Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân và lòng người qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải
- Mở bài:
“Mùa xuân nho nhỏ” là một bài thơ xinh xắn thể hiện tình cảm yêu đời, yêu cuộc sống, về khát vọng dâng hiến của Thanh Hải. Bài thơ được viết vào tháng 11/ 1980, là thời điểm nhà thơ bị ốm nặng khiến tình cảm trong bài thơ lại càng có sức lay động mạnh mẽ. Trước khi đi xa, nhà thơ đã để lại cho đời những lời thơ nhân hậu thiết tha, thanh thản, không gợn nét u buồn của cuộc đời sắp tắt. Giữa mùa thu của cuộc đời nhà thơ vẫn nghĩ đến một mùa xuân bất diệt.
- Thân bài:
Ngay ở khổ thơ đầu, tác giả gợi lên một mùa xuân rất Huế với những đường nét thơ mộng, trữ tình:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đa tay tôi hứng”
Đọc câu thơ đầu ta gặp ngay một hình ảnh đẹp nhưng lạ kì. Hoa gì mà lạ thế, lại có thể mọc ở giữa dòng sông xanh? Có lẽ bông hoa mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn là thực tế. Phải chăng màu tím đó tượng trưng cho tình yêu và hi vọng của tác giả về một mùa xuân mới của đất nước. Dù cuộc sống lúc đó còn biết bao khó khăn,vất vả nhưng đất nước vẫn đang chuyển mình đi lên. Không chỉ say sưa với vẻ đẹp của một bông hoa tím biếc, nhà thơ còn thả hồn lắng nghe tiếng chim, cảm nhận được từng giọt âm thanh hữu hình, cụ thể như có thể đưa tay ra hứng lấy.Một hình ảnh thật thi sĩ. Nhà thơ như muốn ôm lấy, đón lấy, xiết lấy “ tất cả những vang động của cuộc đời”
- Phân tích ý nghĩa bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải
- Cảm nhận vẻ đẹp mùa xuân qua khổ thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)
- Cảm nhận ý nghĩa nhan đề bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” và quan niệm sống của Thanh Hải
Ở khổ thơ thứ hai, sức sống mùa xuân ngập tràn tâm hồn tác giả:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”
Nhà thơ đã nhìn thấy lộc non trên cành lá ngụy trang trên lưng người chiến sĩ, thấy mùa xuân hiện hữu trên nương mạ của người dân lao động. Hình ảnh đất nước vào xuân được đặc tả bằng những mảng màu xanh thắm, bằng nhịp sống sôi nổi, khẩn trương của công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Những câu thơ năm tiếng gióng giả như tiếng trống ngũ liên lại càng tăng thêm cảm giác hối hả, xôn xao của mùa xuân cách mạng:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Cũng trong cảm giác ấy nhà thơ thấy Tổ Quốc mình càng thêm đẹp, mạnh mẽ và kiêu hùng biết bao trong gian lao, thử thách
“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Và nhà thơ ước nguyện:
“Ta làm một nhành hoa
Ta làm con chim hót
Một nốt trầm xao xuyến
Xao xuyến trong hòa ca”
Đoạn đầu tác giả xưng “tôi”, đến đây tác giả xưng “ta” đã thể hiện cảm xúc mạnh mẽ đang dâng trào trong lòng tác giả.Ta ở đây là chính nhà thơ và cũng có thể là tất cả mọi người. Sự chuyển đổi của nhân vật trữ tình không hề gượng gạo. Nhịp thơ hào hứng, ý thơ tự nhiên, không một chút lên gân mà lại duyên dáng nữa. “Ta”làm một con chim, “ta”làm một cành hoa, “ta” làm một nốt trầm xao xuyến. “Ta” trở thành người mang lại niềm vui cho cuộc đời một cách khiêm tốn, đáng yêu. Và trong bản hòa ca chung ấy Thanh Hải thấy mình là “một nốt trầm xao xuyến”. “Một nốt trầm” không cao giọng, không ồn ào nhưng xao xuyến, rung động cả tâm hồn
Ở khổ thơ thứ tư nhà thơ tự tổng kết cuộc đời mình:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mơi
Dù là khi tóc bạc”
Đến đây mùa xuân đã trở thành mùa xuân của lí tưởng, mùa xuân của tiếng lòng cao cả. Bốn câu thơ chính là tiếng hát của con người khát khao được cống hiến, cống hiến một cách âm thầm, lặng lẽ, không đòi hỏi sự đền bù, không kể gì tuổi tác, cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời
Khổ thơ cuối cùng, nhà thơ trở lại với đất Huế thân thương, vì chính nơi đây nhà thơ đã sống, đã chiến đấu, đã dâng hiến tuổi trẻ cho cách mạng. Đó là lời ca đằm thắm, nghĩa tình cất lên tự đáy lòng
“Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhip phách tiền đất Huế”
- Kết bài:
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ có thể coi là quà tặng cuối cùng của tác giả dành cho cuộc đời này. Lời thơ hết nhưng tấm lòng và khát vọng nho nhỏ của nhà thơ vẫn còn vang vọng mãi trong lòng người đọc. Mỗi người chúng ta hãy ước nguyện như Thanh Hải – là một Mùa xuân nho nhỏ để góp sức mình vào mùa xuân chung của đất nước.
- Cảm nhận ý nghĩa hình ảnh “lộc” trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
- Suy nghĩ về cách xưng hô “tôi” và “ta” trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải