»» Nội dung bài viết:
Cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí
Đọc các đề bài sau và trả lời câu hỏi
Đề 1. Suy nghĩ từ truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.
Đề 2. Đạo lí Uống nước nhớ nguồn.
Đề 3. Bàn về tranh giành và nhường nhịn.
Đề 4. Đức tính khiêm nhường.
Đề 5. Có chí thì nên.
Đề 6. Đức tính trung thực.
Đề 7. Tinh thần tự học.
Đề 8. Hút thuốc lá có hại.
Đề 9. Lòng biết ơn thầy, cô giáo.
Đề 10. Suy nghĩ từ câu ca dao:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Câu hỏi:
a) Các đề bài trên có điểm gì giống nhau? Chỉ ra sự giống nhau đó.
b) Mỗi em tự nghĩ ra một vài đề bài tương tự.
II – CÁCH LÀM BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÍ
Cho đề bài: Suy nghĩ về đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”.
1. Tìm hiểu đề và tìm ý.
– Tính chất của đề: nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.
– Yêu cầu về nội dung: Nêu suy nghĩ về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.
– Tri thức cần có:
+ Hiểu biết về câu tục ngữ Việt Nam.
+ Vận dụng các tri thức về đời sống.
– Tìm ý: Tìm nghĩa câu tục ngữ bằng cách giải thích nghĩa đen và nghĩa bóng của nó. Nội dung câu tục ngữ thể hiện truyền thống đạo lí gì của người Việt? Ngày nay đạo lí ấy có ý nghĩa như thế nào?
2. Lập dàn bài:
a) Mở bài: Giới thiệu câu tục ngữ và nêu tư tưởng chung của nó.
b) Thân bài:
– Giải thích nội dung câu tục ngữ.
– Đánh giá nội dung câu tục ngữ.
c) Kết bài:
– Khẳng định một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
– Nêu ý nghĩa của câu tục ngữ đối với ngày hôm nay.
3. Viết bài
a) Mở bài: Có nhiều cách mở bài tuỳ theo góc độ nhìn nhận vấn đề.
– Đi từ chung đến riêng:
Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam có nhiều câu tục ngữ sâu sắc thể hiện truyền thống đạo lí của người Việt. Một trong những câu đó là câu “Uống nước nhớ nguồn”. Câu tục ngữ này nói lên lòng biết ơnđối với những ai đã làm nên thành quả cho con người hưởng thụ.
– Đi từ thực tế đến đạo lí:
Đất nước Việt Nam có nhiều đền, chùa và lễ hội. Một trong những đối tượng thờ cúng, suy tôn trong đó là các anh hùng, các vị tổ tiên có công với dân, với làng, với nước. Truyền thống đó được phản ánh vào một câu tục ngữ rất hay và cô đọng: “Uống nước nhớ nguồn”.
b) Thân bài: Sau đây là những ý có thể và cần viết. Các em tập viết ra những câu và đoạn văn có liên kết hoàn chỉnh.
– Giải thích nội dung câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn:
+ Uống nước: Hưởng thụ thành quả, sản phẩm vật chất và tinh thần.
+ Nguồn: Nguồn gốc, cội nguồn của tất cả những thành quả mà con người được hưởng, bao gồm con người, lịch sử, truyền thống.
+ Nhớ nguồn: Thành quả không tự nhiên mà có, cho nên người hưởng thụ phải hiểu biết, tri ân, gìn giữ, phát huy các thành quả của người làm ra chúng.
– Nhận định, đánh giá (tức bình luận) câu tục ngữ:
+ Câu rục ngữ là lời dạy, lời khuyên, lời nhắc nhở, bởi cuộc đời có nhiều người tốt, nhưng không ít kẻ vô ơn mà dân gian đã khái quát thành các câu tục ngữ, thành ngữ như: Khỏi vòng cong đuôi, Có mới nới cũ, Qua cầu rút ván, Khỏi rên quên thầy,…
+ Ngày nay câu ấy có nhiều lớp nghĩa: Không quên tổ tiên, nòi giống (nguồn là đất nước); không quên những người đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ quê hương, không quên ơn những ai dạy dỗ, giúp đỡ mình (nguồn là xã hội); không quên ơn ông bà, cha mẹ, người thân (nguồn là gia đình).
+ Một đất nước, xã hội, gia đình mà giữ được truyền thống đạo lí Uống nước nhớ nguồn là một đất nước, xã hội, gia đình tốt đẹp, bền vững. Người mà biết Uống nước nhớ nguồn là người có đạo đức tốt đẹp.
+ Nhớ nguồn không chỉ là biết ơn, biết gìn giữ, bảo vệ thành quả đã có, mà bản thân mỗi người phải cố gắng cống hiến để người sau được hưởng thêm thành quả mới, có như thế xã hội mới phát triển, mới nhớ nguồn một cách thiết thực.
c) Kết bài:
– Kết bài đi từ nhận thức tới hành động:
Câu tục ngữ đã nhắc nhở mọi người ghi nhớ một đạo lí của dân tộc, đạo lí của người được hưởng thụ. Hãy sống và làm việc theo truyền thống tốt đẹp đó.
– Kết bài có tính chất tổng kết:
Câu tục ngữ ngắn gọn mà hàm ý sâu xa, nói về nghĩa vụ của những ai đang hưởng thụ các thành quả.
4. Đọc lại bài viết và sửa chữa
Đây là khâu cần thiết, giúp học sinh sửa được những lỗi như thiếu liên kết hoặc liên kết chưa hợp lí, không chặt chẽ do viết vội, viết nhầm, nghĩ chưa tới gây nên.
* Ghi nhớ: * Muốn làm tốt bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí, ngoài các yêu cầu chung đối với mọi bài văn, cần chú ý vận dụng các phép lập luận giải thích, chứng minh, phân tích, tổng hợp. * Dàn bài chung: * Bài làm cần lựa chọn góc độ riêng để giải thích, đánh giá và đưa ra được ý kiến của người viết. |
III – LUYỆN TẬP
Lập dàn bài cho đề 7 mục I. Lưu ý: Đọc kĩ đề, tìm ý.
(Gợi ý: Giải thích rõ thế nào là tự học và cần có tinh thần rự học như thế nào)
* Soạn bài:
I. Đề bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí
a. Những điểm giống nhau giữa các đề:
– Các đề đều đưa ra một vấn đề thuộc tư tưởng, đạo lí.
– Tuy vậy các đề 1, 3, 10 là đều có yêu cầu cụ thể (suy nghĩ, bàn về,…). Các đề còn lại không nêu yêu cầu. Nhưng dù có đưa ra mệnh lệnh hay không thì các đề đều có điểm chung về yêu cầu: nghị luận (tức là đòi hỏi người viết phải nhận định, giải thích, bình luận, chứng minh).
b. Một vài đề bài tương tự:
– Bình luận câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
– Suy nghĩ của em về tính trung thực trong học tập.
– Đoàn kết là sức mạnh.
– Có công mài sắt có ngày nên kim.
II. Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí
Phần này đã được trình bày đầy đủ trong sgk Ngữ Văn 9.
III. Luyện tập
Lập dàn bài cho đề bài: Tinh thần tự học.
1. Tìm hiểu đề và tìm ý:
– Tìm hiểu đề: Vấn đề nghị luận là gì? (Tinh thần tự học) Mệnh lệnh của đề là gì? (Đề bài này không có mệnh lệnh cụ thể nhưng vẫn phải xác định các thao tác cụ thể khi làm bài: phân tích, giải thích, chứng minh…).
– Tìm ý: Tự học là gì? Tại sao phải tự học? Tự học có tác dụng, ưu thế gì? Người có tinh thần tự học là người như thế nào? Em đã biết đến những tấm gương tự học nào? Em đã có tinh thần tự học chưa?
2. Lập dàn ý:
a. Mở bài:
– Trong nhà trường, ngoài việc tiếp thu kiến thức do các thầy cô truyền đạt, người học sinh cần có biện pháp mới có thể giỏi được.
– Một trong số những biện pháp có kết quả là phương pháp tự học.
b. Thân bài:
– Giải thích:
+ “Tự học” nghĩa là tự mình vạch ra kế hoạch, tự mình đặt ra biện pháp để giúp cho việc học tốt hơn.
+ Tự học” là phần làm việc ở nhà trước khi vào lớp tốt hơn.
– Chứng minh: Trong thực tế có biết bao gương tự học đã làm nên danh phận như: Mạc Đỉnh Chi tự học thi đỗ Trạng nguyên, Mã Lương tự học và vẽ như thật, Bác Hồ tự học và biết nhiều thứ tiếng
– Phê phán: Những kẻ lười học, xem việc học là khổ sở, là bắt buộc nên chán học, lười học.
– Đánh giá:
+ Việc tự học ở nhà của người học sinh thường là soạn bài,làm bài, học bài, xem trước bài mới
+ Người học lên kế hoạch cho mình, học vào lúc nào, học những gì? Cài gì trước, cái gì sau.
+ Học sinh chuẩn bị bài trước khi vào lớp sẽ dễ hiểu hơn,sẽ trả lời được các câu hỏi của thầy cô đặt ra, đồng thời tạo ra hứng thú hơn trong việc học.
+ “Tự học” là biện pháp giúp người học sinh tự tìm hiểu lấy kiến thức.
+ “Tự học” là phương pháp mới giúp học sinh năng động hơn trong học tập.
+ Đó còn là cơ sở thể hiện năng lực tư duy sáng tạo, biết sắp xếp công việc có khoa học.
+ Người học sinh có biện pháp tự học là biết làm chủ lấy mình.
3. Kết bài:
– Tinh thần tự học giúp con người nâng cao kiến thức, tự làm chủ lấy mình, tự đặt ra kế hoạch trong học tập.
– Tinh thần tự học rất cần cho tất cả mọi người.
– Mỗi học sinh cần đề ra cho mình biện pháp tự học.