cam-nhan-ve-dep-buc-tranh-thien-nhien-giao-mua-trong-bai-tho-sang-thu

Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ “Sang thu”

  • Mở bài:

Không phải thu sang mà là Sang thu, thi nhân muôn đời yêu mến mùa thu, cũng không hiếm trường hợp say sưa trước những thay đổi của tạo vật khi đất trời giao chuyển. Đọc Sang thu của Hữu Thỉnh, thêm một lần nữa ta thưởng thức vẻ đẹp của sự cảm nhận tinh thế, những rung động của một tâm hồn nhạy cảm nghệ sĩ trước bức tranh thiên nhiên giao mùa giữa hạ và thu.

  • Thân bài:

Hữu Thỉnh viết Sang thu năm 1977. Ngay từ khi mới ra đời nó đã được mọi người đón nhận và yêu mến Sang thu: thời khắc giao mùa giữa hạ và thu.Thời khắc dễ rung động hồn thơ nhưng cũng thật khó viết cho hay.Hữu Thỉnh là nhà thơ đã vượt qua được thử thách ấy.Bằng đôi mắt tinh tường và tâm hồn nhạy cảm, chỉ với ba khổ thơ, mười hai câu thơ năm chữ, tác giả đã vẽ được bức tranh thu đúng, đẹp, có tình lại có chiều sâu suy nghĩ.

Bài thơ mở đầu bằng một phát hiện bất ngờ, thú vị, dường như không hề được chuẩn bị trước về bước chuyển dịch của thời gian:

Bổng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngỏ
Hình như thu đã về

Sự độc đáo bắt đầu từ hương thu. Với thi sĩ Xuân Diệu thì tín hiệu đầu thu là “ sắc mơ phai” của lá được “dệt” nên giữa muôn ngàn cây:

Đây mùa thu tới , mùa thu tới
Với sắc mơ phai dệt lá vàng

Tới Nguyễn Đình Thi hương vị quê hương trong mùa thu là hương cốm mới:

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới.

Còn với Hữu Thỉnh, cái tín hiệu báo mùa thu đang tới, mùa thu chớm về là hương ổi chín thơm lựng nơi vườn quê. Cái hương thơm nồng nàn ấy, thân thuộc ấy đang phả vào trong giáo se “Ngọn gió thu lạnh khô khan se sắt”. “Phả” nghĩa là bốc mạnh và tỏa ra thành từng luồng. Từ phả thật có hồn. Nó gợi ra hương thơm như sánh lại, nó đem đến cho người đọc những liên tưởng về màu vàng ươm, về hương thơm lựng, thơm ngát tỏa ra từ những trái ổi chín nơi vườn quê trong những ngày cuối hạ đầu thu.Hương ổi tỏa ra nồng nàn như phả vào cảnh vật được gió thu mang đi làm ngây ngất hồn người.

Có thể nói hương ổi là một tứ thơ mới đậm đà màu sắc dân dã, là một tín hiệu độc đáo thể hiện bút pháp nghệ thuật của Hữu Thỉnh. Chữ “bổng” trong câu thơ diễn tả sự ngạc nhiên, niềm vui bất ngờ chợt đến, mới cảm nhận được, mới phát hiện ra. Bức tranh thiên nhiên giao mùa được cảm nhận trước hết ở khứu giác chứ không phải là thị giác. Dường như, Hữu Thỉnh đã làm đảo lộn trật tự cảm nhận nhằm để nhấn mạnh niềm hân hoan của tâm hồn mình khi phát hiện ra dấu hiệu thời gian đang chuyển dịch.

Sau “hương ổi” và “gió se”, nhà thơ nói đến “sương thu”.Cũng không phải là “Sương thu lạnh….Khói thu xây thành” trong Cảm thu-Tiển thu của Tản Đà ; Củng chẳng phải là giọt sương lạnh và tiếng thu buồn trong những ngày xa xưa “Cành cây sương đượm , tiếng trùng mưa phun” (Chinh phụ ngâm) mà là một sương thu chứa đầy tâm trạng :

Sương chùng chình qua ngỏ
Hình như thu đã về

Sương thu đã được nhân hóa, diễn tả rất thơ bước đi chầm chậm của mùa thu đã về. Sương ngập ngừng vấn vương chờ đợi…. Một chút gì bâng khuâng . Nhìn thấy sương trắng nhạt phủ mờ ngỏ trúc “Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt” nhà thơ cảm thấy như “thu đã về” . Hai chử hình như là phỏng đoán nữa tin nữa ngờ một nét thu mơ hồ vùa chợt phát hiện và cảm nhận . Nhà thơ cảm nhận bước đi của mùa thu trong khoảnh khắc chớm thu không chỉ băng khứu giác ( nhận ra hương ổi) , không chỉ bằng xúc giác ( gió se) bằng thị giác (Sương chùng chình qua ngỏ) mà còn bằng tất cả sự rung động của tâm hồn, linh hồn. Bâng khuâng, rạo rực,rung động và xôn xao. Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật và tâm trạng nghệ thuật đồng hiện khá tinh tế đầy chất thơ.

Không gian nghệ thuật của bức tranh sang thu được mở rộng ở chiều cao, độ rộng của bầu trời với cánh chim bay và đám mây trôi, ở chiều dài của dòng sông qua khổ thơ thứ hai tiếp theo:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nữa mình sang thu.

Bức tranh thu từ những gì vô hình (hương ổi) từ mờ ảo(sương chùng chình) từ nhỏ hẹp(ngõ) chuyển sang những nét hữu hình cụ thể (sông,chim, mây) với một không gian vừa dài vừa rộng vừa cao vời, người đọc thích thú với cấu trúc đối tự nhiên, chặt chẽ và tuyệt đẹp như trong thơ cổ điển.

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã

Dòng sông không cuồn cuộn dữ dội và gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ.Sông êm ả dềnh dàng, sông đang lắng lại, đang trầm xuống trong lững lờ như đang ngẫm nghĩ, suy tư “Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ” (Tức cảnh chiều thu-Bà Huyện Thanh Quan). Tương phản với sông, chim lại bắt đầu vội vã. Đó là những đàn cu ngói, những đàn sâm cầm, những đàn chim đổi mùa từ phương bắc xa xôi bay về phương nam. Hơi thu lạnh làm cho chúng phải khẩn trương chuẩn bị cho chuyến bay tránh rét . Từ “vội vã” đối rất đẹp với sự “dềnh dàng” . Từ “bắt đầu” củng rất độc đáo ở đây.Bắt đầu vội vã thôi chứ chưa phải là đang vội vã.Phải tinh tế lắm mới nhận ra sự “bắt đầu” này trong những cánh chim bay . cũng như Huy Cận phải tinh tế lắm mới nhận thấy”trọng lượng” trong bóng chiều rơi xuống cánh chim làm nó chao nghiêng: “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”

Trong số đàn chim bay vội vã ấy phải chăng có những đàn ngỗng trời mà nhà thơ Nguyễn Khuyến đã nói đến trong Thu Vịnh: “Một tiếng trên không ngỗng nước nào”.

Dòng sông, cánh chim, đám mây mùa thu đều được nhân hóa. Bức tranh thu trở nên hữu tình , chứa chan thi vị. Đặc sắc nhất, độc đáo nhất trong khổ thơ là hình ảnh đám mây lãng đãng, thể hiện nét riêng thời điểm giao mùa từ hạ sang thu :

Có đám mây mùa hạ
Vắt nữa mình sanh thu

Hữu Thỉnh không dùng những từ ngữ như lang thang, lơ lững, bồng bềnh, nhẹ trôi mà lại dùng chữ “vắt”. Chữ vắt rất thần tình gợi tả mây mỏng, làn mây nhẹ trôi, mây như dãi lụa treo lơ lững giữa bầu trời. Mây như kéo dài ra, vắt lên đặt ngang trên bầu trời, buông xuống, một nữa đang còn là mùa hạ, nữa đã nghiêng về mùa thu. Hình ảnh mây là thực nhưng cái ranh giới mùa là hư. Nó chỉ là sản phẩm của trí tượng lạ lùng của nhà thơ. Bầu trời nữa thu . Đám mây mùa hạ dang nhuốm sắc thu. Đến một lúc nào đó nó bổng ngỡ ngàng thấy đang bồng bềnh trong bầu trời thu trọn vẹn trở thành “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”như mây thu trong thơ Nguyễn Khuyến.Câu thơ tả đám mây mùa thu của Hữu Thỉnh khá hay và độc đáo, cách chọn từ và dùng từ rất sáng tạo. Có thể nói đó là câu thơ có hình ảnh đẹp nhất , đắc sắc nhất thể hiện nét riêng của thời điểm giao mùa từ hạ sang thu.

Nếu hai khổ thơ đầu rất đẹp về mặt tạo hình, rất tinh trong cảm nhận thì khổ thơ thứ ba đem đến cho bài thơ một vẻ đẹp mới, làm trọn vẹn thêm cái ý “sang thu” của hồn người chưa thật rỏ ở hai khổ thơ trên. Trong khổ thơ này, bức tranh thiên nhiên giao mùa được khẳng định bằng đoán nhận, bằng kinh nghiệm, bằng sự suy ngẫm chứ không phải cảm nhận trực tiếp như hai khổ thơ trước. Mùa thu không được quan sát từ gần ra xa, từ thấp lên cao mà thu đang từ từ thu vào trong tâm tưởng , đang lắng lại trong cảm xúc:

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Vẫn là nắng, mưa, sấm, chớp, bão giông như mùa hạ nhưng mức độ đã khác. Nắng nhạt dần chứ không còn chói chang dữ dội gay gắt. Đã bớt đi những trận mưa rào, mưa giông, ầm ầm ào ạt và hàng cây không còn bị bất ngờ, giật mình vì tiếng sấm đùng đoàng vang rền nữa. Những hiện tượng của thiên nhiên trong thời điểm giao mùa, mùa hạ-mùa thu được Hữu Thỉnh cảm nhận một cách tinh tế. Các từ ngữ “Vẫn còn”, “đã vơi dần” “cũng bớt bất ngờ” gợi tả rất hay thời lượng và sự hiện hữu của sự vật của thiên nhiên buổi đầu thu.

Tình thu, ý thu động lại ở hai câu thơ cuối:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

Sấm và hàng cây đứng tuổi là những ẩn dụ tạo nên tính hàm nghĩa của bài thơ.Nắng, mưa, sấm không chỉ là những biến động của thiên nhiên mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những thử thách khó khăn trong cuộc sống. “Hàng cây đứng tuổi” là một ẩn dụ nói về lớp người đã từng trãi được tôi luyện trong nhiều gian khổ khó khăn

Từ hình ảnh thực của thiên nhiên, hình ảnh thơ còn gợi lên một ý nghĩa sâu xa hơn: Con người đã đứng tuổi , đã từng trãi thì cũng ít bị chấn động bởi những biến cố bất thường của cuộc đời . Hai câu thơ không chỉ còn tả cảnh sang thu mà đã chất chứa suy nghiệm về cuộc sống về con người.

Mùa thu quê hương thời nào cũng mộng cũng đẹp , nhất là mùa thu cách mạng, mùa thu thanh bình. Sang thu là một bức tranh thu hữu tình thơ mộng, tả ít mà gợi nhiều.Từ ngữ tinh xác , chọn lọc, hình ảnh đẹp và gợi cảm. Mỗi câu thơ như một nét vẽ tinh vi sống động và nên thơ mở ra một không gian nghệ thuật buổi đầu thu với bao cảm mến nồng hậu. Ta cảm thấy mùa thu đang nhẹ bước cùng cảnh vật đem đến nhiều mang mác bâng khuâng và rạo rực lòng người.

  • Kết bài:

“Sang thu” là một khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng mà cũng thầm thì triết lí. Chỉ với ba khổ thơ ngắn nhưng bài thơ đã để lại cho người đọc biết bao suy ngẫm và rung động trướ bức tranh thiên nhiên giao mùa của đồng quê Bắc bộ. Đọc “Sang thu”, ta cảm nhận được từ cuối hạ sang thu, đất trời có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt, sự biến chuyển này đã được nhà thơ gợi lên bằng cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm. Với Sang thu, Hữu Thỉnh đã góp một tiếng thơ đằm thắm, thiết tha về mùa thu quê hương, mùa thu Việt Nam gieo vào lòng bao độc giả trẻ tình quê hương xứ sở.


Bài tham khảo:

Vẻ đẹp bức tranh mùa thu trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Mùa thu là nguồn cảm hứng thơ bất tận cho các thi sĩ. Nhà thơ nào cũng muốn vẽ được một bức tranh thu cho riêng mình. Và Hữu Thỉnh đã có được một cái tứ rất riêng đó là thời khắc lúc giao mùa. Bài thơ Sang thu là những cảm nhận, những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước sự biến đổi kì lạ trong thời khắc giao mùa của đất trời trong ngưỡng thu. Bức tranh thiên nhiên giao mùa được cảm nhận bằng một tâm hồn tinh tế, đây cảm xúc.

Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Phúc, Hữu Thỉnh không còn lạ lẫm gì với mùa thu đất Bắc. Thế nhưng, khi cảm nhận tín hiệu thu mến yêu, ông cũng không khỏi ngỡ ngàng. Đối với ông, thu đến với những cảm giác mơn man khó tả:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Như một quy luật tuần hoàn của tạo hóa, dường như thu đã lại sang. Có vẻ bức tranh thu đã được điểm những nét đầu tiên: hương ổi phả nhè nhẹ, thoang thoảng đưa vào trong gió se – gió đã nhẹ lại chứ không còn là “nồm nam cơn gió thốc” nữa rồi. Theo trong gió chính là làn hương mộc mạc cuả làng quê nhỏ. Lớp sương chùng chình khắp nơi dường như cũng chẳng muốn rời. Sương cũng mang đầy tâm trạng, bước đi chầm chậm theo nhịp điệu của mùa thu. Cái tín hiệu mùa thu đó là hương, là gió hay là sương? Chẳng lẽ là tất cả. Cái cảm giác bất ngờ thể hiện trong từ “bỗng” đầu tiên lan tỏa vào không gian rất đỗi thân quen, xao xuyến vô cùng. Chính thế mà thi sĩ còn đang ngỡ ngàng vẫn còn tự hỏi mình: Trong khi đất trời bắt đầu có những chuyển biến nhẹ nhàng, hình như thu đã về?… Nhận thấy đó mà chưa tin hẳn, vì lòng yêu say mùa thu quá.

Cái cảm giác “hình như” đó gần như bị xóa tan bởi những tín hiệu chuyển mùa dần hiện ra rõ hơn:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Bức tranh thiên nhiên giao mùa như đã đậm màu hơn bởi cảnh vật ngày càng nhiều thay đổi: những con sông đã không còn gấp gâp, mà lững lờ trôi, chầm chậm, “dềnh dàng” khi dành nước cho mùa thu. Phải chăng chúng đã thả hồn mình vào các khoảnh khắc giao mùa này? Trái ngược với sự “lặng lẽ” đó là biểu hiện có vẻ gấp gáp của những cánh chim trời. Chúng đang vội vã làm gì? Làm tổ, tích trữ thức ăn cho mùa đông giá lạnh hay đang rục rịch chuẩn bị cho chuyến hành trình xa xứ tránh rét về một chân trời xa xôi nào đó? Hai câu thơ đã vẽ nên những nét đối lập: đâu phải mùa thu lúc nào cũng “lặng lẽ” bởi vạn vật xung quanh ta đều chuyến biến kì lạ theo cách riêng của chúng. Thiên nhiên đầy bí mật, cũng giống như cuộc sống chúng ta – một xã hội với nhiều tầng: có người giàu, có người nghèo, người đang hạnh phúc tận hưởng cuộc sống này, người đang tất tả mưu sinh. Đúng là đầy biến động! Nhưng hiện lên trong tất cả điểm sáng, có lẽ long lanh nhất chính là đám mây vẫn vương chút nắng hạ:

“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Đám mây đó phải chăng còn lưu luyến chút gì của mùa hạ đang qua? Cũng có thể nó là kỉ niệm của “hạ” dành cho “thu”. Nó dường như là chiếc cầu nối hữu tình dành cho đôi bờ kì lạ. Cái khoảnh khắc thiêng liêng này đang đậu trên đám mây như là chứng tích của giao mùa. “Vắt” – đang đặt ngang trời hay chẳng biết đang ở chốn nào. Đám mây cứ nhè nhẹ trôi để rồi thời gian cũng chảy qua. Bức tranh thu đang chứa đựng cái nét hữu hình để gợi nên cái cảnh vốn vô hình!

Thu đã gần sang, đất trời cũng đang đứng lại, nó không còn bất chợt đến, rồi lại bất chợt đi như mùa hạ nữa rồi:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Có thể nói rằng: Cái dáng hạ vẫn còn đó mà cái hồn hạ đã bay đi đâu rồi. Vẫn là cái nắng, mưa, sấm, chớp vương lại nhưng cái dữ dội, khắc nghiệt của nắng, tính “đỏng đảnh” của mưa hay sự vội vàng của sấm thì đã nhạt dần theo từng phút giao mùa. Bức tranh sang thu càng lộ rõ thì những ý nghĩ về nhân tình thế thái cũng theo đó hiện lên.

Qua phép ẩn dụ ở hai dòng thơ cuối, người đọc cảm nhận sau tiếng “sấm” là những dông bão của cõi đời, cõi người. Hữu Thỉnh đã điểm nét chính vào bức tranh – đó là hình bóng con người. Hạ qua, thu đến, con người ta dường như đã già hơn một chút. Chính thế mà những kinh nghiệm đường đời đã dày thêm một ít trong hành trang của họ, giúp họ vững vàng hơn trước những phong ba của cuộc sống đầy biến động. Hữu Thỉnh đã cảm nhận được sâu sắc cuộc sống con người. Và thi nhân đã gửi vào thu lời nhắn nhủ con người sống phải biết chấp nhận và vững vàng vượt qua thử thách. Như thế, bài thơ vừa là một bức tranh thiên nhiên đẹp vừa là một phác họa đầy ám ảnh về con người – một phần diệu kì của thiên nhiên kì diệu.

Hình ảnh thơ đẹp, ngôn từ sắc sảo, giàu hàm nghĩa đã tạo nên những rung động, dấu ấn khó quên cho người đọc. Hữu Thỉnh đã trải lòng qua tuyệt tác qua bức tranh thiên nhiên giao mùa: Sang thu! 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang