cam-nhan-suc-song-ki-dieu-cua-hinh-tuong-nhan-vat-mi-trong-truyen-ngan-vo-chong-a-phu-cua-to-hoai-678

Cảm nhận sức sống kì diệu của hình tượng nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Cảm nhận sức sống kì diệu của hình tượng nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài

Trong bài Cảm nghĩ về chuyện Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài viết: Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”.

Bằng những hiểu biết về hình tượng nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.


  • Mở bài:

Giới thiệu Tô Hoài, truyện “Vợ chồng A Phủ”, ý kiến

  • Thân bài:

1. Giải thích ý kiến:

 – Nêu rõ cuộc sống cực nhục của người dân nghèo miền núi.

– Đề cao bản chất tốt đẹp và khẳng định sức sống bất diệt của con người.

2. Phân tích, chứng minh:

– Mị là con người tốt đẹp bị đày đọa:

+ xinh đẹp, yêu đời, khát khao tự do; giàu đức hi sinh (chịu sống khổ nhục vì cha)

+ khi làm dâu: công việc triền miên, bị đánh đập, khổ nhục hơn cả súc vật; dần tê liệt ý thức, cảm xúc, sống như chết.

– Sức sống tiềm tàng:

+ Xuân về: quan tâm, ý thức về cuộc sống (lắng nghe, nhẩm thầm bài hát)

+ Trong đêm tình mùa xuân:. Ý thức về số phận (uống rượu, nghĩ: có lá ngón…ăn cho chết). Sống lại những cảm xúc tinh thần (thấy phơi phới, vui sướng… ). Tâm hồn được đánh thức (vẳng nghe tiếng sáo gọi bạn, sống với kỉ niệm đẹp ngày trước,…). Có ý thức phản kháng, khát vọng tự do (chuẩn bị đi chơi)

+ Trong đêm cắt dây trói cho A Phủ:

Lúc đầu thấy A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên.. Đêm ấy, hình ảnh dòng nước mắt của A Phủ đã đánh thức tâm hồn Mị (đồng cảm, xót thương, căm giận, ý nghĩ cứu A Phủ, chiến thắng nỗi sợ hãi).

Hành động dũng cảm, quyết liệt, khát vọng sống trỗi dậy (Cắt dây trói cho A Phủ đứng lặng trong bóng tối- vụt chạy theo A Phủ).

  • Kết bài:

Với bút pháp hiện thực sắc sảo, nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật Mị.

Nhân vật Mị tiêu biểu cho kiếp sống khốn khổ của người dân miền núi dưới ách thống trị của các thế lực phong kiến và thực dân; điển hình cho sức sống tiềm tàng, sức vươn lên mạnh mẽ của con người từ trong hoàn cảnh tăm tối, hướng tới ánh sáng của nhân phẩm và tự do.

Phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài


Bài tham khảo:

  • Mở bài:

Vợ chồng A Phủ là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Tô Hoài viết về đề tài miền núi. Qua hình ảnh nhân vật Mị, truyện khẳng định niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của con người. Nhà văn đặc biệt khắc họa khát vọng được sống cuộc sống đúng nghĩa của nhân vật Mị qua đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến mức nào, con người cũng không mất đi khát vọng sống tự do và hạnh phúc.

  • Thân bài:

Ở nhân vật Mị, dù đã bị đày đọa đến chết cả linh hồn nhưng thẳm sâu trong cô, vẫn âm ỉ cháy một tình yêu cuộc sống, một khát vọng sống đúng nghĩa. Tình yêu ấy được gìn giữ hết mức kín đáo và cẩn thận, chỉ cần có cơ hội là nó bùng phát lên mạnh mẽ.

Đầu tiên, đấy là lòng yêu đời, tinh thần lạc quan, niềm vui sống, khát vọng sống, khát vọng tự do, giàu lòng tự trọng, căm ghét cái ác. Thời thiếu nữ, Mị là cô gái nết na, thùy mị, xinh đẹp. Tạo hóa không chỉ ban tặng cho cô vẻ xinh xắn về hình hài, mà còn trao gửi nơi cô một tâm hồn đẹp, lãng mạn, đáng yêu.

Không chỉ thế, tuổi của cô còn phát lộ bao tài năng. Mị thổi sáo giỏi, uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Mà tài năng âm nhạc bao giờ cũng là dấu hiệu của một con người đa cảm, yêu đời, phong phú về nội tâm, tràn trề nhựa sống. Bao nhiêu vốn quý mà tạo hóa rộng tay ban tặng, bao nhiêu điều hay trong trường đời chăm chút học hỏi, đã khiến Mị mỗi ngày thêm quyến rũ và lạ thường. Cô trở thành thanh nam châm, là điểm hội tụ cho đám trai làng: “Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”.

Bởi thế, trong những đêm tình mùa xuân nơi rẻo cao, chưa bao giờ thiếu vắng bóng hình và tiếng sáo tha thiết, diệu kì của Mị. Đấy là những tháng năm đẹp nhất đời người, khoảnh khắc vàng son, ngọt ngào của kỉ niệm. Qua thời gian, khoảnh khắc đẹp ấy tự nén đầy, trầm tích và lưu giữ vẹn nguyên trong tâm hồn sáng trong “tựa trăng rằm” của Mị. Để rồi, khi bị bắt về làm dâu trừ nợ cho nhà thống lí Pá Tra, trong hành trang tinh thần mang theo về nhà chồng, bên những kỉ niệm yêu thương, ngọt ngào của những đêm tình mùa xuân là những ca từ, tài năng thổi saó tuyệt diệu của mình.

Chương đầu kiếp làm dâu nhà người là chuỗi thời gian đan cài những uất ức: “Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”: khóc vì thương thân, khóc vì tuổi phận bởi không chấp nhận thân phận nô lệ, một đời tôi đòi cho nhà giàu, phải kéo lê đời mình đến kiệt sức cho kẻ quyền uy, táng tận lương tâm, phi đạo đức. Khóc vì lỗi hẹn con tim, chia xa người tình một đời thương mến!

Bế tắc trong cuộc sống, Mị nghĩ đến cái chết, hằng mong thoát bi kịch đời mình (bởi không chấp nhận một cuộc sống mất ý nghĩa, một cuộc đời chết mòn, một tâm hồn héo úa. Bởi ý thức về quyền sống, lòng tự trọng, sự tự do của mình đã bị tước đoạt, bị cướp đi). Đây là sự phản kháng quyết liệt của con người khi bị dồn đến bước đường cùng. Nhưng trước sự can ngăn của người bố, và sự hiếu thảo, đức hi sinh của mình (bố đã già yếu, không còn khả năng trả nợ “Mị chết thì bố Mị còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ nữa”) nên đành thôi. Mị lại bưng mặt khóc. Cô nén nắm là ngón như ném đi cái khát vọng được giải thoát cho riêng mình. Mị chấp nhận định mệnh đã an bài, đớn đau quay lại chốn “địa ngục” trần gian.

Sống trong nhà thống lí Pá Tra, một mặt bị bóng ma thần quyền ngự trị, ám ảnh, Mị đinh ninh rằng “Nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi, thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”. Chính bóng ma thần quyền, niềm tin mê muội, mù quáng đã đe dọa, giết chết trí tuệ, chai cứng tâm hồn, tê liệt thể lí một thời mạnh mẽ, năng động của Mị. Mặt khác, trước thế lực cường quyền tàn ác của gia đình thống lí Pá Tra, dần dần qua năm tháng, Mị cam chịu đến nhẫn nhục. Sống và làm việc như một cái máy, hằng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cần lao khốn khổ để làm giàu cho kẻ quyền uy.

Sống gió cay nghiệt của cuộc đời đã làm cho tâm hồn Mị trở nên chai lì, khô cứng. Đời Mị vẫn tồn tại, nhưng con người thực thì dường như đã chết, trở thành cái bóng vô cảm, vô hồn, vất vưởng. Quá trình tha hóa về tính cách đã diễn ra mạnh mẽ nhưng âm thầm trong con người Mị. Đâu rổi một tâm hồn thiếu nữ hồn nhiên, yêu đời. Đâu rồi một con người vui sống, nhiệt tình, năng động, giàu lòng tự trọng, trở thành thanh nam châm có sức thu hút và quyến rũ mọi người? Tất cả qua rồi, đã bị bão táp thời gian nghiệt ngã và hoàn cảnh khốn cực chôn vùi. Giờ đây chỉ còn trơ trọi một cái xác thô, tâm hồn cùn mòn, trái tim gỉ máu. Hụt hẫng, chới với, Mị phó mặc đời mình nổi trôi giữa “biển đời” ê chề nghiệt ngã.

Thế nhưng, đằng sau cái dáng đau khổ, lầm lũi và câm lặng như “con rùa nuôi trong xó của” ấy là một tâm hồn không hoàn toàn giá lạnh. Ngọn lửa của lòng ham sống cho ra một con người muốn được sống đàng hoàng hạnh phúc, muốn được tự do, muốn được yêu thương, cùng với đó là niềm khát khao yêu đời vẫn cứ tiềm tàng, âm ỉ, cháy đây đó trong góc khuất nơi thẳm sâu ở tâm hồn Mị. Như thỏi than hồng được giấu vùi, ủ kín trong tro, khi có ngoại cảnh tác động, nó sẽ được nhen lên, để rồi bùng cháy dữ dội, mãnh liệt mà không gì có thể cưỡng lại nổi.

Ngoại cảnh ấy chính là vẻ đẹp, sức sống chất tình tứ tuyệt vời của mùa xuân. Nơi nơi, công việc đồng áng bắt đầu rỗi rãi, con người trở nên thoải mái, thảnh thơi. Người ta nô nức, nhộn nhịp mang “những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mõm đá xòe như con bướm sặc sỡ”. Đám trẻ đợi tết, chơi quay, cười ầm trên sân trước nhà. Nam thanh nữ tú hân hoan, tưng bừng đánh pao, thổi sáo, thổi khèn và nhảy. Từ trong các ngôi nhà, người ta rộn ràng trong những hoạt động tâm linh nghinh xuân, đón tết. Tiếng sáo thiết tha ngân nga vang, hòa trong tiếng chó sủa xa xa, báo hiệu những đêm tình mùa xuân đã tới.

Ban đầu, tiếng sáo có tình lắm, nhưng còn xa mãi đấu núi, cứ vang lên xao xuyến, thiết tha bổi hổi:

“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”

Ca từ mộc mạc, đơn sơ, chân thành, hàm chứa lòng yêu đời, lẽ sống phóng khoáng, khát khao một tình yêu tự do, mong mỏi niềm hạnh phúc viên mãn có tính tất yếu trong tâm hồn của con người. Tiếng sáo đã giúp Mị nhận ra một điều tưởng như đã chìm vào cõi quên lãng, rằng ngày xưa Mị cũng là một cô gái tài hoa, tươi trẻ, hồn nhiên và xinh đẹp. Cô từng rạo rực, hân hoan, rong ruổi trên các nẻo đường mùa xuân, từng xuyến xao thổn thức tiếng sáo gọi tình bạn. Nhưng hơn hết tiếng sáo độc đáo và tuyệt hay của Mị đã làm đắm say hồn người trong những đêm tình mùa xuân quyến rũ. Mị xót xa đồng vọng, cứ ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.

Tiếng sáo với ca tự nỉ non, thiết tha, da diết ấy đang ngấm dần, xoáy sâu vào tâm hồn dường như chai đá, trái tim tưởng như suy kiệt, đóng băng của Mị. Để rồi, thanh âm thiết tha của tiếng sáo ấy đang hội tụ, nén đầy, cứ mãi rập rờn trong đầu Mị, nỉ non trong tim Mị, thành tiếng long thổn thức.

Tiếng sáo gọi bạn tình mùa xuân cứ miên man, quyến rũ, thôi thúc, gọi mời. Nó là bài ca của sự sống muôn thuở, là biểu tượng của khát vọng tự do – tình yêu – hạnh phúc mà bấy lâu nay dường như bị lãng quên trong Mị, giờ đây được đánh thức, hồi sinh. Tiếng sáo là nguồn nhiệt năng thiêng liêng dội vào, lặn sâu, thấm dần trong mọi ngóc ngách thẳm sâu nơi tâm hồn Mị, nhằm sưởi ấm, làm tan chảy giá băng thụ động, trơ lì, mê muội, để Mị trở về con người thực của mình – tràn trề nhựa sống, đẫy đà sức xuân, khát khao tự do, đam mê yêu đời. Hóa ra, bên trong con người câm lặng kia, tiếng sáo vàng son ngày xưa vẫn hằng bảo lưu trong lòng, gìn giữ vẹn nguyên nơi kí ức; để giờ đây, nó trở nên rộn ràng âm vang hơn bao giờ hết.

Tiếng sáo đã kích hoạt sức mạnh thể lí của Mị. Cô nén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Mị say lịm người, cùng lúc vừa gây lãng quên vừa đem về nỗi nhớ. Mị quên hiện thực đang phơi bày trước mắt, cứ nhớ như in những đêm tình mùa xuân tuyệt đẹp ngày xưa. Giờ đây, Mị thấy “phơi phới trở lại”. Trong lòng “đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Mị cảm nhận mình còn trẻ đẹp. Còn trẻ đẹp nên có quyền hưởng trọn niềm vui, hạnh phúc của tuổi trẻ. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Sức sống bấy lâu nay bị hoàn cảnh đè nén bỗng trào lên, không thể dập tắt được nữa. Mị thèm hòa vào dòng người đi chơi tết, hưởng xuân đến cháy lòng.

Giữa lúc sự yêu đời, lòng ham sống, sức hồi sinh trỗi dậy mãnh liệt nhất, thì cũng là lúc nó bị quật xuống phũ phàng nhất. A Sử bước vào thản nhiên và lầm lì trói đứng Mị vào cột nhà. Điều kì diệu là: tuy bị trói buộc, hồn Mị vẫn mộng du, vẫn rong chơi, Mị đang mải mê, đang ngất ngây nơi “thiên đường tuổi trẻ”, trong dư âm cung đàn mùa xuân. Trong căng trào “Mị vùng bước đi” nhưng tay chân đau không cựa được vì những vòng dây trói oan nghiệt siết chặt. Mị chớt nhớ lại câu chuyện về người đàn bà với cái chết oan nghiệt trong căn nhà này. Mị bàng hoàng hoảng sợ, thử “cựa quậy xem mình còn sống hay chết”.

  • Kết bài:

“Vợ chồng A Phủ” đặt ra vấn đề số phận con người – những con người dưới đáy xã hội – những con người bị tước đoạt hết tài sản, bị bóc lột sức lao động và bị xúc phạm nặng nề về nhân phẩm. Tác phẩm cũng giải quyết vấn đề số phận con người, thức tỉnh họ, đưa họ đến với cách mạng và cho họ một cuộc sống mới. Nhưng đối với người đọc, khát vọng sống cao đẹp của nhân vật Mị ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất đã để lại những ấn tượng không thể nào quên được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang