Giải thích và chứng minh ý nghĩa câu tục ngữ: Đi một ngày đàng học một sàng khôn

di-mot-ngay-dang-hoc-mot-sang-khon

Giải thích và chứng minh ý nghĩa câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”

  • Mở bài:

Thiên nhiên, kiên nhẫn và thời gian là ba người thầy vĩ đại. Đôi mắt giúp mở rộng tam hồn, bàn tay làm giàu khối óc. Học hỏi từ thế giới xung quanh là một điều rất cần thiết đối với thành công của mỗi con người. Bởi thế, từ xa xưa, ông cha ta đã khuyên rằng: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

  • Thân bài:

1. Giải thích:

“Đi một ngày đàng nghĩa” là một ngày đi trên đường. “Học một sàng khôn nghĩa” là thấy được nhiều điều mới lạ, học được nhiều điều hay, mở mang thêm trí óc, sàng lọc tri thức một cách kĩ càng. Những gì còn ghi nhận trong đầu óc con người là tinh túy, đã được khẳng định trong thực tế.

Câu tục ngữ trên khẳng định tầm quan trọng của việc học hỏi ở xung quanh, mở rộng ra bên ngoài (về mặt không gian) để nâng cao hiểu biết và vốn sống. Tri thức có ở khắp mọi nơi, hãy rời khỏi những gì quen thuộc và tìm kiếm nhũng gì chưa từng biết.

2. Bàn luận:

Ý nghĩa của câu tục ngữ trên hoàn toàn đúng đắn. Có chịu khó di đó đi đây thì tầm nhìn mới được mở rộng, hiểu biết mới được nâng cao, con người sẽ khôn ra. Trên khắp các nẻo đường đất nước chỗ nào cũng có những cái hay, cái đẹp của cảnh vật, của con người.

Để hiểu được sắc đẹp của một bông tuyết, cần phải đứng ra giữa trời lạnh. Để hiểu được một dòng sông, cần phải lội qua nó nhiều lần. Để hiểu một ngọn núi, cần phải đến đó đo đạc. Trí tưởng tượng dù có phong phú đến đâu cũng không thể nào thay thế tri thức có trong thực tế. Chính bàn tay làm giàu khối óc, đôi chân mở rộng tầm nhìn.

Đi nhiều, hiểu biết nhiều giúp con người trưởng thành, dày dạn và từng trải. Hiểu biết (khôn) càng nhiều, con người càng có cách cư xử đúng đắn hơn; làm việc có hiệu quả cao hơn; quan hệ với gia đình và xã hội tốt hơn.

Nếu ai đó một lần tới sa mạc và trải qua cuộc sống ở đó mới biết rằng sự sống trên sa mạc hết sức khắc nghiệt. Chúng ta có thể biết được điều đó qua sách vở, lời kể lại nhưng tri thức ấy hết sức mở hồ.

Chúng ta cũng đã từng được rèn luyện kĩ năng đi rừng và học cách vượt qua trở ngại. Thế nhưng, bạn sẽ không thể chắc chắn thành công nếu đó là lần đầu bạn trải qua. Tri thức chỉ có sức mạnh khi nó được rèn luyện, bồi dưỡng và khẳng định trong thực tế mà thôi.

Trong thời đại hiện nay, việc học hỏi lại càng cần thiết. Vấn đề đặt ra là học những điều mới mẻ, tốt đẹp, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Tri thức chúng ta học được ở nhà trường chỉ là một giọt nước trong đại dương sâu thẳm và nó chưa thực sự được khẳng định hay biến thành năng lực. Để nó trở thành như vậy, nhất định bạn phải họ nhiều hơn và tìm lấy cơ hội thử thách nó.

Tuy nhiên, không phải cứ đi là sẽ học được nhiều điều bổ ích. Điều quan trọng đó là bạn đã đi nhưng bạn có học hay không. Việc học từ trong cuộc sống đòi hỏi bạn phải có năng lực tự học, năng lực quan sát, năng lực liên hệ, năng lực đánh giá, nhận định và năng lực rút ra kết luận chuẩn xác. Đó thực sự là những năng lực cần thiết để bạn phát hiện ra tri thức, thu gom và sàng lọc tinh túy, hiệu quả. Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt lõi.

  • Kết bài:

Học hỏi là chuyện thường xuyên, trong suốt đời người để không ngừng nâng cao hiểu biết. Xác định mục đích của việc học là học điều hay lẽ phải, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Phải có phương pháp học hỏi chủ động, sáng tạo và chọn lọc để đạt hiệu quả cao. Câu tục ngữ “đi một ngày đàng học một sàng khôn” là bài học kinh nghiệm quý báu cho tất cả mọi người, nhất là tuổi trẻ.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: Dao có mài mới sắc, người có học mới nên - Theki.vn
  2. Giải thích câu tục ngữ: Lời chào cao hơn mâm cỗ - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.