Cảm nhận bức tranh rộng lớn và kì vĩ của những ngày Việt Bắc: Nhớ khi giặc đến giặc lùng…

cam-nhan-buc-tranh-rong-lon-va-ki-vi-cua-nhung-ngay-viet-bac-cung-rung-nui-va-dat-troi-danh-giac

Cảm nhận bức tranh rộng lớn và kì vĩ của những ngày Việt Bắc cùng rừng núi và đất trời đánh giặc: “Nhớ khi giặc đến giặc lùng…”

  • Mở bài:

Tố Hữu là nhà thơ cách mạng có đóng góp quan trọng trong nền thi ca Việt Nam thế kỉ XX. Thơ ông thấm đẫn chất anh hùng cách mạng, vừa thiết tha, réo rắt, vừa sôi nổi, hùng tráng. Việt Bắc là tác phẩm xuất sắc của Tố Hữu, sáng tác khi ủy ban kháng chiến rời Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Trong giây phút bùi ngùi nhớ nhung, bức tranh thiên nhiên rộng lớn và kì vĩ của những ngày Việt Bắc cùng rừng núi và đất trời đánh giặc hiện lên trong tâm trí người ra đi vô cùng kì vĩ:

Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng.

Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng.
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà…
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

  • Thân bài:

Sau những hoài niệm về thiên nhiên và con người Việt Bắc, đoạn thơ dẫn vào khung cảnh Việt Bắc kháng chiến với những cảnh tượng rộng lớn, những hoạt động sôi nổi, những chiến thắng hào hùng… Đoạn thơ đã chuyển từ nhịp ru dìu dặt, ngọt ngào, tha thiết của bản tình ca ân nghĩa đậm chất trữ tình sang nhịp điệu sôi nổi, dồn dập, mạnh mẽ của khúc anh hùng ca hào tráng đậm chất sử thi khi thể hiện nỗi nhớ về những kỉ niệm của cuộc kháng chiến oanh liệt hào hùng.

Mở đầu bằng chữ “ Nhớ”, kỉ niệm về cuộc kháng chiến oanh liệt hào hùng đã được nhà thơ tái hiện qua những bức tranh rộng lớn và kì vĩ của những ngày Việt Bắc cùng rừng núi và đất trời đánh giặc:

Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dầy
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng.

Đến đoạn thơ này, đại từ ta mang nghĩa chúng ta, bao hàm cả người dân Việt Bắc và bộ đội, cán bộ kháng chiến, thậm chí ta bao hàm cả con người với thiên nhiên, trời đất – nét nghĩa này vừa thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, vừa làm tăng thêm tầm vóc sử thi cho hình tượng nghệ thuật trong đoạn thơ.

Có thể nhận ra sự trùng điệp của ngôn từ đã tái hiện sinh động sự trùng điệp của địa hình rừng núi – hình ảnh rừng núi giăng kín trong các chủ ngữ của đoạn thơ từ rừng cây núi đá…đến núi giăng…rừng che…rừng vây…Tất cả lại được bao phủ trong mênh mông bốn mặt sương mù của trời đất khiến người đọc cảm nhận được sự hiểm trở như thiên la địa võng của chiến trường Việt Bắc. Những vị ngữ đánh…giăng…che…vây…đem đến sắc thái nhân hóa cho rừng núi, tạo ra cảm giác như rừng núi cũng góp sức vào cuộc kháng chiến, rừng núi cùng con người thành sức mạnh to lớn, bền vững ngăn chặn và vây hãm kẻ thù. Đoạn câu thơ gợi nhắc sự kiện chiến thắng  Việt Bắc thu đông 1947 khi quân dân ta dựa vào địa hình hiểm trở của núi rừng đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tấn công lớn của giặc Pháp lên chiến khu  Việt Bắc. Như vậy, cuộc kháng chiến chính nghĩa của chúng ta đã có được những thuận lợi nhất của thiên thời, địa lợi, nhân hòa, khi con người đồng lòng, thiên nhiên chung sức.

Trong bốn câu thơ tiếp theo, sau câu hỏi gợi nhớ: Ai về, ai có nhớ không? Là lời khẳng định quen thuộc: Ta về ta nhớ…

Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà…

Những từ nhớ liên tiếp điệp lại trong các dòng thơ cho thấy nỗi nhớ hòa quyện với niềm phấn khích của chiến thắng đang ào ạt trào dâng trong dòng hoài niệm. Một loạt các địa danh liên tiếp như: phủ Thông, đèo Giàng, sông Lô, Cao – Lạng…khiến đoạn phảng phất bóng dáng những bài ca dao xưa (Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng, vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông); đó cũng đồng thời là những địa danh gắn với các trận đánh, các chiến dịch lịch sử; nhịp thơ dồn dập như mô phỏng khí thế thần tốc, hào hùng của quân dân ta trong các kháng chiến oanh liệt, vang dội ngày kháng chiến – hình thức xưa cũ của ca dao đã giúp thể hiện những chiến thắng hào hùng nhất của cuộc chiến tranh nhân dân thời hiện đại.

Khung cảnh sôi động của cuộc kháng chiến còn được nhà thơ tập trung miêu tả qua dòng hoài niệm về hình ảnh những con đường Việt Bắc ban đêm. Hình ảnh những con đường được nhắc đến trong niềm tự hào sâu sắc:

Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Nếu hình ảnh Đất trời ta…trong đoạn thơ trên là biểu tượng cho thiên nhiên, trời đất thì hình ảnh Những đường Việt Bắc trong đoạn này lại hướng tới con người. Câu thơ chan chứa niềm tự hào vì cảm giác được làm chủ những không gian rộng lớn của Tổ quốc. Cảm hứng này đã nhiều lần xuất hiện trong thơ ca cách mạng, trong các cụm từ ngữ mang tính chất sở hữu như câu thơ:

Mây của ta, trời thắm của ta
Nước Việt dân chủ cộng hòa

(Ta đi tới – Tố Hữu),

hoặc:

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi).

Trong dòng hoài niệm của người đi, những con đường ấy là không gian lớn lao cho người xuất hiện, trước hết, kí ức hướng về những đoàn quân ra trận với khí thế:

Quân đi điệp điệp trùng trùng.

Câu thơ trên miêu tả âm thanh của tiếng bước chân người. Từ láy rầm rập cho thấy đây là những âm thanh nhanh, mạnh, dồn dập của những đoàn quân đều bước trong đêm. Từ láy tiếng điệp điệp trùng trùng trong câu thơ tiếp theo đã làm hiện lên cảnh đoàn quân ra trận vừa đông đảo, vừa mạnh mẽ, hào hùng. Hình ảnh so sánh trong câu thơ đêm đêm rầm rập như là đất rung, những từ láy tượng thanh, tượng hình, và những phụ âm rung trong các tiếng của hai câu thơ: Rầm rập, rung, điệp điệp trùng trùng càng làm rõ hơn cảm giác: Những đoàn quân ngày đêm ra trận với khí thế mạnh mẽ như trời rung đất chuyển.

Cảm hứng sử thi hào tráng đã khiến sức mạnh kì diệu của con người được nâng lên tầm vóc vũ trụ. Hình ảnh những đoàn người hành quân trong đêm trước hết là một thực tế của chiến trường những ngày kháng chiến. Trong đêm, chúng ta chuẩn bị mọi mặt cho những trận đánh hay chiến dịch ngày mai. Sự chuẩn bị ấy không phải trong một vài đêm mà là đêm đêm, là nghìn đêm, những chi tiết ước lệ chỉ một thời gian lâu dài của cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ. Từ đó, câu thơ gợi những suy ngẫm sâu xa về cuộc kháng chiến trong tầng nghĩa ẩn dụ: Đêm đêm, nghìn đêm là hình ảnh của đêm tối gian lao, khi cả dân tộc ta kiên cường vượt qua mọi thử thách để chuẩn bị cho ngày mai lên, ngày mai tươi sáng. Trong hoài niệm của người đi, Việt Bắc không chỉ hiện ra trong sức mạnh hào tráng, đông đảo của những đoàn quân ra trận mà còn là nơi lưu giữ những ấn tượng khó quên về vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong kháng chiến. Vẻ đẹp vừa chân thực, vừa lãng mạn ấy thể hiện qua hình ảnh người chiến sĩ đi giữa hàng quân trên những con đường Việt Bắc với:

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Cũng như hình ảnh Đầu súng trăng treo của Chính Hữu, ánh sao đầu súng là một hình ảnh thực khi người lính hành quân trong đêm, những ngôi sao lấp lánh như treo trên đầu mũi súng. Trăng sao luôn là người bạn đồng hành với các chiến sĩ trong những đêm hành quân gian khổ. Nguyễn Đình Thi đã viết: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh – Soi sáng đường chiến sĩ giữa hành quân”.

