Ý nghĩa chi tiết căn buồng Mị nằm trong truyện Vợ chồng A Phủ.
Gợi ý:
* Ý nghĩa tả thực:
– Căn buồng ấy kín mít, có ô vuông bằng bàn tay. Đó là nơi Mị sống hằng ngày, chật chội và tù túng.
→ Hình ảnh đó giàu sức gợi, khiến người ta liên tưởng đến nhà tù, một thứ ngục thất đang giam hãm đời Mị. Đó là một không gian nhỏ bé, trơ trọi đối lập với cái mênh mông, rộng lớn của đất trời Tây Bắc.
* Ý nghĩa biểu tượng:
– Căn buồng như một nhà tù, tuy không giam hãm thân xác nhưng đã giam hãm cuộc đời Mị, tuổi xuân của Mị, làm tê liệt ý thức sống, ý thức phản kháng của Mị. Sống ở đó Mị đã mất hết ý thức về thời gian, không còn nghĩ đến quá khứ, hiện tại, tương lai mà xem “mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”, ngày càng “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
– Hình ảnh căn buồng nơi Mị ở phản ánh cuộc sống đen tối, mờ mịt của người lao động miền núi dưới ách thống trị của cường quyền và thần quyền.
– Chân dung số phận khổ đau của đời Mị được nhà văn khắc họa thật rõ nét: Mị sống câm lặng như đá núi “không nói”, lầm lụi, chậm chạp trợ lì như “con rùa” quẩn quanh nơi có cửa. Nếu ở trên, Mị có lúc tưởng mình là “con trâu, con ngựa” – Nhưng hình ảnh đó mới chỉ gợi nỗi khổ cực vì lao động vất vả thì hình ảnh “con rùa” có sức ám ảnh mang ý nghĩa về thân phận bị đè nén, bị bỏ quên. Mị mất hết ý niệm về không gian, thời gian: chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Cuộc sống của Mị không có sắc màu, âm thanh, không có cả ngắn dài thời gian, không chia biệt đêm ngày.
– Căn buồng tăm tối ấy là biểu tượng cho ngục thất tinh thần, địa ngục trần gian giam cầm khát vọng sống, khát vọng tự do của đời Mị
→ Qua hình ảnh nơi ở của Mị, nhà văn đã tố cáo sâu sắc chế độ cai trị miền núi đã đầy đọa con người, làm tê liệt quyền sống, quyền khao khát hạnh phúc của họ.
Tham khảo:
Ý nghĩa chi tiết căn buồng Mị nằm trong truyện Vợ chồng A Phủ.
- Mở bài:
Sống gắn bó nghĩa tình cùng mảnh đất Tây Bắc, với sở trường quan sát những nét riêng về phong tục văn hóa của những con người nơi cao nguyên đá mờ sương, Tô Hoài đã khắc họa được những chi tiết nghệ thuật đặc sắc góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm và góp thêm nét vẽ riêng vào bức tranh Tây Bắc. Không thể không kể đến chính là chi tiết truyện “căn buồng Mị nằm” vô cùng độc đáo.
- Thân bài:
Với gam màu xám lạnh và u tối, Tô Hoài đã cho người đọc cảm nhận được không gian sống của Mị: “Mỗi ngày, Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Căn buồng Mị nằm kín mít, chỉ có ô vuông bằng bàn tay trông ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị cứ ngồi đấy mà trông ra ngoài, đến khi nào chết thì thôi”. Đây là chi tiết nằm ở phần giữa tác phẩm, miêu tả không gian sống của Mị ở nhà thống lí Pa Tra. Sau ý định tìm lá ngón tự tử không thành vì thương cha, Mị dập tắt ngọn lửa lòng về nhà thống lí và tiếp tục chôn vùi tuổi xuân của mình trong địa ngục trần gian đó.
Căn buồng ấy kín mít, có ô vuông bằng bàn tay. Hình ảnh đó giàu sức gợi, khiến người ta liên tưởng đến nhà tù, một thứ ngục thất đang giam hãm đời Mị. Đó là một không gian nhỏ bé, trơ trọi đối lập với cái mênh mông, rộng lớn của đất trời Tây Bắc. Cái ngột ngạt, tù túng trong căn buồng Mị nằm đối lập với một thế giới bên ngoài lồng lộng của mây trời, gió núi, của hương hoa rừng Tây Bắc, nó đối lập với cái giàu có, tấp nập của nhà thống Lí Pá Tra. Nó không phải là căn buồng của cô con dâu nhà giàu có nhiều tiền nhiều thuốc phiện nhất vùng mà đó là chỗ ở của con ở, thậm chí không bằng con ở. Căn buồng ấy giống như một miền đời bị quên lãng.
Trong căn buồng ấy, chân dung số phận khổ đau của đời Mị được nhà văn khắc họa thật rõ nét:
Mị sống câm lặng như đá núi “không nói”, lầm lụi, chậm chạp trơ lì như “con rùa” quẩn quanh nơi xó cửa. Nếu ở trên, Mị có lúc tưởng mình là “con trâu con ngựa” – nhưng hình ảnh đó mới chỉ gợi nỗi khổ cực vì lao động vất vả thì hình ảnh “con rùa” có sức ám ảnh mang ý nghĩa về thân phận bị đè nén, bị bỏ quên.
Mị mất hết ý niệm về không gian, thời gian: chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Cuộc sống của Mị không có sắc màu, âm thanh, không có cả ngắn dài thời gian, không phân biệt đêm ngay.
Không chỉ có thế, Mị còn không có ý thức về sự sống “đợi đến bao giờ chết thì thôi”. Phải chăng thứ ngục thất tinh thần ấy đã làm héo mòn, tàn úa tâm hồn Mị từng ngày từng tháng. Mị sống như loài thảo mộc cỏ cây không hương không sắc, lay lắt, dật dờ, vô hồn, vô cảm. Không còn nữa một cô Mị đẹp như đóa ban trắng của núi rừng Tây Bắc vừa thắm sắc, đượm hương, một người cô Mị khao khát tình yêu và tự do có ý thức sâu sắc về quyền sống, từng thiết tha xin cha “đừng gả con cho nhà giàu”, từng có ý định ăn lá ngón là kết thúc chuỗi ngày sống mà như chết.
→ Như vậy, vượt lên trên nghĩa tả thực về không gian sống của Mị, căn buồng ấy là biểu tượng cho ngục thất tinh thần, địa ngục trần gian giam cầm khát vọng sống, khát vọng tự do của đời Mị.
- Kết bài:
Chi tiết căn buồng Mị nằm đã góp phần thể hiện tư tưởng, thái độ của nhà. Nhà văn đã tố cáo sâu sắc chế độ cai trị miền núi đã đầy đọa con người, làm tê liệt quyền sống, quyền khao khát hạnh phúc của họ. Đồng thời, Tô Hoài bày tỏ tấm lòng xót xa thương cảm cho số phận người phụ nữ vùng núi cao Tây Bắc khi Cách mạng chưa về. Đó cũng là cảm hứng nhân đạo quen thuộc trong văn học xưa nay.
Thảm khảo:
Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài hai lần miêu tả tâm trạng của nhân vật Mị.
Lúc mới về làm dâu: “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.”
Và trong đêm tình mùa xuân, khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình: “…Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông,… Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi.”
(Trích “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2 NXB Giáo dục Việt Nam, trang 6 và trang 7)
Phân tích diễn biến tâm trạng Mị qua hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sức sống tiềm tàng của nhân vật này.
Hướng dẫn:
I. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Nêu vấn đề nghị luận.
II. Thân bài:
1. Giới thiệu chung:
a. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ:
– Năm 1952, Tô Hoài theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Trong chuyến đi dài 8 tháng này, ông đã sống gắn bó nghĩa tình với đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc. Và chính cuộc sống của đồng bào nơi đây đã khơi nguồn cảm hứng để Tô Hoài hoàn thành truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” vào năm 1953.
– Truyện được in trong tập “Truyện Tây Bắc” Tập truyện được tặng giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955.
b. Khái quát giá trị tác phẩm.
– Truyện viết về cuộc sống khổ đau, cơ cực của đồng bào dân tộc Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn phong kiến chúa đất miền núi. Thông qua tác phẩm, Tô Hoài thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, chỉ ra con đường tất yếu để thay đổi cuộc đời nô lệ là tự giải phóng và tìm đến với Cách mạng.
– “Vợ chồng A Phủ” ra đời đến nay đã hơn nửa thế kỉ nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn giá trị và sức thu hút ban đầu.
c. Vài nét về nhân vật Mị.
– Mị là cô gái xinh đẹp nổi tiếng vùng Hồng Ngài, có tài thổi sáo, chịu thương chịu khó, có khát vọng tình yêu, khát vọng tự do…
– Thế nhưng Mị lại phải chịu một số phận bất hạnh: Cha mẹ nghèo khó, lại có món nợ truyền kiếp với nhà thống lí Pá Tra, đau khổ hơn cô lại bị bắt làm con dâu gạt nợ.
– Dưới thân phận con dâu gạt nợ, Mị bị bóc lột sức lao động, bị chà đạp lên nhân phẩm, bị áp chế về tinh thần, bị tước đi niềm khao khát sống.
– Với cái nhìn tinh tế, trái tim nhạy cảm, Tô Hoài đã phát hiện và diễn tả một cách tài tình sức sống tiềm tàng của Mị qua tâm trạng cô trong căn buồng tối, khi mới đến làm dâu và trong những đêm tình mùa xuân.
2. Phân tích tâm trạng nhân vật Mị qua hai lần miêu tả.
a. Tâm trạng Mị qua lần miêu tả thứ nhất.
* Vị trí, bối cảnh chi tiết.
– Nằm ở phần đầu truyện, mô tả căn buồng Mị nằm và tình cảnh của cô khi làm dâu nhà thống lí.
– Khi mới đến nhà thống lí, có đến mấy tháng trời, đêm nào Mị cũng khóc, Mị định ăn lá ngón tự tự, nhưng thương cha, Mị chết không đành. Từ đó cô chấp nhận cuộc sống đày đọa, chấp nhận làm thân trâu ngựa, tồn tại như một “cái xác không hồn”, như một vật vô tri, vô giác.
* Diễn biến tâm trạng:
– Mô tả căn buồng Mị nằm, Tô Hoài viết: “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”
+ Căn buồng của Mị là không gian nhỏ bé, “kín mít”, ngột ngạt, tù túng, đối lập với cái mênh mông, rộng lớn của đất trời Tây Bắc; đối lập với cái giàu có, tấp nập của nhà thống Lí Pá Tra.
+ Trong căn buồng ấy, chân dung, số phận khổ đau của Mị được nhà văn khắc họa thật rõ nét: Mị sống câm lặng như đá núi “không nói”, lầm lụi, chậm chạp, trơ lì như “con rùa” quẩn quanh nơi xó cửa.
+ Căn buồng cho thấy Mị mất hết ý niệm về không gian, thời gian, nhìn ra ngoài “chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”.
+ Căn buồng là vật vô tri vô giác nhưng được nhà văn sử dụng với ý nghĩa tượng trưng cho cuộc sống tăm tối, cực khổ, cho sự đen tối của chế độ phong kiến chúa đất miền núi. Căn buồng như một thứ ngục thất tinh thần, không giam giữ được thân thể nhưng cầm cố tuổi xuân và sức sống của cô.
– “Mị nghĩ rằng, mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”
+ Ý nghĩ cho thấy Mị đang trơ lì cảm xúc, mất đi ý thức về giá trị bản thân, mất ý thức phản kháng, cam chịu, chấp nhận số phận.
+ Ý nghĩ còn cho thấy Mị đang trong trạng thái tê liệt tinh thần.
* Ý nghĩa chi tiết:
– Mô tả Mị trong cảnh sống này, nhà văn đã tố cáo sâu sắc chế độ cai trị miền núi đã đày đọa con người, làm tê liệt quyền sống, quyền khao khát hạnh phúc của họ.
– Qua Mị, Tô Hoài bày tỏ tấm lòng xót xa, thương cảm với số phận người phụ nữ vùng núi cao Tây Bắc khi Cách mạng chưa về.
b. Tâm trạng Mị qua lần miêu tả thứ hai.
* Vị trí, bối cảnh chi tiết.
– Chi tiết nằm giữa phần một của tác phẩm.
– Mùa xuân về trên đất Hồng Ngài, âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình khiến Mị “thiết tha bổi hổi”; “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát”. Rồi say, “Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước”; Mị “từ từ bước vào buồng… “Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng”; “Mị thấy phơi phới trở lại”…
* Diễn biến tâm trạng Mị.
– Rượu làm cơ thể Mị say nhưng tâm hồn cô thì từ đây đã tỉnh sau bao tháng ngày câm nín, mụ mị đi vì sự đày đọa.Vẫn căn buồng ấy nhưng Mị đã thay đổi.
– Cô “ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng”. Cử chỉ này cho thấy Mị đang nung nấu những suy tư, như báo hiệu một sự nổi loạn của hành động.
– Lúc đó tiếng sáo vọng lại từ xa, mãi ở đầu núi, Mị vẫn còn tỉnh táo nhẩm theo lời bài hát của người đang thổi, nhưng sau đó tiếng sáo chuyển thành tiếng gọi bạn yêu, nó “lửng lơ ngoài đồng như lòng ai đợi chờ oán trách”, tiếng sáo thành tiếng lòng của người thiếu phụ. Tiếng sáo là tác nhân mạnh mẽ đem đến sự nổi loạn trong tâm trạng và hành động của Mị: “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.
+ Từ láy “phơi phới” diễn tả thật tài tình cảm xúc vui sướng, niềm hạnh phúc ngập tràn của cô gái bấy lâu tê liệt xúc cảm, chỉ biết “cúi đầu”, mặt “buồn rười rượi”, cô gái mà Tô Hoài đặt cạnh “hòn đá”, “tàu ngựa”, “máy quay sợi”…những vật vô tri, vô giác.
+ So sánh “vui sướng như những đêm tết ngày trước” có tác dụng giúp người đọc hình dung về sự hồi sinh của Mị. Lần miêu tả thứ nhất, Mị cứ “chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”, giờ đây Mị đã thức tỉnh, khát vọng sống, khát vọng yêu, khát vọng hạnh phúc ngày nào đã trở về. Các từ “trở lại”, “ngày trước” đã đưa Mị về với quá khứ đẹp đẽ của cô, những ngày Mị còn trẻ, còn tự do.
+ Cùng với sự trở về của cảm xúc là sự tỉnh ngộ của nhận thức. Mị nhận ra mình còn trẻ lắm. Kết cấu tăng tiến “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ” đã nhấn mạnh ý thức về quyền sống của con người.
+ “Muốn đi chơi” là biểu hiện cao nhất của sự thức tỉnh, Mị muốn được hạnh phúc, muốn được tự do như mọi người. Đây là nguyên nhân khiến Mị nảy sinh những hành động tiếp theo như “búi tóc, lấy cái váy, với thêm chiếc áo”…hành động chú ý đến bản thân, chăm chút cho nhan sắc.
* Ý nghĩa chi tiết:
– Chi tiết cho thấy sự thay đổi trong tâm lí, tính cách nhân vật Mị, vẫn con người ấy, trong căn buồng ấy, từ sự cam chịu, tê liệt về tinh thần đã chuyển thành khao khát sống mạnh mẽ, mãnh liệt.
– Chi tiết khẳng định sức sống tiềm tàng sẽ không bao giờ mất trong những tâm hồn yêu sống.
c. Nghệ thuật miêu tả.
– Nghệ thuật phân tích, miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế; xây dựng chi tiết giàu sức biểu tượng, ngôn ngữ đậm chất thơ, giọng điệu trần thuật linh hoạt.
3. Đánh giá.
– Hình ảnh Mị tiêu biểu cho số phận bất hạnh, cuộc đời khổ đau của đồng bào dân tộc miền núi.
– Qua miêu tả tâm lí nhân vật Mị, nhà văn bày tỏ sự yêu thương, cảm thông, sự trân trọng ngợi ca sức sống tiềm tàng trong tâm hồn người lao động, đồng thời khẳng định sống ấy không một thế lực nào có thể tiêu diệt được, nó chỉ bị cuộc sống đày đọa làm cho tê liệt mà thôi.
– Tâm lí, tính cách nhân vật Mị rất phù hợp với hướng vận động của tâm lí, tính cách nhân vật trong văn học Việt Nam 1945 – 1975: Tâm lí, tính cách nhân vật được miêu tả gắn bó chặt chẽ với hoàn cảnh sống, thường vận động theo chiều hướng tích cực, gắn với sự “thức tỉnh”, sự “trưởng thành” hay sự “hồi sinh”. Nhân vật có khả năng vượt lên hoàn cảnh, thậm chí thay đổi hoàn cảnh sống.
- Kết luận:
– Tóm lược nội dung đã trình bày.
– Đánh giá vị trí, ý nghĩa tác phẩm và chi tiết.