chung-minh-lao-dong-la-nguon-goc-cua-van-nghe

Chứng minh: Lao động là nguồn gốc của văn nghệ

Lao động là nguồn gốc của văn nghệ

Ðiều hiển nhiên mọi người đều nhận thấy là con người trực tiếp làm ra nghệ thuật. Cho nên tìm hiểu nguồn gốc nghệ thuật sẽ là tìm hiểu nguyên nhân nào kích thích con người làm ra nghệ thuật. Do đó, việc truy tìm nguồn gốc nghệ thuật khiến chúng ta đi cùng đường với việc truy tìm nguồn gốc loài người.

Truy tìm nguồn gốc nghệ thuật là một việc làm hết sức khó khăn. Bởi vì nguồn gốc nghệ thuật là chuyện đã lùi quá xa xăm vào dĩ vãng. Phương pháp của chúng ta là căn cứ vào cứ liệu của dân tộc học, khảo cổ học, kết hợp với phép phân tích biện chứng Mác – xít.

Lao động sáng tạo ra con người như là chủ thể của thế giới.

Con người trong thời kỳ mông muội xa xưa nhất chỉ là con vật, một bộ phận của tự nhiên. Nhưng để cạnh tranh sinh tồn với tự nhiên con người đã tác động vào tự nhiên để cải tạo nó. Trong quá trình đó, con người đồng thời tự cải tạo mình. Trong Tư bản, Mác viết: “Lao động trước tiên là hành động diễn ra giữa người với tự nhiên. Trong hành động đó, bản thân con người đóng vai trò một lực lượng tự nhiên đối với tự nhiên. Con người vận dụng những lực lượng sẵn có trong thân thể, cánh tay và chân, đầu và bàn tay để chiếm hữu vật chất, bằng cách sáng tạo cho những vật đó một hình thái có ích cho đời sống của mình. Do sự vận động đó, con người tác động vào tự nhiên bên ngoài và thay đổi tự nhiên , đồng thời cũng thay đổi bản tính của chính mình và phát triển những năng lực tiềm tàng trong bản thân mình. Như thế, từ chỗ

là một lực lượng của tự nhiên con người đã trở thành chủ thể của tự nhiên; từ chỗ phải cải tạo tự nhiên con người đã đi đến chỗ tự cải tạo mình. Chính lao động đã làm nên con người và xã hội loài người.

Lao động sáng tạo ra con người như là chủ thể thẩm mĩ.

Nhưng vậy thì, lao động có liên quan gì đến việc làm ra nghệ thuật của con người? Quá trình lao động sáng tạo ra con người là một quá trình diễn ra từ từ và rất lâu dài, hàng chục triệu năm: từ chỗ con vượn đến, vượn người, đến người vượn, đến con người bầy đàn, đến con người xã hội. Quá trình đó, con người phát triển và hoàn thiện, không chỉ kỉ năng lao động – khả năng to lớn tác động vào tự nhiên để kiếm sống mà còn khả năng đáng giá tự nhiên về cái đẹp và sáng tạo ra cái đẹp cho tự nhiên – tức là khả năng làm chủ thế giới về mặt thẩm mĩ.

Chính lao động làm cho các “khí quan” của con người phát triển và hoàn thiện, tư duy và ngôn ngữ hình thành, từ đó, tạo tiền đề cho cho văn nghệ ra đời. Ðể làm ra văn nghệ con người còn có bàn tay kì diệu.

Lao động đã làm ra bàn tay nghệ sĩ của con người. Ăngghen viết: “Bàn tay không những là khí quan dùng để lao động mà còn là sản phẩm của lao động nữa. Chỉ nhờ có lao động, nhờ thích ứng với động tác ngày càng mới, nhờ sự di truyền của sự phát triển đặc biệt đã đạt được bằng cách đó của các bắp thịt, của các gân cốt, sau những khoảng thời gian dài hơn, của cả xương nữa, và cuối cùng nhờ tinh luyện thừa hưởng được của các thế hệ trước mà áp dụng nhiều lần liên tục vào những động tác ngày càng mới, ngày càng phức tạp hơn, chỉ nhờ có thế, bàn tay con người mới đạt được trình độ hoàn thiện rất cao đó, khiến nó có thể, như một sức mạnh thần kỳ, sáng tạo ra các bức tranh của Rafael, các pho tượng của Thorwaldsen, và các điệu nhạc của Paganini”. Bàn tay nghệ sĩ thoát thai từ bàn tay lao động là như vậy.

Lao động sáng tạo ra bộ óc và các giác quan ngệ sĩ của con người. Ðể làm ra nghệ thuật, không chỉ có bàn tay mà cần phải có bộ óc và các giác quan. Chính lao động đã làm cho bộ óc con người phát triển, ngôn ngữ phát triển, các giác quan ngày một tinh tế. Aêngghen nói: “Trước hết là lao động; sau lao động và đồng thời lao động là ngôn ngữ; đó là hai sức kích thích chủ yếu, đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn người, làm cho bộ óc dần dần chuyển thành bộ óc người (…) khi bộ óc phát triển, thì các công cụ trực tiếp của bộ óc, tức là các giác quan cũng song song phát triển theo (…) Bộ óc và các giác quan phụ thuộc bộ óc càng phát triển lên, ý thức càng sáng suốt hơn, năng lực trừu tượng hóa và năng lực suy lí càng phát triển hơn, tất cả những cái đó tác động trở lại lao động và ngôn ngữ, đã không ngừng thúc đẩy lao động và ngôn ngữ không ngừng phát triển thêm (…) Nhờ hoạt động  phối hợp của bàn tay, của các khí quan phát âm và bộ óc, chẳng những ở mọi cá nhân mà ở cả trong xã hội nữa, loài người đã có đủ khả năng hoàn thành những công việc ngày càng phức tạp hơn”.

Rõ ràng là, cùng với việc sáng tạo ra bàn tay kì diệu, lao động đã sáng tạo ra bộ óc kì diệu cùng các giác quan, tức là sáng tạo ra năng lực cảm giác của con người và thế giới tâm hồn con người. Mác viết:  “Chỉ nhờ sự phong phú của sinh thể người được mở ra trong thế giới vật chất thì mới phát triển , và phần nào, phần đầu tiên mới nảy sinh ra sự phong phú của con người về mặt cảm tính chủ quan: cái tai biết nghe nhạc, con mắt cảm thấy được vẻ đẹp của hình thức, nói tóm lại, làm những giác quan có khả năng hưởng thụ theo kiểu người và tự khẳng định mình như là những sức mạnh bản chất của con người. Bởi vì, không chỉ năm giác quan bên ngoài, mà cả giác quan được gọi là giác quan tinh thần, giác quan thực tiễn (ý chí, tình yêu …) tóm lại là giác quan con người, tính người của giác quan đã xuất hiện nhờ sự có mặt của một đối tượng phù hợp, có một tự nhiên đã được người hóa”.

Như vậy giác quan của con người đã không chỉ là giác quan người lao động mà còn là giác quan nghệ sĩ.

Lao động sáng tạo ra những giá trị thẩm mĩ.

Lao động không chỉ sáng tạo ra chủ thể thẩm mĩ mà còn trực tiếp sáng tạo ra những giá trị thẩm mĩ, hiện tượng thẩm mĩ. Con người đầu tiên không phân biệt được cái đẹp và cái có ích. Chỉ dần dần về sau cái đẹp mới được tách ra. Plékhanov (1856 – 1918) đã nói: “Lao động có trước nghệ thuật, nói chung, con người trước hết xuất phát từ quan điểm cái có ích để quan sát sự vật và hiện tượng rồi sau mới đứng trên quan điểm thẩm mĩ để nhìn nhận chúng”.

Plékhanov đã đưa ra một ví dụ: “Những bộ lạc da đỏ miền Tây Bắc Mĩ ưa chuộng nhất là trang sức bằng vuốt gấu xám là kẻ thù hung dữ nhứt của họ”,”thoạt đầu những thứ ấy được đeo với nghĩa tượng trưng cho lòng dũng cảm, sự nhanh khéo và sức mạnh, Và chỉ sau đó, và chính chúng tượng trưng cho lòng dũng cảm sự nhanh khéo và sức mạnh mà chúng bắt đầu khêu gợi mĩ cảm và trở thành đồ trang sức”.

Lao động đã làm nảy sinh những yếu tố thiết yếu của nghệ thuật. Lao động và hình tượng nghệ thuật. Giác quan là những khí quan của bộ óc. Khi chúng phát triển phong phú và tinh tế thì cũng có ý nghĩa là năng lực suy lí, trừu tượng hóa và hình tượng hóa của bộ óc phát triển tinh tế và phong phú. Trí tưởng tượng phong phú, bay bổng của bộ óc đã khiến cho những hình tượng nghệ thuật nguyên thủy ra đời. Gorky đã nói: “Ngay từ thời tối cổ, con người đã mơ ước có thể bay lên không trung như ta có thể thấy qua chuyện Phaêtôn, truyện Ðê – đan và con trai là Icaro, cũng như chuyện Tấm thảm biết bay. Họ mơ ước tìm cách di chuyển nhanh hơn trên mặt đất – truyện cổ tích về Ðôi hài vạn dặm- họ thuần phục giống ngựa, ý muốn di chuyển trên sông nhanh hơn nhờ dòng nước đã đưa đến sự phát minh ra mái chèo và buồm, ý muốn giết kẻ thù hay săn thú từ xa là nguyên do phát sinh ra cung nỏ. Họ mơ tưởng có thể dệt xong trong một đêm một số vải vóc thật lớn, xây xong một đêm một ngôi nhà thật tốt, hay thậm chí cả một tòa lâu đài, tức là một chỗ ở kiên cố có thể chống chọi với kẻ thù, họ sáng tạo ra xa quay sợi, một trong những công cụ cổ xưa nhất, sáng tạo ra khung cửi dệt bằng tay và sáng tạo ra chuyện cổ tích nàng Va xi li xa khôn ngoan tuyệt trần…”.

– Lao động và ngôn ngữ: Ngôn ngữ ra đời do nhu cầu trao đổi tư tưởng, tình cảm trong quá trình lao động. Mác viết: “Sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ”. Do muốn tổ chức tốt lao động, con người cần có tín hiệu để trao đổi tư tưởng, để thông tin cho nhau. Maiakovsky đã hình dung: “Cứ một động tác tay hay chân của đoàn người lao động đều kèm theo những âm thanh không rõ ràng, do đoàn người nhất trí phát ra”. Không có sự phối hợp âm thanh thì không thể tiến hành lao động chung được. Ngôn từ yếu tố thứ nhất của văn chương, đầu tiên như là một bộ phận của sản xuất thực tế, đã ra đời như thế.

Lao động và tiết tấu: Lao động cũng đã khám phá ra giá trị thẩm mĩ của tiết tấu. Lúc đầu cảm giác về tiết tấu mang tính chất sinh lí và tâm lí. Nghĩa là một hoạt động tự nhiên, nhưng lao động đã làm cho cảm giác tiết tấu mang tính chất xã hội. Bucher lập luận: “Lao động mà có tiết tấu thì đời mệt mỏi, nhất là khi lao động tập thể, động tác có tiết tấu càng có hiệu lực”. Tiết tấu đã được con người sử dụng như là phương tiện để tổ chức động tác, thống nhất ý chí, hành động, tình cảm… làm giảm cường độ lao động, tăng hiệu quả. Tiết tấu còn làm người ta say sưa lao động. Bước phát hiện ra cảm xúc tiết tấu là bước quan trọng để từ đó con người sáng tạo ra tiết tấu trong nghệ thuật.

– Lao động và vũ thuật. Người nguyên thủy khống chế tự nhiên bằng 2 cách: hoặc bằng thực tế, hoặc bằng ảo tưởng. Vũ thuật là kỹ thuật ảo tưởng của người nguyên thủy – cách tác động vào tự nhiên một cách hư ảo. Kết quả là qua vũ thuật con người đã sáng tạo ra những điệu múa. Về sau, ý thức tôn giáo phai nhạt đi, nghệ thuật biểu diễn với tư cách là phương tiện biểu hiện tình cảm phát triển.

Nghệ thuật khẳng định mình bằng tác động trở lại lao động

Nghệ thuật nảy sinh không phải một sớm một chiều và cũng không phải là sản phẩm thụ động của lao động. Quá trình nghệ thuật hình thành là quá trình nó tự khẳng định mình bằng tác động trở lại lao động và thông qua lao động mà tác động trực tiếp vào đời sống xã hội. Những cái đẹp như: hài hòa, cân đối, êm tai, đẹp mắt của các sự vật rõ ràng là có tác dụng tăng hiệu quả lao động. Con người lúc đầu còn sống đơn độc hoặc bầy đàn, chứ chưa thành xã hội. Nhưng để chống chọi với tự nhiên, để làm chủ tự nhiên con người cần tập hợp nhau thành xã hội. Chính nghệ thuật có vai trò không nhỏ trong việc thống nhất loài người lại với nhau thành xã hội (thống nhất hành động, thống nhất tư tưởng). Chẳng hạn: mỗi khi săn bắt được con thú, người ta tụ tập nhau lại, đốt lửa lên, nướng con thú, mổ thịt chia nhau rồi nhảy múa ca hát chung quanh đống lửa để ăn mừng thắng lợi. Ðồng thời, qua đó họ hiểu nhau hơn, qua đó mà truyền đạt kinh nghiệm cho nhau, động viên nhau. Nghệ thuật đã tham gia vào nhu cầu thống nhất xã hội, giữ gìn lưu truyền hoạt động đời sống xã hội, nhu cầu tự điều chỉnh xã hội. Ngược lại, những nhu cầu này lại thúc đẩy nghệ thuật phát triển.

Tóm lại, không phải bản năng, không phải lực lượng siêu nhiên thần kỳ, cũng không phải là hoạt động cá nhân trực quan tự biểu hiện mà chính là quá trình lao động xã hội lâu dài đã sáng tạo ra khả năng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật ở con người. Nhu cầu tất yếu của xã hội hình thành dưới tác dụng của lao động sáng tạo ra nghệ thuật. Ngay từ đầu, văn nghệ chưa bao giờ là sản phẩm tự nhiên của bản năng hay của hoạt động cá nhân riêng lẻ mà bao giờ cũng là hoạt động xã hội, có tính chất xã hội, luôn luôn gắn với lao động xã hội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang