cach-lam-3-dang-de-bai-van-nghi-luan-xa-hoi-trong-de-thi-ngu-van-tuyen-sinh-10

Cách làm 3 dạng đề bài văn nghị luận xã hội trong đề thi Ngữ Văn tuyển sinh 10

Cách làm 3 dạng đề bài văn nghị luận xã hội trong đề thi Ngữ Văn tuyển sinh 10.

I. Phạm vi đề tài.

1. Phạm vi nội dung:

+ Vấn đề nhận thức: lí tưởng, mục đích sống, nghề nghiệp, ước mơ…
+ Vấn đề về đạo đức, tâm hồn, tính cách: lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng; tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn; thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi…
+ Vấn đề về các quan hệ gia đình: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em…
+ Vấn đề về các quan hệ xã hội: tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn…
+ Vấn đề về cách ứng xử, đối nhân xử thế của con người trong cuộc sống.

2. Phạm vi ngữ liệu đề tài.

– Các vấn đề gần gũi, quen thuộc trong đời sống.
– Các bài báo, bài viết về hiện tượng xã hội, đạo lí tư tưởng.
– Quà tặng cuộc sống, Hạt gióng tâm hồn, Tâm hồn cao thương,….

II. Dàn bài chung:

a) Mở bài:

+ Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận
+ Nêu vấn đề cần nghị luận ra (trích dẫn)
+ Phải làm gì về vấn đề đưa ra nghị luận (có tính chuyển ý)

b) Thân bài:

* Bước 1: Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…).

+Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.
+Giải thích nghĩa đen của từ ngữ, rồi suy luận ra nghĩa bóng, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.
+Giải thích mệnh đề, hình ảnh trong câu nói, trên cơ sở đó xác định nội dung, ý nghĩa của vấn đề mà câu nói đề cập.

* Lưu ý: Tránh sa vào cắt nghĩa từ ngữ theo nghĩa từ vựng mà nên giải thích theo ngữ cảnh văn bản.

* Bước 2: Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…)

– Bản chất của thao tác này là giảng giải nghĩa lí của vấn đề được đặt ra để làm sáng tỏ tới cùng bản chất của vấn đề. Phần này thực chất là trả lời câu hỏi: Tại sao? (Vì sao?) Vấn đề được biểu hiện như thế nào? Có thể lấy những dẫn chứng nào làm sáng tỏ?

* Bước 3: Bình luận, đánh giá (bàn bạc, mở rộng, đề xuất ý kiến…):

+ Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề, mức độ đúng – sai, đóng góp – hạn chế của vấn đề.
+ Phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề đang bàn luận (…)
+ Mở rộng vấn đề: liên hệ cuộc sống

* Bước 4: Rút bài học nhận thức và hành động

+ Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm, … (Thực chất trả lời câu hỏi: từ vấn đề bàn luận, hiểu ra điều gì? Nhận ra vấn đề gì có ý nghĩa đối với tâm hồn, lối sống bản thân?…)
+ Bài học hành động – Đề xuất phương châm đúng đắn, phương hướng hành động cụ thể (Thực chất trả lời câu hỏi: Phải làm gì? …)

c) Kết bài:

+ Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài (…)
+ Thông điệp, lời nhắn gửi đến mọi người (…)

III. Kiểu đề thi và cách làm bài.

1. Kiểu 1: đề thi dạng bàn luận về 1 hiện tượng đời sống xã hội hoặc 1 đạo lí, tư tưởng.

– Đây là dạng đề căn bản được rèn luyện nhiều ở trên lớp.
– Dàn bài tuân thủ chặt chẽ các bước nghị luận, ít có biến đổi.
– Bài viết theo luận điểm có hệ thống, có sự liên kết chặt chẽ.

Ví dụ:

Đề 1: Suy nghĩ về vấn đề ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của tuổi trẻ ngày nay.
Đề 2: Từ ý nghĩa câu nói: “sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ” (M.Gorki), hãy trình bày vai trò của việc đọc sách đối với học sinh.
Đề 3: Suy nghĩ về ý nghĩa câu nói: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”.

2. Kiểu 2: đề thi dạng so sánh vấn đề từ 2 văn bản có cùng chủ đề.

– Cho 2 văn bản cùng chủ đề (tích cực, tiêu cực hoặc 1 văn bản phản ánh mặt tích cực và 1 văn bản phản ánh mặt tiêu cực của vấn đề).
– Yêu cầu: suy nghĩ về vấn đề ấy trong cuộc sống, đưa ra bài học nhận thức của bản thân.

Ví dụ:

Đề 1: Cho 2 văn bản:

+ Văn bản 1: Truyền thuyết Chim Kiwi học bay
+ Văn bản 2: Con đường vươn tới ước mơ của Nick Vujic.
+ Yêu cầu: Hãy suy nghĩ về vai trò của ước mơ.

Đề 2: Cho 2 văn bản:

+ Văn bản 1: Bài viết về một người nổi tiếng.
+ Văn bản 2: Con đường vươn tới thần tượng.
+ Yêu cầu: Suy nghĩ về sức mạnh của ước mơ.

Đề 3: Cho 2 văn bản:

+ Văn bản 1: Hành động phá hoại môi trường.
+ Văn bản 2: Hành động bảo vệ môi trường.
+ Yêu cầu: Trình bày trách nhiệm của bản thân đối với môi trường sống hiện nay.

