»» Nội dung bài viết:
Các dạng bài nghị luận xã hội (NLXH) và dạng đề thường gặp.
I. Dạng bài:
Trong nhà trường, phạm vi của NLXH có 3 dạng chính:
- Nghị luận về một tư tưởng đạo lí.
- Nghị luận về một hiện tượng đời sống.
- Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong một tác phẩm văn học.
II. Dạng đề:
– Căn cứ theo yêu cầu tạo lập văn bản mà có những kiểu đề cụ thể:
- Dạng đề viết bài tự luận ngắn
- Dạng đề viết một đoạn văn nghị luận
– Căn cứ vào nội dung và cách hỏi :
- Dạng đề có cách hỏi trực tiếp, vấn đề nghị luận được trình bày một cách rõ ràng.
- Dạng đề có cách hỏi gián tiếp, vấn đề nghị luận được chứa trong một câu danh ngôn, ý thơ, ý văn…..
III. Định hướng cách làm theo từng dạng bài
1. Nghị luận về một tư tưởng đạo lý:
a. Khái niệm:
– Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí là kiểu bài nghị luận xã hội mà người viết kết hợp những thao tác lập luận để làm rõ những vấn đề tư tưởng đạo lí trong đời sống.
– Đề tài : Rất phong phú và đa dạng:
- Các vấn đề về nhận thức ( Lí tưởng, mục đích sống…)
- Các vấn đề về tâm hồn, tính cách ( Lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng…; tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hoà nhã, khiêm tốn…; thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi…)
- Các vấn đề về quan hệ gia đình ( tình mẫu tử, tình anh em…)
- Các vấn đề về quan hệ xã hội ( tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn bè…)
- Các vấn đề về cách ứng xử, những hành động của mỗi người trong cuộc sống.
* Yêu cầu:
– Về nội dung: Hiểu được vấn đề cần nghị luận là gì.
+ Từ vấn đề nghị luận đã xác định, người viết tiếp tục phân tích, chứng minh những biểu hiện cụ thể của vấn đề, thậm chí so sánh, bàn bạc, bác bỏ… nghĩa là biết áp dụng nhiều thao tác lập luận.
+ Phải biết rút ra ý nghĩa vấn đề.
– Về diễn đạt: Rõ ràng, mạch lạc, đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp.
b. Định hướng cách làm bài:
* Phần mở bài:
– Mở bài là giới thiệu với người đọc vấn đề mình sẽ viết, sẽ trao đổi, bàn bạc.
– Cấu trúc : 2 phần
+ Những câu dẫn dắt vào đề (nêu khái quát )
+ Luận đề (dẫn nguyên văn hoặc nội dung bao trùm )
– Cách làm:
+ Mở bài trực tiếp: Là trả lời thẳng vào câu hỏi “ Bài viết bàn về vấn đề gì?”
+ Mở bài gián tiếp: Có thể xuất phát từ một lời thơ, ý văn, tục ngữ, ý kiến… để dẫn dắt người đọc tới vấn đề tư tưởng, đạo lí cần nghị luận.
* Phần thân bài:
– Thân bài là phát triển, làm rõ những vấn đề đã đặt ra ở mở bài, đây là phần chủ yêú của bài văn
– Cách làm : tiến hành theo các bước sau:
+ Giải thích rõ tư tưởng, đạo lí cần nghị luận ( Giải thích các từ, các khái niệm…)
+ Phân tích, chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lí ( dùng các dẫn chứng của cuộc sống và văn học để chứng minh )
+ Bác bỏ những biểu hiện sai lệch liên quan đến tư tưởng, đạo lí (dùng các dẫn chứng của cuộc sống và văn học để chứng minh )
+ Khẳng định, đánh giá ý nghĩa của tư tưởng đạo lí đã nghị luận.
+ Rút ra bài học nhận thức và hành động.
* Phần kết bài:
– Kết bài là tổng kết, “gói lại” vấn đề đã đặt ra ở phần mở bài và phát triển ở thân bài. Một kết bài hay thường khơi gợi được suy nghĩ, tạo “ dư ba” trong lòng người đọc.
– Cách làm: Tóm tắt khái quát lại các ý, nhấn mạnh luận đề đã nêu ở đề bài nhằm chốt lại bài viết hoặc dẫn thơ văn để mở rộng, gợi ý thêm cho người đọc về vấn đề đang bàn luận. Liên hệ rút ra vấn đề cho bản thân.
2. Nghị luận về một hiện tượng đời sống.
a. Khái niệm:
– Nghị luận về một hiện tượng đời sống là bàn luận về một hiện tượng trong đời sống có ý nghĩa đối với xã hội, được nhiều người quan tâm. Kiểu bài này đề cập đến rất nhiều phương diện của đời sống tự nhiên và xã hội (thiên nhiên, môi trường, cuộc sống con người,…)
b. Phạm vi đề tài:
– Đề tài của dạng nghị luận này rất phong phú, thường có tính đa chiều, đa diện (trong khi đối tượng bàn luận của kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý lại là những tư tưởng, đạo lý đã được đúc kết, coi như là chân lý đã được nhiều người thừa nhận) và là những hiện tượng đời sống mang tính thời sự.
c. Một số đề tài cụ thể như:
– Hiện tượng môi trường bị ô nhiễm.
– Hiện tượng tiêu cực trong học hành, thi cử
– Vấn đề tai nạn giao thông
– Sự thờ ơ, vô cảm của con người trong xã hội hiện nay
– Nạn bạo hành trong gia đình
– Nạn bạo lực học đường
– Hiện tượng học sinh nghiện chơi điện tử….v.v
d. Yêu cầu
– Về nội dung:
+ Người viết cần thể hiện được sự hiểu biết về vấn đề cần nghị luận: nêu rõ hiện tượng và những biểu hiện cụ thể của nó.
+ Phân tích các mặt đúng – sai, lợi – hại để có cái nhìn toàn diện.
+ Chỉ ra nguyên nhân và các tác động tiêu cực, tích cực của hiện tượng
+ Bày tỏ thái độ, đưa ra ý kiến, giải pháp đối với vấn đề nghị luận.
– Về thao tác lập luận:
+ Cần phối hợp nhiều thao tác lập luận trong bài viết: giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận
– Về phạm vi tư liệu:
+ Huy động kiến thức về đời sống xã hội, đặc biệt là những thông tin cập nhật có liên quan đến vấn đề và những trải nghiệm của bản thân. Những kiến thức nêu ra cần có sự hài hòa giữa tri thức phổ quát và nhận thức chủ quan của bản thân theo hướng cụ thể, sát thực tiễn.
– Về trình bày, diễn đạt:
+ Hình thức trình bày là một bài văn hay một đoạn văn tùy theo yêu cầu của đề bài nhưng cần có cấu trúc ba phần: mở, thân , kết.
+ Cách thức tổ chức lập luận chặt chẽ, ý phải rõ ràng, mạch lạc, thể hiện được tư duy logic của người viết.
+ Diễn đạt ngắn gọn, trong sáng, mỗi ý trình bày thành một đoạn văn.
e. Cách làm bài:
- Mở bài:
– Nêu hiện tượng cần nghị luận
- Thân bài
– Giải thích rõ khái niệm về hiện tượng(nếu cần)
– Phân tích các mặt của hiện tượng đời sống được đề cập (dùng dẫn chứng từ cuộc sống và văn học để làm rõ )
+ Biểu hiện, thực trạng của hiện tượng xã hội cần nghị luận
+ Nguyên nhân làm xuất hiện hiện tượng đó(cả nguyên nhân khách quan và chủ quan)
+ Tác động (hậu quả) của hiện tượng đối với xã hội: Tích cực → biểu dương, ngợi ca; tiêu cực → phê phán, lên án
+ Biện pháp phát huy (nếu là tích cực) hoặc ngăn chặn (nếu là tiêu cực)
+ Đánh giá, đưa ra ý kiến về hiện tượng xã hội đó.
+ Rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Kết bài:
– Tóm lược.
– Liên hệ, rút ra bài học cho bản thân.
3. Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong một tác phẩm văn học
a. Khái niệm:
– Nghị luận về một vần đề xã hội đặt ra trong các tác phẩm văn học là kiểu bài nghị luận mà vấn đề bạc được rút ra từ một tác phẩm văn học hoặc một câu chuyện nhỏ.
b. Đề tài:
– Một vấn đề xã hội có ý nghĩa sâu sắc nào đó đặt ra trong tác phẩm văn học. Vấn đề xã hội có ý nghĩa có thể lấy từ hai nguồn: tác phẩm văn học đã học trong chương trình hoặc một câu chuyện nhỏ, một văn bản văn học ngắn gọn mà HS chưa được học. Dù là vấn đề gì thì đề tài cũng thuộc phạm vi các tư tưởng đạo lí hoặc các hiện tượng đời sống.
c. Yêu cầu :
– Nội dung: Hiểu được vấn đề cần nghị luận là gì.
+Từ vấn đề nghị luận đã xác định, người viết tiếp tục phân tích, chứng minh những biểu hiện cụ thể của vấn đề, thậm chí so sánh, bàn bạc, bác bỏ… nghĩa là biết áp dụng nhiều thao tác lập luận.
+ Phải biết rút ra ý nghĩa vấn đề.
– Về diễn đạt: Rõ ràng, mạch lạc, đúng chuẩn ngữ pháp, chuẩn chính tả.
d. Định hướng cách làm bài:
* Về cấu trúc triển khai tổng quát:
– Phần một: Phân tích văn bản (hoặc nêu vắn tắt nội dung câu chuyện) để rút ra ý nghĩa của vấn đề (hoặc câu chuyện).
– Phần hai (trọng tâm): Nghị luận (phát biểu) về ý nghĩa của vấn đề xã hội rút ra từ tác phẩm văn học (câu chuyện).
* Kĩ năng :
– Viết phần mở bài và kết bài ( Như phần nghị luận về một tư tưởng đạo lí và hiện tượng đời sống ).
– Viết phần thân bài:
+ Giải thích khái niệm ( nếu có )
+ Phân tích làm rõ vấn đề được nghị luận trong văn học (qua văn bản).
- Nếu vấn đề là một tư tưởng đạo lí thì áp dụng cách viết như kiểu bài thứ nhất (đã trình bày ở trên).
- Nếu vấn đề là một hiện tượng đời sống thì áp dụng cách viết như kiểu bài thứ hai (đã trình bày ở trên ).
+ Đánh giá ý nghĩa của tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng đời sống đã nghị luận.
+ Rút ra bài học nhận thức và hành động.
* Kết bài:
– Đánh giá vấn đề nghị luận.
– Liên hệ bản thân.