»» Nội dung bài viết:
Các phương tiện chuyển nghĩa của từ
Các phương tiện chuyển nghĩa của từ là một biện pháp nghệ thuật được nhà văn, nhà thơ sử dụng để tạo nên những khả năng biểu hiện của lời văn, lời thơ. Ðó là các phương thức chuyển nghĩa dựa vào sự tương ứng của hai hiện tượng, hay dùng hiện tượng này để nhận thức và giải thích hiện tượng kia. Chức năng chung của các phương tiện chuyển nghĩa là làm hiện lên sự vật, hiện tượng trong các tương quan ý nghĩa khác nhau.
Có thể nói đến các phương thức chuyển nghĩa của từ tiêu biểu:
1. So sánh.
So sánh là hình thức được sử dụng quen thuộc nhất trong tác phẩm văn học. Nó đối chiếu hai hay nhiều đối tượng có một dấu hiệu chung nào đó (nét giống nhau) nhằm diễn tả một cách hình ảnh đặc điểm của một đối tượng.
“Ðôi ta làm bạn thong dong.
Như đôi đũa bạc nằm trong mâm vàng”.
(Ca dao)
“Lòng em như quán bán hàng
Lòng anh như khách qua đàng dừng chân”.
(Ca dao)
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Ðã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”
(Ca dao)
So sánh thường dùng các liên từ: như , giống như, là, bao nhiêu, bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, giữa hai vế nhiều người vẫn không sử dụng từ so sánh:
“Lòng anh, giếng ngọt trong veo.
Trăng thu trong vắt, biển trời trong xanh”
(Ca dao)
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
2. Ẩn dụ.
Ẩn dụ là biện pháp so sánh ngầm trong đó chỉ có vế so sánh xuất hiện nhưng nhờ sự liên tưởng và văn cảnh, người đọc vẫn có thể liên hệ được đến đối tượng được so sánh:
“Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
(Ca dao)
“Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về”.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
“Em tưởng nước giếng sâu em nối sợi gàu dài
Ai ngờ giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây”.
(Ca dao)
3. Nhân hóa.
Nhân hóa là hiện tượng nghệ thuật sử dụng từ vốn chỉ thuộc tính, khả năng của con người chuyển sang biểu thị thuộc tính, khả năng của đối tượng không phải người.
“Vì sương nên núi bạc đầu
Biển lay bởi gió, hoa sầu vì mưa”.
(Ca dao)
Hoặc trò chuyện, bày tỏ với một đối tượng không phải người:
“Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương”
(Ca dao)
4. Phúng dụ.
Phúng dụ là một ẩn dụ được phát triển bao trùm toàn bộ tác phẩm, thường mang tính chất ngụ ý. Ðây là sự tổ chức các hình ảnh sinh động, cụ thể để biểu thị một ý niệm về triết lí, nhân sinh dựa trên cơ sở liên tưởng những nét tương đồng giữa các hình ảnh sinh động và ý niệm về triết lí nhân sinh. Vì vậy, phúng dụ bao giờ cũng có 2 ý nghĩa: ý nghĩa bề mặt và ý nghĩa bề sâu.
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
(Ca dao)
“Con kiến mày leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra leo vào
Con kiến mày leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra”.
(Ca dao)
Những bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, Con cáo và tổ ong, Bài ca sợi chỉ, Nhóm lửa… của Hồ Chủ Tịch đều được viết theo biện pháp phúng dụ. Loại này thường được sử dụng trong thơ, truyện ngụ ngôn.
5. Tượng trưng.
Khi hoán dụ, ẩn dụ được sử dụng quen thuộc, được cố định lại trong tư duy của con người, trở thành hình ảnh có tính chất ước lệ, được gọi là tượng trưng. Chẳng hạn, chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình, diều hâu tượng trưng cho chiến tranh; tùng, cúc, trúc, mai làm người ta liên tưởng đến phẩm giá của con người.
Con cò trong ca dao thường tượng trưng cho thân phận vất vả của người phụ nữ, người nông dân hiền lành, chất phát. Hình ảnh con cò được thể hiện thật cảm động trong bài Thương vợ của Trần Tế Xương:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo seo mặt nước buổi đò đông”.
(Thương vợ – Trần Tế Xương)
6. Khoa trương.
Khoa trương là lối dùng từ cố ý thay đổi kích thước, tính chất, hiệu quả của sự vật nhằm đạt đến mục đích làm rõ bản chất của đối tượng và tăng hiệu quả biểu hiện:
“Chìm đáy nước cá lờ lờ lặn.
Lững lưng trời nhạn ngẫn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi khiếp vía Hằng Nga giật mình”.
(Cung oán ngâm khúc)
Trong truyện Lang Rận, Nam Cao miêu tả bộ mặt của Lang Rận qua cái nhìn của bà Cựu: “Cái mặt ấy cho dù mỗi ngày có rửa ba lượt xà phòng, bà Cựu trông thấy vãn còn buồn nôn”
7. Nhã ngữ.
Ngược lại với khoa trương. Ðây là lối dùng từ cố ý giảm đi mức độ của kích thước, tính chất, hiệu quả của sự vật, hiện tượng nhằm thể hiện một tình cảm nào đó và thường được sử dụng để nói về cái chết:
“Bác đã lên đường theo tổ tiên”
(Tố Hữu)
“Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”
(Nguyễn Khuyến)
8. Phản ngữ.
Phản ngữ là cách vận dụng các từ ngữ biểu thị những khái niệm đối lập nhau cùng xuất hiện trong một văn cảnh nhằm mục đích làm rõ hơn đặc điểm của đối tượng được miêu tả:
“Ðức chúa trời của chúng mặt Sa Tăng”.
(Chế Lan Viên)
“Anh đã chết rồi, anh còn sống mãi”.
(Tố Hữu)
9. Chơi chữ.
Chơi chữ là cách tu từ vận dụng linh hoạt các tiềm năng về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp nhằm tạo ra một phần tin khác với phần tin cơ sở. Phần tin khác này mang nghĩa hoàn toàn mới, bất ngờ mà về bản chất không liên quan gì với phần tin cơ sở.
“Bà già đi chợ cầu Ðông
Bói xem một qủ có chồng lợi chăng
Ông thầy xem quẻ đoán rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn”.
(Ca dao)
“Dỡ dang dang dỡ vì sông
Ngày làm công nhật đêm trông dạ chàng”
(Ca dao)
“Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non”
(Ca dao).
Lưu ý: Hầu hết các biện pháp tu từ đều có thể sử dụng làm phương tiện chuyển nghĩa của từ.