* Dàn bài:

a. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.
– Dẫn 2 văn bản.
– Đưa ra nhận thức và lựa chọn của bản thân từ 2 văn bản đã cho.

b. Thân bài:

– Giải thích vấn đề.
– Trả lời câu hỏi: Tại sao bạn lựa chọn ý kiến ấy (trình bày ý nghĩa. vai trò, tầm quan trọng của vấn đề đối với bản thân và cuộc sống).
– Khẳng định: lưa chọn ấy (ý kiến đã cho) là đúng đắn, phù hợp.
– Trả lời câu hỏi: Cần làm gì? (về nhận thức và hành động cụ thể)
– Phê phán những suy nghĩ/hành động sai lầm.
– Rút ra bài học nhận thức cho bản thân và đối với mọi người.

c. Kết bài:

– Khẳng định lại vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề và hành động.

3. Kiểu 3: đề thi dạng lựa chọn đúng và bàn luận về vấn đề đã lựa chọn.

– Cho 3 suy nghĩ / lựa chọn / hành động khác nhau về một vấn đề trong cuộc sóng.
– Yêu cầu: lựa chọn của bản thân và bàn luận về vấn đề đã lựa chọn.

Ví dụ:

Đề 1: Bàn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, có ba ý kiến sau.

+ Ý kiến 1: Con cái nên có suy nghĩ riêng, không nên phụ thuộc vào cha mẹ.
+ Ý kiến 2: Con cái nên nghe theo lời dạy bảo và quyết định của cha mẹ, không nên tự làm theo ý mình.
+ Ý kiến 3: Con cái cần có suy nghĩ riêng nhưng cũng cần biết lắng nghe và làm theo lời dạy đúng đắn của cha mẹ.

+Yêu cầu: Em đồng ý với ý kiến nào. Hãy Viết bài văn bàn luận về ý kiến em đã lựa chọn.

Đề 2: Nhận thức về cách học tập môn văn đúng đắn và hiệu quả, mỗi học sinh có ý kiến khác nhau:

+ Hùng: Trên lớp cần lắng nghe thầy cô giảng bà. Về nhà ôn lại kiến thức và làm theo những gì đã học được.
+ Lan: Chỉ cần lắng nghe bài giảng thật tốt, không cần luyện tập nhiều.
+ Tuấn: Phải lắng nghe kĩ bài thầy cô giảng, tích cực luyện tập làm văn và nỗ lực đọc thêm sách, báo, bài văn mẫu.

+ Yêu cầu: Em đồng ý với ý kiến nào. hãy trình bày cách học văn hiệu quả của bản thân.

* Dàn bài:

a. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.
– Dẫn 3 ý kiến.
– Khẳng định lựa chọn của bản thân.

b. Thân bài:

– Giải thích vấn đề.
– Trả lời câu hỏi: Tại sao bạn lựa chọn ý kiến ấy (trình bày ý nghĩa. vai trò, tầm quan trọng của vấn đề đối với bản thân và cuộc sống).
– Khẳng định: lưa chọn ấy (ý kiến đã cho) là đúng đắn, phù hợp.
– Trả lời câu hỏi: Cần làm gì? (về nhận thức và hành động cụ thể)
– Phê phán những suy nghĩ/hành động sai lầm.
– Rút ra bài học nhận thức cho bản thân và đối với mọi người.

c. Kết bài:

– Khẳng định lại vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề và hành động.


IV. Lưu ý khi làm bài văn nghị luận xã hội:

1. Đọc kỹ đề.

Đọc kỹ đề là yêu cầu đầu tiên vì đọc kỹ đề giúp ta hiểu rõ yêu cầu của đề, phân biệt được tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống. Đọc kỹ đề, gạch chân dưới từ, cụm từ quan trọng để giải thích và xác lập luận điểm cho toàn bài. Từ đó có định hướng đúng mà viết bài cho tốt.

2. Lập dàn ý cho bài văn.

Lập dàn ý là khâu rất quan trọng. Lập dàn ý giúp ta kiểm soát được hệ thống ý, không sót ý nào khi làm bài. Lập dàn ý còn cho ta thấy được hệ thống ý của toàn bài, từ đó sẽ dễ viết hơn, ý cũng không lan man, dài dòng.

3. Lựa chọn dẫn chứng chuẩn xác, phù hợp, thuyết phục.

Không lấy những dẫn chứng chung chung sẽ không tốt cho bài làm. Dẫn chứng phải có tính thực tế và thuyết phục (người thật, việc thật). Đưa dẫn chứng phải thật khéo léo và phù hợp (tuyệt đối không kể lể dài dòng)

4. Lập luận chặt chẽ, lời văn cô đọng, hàm súc.

Lời văn, câu văn, đoạn văn viết phải cô đúc, ngắn gọn. Lập luận phải chặt chẽ. Cảm xúc trong sáng, lành mạnh. Để bài văn thấu tình đạt lý thì phải thường xuyên tạo lối viết song song (đồng tình, không đồng tình; ngợi ca, phản bác…). Hay bắt đầu bằng những từ ngữ: Tuy nhiên bên cạnh đó; Nhưng vấn đề khác được đặt ra ở đây là; Mặt trái của vấn đề ít ai biết đến là; …

5. Rút ra bài học nhận thức và hành động

Bất kỳ một đề thi nào cũng vì một mục đích là giáo dục nhân cách cho lớp trẻ, vì vậy bản thân em sau khi phân tích, chứng minh, bàn luận… thì phải rút ra cho mình bài học. Thường bài học cho bản thân bao giờ cũng gắn liền với mấy chữ: rèn luyện nhân cách cao đẹp, đấu tranh loại bỏ những thói xấu ra khỏi bản thân, học tập lối sống…

6. Độ dài phù hợp với bài thi (1 trang giấy thi)

Viết khoảng 1 trang giấy thi là vừa đủ (30 dòng) như yêu cầu của đề bài. Không viết quá dài dòng, lan man sẽ gây khó chịu cho người chấm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang