cot-tuy-cua-van-hoc-chinh-la-tinh-thuong-15619-2

Chứng minh: Cốt tủy của văn học chính là tình yêu thương con người (Văn học và tình thương).

Cốt tủy của văn học chính là tình yêu thương con người (Văn học và tình thương).

  • Mở bài:

Trong bài viết “Tiếng nói văn nghệ”, Nguyễn Đình Thi đã từng viết: “Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người. Còn nhà phê bình Hoài Thanh lại khẳng định: Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người. Văn chương có thể đem đến cho con người tình thương. Nó có thể kết nối và đánh thức tình thương của nhân loại, để trái tim đến trái tim, tâm hồn đến với những tâm hồn. Văn học luôn hướng đến con người. Cốt tủy của văn học chính là tình yêu thương con người.

  • Thân bài

1. Giải thích ý kiến.

Cốt tủy là những gì quan trọng nhất quyết định sự tồn tại và là cái làm nên giá trị của sự vật. Trong tác phẩm văn học, cốt tủy có thể hiểu là linh hồn, giá trị của tác phẩm ấy.

Tình yêu thương con người là những tình cảm tốt đẹp nhất dành cho con người. Trong tác phẩm văn học đó là tình yêu thương của tác giả đối với nhân vật và sự đồng cảm của người đọc đối với nhân vật được phản ánh trong tác phẩm.

Ý nghĩa: Thông qua sự kiện và nhân vật, tác phẩm văn học phản ánh, ngợi ca và khẳng định tình yêu thương con người, từ đó khơi dậy sự đồng cảm, sẻ chia đối với cuộc đời và số phận của nhân vật ở người đọc. Tình yêu thương con người từ tác phẩm văn học tiếp tục lan tỏa thành suy nghĩ và hành động của con người. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của tác phẩm văn học.

2. Chứng minh: Cốt tủy của văn học chính là tình yêu thương con người?

Văn học phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của con người. Văn học ra đời từ tình yêu thương tha thiết với cuộc sống và con người. Chính vì vậy văn học là tấm gương phản chiếu cuộc sống, mối quan hệ giữa người với người, khơi gợi những gì sâu xa nhất trong tâm hồn con người.

Văn học thực chất là cuộc đời. Cốt tủy của văn học chính là tình thương. Văn học sẽ không là gì nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học. Văn học lấy chất liệu từ cuộc đời. Mà cái chất liệu ấy không có cái gì khác ngoài tình thương giữa con người với con người. Sau khi đã có chất liệu, nhà văn bắt đầu “nhào nặn” nó, gọt giũa nó, trau chuốt nó trở nên đẹp hơn, sáng hơn. Thứ ánh sáng ánh lên từ các tác phẩm văn học có giá trị không có cái gì khác ngoài tình yêu cuộc sống, tình yêu thương con người mà nhà văn đã kí thác ở trong đó. Đọc Lão Hạc của Nam Cao hay Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố, người đọc thấy rõ cuộc sống lao đông cơ cực, khốn khó của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Đó là cuộc sống chân thực, không hề được tô vẽ, giúp người đọc thấu rõ nỗi khổ đau mà người nông dân đã gánh chịu.

Điều căn bản nhất của văn học đã mang đến cho con người là tấm lòng mến thương với cuộc đời. Nguyễn Trãi khi về ở ẩn tại núi Côn Sơn đã thiết tha yêu mến cảnh mây trờ, nước non mà cảm tác nên Bài ca Côn Sơn“. Hồ Chí Minh trong bài thơ Cảnh khuya, giữa đêm rừng khuya khoắt, vọng nghe tiếng suối chảy mà ngỡ như “tiếng hát xa”; nhìn ánh trăng chiếu qua cổ thụ mà thấy trăm nghìn đóa hoa nở. Đó là gì nếu không phải là tình yêu thương cuộc sống vô hạn của bậc vĩ nhân. Quê hương của Tế Hanh hiện lên trong sự vây bọc của nỗi nhớ da diết. Có gì đâu chỉ một làng chài ven biển như mọi ngôi làng khác, chỉ là hoạt động lao động rất đỗi bình thường, nhưng lòng mến thương của thi nhân đã là chất xúctác biến kí ức thành loại men ngọt ngào.

