cam-nhan-ve-dep-mua-xuan-qua-kho-tho-dau-bai-tho-mua-xuan-nho-nho-thanh-hai

Cảm nhận vẻ đẹp mùa xuân qua khổ thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)

Vẻ đẹp mùa xuân qua khổ thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)

Dàn bài gợi ý:

  • Mở bài :

– Giới thiệu tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.  Giới thiệu khổ 1: Mùa xuân thiên nhiên xứ Huế qua cảm nhận tinh tế của nhà thơ.

  • Thân bài :

1. Mùa xuân thiên nhiên xứ Huế được phác họa qua cảm nhận của nhà thơ :

– Hình ảnh thiên nhiên quen thuộc, bình dị: dòng sông xanh, hoa tím, tiếng chim chiền chiện …
– Màu sắc dịu dàng, đằm thắm đặc trưng của Huế: sắc xanh của nước, của trời; sắc tím của hoa
– Âm thanh trong trẻo, vui nhộn báo xuân sang: tiếng hót vang lừng của chim chiền chiện
– Mùa xuân đẹp, bình dị, đầy sức sống; những nét đẹp rất riêng của xứ Huế.

2. Cảm xúc của nhà thơ :

– Các từ ngữ: “mọc” ở đầu khổ thơ; “ôi, hót chi mà” là từ cảm thán diễn tả cảm xúc ngạc nhiên, vui thích, niềm hân hoan chào đón mùa xuân.
– Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng.
– Tưởng tượng lãng mạn: tiếng chim hót thành giọt long lanh rơi xuống -> biến cái vô hình thành hữu hình
– Tác giả không chỉ đón xuân về bằng thính giác, bằng thị giác mà còn bằng cảm xúc sâu lắng, trân trọng.
– Tác giả say sưa, ngây ngất đón nhận khoảng khắc xuân về, mùa xuân tươi đẹp của quê hương.
– Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thiết tha của nhà thơ.

  • Kết bài :

– Âm điệu nhẹ nhàng:Giọng thơ tha thiết; hình ảnh quen thuộc, bình dị, gần gũi giàu sức gợi tả, gợi cảm.
– Cảm nhận niềm khao khát của nhà thơ muốn hòa mình với thiên nhiên; gợi lên tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu cuộc sống ở mỗi người.


Bài văn mẫu:

  • Mở bài:

Mùa xuân nho nhỏ là tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Thanh Hải. Bài thơ là tiếng lòng thiết tha của nhà thơ đối với đất nước và cuộc đời. Qua khổ thơ đầu bài thơ “ Mùa Xuân Nho Nhỏ “ Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước tươi xanh và tràn đầy sức sống. Đồng thời, khổ thơ còn thể hiện ước nguyện chân thành của Thanh Hải được cống hiến cho nước nhà. Một bức tranh xuân tươi tắn, mơ mộng, đậm phong vị xứ Huế được vẽ bằng những hình ảnh, màu sắc, âm thanh hài hoà, sống động, tràn đầy sức sống:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”

  • Thân bài: 

Mở đầu khổ thơ, mở ra trước mắt người đọc quang cảnh dòng sông xanh với bông hoa tím biếc:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”

Bức tranh xuân đơn sơ, giản dị mà đẹp đẽ vô cùng, màu xanh của dòng sông, màu xanh của sự sống. Mùa xuân đang trải êm đềm trên dòng sông mở ra một không gian tươi mát, bình dị, giàu sức sống của xứ Huế. Mùa xuân đã hiện diện trên toàn cảnh, trên tạo vật, để tô điểm cho không gian ấy, có màu xanh của cây cỏ, xanh của dòng sông, cả màu xanh của bông trời. Mọc ra một bông hoa tím biếc. Bông hoa màu tím đã điểm tô và nổi bật trên nền xanh của dòng sông, của mặt đất, của bầu trời. Bông hoa tím là dáng hình của niềm tin, là sắc màu quen thuộc của quê hương xứ Huế. Cái hình ảnh giữa dòng sông: “một bông hoa tím biếc” đã nói lên sự cô đơn, chênh vênh và nỗi buồn bất tận của nó.

Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người mọi vẻ đẹp nếu con người biết mở rộng tấm lòng của mình. Thanh Hải đã điểm tô lên một vài bức tranh đẹp:

“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”

Tiếng hót trong trẻo và nhẹ nhàng của những con chim đã làm xao động cả một khoảng không gian, đem đến cho mùa xuân niềm vui rạo rực. Những con chim bay vút lên trời cao say sưa ca hát yêu đời xoá tan ưu tư, phiền muộn. Từ “hót chi mà” nghe sao thân thương trìu mến quá ! Chim và hoa vốn tiêu biểu cho vẻ đẹp và sức sống sinh giới, vẻ đẹp của mùa xuân dưới cái nhìn của thi sĩ vẫn mang nét riêng không thể pha lẫn.

“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.

Tiếng chim như kết tinh thành những giọt sương long lanh sắc màu. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác thật tài tình đạt đến độ tinh vi, biểu hiện cảm xúc say sưa, ngây ngất trước cảnh đất trời vào xuân. Có thể là giọt mưa, giọt sương, giọt nắng, nhưng ở đây chắc chắn là giọt âm thanh rơi. Cụm từ “giọt long lanh” đã gợi lên liên tưởng phong phú và đầy thi vị. “Tôi đưa tay tôi hứng “ là thái độ yêu thương, trân trọng của Thanh Hải trước vẻ đẹp của đất trời. Hai câu thơ đã biểu hiện niềm say sưa, ngây ngất và rạo rực của nhà thơ trước bức tranh mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước.

Chỉ với sáu câu thơ, với vài nét phác vẽ đơn sơ mà đặc sắc, với những hình ảnh nho nhỏ, thân quen, bình dị, nhà thơ đã gợi lên được một bức tranh xuân tươi tắn, thơ mộng, đậm phong vị xứ Huế – quê hương tác giả. Bài thơ “Mùa Xuân Nho Nhỏ” là món quà cuối cùng mà Thanh Hải đã dâng tặng cho cuộc sống trước khi rời xa cuộc đời này. Mỗi vần điệu trong bài thơ là một bức hoạ về cuộc sống tươi đẹp. Với những vần thơ đầy xúc động, hình ảnh thiên nhiên đẹp, bài thơ đã để lại trong lòng bao thế hệ bạn đọc những cảm xúc sâu lắng.

  • Kết bài:

Chỉ bằng vài nét phác hoạ, Thanh Hải đã vẽ ra được cả một khoảng không gian cao rộng với khung cảnh  thật tuyệt đẹp. Vẻ đẹp mùa xuân tràn đầy màu sắc, có dòng sông, mặt đất, bầu trời bao la, lá xanh và hoa tím, đầy âm thanh và đầy hình ảnh, đầy sức sống và niềm tim của con người vào cuộc đời. Bài thơ đã thể hiện được niềm yêu mến thiết tha cuộc sống, đất nước và ước nguyện của nhà thơ trước bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang