lực của cảm xúc sáng tạo. Ca dao dân ca có thể là lời đề từ, trở thành chìa khóa để giải mã cảm xúc của bài thơ:

“Con ơi mẹ dặn câu này
Sông sâu chớ lội đò đầy chớ đi…
(ca dao)
Người dưng người ở đâu về
đi cùng ta một chuyến đi xuồng đầy
Hớ hênh nghiêng chút bên này
sông sâu chới với bàn tay chia lìa
hớ hênh nghiêng chút bên kia
giọt đau thương sẽ đầm đìa mắt ai.”

(Xuồng đầy – Nguyễn Duy)

Ca dao cũng có thể là một câu hát của chủ thể trữ tình, là bài hát từ đời sống vào thơ:

“Sẽ có một ngày đời thật bình yên,
Em ngủ vùi trong vòng tay kẻ khác,
Anh lang thang giữa đời thầm hát:
“Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.

(Gió đưa cây cải về trời – Hương Trà)

“Mấy năm rồi, thơ em buồn hơn
Áo em rộng, lòng em tan nát
Những bài hát ngày xưa em vẫn hát
“Cây trúc xinh, quán dốc…gốc đa làng…”

(Xuân Quỳnh)

Ca dao dân ca có thể là cảm hứng cho rất nhiều ‎tứ thơ độc đáo, trở thành tiêu đề của bài thơ:

Bao giờ cho tới ngày xưa
Yêu như các cụ cho vừa lòng ta
Cái thời chưa nhiễm SIDA
Yêu lăn yêu lóc la đà đã chưa
Được yêu như các cụ xưa
Cũng trăng cũng gió cũng mây mưa ào ào
Được yêu như thể ca dao
Đủ phờ phạc đất đủ lao đao trời
Tây Tàu cũng thế thì thôi
Y chang cay đắng ngọt bùi khổ đau
Không trầu mà cũng chẳng cau
Làm sao cho thắm môi nhau thì làm.

(Được yêu như thể ca dao – Nguyễn Duy)

“Vườn xưa người khác đã rào
Khóm mai thay chỗ khóm đào ngày xưa
Em ngồi giặt áo giữa trưa
Đâu rồi môi hát vu vơ một mình?
Em ngồi giặt áo lặng thinh
Vò cho sạch những phận mình xót thương
Giũ cho sạch những giọt buồn
Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời…
Đàn Kiều có mấy khúc vui
Câu Kiều có vận vào đời em chăng?
Tình so chưa đủ ngũ âm
Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi
Áo ca dao gió cuốn rồi
Cầu ca dao trả cho người khác qua…
Tóc mai rủ xuống hiên nhà
Chuyện xưa dù nhắc cũng là chuyện xưa…

Em ngồi giặt áo giữa trưa
Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng.”

(Lỗi hẹn cùng ca dao – Thanh Nguyên)

Lễ hội dân gian với những khúc dân ca cũng trở thành một không gian cho cảm xúc tình tự:

Gặp nhau tự điệu dân ca
Phải tìm đến hội để mà tìm nhau…
Người đông thấy những chỏm đầu
Nào nhìn ra cánh áo nâu mà tìm?
Hội Lim mở giữa đồi Lim
Người nay cứ thích đi tìm người xưa!
Có gì đâu mấy hạt mưa
Áo em đã ướt sao chưa gặp người?
Liền anh, liền chị liền đôi
Chẳng còn ai lẻ cho tôi đi cùng?
Có bao nhiêu chúm môi hồng
Mà không có nụ hôn nồng cho tôi.
Ô hay! Hội đã tan rồi
Còn đâu giã bạn trên đồi chưa nghe…

(Tìm người giữa hội Lim – Đoàn Thị Lam Luyến)

Cuộc sống sống động, đa thanh đa sắc đa tình, ca dao dân ca từ cuộc sống vào thơ cũng mang thanh, sắc, tình của cuộc sống. Chính từ những thanh-sắc-tình ấy mà trái tim người nghệ sĩ vốn dĩ đa mong manh đa cảm, nay lại càng rung động mãnh liệt trước những âm vang của đời sống, ca dao dân ca từ cuộc sống đã đồng vọng với tâm hồn người nghệ sĩ, như ngọn gió thổi căng cánh buồm nghệ thuật, làm nên cảm hứng sáng tạo, giúp hạt giống nghệ thuật gieo xuống mảnh đất hiện thực nảy lên những cây tươi tốt, dâng hiến cho đời hoa thơm, quả ngọt. Với vai trò là nguồn cảm hứng sáng tác, ca dao dân ca cũng đã góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của văn học hiện đại.

Không chỉ có văn học mà sự tồn tại của ca dao dân ca trong đời sống hôm nay cũng ghi dấu ấn ở nhiều ngành nghệ thuật khác. Ca dao dân ca cũng trở thành nguồn chất liệu sáng tác và nguồn cảm hứng cho âm nhạc. Hiện nay chúng ta có thể loại âm nhạc dân gian đương đại với những sáng tác mang dấu ấn dân gian, với những tên tuổi ấn tượng như Nguyễn Vĩnh Tiến với “Bà tôi”, Lưu Hà An với “Con cò”. Phần nhạc của dân ca cũng trở thành chất liệu cho sáng tác âm nhạc, với nhiều tác phẩm mang làn điệu ca trù, quan họ… Hình ảnh “cánh cò lặn lội” cũng được bắt gặp trong nhiều tác phẩm hội họa. Trong nhiều vở kịch vẫn xuất hiện những khúc ru em…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.