Văn học xuất phát từ đời sống và đi thẳng đến với mọi người, với sức vang dội riêng của tâm hồn, bằng tiếng nói riêng của tình cảm. Từ tình thương đời đến tình thương người là cuộc hành trình tất yếu tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc của văn học. Đọc truyện ngắnCô bé bán diêm” của nhà văn Andecxen ta thấy thương cô bé tội nghiệp, bất hạnh kia quá. Ước gì có căn nhà nhỏ, nơi ấy có chiếc lò sưởi, một vài cái bánh nóng hổi, một chiếc giường êm ái với tấm chăn thật dày, một cây thông nô-en nhỏ bé, lung linh những chiếc đèn màu trong đêm giao thừa ấy, để cô bé có nơi an trú, tránh được cái lạnh cắt da cắt thịt kia. Thế nhưng, thực tế quá phũ phàng, mỗi que diêm cô bé quẹt lên làm thổn thức lòng người đọc. Cô bé đã chết trong cái lạnh, cái đói, trong sự cô đơn, sợ hãi đến cùng cực. Chắc chắn rằng, Andecxen đã phải khóc rất nhiều khi viết đoạn kết câu chuyện này. Đọc bài thơÔng đồ của Vũ Đình Liên ta cũng không khỏi xót xa. Bài thơ là tiếng thổn thức nhân bản của nhà thơ trước sự tàn lụi của một nền văn hóa, sự tồn tại lay lắt của một nghệ sĩ tài hoa.

Văn học chuyển tải tình thương và văn học chính là tình thương. Tình thương trong văn học là tấm lòng của nhà văn đôi với nhân vật của mình là những cảm xúc rung lên từ mỗi dòng văn. Một cảnh tình thương trong sáng với quê hương và con người lao động như “Quê hương của Tế Hanh, một tình người bao la và niềm tin vững chắc vào con người như Chiếc lá cuối cùng của O.Hen-ri, hay một trăn trở khắc khoải đến đau lòng vì sự dửng dưng, phủ phàng của người đời như trongCô bé bán diêm của Anđecxen hay “Ông đồ của Vũ Đình Liên. Nhưng rốt lại cũng vẫn là cái tình nhân loại.

Qua tác phẩm văn học, nhà văn thể hiện tấm lòng yêu thương của mình đối với con người. Nam Cao xót xa cho những người nông dân dù nghèo khó đến cùng cực nhưng vẫn biết sống trong sạch, biết lo lắng cho con, biết tôn cao nhân cách, nhân phẩm của mình. Ngô Tất Tố phát hiện ra và ca ngợi sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ, đức hi sinh cao cả của người phụ nữ nông dân, trong bước đường cùng đã dũng cảm đứng lên chống lại cường quyền, bảo vệ gia đình. Hành động tuy liều lĩnh nhưng rất đáng ngợi khen. Kết thúc truyện ngắn Cô bé bán diêm tuy không có hậu nhưng đó là một kết cục hợp lí. Bằng tình yêu thương vô hạn, nhà văn cố gắng tìm kiếm một lối thoát cho nhân vật: cô bé đi về với bầu ánh sáng của chúa, mãi mãi được giải thoát khỏi mọi khổ đau của cuộc đời.

3. Nhận xét, đánh giá.

Câu nói “văn học chính là tình thương” là có cơ sở. Nó làm rõ thêm chức năng, nhiệm vụ của văn học với con người và đời sống. Văn chương có khả năng nhận thức vô cùng to lớn trên nhiều bình diện của hiện thực đời sống về tự nhiên cũng như về xã hội. Văn học chính là cuốn sách giáo khoa về đời sống. Văn học lấy con người trên bình diện đời sống làm đối tượng phản ánh. Tiện thực cuộc sống đi vào tác phẩm văn học và từ đó, tác phẩm văn học trở lại phục vụ cuộc sống con người. Bởi thế, “Đọc tác phẩm văn học là quá trình con người khám phá thế giới và tìm thấy chính mình?”

  • Kết bài:

Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý. Vượt lên trên tất cả, văn học chính là tình thương, chính là sự gắn kết bằng tình thương giữa con người với con người. Văn học chính là nhân học, là khoa học về con người. Cốt tủy của văn học chính là tình thương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang