Tình yêu thiên nhiên thiết tha của Hữu Thỉnh qua bài thơ “Sang thu”
- Mở bài:
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô ?
(Lưu Trọng Lư)
Mùa thu với sắc trời xanh thẳm, với những áng mây trắng trôi lững lờ, với những chiếc lá vàng chao nghiêng trong gió se lạnh đã gợi lên trong lòng thi nhân biết bao hoài niệm. Chính vì vậy mà từ rất lâu, nét thu duyên dáng đầy thi vị đã đi vào thi ca với bao tuyệt phẩm. Vẫn viết về đề tài mùa thu song bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh lại chọn một góc nhìn rất mới lạ. Mùa thu ở đây chưa định hình bởi nó đang ở khoảnh khắc giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu.
- Thân bài:
Bài thơ được mở ra bằng sự cảm nhận của tác giả về những tín hiệu thiên nhiên lúc chuyển mùa:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Mùa thu đến một cách đội ngột, đánh thức giác quan Hữu Thỉnh bằng những tín hiệu thật vô hình, mong manh. Đó chính là mùi hương ổi chín – mùi hương quen thuộc ở vùng nông thôn Bắc bộ. Từ “phả” gợi cảm giác về mùi hương dường như từ từ lan tỏa thơm ngát trong không gian. “Hương ổi” thơm đến nhờ sự giúp đỡ của “gió se“. Đó là những ngọn gió nhẹ, mang theo chút hơi lạnh, khô của đất trời.
Gió mang hương ổi đi khắp thôn xóm tạo cảm giác vấn vương lòng người. Cũng chính nhờ ngọn “gió se” mà nhà thơ nhận ra làn “sương chùng chình” mờ ảo đang từ từ tan loãng, đang di chuyển chậm chạp, giăng mắc trên đường thôn ngõ xóm. Từ “chùng chình” cùng biện pháp nhân hóa trong câu thơ tạo đã diễn tả thật chính xác cái cảm giác làn sương đang cố ý đi chậm lại nơi cửa ngõ thời gian nối giữa hai mùa như để được tận hưởng những phút giây chuyển mùa.
Tác giả như đang dùng mọi giác quan để đón nhận những tín hiệu mùa thu vì nó đến không báo trước. Từ “bỗng” diễn tả cảm giác ngạc nhiên, bất ngờ đầy thú vị của nhà thơ. Và ngay cả khi khứu giác, xúc giác cùng với thị giác mách bảo, khi đã nhận ra “hương ổi”; ” gió se” và cả “sương chùng chình”, tác giả vẫn bâng khuâng, xao xuyến chưa dám tin vào giác quan của mình: “hình như thu đã về”. Bởi tất cả những tín hiệu quá mơ hồ, hư ảo. Bước chân mùa thu ngập ngừng trước cửa ngõ thời gian lay động lòng người, đánh thức giác quan, xôn xao hoài niệm. Phải có một cảm nhận tinh tế, sâu sắc như Hữu Thỉnh mới có thể nhận ra sự hiện diện của của mùa thu ngay từ những phút giây đầu tiên như thế.
Bức tranh mùa thu lúc giao mùa đi từ vô hình, mong manh đến hữu hình, cụ thể :
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Cảm xúc bâng khuâng, ngỡ ngàng lúc ban đầu dần tan biến nhường chỗ cho những cảm hứng mãnh liệt hơn. Hình dáng mùa thu dần hiện rõ, không gian thua dần mở rộng hơn trong tầm quan sát của tác giả. Dòng sông trong thời điểm giao mùa đã bớt đi sự cuồn cuộn của mùa mưa bão. Nó trở nên hiền hòa hơn, êm ả hơn, cố tình chậm lại để tận hưởng khoảnh khắc thu mới chớm.
Người đọc như cảm nhận được sự hài lòng của dòng sông khi được đắm chìm mình vào không gian thu. Trái ngược hẳn với dòng sông, những cánh chim bắt đầu vội vã hơn khi nhận ra phút đầu thu. Sự cảm nhận về thời khắc giao mùa thúc giục cánh chim bay nhanh hơn, để có thể tìm nơi cư trú ở phương Nam ấm áp trước khi đón nhận những đợt gió giá lạnh của mùa đông.
Sự tinh tế của tác giả là nhận ra sự thay đổi về tốc độ khi nó mới chỉ “bắt đầu”, thật mơ hồ khó nhận thấy. Điều đó chỉ có được khi có sự gắn bó sâu nặng với cuộc đời. Điểm thú vị ở hai câu thơ này là tốc độ trái chiều giữa chậm và nhanh thể hiện một cách sinh động quy luật của tự nhiên trong thời điểm giao thoa của thời tiết. Mùa thu mới chớm thật dịu nhẹ, thật êm đềm, mênh mang cả đất trời. Hữu Thỉnh đã tô điểm khung trời thu bằng áng mây duyên dáng :
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Đám mây mùa hạ vẫn còn đó, nhưng nó đã bớt trĩu nặng hơi nước mùa mưa. Nó đã nhẹ nhàng hơn, trắng xốp và bồng bềnh hơn, êm ả trôi lững lờ trên nền trời mùa hạ đang nhuốm dần sắc thu. Nó mềm mại như dải lụa “vắt nửa mình” đầy gợi cảm giữa hai bến bờ thời gian. Cái đặc biệt của khổ thơ không chỉ là khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên lúc sang thu mà còn là lấy không gian để miêu tả thời gian.
Ở khổ thơ cuối, tác giả tiếp tục hoàn thiện bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa bằng những chi tiết chọn lọc :
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Nắng, mưa, sấm là những đặc trưng của mùa hạ vẫn còn vương lại trong khoảng khắc này. Nắng, mưa, sấm vẫn còn song từ gay gắt thành dịu nhẹ, từ dày đặc thành thưa thớt, từ ồn ào thành vắng lặng. Sắc nắng nhạt dần, mưa bớt đi độ xối xả, sấm cũng thưa hơn và hàng cây lâu năm với sắc lá đang dẫn sẫm lại cũng bớt bị bất ngờ bởi sấm. Tất cả đã xuất hiện với độ giảm dần để trở thành tín hiệu mùa thu. Thiên nhiên đang nhẹ bước qua ranh giới mong manh giữa hai mùa. Sự thay đổi từ thiên nhiên có vẻ như đã rõ hơn song chỉ có thể xác định được bằng sự nhạy cảm khó lường của giác quan mách bảo.
Đặc biệt hơn trong hai câu cuối, nghệ thuật nhân hóa và ẩm dụ đã giúp người đọc có được sự chiêm nghiệm độc đáo về cuộc đời. “Sấm” tượng trưng cho những tác động, khó khăn của cuộc sống, “hàng cây đứng tuổi” lại chỉ những con người đã trưởng thành. Khi con người ta từng trải, có kinh nghiệm sống sẽ điềm tĩnh hơn trước những bão táp của cuộc đời.
Đến đây ta bỗng hiểu sao vừa có sự “chùng chình” bịn rịn với mùa hạ, “dềnh dàng” mà lại “vội vã” lúc thu sang. Đời người vất vả lo toan, bỗng nhận ra mình đã “sang thu” rồi, bỗng nhận ra mình đang ở độ tuổi xế chiều. Cái bồng bột đi qua nhường lại chỗ cho sự điềm tĩnh, chín chắn.
- Kết bài:
Với sự cảm nhận tinh tế, ý thơ hàm xúc mang cốt cách rất riêng, vừa cổ điển vừa hiện đại, bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh đã mang đến một không gian mới chớm thu thật đẹp, thi vị. Bài thơ lay động cảm xúc, lắng đọng trong hồn người. Sang thu thể hiện một tình yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ Hữu Thỉnh, xứng đáng là một trong những bài thơ hay về thơ mùa thu trong nền văn học nước nhà.
- Cảm nhận ý nghĩa bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh
- Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh
Bài tham khảo:
Cảm nhận tình yêu thiên nhiên thiết tha của nhà thơ Hữu Thỉnh qua bài thơ “Sang thu”
- Mở bài:
Mùa thu là một không gian trữ tình, thi vị nhất trong bốn mùa. Cảnh sắc thu gợi nhớ, gợi thương. Nhưng nếu như mùa thu dưới con mắt các thi nhân xưa với vẻ đẹp ước lệ với lá vàng rơi, gió hiu hắt thì đối với Hữu Thỉnh, mùa thu hiện ra mới lạ, gần gũi mà đầy tinh tế. Cảm xúc ấy được nhà thơ thể hiện rõ ràng qua bài thơ “Sang thu”
- Thân bài:
Ngay từ đầu tác giả đã khẳng định về thời gian cùa mùa thu qua tiêu đề: thời điểm giao mùa. Đó không phải là chính thu, khi bầu trời xanh ngắt lơ lửng những tầng cao, cũng không phải là cuối thu khi sắc trời đã nhuộm đỏ lá bàng, hay khi cái rét mùa đông đã lẫn vào trong gió. Đất trời chỉ mới chớm thu thôi, một khoảng khắc giao mùa nhẹ nhàng êm dịu đủ để con người giật mình ngỡ ngàng:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Dựờng như hương ổi thơm dịu chỉ đang phảng phất đâu đây. “Hương ổi” ngọt ngào mà thuần khiết lòng ta chọt xán xang. Hiện lên trong tâm hồn ta hình ảnh của quê hương, của xóm làng với những chiều đi hái trộm ổi, cái vị ngọt ngào, thanh thanh cứ đọng lại mãi nơi đầu lưỡi, tuy bị mắng nhưng kỉ niệm đó chẳng thể nào phai nhòa. “Phả” là động từ được sử dụng rât khéo léo để khẳng định sự xuất hiện của hơi thu. Cái cảm giác se lạnh để rồi thảnh thơi đón nhận một luồng khí thu mát rượi trong lành. Làn gió ấy từ lâu vẫn được coi như là hồn thu nơi đất Bắc.
Tiếp đến, nhà thơ nhận ra làn sương sớm “chùng chình” nơi đầu ngõ. Nó không trôi đi mà như đang cố bấu víu để ở lại. Hình ảnh :Sương chùng chình qua ngõ” gợi ra những làn sương mỏng, mềm mại, giăng màn khắp đường thôn ngõ xóm làng quê. Nó làm cho khí thu mát mẻ và cảnh thu thơ mộng, huyền ảo, thong thả, bình yên. Nhà thơ đã nhân hóa màn sương qua từ “chùng chình” khiến cho sương thu chứa đầy tâm trạng. Nó như đang chờ đợi ai hay lưu luyến điều gì? Câu thơ lắng đọng tạo cảm giác mơ hồ đan xen nhiều cảm xúc.
Sau một thoáng bối rối, bồi hồi nhà thơ như bừng tỉnh: “Hình như thu đã về”. hai từ hình như biểu lộ hết sự hoài nghi và vui mừng, cuống quyt của tác giả khi nhận ra dấu hiệu mùa thu hiện rõ trong không gian buổi sớm. Bằng tất cả các giác quan: khứu giác, xúc giác và thị giác, nhà thơ cảm nhận những nét đặc trưng của mùa thu đều hiện diện. Có “hương ổi”, “gió se” và “sương”. Mùa thu đã về trên quê hương. Vậy mà nhà thơ vẫn còn dè dặt: “Hình như thu đã về”. Sao lại là “Hình như” chứ không phải là “chắc chắn”? Một chút nghi hoặc, một chút bâng khuâng không thật rõ ràng. Đúng là một trạng thái cảm xúc của thời điểm chuyển giao. Thu đến nhẹ nhàng quá, mơ hồ quá. Đằng sau không gian làng quê sang thu ấy ta cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm của một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.
Để thực sự kiểm chứng điều thấy được cảm nhận được ấy, nhà thơ vội vã bước ra với không gian rộng lớn, đón nhận tất cả màu thu vào lòng:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Bức tranh mùa thu được cảm nhận bởi sự thay đổi của đất trời theo tốc độ di chuyển từ hạ sang thu, nhẹ nhàng mà rõ rệt. Thiên nhiên sang thu đã được cụ thể bằng những hình ảnh: “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”, “đám mây vắt nửa mình”. Như thế, thiên nhiên đã được quan sát ở một không gian rộng hơn, nhiều tầng bậc hơn. Bức tranh sang thu từ những gì vô hình như “hương ổi” ,”gió se”, từ nhỏ hẹp như con ngõ chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể với một không gian vừa dài rộng, vừa xa vời.
Nhịp thơ nhanh và gấp cũng như hơi thở của mùa thu cũng bắt đẩu đập mạnh. Sông mùa này chẳng còn những dòng chảy xiết, đỏ quạnh phù sa của mùa hạ mà trong xanh hơn, trôi một cách “dềnh dàng” chậm chạp thong thả, cứ cố nán lại đợi chờ ai. Sông chờ nước mùa thu chăng? Hình ảnh thơ thật thi vị lãng mạn làm sao.
Trái ngược với vẻ khoan thai của dòng sông là sự vội vàng của những cánh chim trời bắt đầu di trú về phương Nam. Không gian trở nên xôn xao, không có âm thanh nhưng câu thơ lại gợi được cái động. Những cánh chim chiều không còn mãi miết rong chơi nơi chân trời tối mà bắt đầu “vội vã” tìm về tổ ấm. Có lẽ cũng bởi mùa đông sắp đến và mùa thu cũng là thời điểm để chúng đi tránh rét phương Nam. Những tín hiệu báo mùa về phản ngược nhau, song cả hai đều thuộc về thần thái của mùa thu.
Nhịp mạnh có hương ổi phả – chim vội vã nhịp nhẹ có sương chùng chình – sông dềnh dàng. Một hiện tượng trái chiều mà ta vẫn thường thấy trong mỗi cuộc đổi thay. Phải chăng, những vận động trái chiều mà cùng hướng vẫn thường đem đến cho sự sống thế quân bình ngay trong lòng mỗi nhịp biến thiên? Cho nên thật thú vị, chính sự trái ngược kia tạo nên cái bản giao hường gợi cảm của đất trời thu. Nhưng những cảm nhận tinh tế về khúc giao mùa được thể hiện rõ nét nhất qua hình ảnh đám mây. Đám mây trời là dải khăn và nền trời thu chính là giá nâng chiếc khăn ấy. Đám mây kia có hai nửa thì một nửa bên nằm bên mùa hạ, một nửa kia thuộc về mùa thu. Tất cả gợi cho ta một vẻ đẹp liên tưởng về quá khứ của mùa hạ đầy sôi động. Có lẽ đây là hai câu thơ hay nhất trong sự tìm tòi khám phá của Hữu Thỉnh trong khoảnh khắc giao mùa. Nó giống như một bức tranh thu vĩnh hằng tạc bằng ngôn ngữ.
Sau những cảm xúc trước những biến đổi âm thầm của mùa thu, tác giả trầm ngâm suy ngẫm về những triết lý của cuộc đời:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Nếu ở hai khổ thơ đầu của bài thơ, dấu hiệu mùa thu đã khá rõ ràng trong không gian và thời gian, sang khổ cuối vẫn theo dòng cảm xúc ấy, tác giả bộc lộ suy ngẫm của mình về con người, về cuộc đời. Nắng mùa hạ vẫn còn nồng nhưng không còn chói chang nữa. Những cơn mưa rào sầm sập đã vơi dần, sấm sét cũng ít đi. Chính vì vậy những hàng cây đã đứng tuổi không còn bất ngờ nữa nhưng hơn hết là thời gian đã giúp cho hàng cây quen dần với tiếng sấm.
Những ý nghĩa triết lý chợt hiện ra rõ nét sau khi xuất hiện hình ảnh hàng cây đứng tuổi. Thời gian trôi qua nhanh và cuộc đời mỗi con người là một chứng nhân nhìn mùa thu đi xa. Đó là cảm xúc trước sự biến thiên của thời gian. Tuy đã sang thu nhưng lòng “vẫn còn bao nhiêu nắng”, bao cơn mưa thở than nay cũng đã vơi dần.
“Sấm” là những khó khăn, thất bại là những vang động bất thường trong cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” là những con người từng trải, có kinh nghiệm, họ sẽ vững vàng bước qua những tiếng sấm cùa cuộc đời. Từ đó ta hiểu rằng nếu ta biết dừng lại suy ngẫm ta sẽ chiêm nghiệm ra được nhiều điều. Thì ra mùa thu đâu chì có chuyện tiêu sơ. Mùa thu còn là sự trường thành trong suy nghĩ trong tâm hồn.
Đến đây, giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ, chiêm nghiệm về đời người. Nhìn cảnh vật biến chuyển khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã “đứng tuổi”. Phải chăng, mùa thu đời người là sự khép lại của những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa thu mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng, bình tâm, chín chắn…trước những chấn động của cuộc đời.
Bằng một cách nhìn riêng, một lối tả riêng, thoát khỏi những ước lệ, Hữu Thỉnh đã miêu ti những chuyển mình tinh tế của mùa thu qua hương ổi, màn sương, cơn gió, dòng sông, bầy chim, đám mây, nắng, mưa, sấm, cây cối sang thu, hồn người cũng sang thu. Cảnh vật, thời tiết thay đổi. Tất cả vẫn còn nhiều dấu hiệu của mùa hè nhưng giảm dần mức độ, cường độ, để rồi lặng lẽ vào thu qua con mắt quan sát và cảm nhận tinh tế của tác giả.
- Kết bài:
Bài thơ “Sang thu” đã gợi trong ta những cảm xúc bâng khuâng, lòng yêu quê hương, đất nước dâng trào mãnh liệt. “Sang thu” đâu chỉ là sự chuyển giao của đất trời mà còn là sự chuyển giao cuộc đời mỗi con người. Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Chính vì vậy những vần thơ của ông có sức lay động lòng người mãnh liệt hơn.
- Cảm nhận: “Sang thu là khúc giao mùa tinh tế và ấn tượng”
- Phân tích những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh trong khổ cuối bài “Sang thu”
- Phân tích vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải) và “Sang thu” (Hữu Thỉnh)