Nếu vầng trăng của Chính Hữu là biểu tượng cho hòa bình, hình ảnh đầu súng trăng treo gợi những suy ngẫm sâu sắc về mục đích cao cả của cuộc chiến đấu chính nghĩa, cuộc chiến đấu vì hòa bình; nếu ngôi sao lấp lánh của Nguyễn Đình Thi làm hiện lên một nét đẹp trong tâm hồn người lính với những nhớ nhung lãng mạn thì hình ảnh ánh sao đầu súng của Tố Hữu lại là biểu tượng cho lí tưởng cao đẹp của người chiến sĩ hướng tới trên đường ra trận; ánh sao soi đường cũng gợi tới ánh sáng của lí tưởng độc lập tự do của cả dân tộc ta trong những cuộc chiến tranh vệ quốc…Câu thơ là sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và cảm hứng lãng mạn khi ánh sao lấp lánh trên trời cao treo trên đầu súng và làm bạn cùng vành mũ nan quen thuộc của anh vệ quốc – vành mũ từng xuất hiện trong một bài thơ khác của Tố Hữu:

Vẫn đôi dép lội chiến trường – vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy. Vẻ đẹp của lí tưởng cao cả, của ý chí bất khuất kiên cường đã được Tố Hữu thể hiện một cách thật lãng mạn ngay trong hình ảnh bình dị, chân thực của người chiến sĩ trên đường hành quân.

Trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của dân tộc, con đường ra trận không chỉ có những đoàn quân vệ quốc mà còn có:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay

Phép đảo ngữ và hai thanh trắc liên tiếp trong các cụm từ đỏ đuốc, nát đá đã đem đến những ấn tượng kì diệu về sự đông đảo, về sức mạnh, niềm vui và ánh sáng. Những đoàn dân công tiếp vận, chuyển lương phục vụ chiến trường cùng bước đi trong đêm, những ánh đuốc soi đường đỏ rực nối tiếp nhau; dân công ào ạt tiến về phía trước, gió thổi những tàn lửa bay tạt lại phía sau như nối dài thêm dòng người – dòng ánh sáng tạo ra một cảnh tượng hùng tránh, tưng bừng, gợi không khí vui tươi, náo nức của ngày hội. Cách mạng đã thật sự trở thành ngày hội của quần chúng nhân dân.

Nếu từ láy rầm rập và hình ảnh so sánh như là đất rung miêu tả đoàn quân vệ quốc bước đều mạnh mẽ thì nghệ thuật thậm xưng trong hình ảnh bước chân nát đá lại ca ngợi sức mạnh phi thường của những đoàn dân công đông đảo nối tiếp nhau ngày đêm tải lương, tải đạn ra chiến trường, phục vụ các chiến dịch, trực tiếp góp phần vào chiến thắng. Cách nói này còn gợi liên tưởng tới thành ngữ chân cứng đá mềm trong dân gian, qua đó, nhà thơ đã khắc họa sinh động sức mạnh và ý chí kiên cường của những con người dũng cảm có thể vượt lên trên mọi khó khăn, có thể chiến thắng mọi gian khổ, thử thách.

Ở đoạn thơ trên, Tố Hữu đã đưa tới một cảm nhận lớn lao về cuộc kháng chiến khi cả thiên nhiên, rừng núi, đất trời cùng con người đánh giặc, khi rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây, và khi Đất trời ta cả chiến khu một lòng thì tới đoạn này, nhà thơ lại ca ngợi sức mạnh kì diệu của con người khi những bước chân rậm rập của đoàn quân, bước chân nát đá của dân công đã khiến cho mặt đất như rung chuyển; nhà thơ còn ca ngợi khí thế hào hùng của quân dân Việt Bắc qua những từ ngữ chỉ số lượng đông đảo: điệp điệp trùng trùng, từng đoàn, muôn…Cảnh tượng còn hùng vĩ, tráng lệ hơn bởi con người luôn bước đi trong một không gian chan hòa ánh sáng: Ánh sáng lung linh của sao trên đầu súng, ánh sáng rực rỡ của những ngon đuốc soi đường, ánh sáng lấp lánh huyền ảo của muôn tàn lửa bay; và đặc biệt là ánh sáng chói lòa từ những ngọn đèn pha của những đoàn xe ra trận giữa thăm thẳm sương dày:

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Câu thơ có hai thanh trắc liền nhau giữa 6 thanh bằng đem lại ấn tượng về ánh sáng chói lòa đột ngột trong đêm. Hình ảnh so sánh ở vế sau của câu thơ trước hết miêu tả độ sáng của đèn pha như sáng như ánh sáng ban ngày; nhưng hình ảnh ngày mai lên còn có thể là ẩn dụ cho ánh bình minh ngày mới tươi sáng, tràn đầy niềm tin và hi vọng – khuynh hướng sử thi đã gắn kết sâu sắc với cảm hứng lãng mạn làm tăng thêm sức mạnh cho những con người đang chiến đấu ngay trong gian khổ, nguy nan.

Kết quả của những đêm dài gian truân, vất vả ấy là:

Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng

Cũng như đoạn thơ trên, những dòng thơ này mang đậm chất diễn ca lịch sử, ghi lại những địa danh như Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên…, nơi diễn ra những trận đánh oanh liệt, đặc biệt ghi lại những chiến dịch lớn trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhịp thơ nhanh dồn dập, sảng khoái, những cụm từ vui điệp lại trong cả bốn vàn thơ cùng sự nối tiếp các cụm từ: vui về…vui từ…vui lên…; những địa danh liên tiếp hiện ra theo bước đi dồn dập của chiến thắng… – đó là những yếu tố ngôn từ đặc sắc thể hiện sinh động không khí náo nức, say mê của quân dân Việt Bắc ngày chiến thắng.

Toàn bộ đoạn thơ là hình ảnh những con đường Việt Bắc và bước chân mạnh mẽ của quân dân ta trên đường ra trận. Những bức tranh rộng lớn, hùng tráng, kì vĩ, đậm chất sử thi ấy vừa là hình ảnh thực về những con đường ra trận trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vừa là biểu tượng sâu sắc cho con đường cách mạng và đã nhiều lần xuất hiện trong thơ Tố Hữu. Đó là con đường gian truân và oanh liệt chúng ta từng đi trong Nghìn đêm thăm thẳm sương dày những ngày kháng chiến, đó cũng là con đường Ta đi giữa ban ngày – Trên đường cái ung dung ta bước…Trong ngày chiến thắng, song hành với con đường là hình ảnh bước chân – một hoán dụ cho người cách mạng, những con người mang vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi nguy hiểm, khó khăn để giành chiến thắng, đó cũng là những bàn chân từ than bụi lầy bùn – đã bước tới dưới mặt trời cách mạng.

Đoạn cuối là hoài niệm giản dị mà trang trọng về cuộc họp của chính phủ trong hang núi:

Ai về ai có nhớ không
Ngọn cờ đỏ thăm gió lồng cửa hang
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương chính phủ luận bàn việc công

Không gian của cuộc họp là hang núi chật hẹp, vậy mà vẫn lồng lộng gió núi, vẫn rực rỡ cờ đỏ sao vàng, vẫn chan hòa ánh nắng…Cảnh đẹp trang nghiêm và phóng khoáng trong ngọn gió thời đại mới; con đường của cách mạng Việt Nam đã thật sự chuyển từ đêm tối gian lao sang ngày mai tươi sáng. Tính chất diễn ca lịch sử lại xuất hiện rất đậm trong đoạn thơ sau đó. Nhằm thể hiện những nhiệm vụ vừa lớn lao, thiêng liêng, vừa cụ thể, thiết thực của cách mạng, từ điều quân chiến dịch cho tới phòng hạn, giữ đê…Kết thúc đoạn thơ lại là hình ảnh Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến, nơi có Đảng và Bác Hồ, nơi quy tụ niềm tin và hi vọng của người Việt Nam từ mọi miền đất nước, đặc biệt là những nơi còn u ám quân thù.

  • Kết bài:

Nỗi nhớ Việt Bắc đã được lí giải thấm thía hơn không chỉ vì sự thiêng liêng của quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa mà còn vì sự gần gũi thân yêu của mái đình cây đa, vì những kỉ niệm sâu nặng ân tình giữa mình và ta – giữa đồng bào Việt Bắc và những người kháng chiến – đoạn thơ kết lại bằng sự đồng vọng xao xuyến khi người về xuôi để lòng mình ngân nga những tiếng lòng nhớ nhung ân tình của Việt Bắc:

Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.