Bút pháp khắc họa hình ảnh người lính kháng chiến chống Pháp trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) và Việt Bắc (Tố Hữu).

but-phap-khac-hoa-hinh-anh-nguoi-linh-khang-chien-chong-phap-trong-bai-tho-tay-tien-quang-dung-va-viet-bac-to-huu

Bút pháp khắc họa hình ảnh người lính kháng chiến chống Pháp trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) và Việt Bắc (Tố Hữu).

  • Mở bài:

– Giới thiệu hai bài thơ: về xuất xứ, tác giả, nội dung chính, nét đặc sắc nổi bật.

– Giới thiệu vấn đề: hình ảnh người lính kháng chiến chống Pháp được thể hiện đậm nét trong hai bài thơ.

  • Thân bài:

1. Điểm chung:

– Cảm hứng được khơi nguồn từ thực tế của cuộc kháng chiến chống Pháp và hình ảnh con người trong kháng chiến. Trong khi “Tây Tiến” hướng tới thể hiện hình ảnh người lính Tây Tiến thì “Việt Bắc” hướng tới những người lính và những người dân công.

– Hai bài thơ đều thể hiện hình tượng tập thể chứ không phải hình ảnh những cá nhân cụ thể – đây cũng là điểm chung của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp.

– Kết hợp giữa bút pháp lãng mạn và cảm hứng anh hùng tạo ra âm hưởng hào hùng cùng những bức họa kì vĩ, tráng lệ.

2. Điểm riêng:

– Về thể thơ:

+ “Việt Bắc”: thơ lục bát – thể thơ đậm tính dân tộc với âm hưởng ngọt ngào, da diết song ở đoạn thơ này lại có âm hưởng hào sảng, mạnh mẽ của một khúc anh hùng ca.

+ “Tây Tiến“: thơ 7 chữ, thể hành – âm hưởng gân guốc, khỏe khoắn, phù hợp với việc thể hiện những tình cảm mạnh mẽ, gay gắt hoặc phức tạp.

– Về hình tượng được khắc họa trong đoạn thơ:

* Trong bài thơ “Tây Tiến”:

– Người lính ở thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp – thời kì cuộc sống vô cùng gian khổ, thiếu thốn (hình ảnh: không mọc tóc; rải rác biên cương mồ viễn xứ… – phân tích sơ lược những từ ngữ làm bật lên khó khăn, gian khổ).

– Những gian khổ, thiếu thốn ấy không ngăn cản con người thực hiện khát vọng anh hùng và tinh thần xả thân vì Tổ quốc. Khó khăn, gian khổ là vậy song tất cả không thể ngăn được bước chân của những người lính trẻ trên con đường bảo vệ độc lập của Tổ quốc và sống với lí tưởng cao đẹp – xả thân vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước.

– Người lính trong đoạn thơ này là hình ảnh người lính Tây Tiến trong cái nhìn riêng của Quang Dũng – những thanh niên học sinh Hà Nội với tâm hồn lãng mạn và lí tưởng anh hùng. Bức chân dung người lính được khắc họa với cả diện mạo bên ngoài (kì lạ, oai dữ) và tâm hồn bên trong (lãng mạn, hào hoa), cả cuộc sống (gian khổ, thiếu thốn) và lí tưởng, lẽ sống (sẵn sàng xả thân trong một tư thế đầy kiêu dũng).

* Trong bài thơ “Việt Bắc”:

– Con người Việt Bắc ở thời kì mà cuộc kháng chiến đã đi đến những tháng ngày cuối cùng trong khí thế chiến đấu và chiến thắng. Hình tượng con người Việt Bắc ở đây là sự hòa hợp của hai hình ảnh đoàn quân và đoàn dân công.

– Hình ảnh ấy được đặt trong một nền không gian đặc biệt: những con đườngViệt Bắc – những con đường huyết mạch, là nơi hội tụ sức sống và sức mạnh của cả cộng đồng. Hơn nữa, không gian ấy thuộc quyền sở hữu của con người, tạo cho con người tư thế tự tin, đầy vững chãi để trở nên mạnh mẽ hơn: âm vang của tiếng bước chân như hiện thân sức sống, sức mạnh luôn vang lên thường trực trong không gian Việt Bắc – thứ sức sống, sức mạnh có thể làm lay trời chuyển đất, đổi thay cả vũ trụ.

– Đoàn quân: lực lượng đông đảo “điệp điệp trùng trùng”, khí thế mạnh mẽ (từ “đi” gợi ra hình ảnh đoàn người như một dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Đặc biệt, nhà thơ còn miêu tả sự hòa quyện của thiên nhiên đất trời và con người trong phút chuyển mình của lịch sử.

– Đoàn dân công: gợi ra khí thế khẩn trương trong những ngày cuối cùng của chiến dịch với sức mạnh như vũ bão. Tố Hữu đã vận dụng một cách sáng tạo thành ngữ “chân cứng đá mềm” để thể hiện một thế mạnh không gì có thể ngăn cản được, một sức mạnh có thể lay chuyển cả đất trời, từ đó thể hiện được âm vang lịch sử trong một thời kì lịch sử đặc biệt.

– Về cảm xúc:

+ “Tây Tiến”: Quang Dũng viết về chính mình và đồng đội- những gì từng gắn bó thắm thiết, những trải nghiệm của chính nhà thơ trong một quãng đời đặc biệt – cảm xúc chủ đạo là tình yêu, niềm tự hào. Quang Dũng đã viết về người lính Tây Tiến trong tư thế của người trong cuộc và tâm thế của người đã rời xa đơn vị cũ mà hồi tưởng lại nên những rung động cảm xúc được biểu hiện ở đây ít nhiều mang màu sắc riêng tư, cá nhân.

+ “Việt Bắc”: Là người cán bộ kháng chiến, Tố Hữu có tham gia các hoạt động kháng chiến nhưng không trực tiếp góp mặt trải nghiệm không khí chiến trường. Vì thế, đối với không khí chiến đấu, không khí chiến dịch, Tố Hữu đóng vai trò của một người quan sát để từ đó khái quát, tổng hợp lên thành những biểu tượng mang tinh thần thời đại. Do đó, nỗi nhớ hay niềm tự hào trong đoạn thơ này cũng như trong toàn bộ bài thơ Việt Bắc đều mang màu sắc của những tình cảm công dân, tình cảm chính trị.

  • Kết bài:

– Ở “Tây Tiến” có sự kết hợp màu sắc cổ điển với tinh thần thời đại: hình tượng người lính hiện lên vừa lẫm liệt uy nghi vừa chân thực, cụ thể; vừa anh hùng lại vừa lãng mạn, hào hoa.

– Ở “Việt Bắc” có sự kết hợp cảm hứng sử thi với âm hưởng dân gian tỏa ra từ một nghệ thuật thơ giàu tính dân tộc làm nổi bật vẻ đẹp của con người Việt Nam với tư thế của người anh hùng, với khí thế chiến đấu và chiến thắng trong thời kì “cả nước lên đường”.

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.