Cách làm kiểu bài bình luận văn học trong đề thi Quốc gia.
A. MỞ BÀI:
– Dẫn dắt (mở bài trực tiếp không cần bước này)
– Nêu yêu cầu của đề: Giới thiệu khái quát về đối tượng cần bình luận (Phải trích lại ý kiến/nhận định trong đề…)
B. THÂN BÀI:
1. Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm (0,5 điểm):
a. Nếu đề yêu cầu bình luận 2 nhận định về 1 khía cạnh, 1 phương diện … của 1 tác phẩm văn học thì giới thiệu tuần tự về tác giả rồi về tác phẩm đó.
b. Nếu đề yêu cầu bình luận 2 nhận định về 2 đối tượng trong 2 tác phẩm thì nên làm như sau:
– Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm thứ nhất
– Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm thứ hai
2. Giải thích ý kiến cần bình luận (0,5 điểm):
* Khi giải thích cần lưu ý:
– Bám sát ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu bình luận, tránh suy diễn chủ quan, tuỳ tiện.
– Chỉ giải thích những từ ngữ, hình ảnh còn ẩn ý hoặc chưa rõ nghĩa.
– Phải đi từ yếu tố nhỏ đến yếu tố lớn: giải thích từ ngữ, hình ảnh trước, rồi mới khái quát ý nghĩa của toàn bộ ý kiến nhận định mà đề yêu cầu bình luận.
– Nếu đề yêu cầu bình luận 2 nhận định về 2 đối tượng trong 2 tác phẩm thì khi giải thích phải chỉ rõ sự giống nhau cũng như sự khác nhau giữa hai nhận định
3. Cảm nhận, làm rõ các đối tượng mà ý kiến/nhận định đề cập tới và bình luận về các ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu (4,0 điểm):
– Cảm nhận, làm rõ các đối tượng mà ý kiến/nhận định đề cập tới (2,5 – 3,0 điểm):
* Khi cảm nhận cần lưu ý:
– Bám thật sát ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu bình luận.
– Do yêu cầu của đề, thời gian làm bài và dung lượng bài viết nên chỉ tập trung phân tích/cảm nhận để làm rõ các tính chất/đặc điểm của đối tượng mà ý kiến/nhận định cần bình luận đề cập tới. Không được sa đà phân tích/cảm nhận mọi phương diện, khía cạnh của đối tượng hay phân tích/cảm nhận toàn tác phẩm.
– Sử dụng các thao tác lập luận như Phân tích, Chứng minh, So sánh…và vận dụng các kiến thức đã học về tác phẩm để làm rõ các tính chất/đặc điểm của đối tượng mà ý kiến/nhận định cần bình luận đề cập tới.
– Việc phân tích, cảm nhận để làm rõ các tính chất/đặc điểm của đối tượng mà ý kiến/nhận định cần bình luận đề cập tới cần: Chính xác, tinh tế, sắc sảo, toàn diện và có suy nghĩ, cảm xúc…
– Nếu đề yêu cầu bình luận 2 ý kiến/2 nhận định về 1 khía cạnh, 1 phương diện … của 1 tác phẩm văn học thì ở bước này cần:
+ Cảm nhận, làm rõ nội dung của ý kiến/nhận định thứ nhất (Ví dụ: Người lính Tây Tiến mang dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước)
+ Cảm nhận, làm rõ nội dung của ý kiến/nhận định thứ hai (Ví dụ: Người lính Tây Tiến mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp)
– Nếu đề yêu cầu bình luận 2 ý kiến/2 nhận định về 2 đối tượng trong 2 tác phẩm thì ở bước này cần:
+ Cảm nhận, làm rõ nội dung của ý kiến/nhận định về đối tượng thứ nhất (Ví dụ: Từ và sự nhẫn nhục của nhân vật)
+ Cảm nhận, làm rõ nội dung của ý kiến/nhận định về đối tượng thứ hai (Ví dụ: Người đàn bà hàng chài và sự nhẫn nhục của nhân vật)
– Khi cảm nhận, bên cạnh việc làm rõ các khía cạnh nội dung của ý kiến/nhận định cần bàn luận, cũng nên chú ý đến các dấu hiệu hình thức nghệ thuật như:
+ Hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ, thể thơ, cấu trúc câu thơ, giọng điệu…nếu là ý kiến/nhận định về thơ
+ Vai trò, vị trí; điểm nhìn, nội tâm, ngoại hình của nhân vật; hoàn cảnh, tình huống, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu… nếu là ý kiến/nhận định về văn xuôi
* Bình luận về ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu (1 – 1,5 điểm):
– Trường hợp 1 trong 2 ý kiến sai thì bác bỏ ý kiến sai (Ví dụ: Vội vàng là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực), khẳng định ý kiến đúng (Ví dụ: Vội vàng là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực)
– Trường hợp cả 2 ý kiến đều đúng thì khẳng định tính đúng đắn của cả 2 ý kiến theo cách sau:
+ Nếu bình luận 2 nhận định về 1 khía cạnh… của 1 tác phẩm thì hướng bình luận như sau: Khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau; giúp nhìn nhận toàn diện và thống nhất về đối tượng; giúp nhận thức sâu sắc hơn về đối tượng; thấm thía hơn ý tưởng nghệ thuật của nhà văn
+ Nếu đề yêu cầu bình luận 2 nhận định về 2 đối tượng trong 2 tác phẩm thì hướng bình luận như sau: Giúp người đọc nhận ra nét độc đáo của mỗi hình tượng; cảm nhận được điểm gặp gỡ, nét khác biệt trong cách nhìn nhận, mô tả đời sống, trong tư tưởng của mỗi tác giả.
* Khi bình luận cần lưu ý:
– Bám thật sát ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu bình luận.
– Lời bình luận phải hợp lí, hợp tình; thái độ khiêm nhường, mềm mỏng nhưng kiên quyết, giàu sức thuyết phục…
C. KẾT BÀI:
– Đánh giá khái quát, ngắn gọn về mức độ ĐÚNG ĐẮN – SÂU SẮC – TOÀN DIỆN của ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu bình luận.
– Phát triển, mở rộng, nâng cao vấn đề.