Cách chọn lựa sách và phương pháp đọc sách hiệu quả theo Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm
1. Hãy lựa chọn sách phù hợp và có giá trị để đọc.
Trong tình hình hiện nay, sách vở ngày càng nhiều thì việc chọn sách lại càng không dễ. Người đọc không những không biết lựa chọn sách hay mà thiên hướng đọc sách cũng có nhiều sai lệch. Trước tình hình đó, Chu Quang Tiềm chỉ ra hai thiên hướng sai lầm thường gặp khi chọn sách. Một là, sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu, dễ sa vào lối “ăn tươi nuốt sống”, không kịp tiêu hoá. Hai là, sách nhiều khiến người đọc lạc hướng, khó chọn lựa, lãng phí thời gian. Từ đó ông cũng chỉ ra cách lựa chọn sách và cách đọc đúng đắn nhất để phát huy cái lợi của việc đọc sách đối với con người.
Trước hết, người đọc phải chọn cho tinh. Nghĩa là chọn những quyển sách thực sự có giá trị, có lợi cho mình. Chọn cuốn sách thuộc lĩnh vực chuyên môn, chuyên sâu với sách phổ thông kế cận với chuyên môn.
Khi chọn sách, phải đảm bảo nguyên tắc “vừa rộng, vừa chuyên”. Rộng trước, chuyên sau. Trong khi đọc tài liệu chuyên sâu, cần chú ý các loại sách thường thức, kế cận với chuyên môn: “không biết rộng, thì không thể chuyên sâu, không thông thái thì không thể nắm gọn”.
Chon sách phải phù hợp với lứa tuổi, sở thích, trình độ tiếp nhận. Chớ tiện đâu đọc đấy. Đọc như thế chỉ hao tổn thời gian chứ chẳng giúp ích gì.
2. Phương pháp đọc sách hiệu quả quyết định thành tựu.
Chu Quang Tiềm cũng đưa ra phương pháp đọc sách hiệu nghiệm nhất. Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Đọc sách cốt không phải ở số lượng mà cốt ở tinh túy. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất. Đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về.
Đọc kĩ là “miệng đọc, tâm ghi, nghiền ngẫm đến thuộc lòng, thấm vào xương tủy, biến thành một nguồn lực tinh thần, cả đời dùng mãi không cạn”. Tức là đọc bằng cả tâm hồn, ý chí và nghị lực.
Văn hoá đọc của tuổi trẻ ngày nay đang suy giảm nghiêm trọng. Tuổi trẻ luôn khoe đọc nhiều sách, biết nhiều lĩnh vực nhưng việc hiểu thì chẳng có bao nhiêu. Đọc nhiều mà đọc hời hợt không bằng không đọc.
Đọc sách cần có kế hoạch, có hệ thống, không đọc tràn lan theo kiểu hứng thú cá nhân. Tiến trình đọc sách phải nên đi từ thấp đền cao, từ phổ thông đến chuyên sâu, không nên vội vã, tham lam, đọc qua loa, đại khái.
Đọc sách là cách để rèn luyện nhân cách, tính cách con người chứ không đơn giản là tiếp nhận tri thức hay giải trí. Đọc sách là một cuộc chuẩn bị âm thầm và gian khổ cho tương lai. Đọc sách không chỉ là việc học tập tri thức mà còn là chuyện rèn luyện tính cách, chuyện học làm người.
Tác giả đã ví việc đọc sách cũng giống như đánh trận. Cần đánh vào thành trì kiên cố. Đánh bại quân tinh nhuệ. Chiếm cứ mặt trận xung yếu. Mục tiêu quá nhiều, che lấp mất vị trí kiên cố. Chỉ đá bên đông đấm bên tây hoá ra thành lối đánh “tự tiêu hao lực lượng”.
Đừng chỉ đọc thứ dễ đọc. Bạn có thể sẽ được giải trí, nhưng bạn sẽ không bao giờ nhờ nó mà phát triển. Sách là nơi lưu trữ nền văn minh. Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. Không có sách lịch sử trầm lặng, văn chương buồn chán. Đọc sách là một cách nuôi dưỡng trí tuệ.
Nghị luận: Đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn (Chu Quang Tiềm)