dac-diem-co-ban-cua-tho-tru-tinh-10240-2

Những đặc điểm cơ bản của thể loại thơ trữ tình

Đặc điểm cơ bản của thơ trữ tình.

1. Thơ trữ tình bộc lộ trực tiếp cảm xúc mãnh liệt của người viết

Bất kì một tác phẩm văn học nào cũng chứa đựng tâm tư, tình cảm của người viết. Thế nhưng, ở mỗi thể loại lại có phương thức biểu hiện riêng. Nếu ở tác phẩm tự sự tự tưởng, cảm xúc được tác giả gián tiếp gửi vào bức tranh cuộc sống qua những sự kiện, tình huống, hình tượng nhân vật thì trong tác phẩm trữ tình thế giới chủ quan ấy được thể hiện trực tiếp qua hình ảnh, ngôn từ, giọng điệu của tác phẩm. Bộc lộ trực tiếp những cảm xúc, tâm trạng của con người là nội dung chủ yếu, cũng là cách phản ánh thế giới của thơ trữ tình.

Ví dụ 1:

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi,
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây…

(Ngậm ngùi – Huy Cận)

Trong đoạn thơ trên có những chi tiết, hình ảnh của thế giới khách quan nhưng đã thấm đượm cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình: nắng chia, lá rầu, sợi buồn… Nội dung chủ yếu ở đây không phải là cảnh sắc thiên trong buổi hoàng hôn mà là nỗi buồn man mác, sâu lắng trong lòng người khi chiều buông xuống. Các hình ảnh của thế giới khách quan là phương tiện để nhà thơ bộc lộ thế giới tâm hồn của chủ thể…

Ví dụ 2:

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

(Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)

Bằng những hình ảnh thơ có tính biểu cảm cao: gió,mây, dòng nước, hoa bắp, thuyền ai, sông trăng, Hàn Mặc Tử trực tiếp bộ lộ nỗi buồn sâu thẳm trước cảnh vật đìu hiu, đang chia rã khủng khiếp. Nhà thơ vừa như đang níu với dư ảnh vưà như buông xuôi bất lực trước thực tại phũ phàng. Hình ảnh có mà như không có, tất cả mờ nhờ rúng động trong cơn bão tố của tâm hồn vốn đã gần như tuyệt vọng.

2. Nhân vật trữ tình vừa mang tính cá thể vừa mang tính phổ quát.

Nhân vật trữ tình là người trực tiếp giải bày, thổ lộ những suy nghĩ, cảm xúc trong tác phẩm. Nhân vật trữ tình trực tiếp phát ngôn và ít khi thông qua một đối tượng khác. Cần phân biệt nhân vật trữ tình với nhân vật trong thơ trữ tình (là đối tượng để nhà thơ gửi gắm tình cảm).

Ví dụ:

– Trong bài thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính, nhân vật trữ tình xuất hiện song song với một nhân vật khác:

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi.

+ Nhân vật trữ tình: “tôi”

+ Nhân vật trong thơ trữ tình: “em”

Như vậy, có hai chủ thể trong bài thơ. “Tôi” mới là người trực tiếp bộ lộ cảm xúc, là nhân vật trữ tình. Nhân vật “em” là nhân vật có tính dung chứa những cảm xúc ấy.

Nhân vật trữ tình có thể xuất hiện trực tiếp (“Vội vàng” của Xuân Diệu, “Từ ấy” của Tố Hữu…); có thể nhập vai (“Nhớ rừng” của Thế Lữ). Tuy không có diện mạo, lời nói, hành động… như nhân vật trong tác phẩm tự sự nhưng nhân vật trữ tình lại được biểu hiện trực tiếp qua cảm xúc, tâm trạng cụ thể. Thế giới nội tâm ấy in đậm dấu ấn của con người cá nhân nhưng khi cảm xúc được thể hiện chân thành, sâu sắc – hình tượng nhân vật trữ tình sẽ có ý nghĩa khái quát.

Chẳng hạn, hai câu thơ “Lòng em nhớ anh/ Cả trong mơ còn thức” (“Sóng” – Xuân Quỳnh) mang “điệu hồn” riêng của Xuân Quỳnh với sự đan xen, hòa trộn của khát vọng tình yêu mãnh liệt và niềm trăn trở, thao thức khôn nguôi. Nó nảy sinh từ trải nghiệm của một con người từng hiểu thấu những vất vả, gian truân trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc: “Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở/ Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu.” (“Thơ tình cho bạn trẻ” – Xuân Quỳnh). Nhưng mỗi người phụ nữ đều có thể tìm thấy một phần tâm hồn mình trong những cảm xúc nồng nàn và những khắc khoải, âu lo ấy.

Hay Xuân Diệu trong bài thơ “Vội vàng” cũng đã có những phút giây bối rối trước sự trôi chảy của dòng thời gian:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Khi trong hồn đã sẵn một tình yêu cuồng nhiệt đối với sự sống thì mỗi khoảnh khắc trôi qua đều có thể làm ta đau đớn. Xuân Diệu yêu cuộc đời này hơn hết thảy. Ở đâu, lúc nào và trong bất cứ cái gì ông nhìn thấy, ông đều cảm nhận được ý vị cuộc sống ngọt ngào thiết tha. “Tôi muốn tắt nắng đi” là muốn dừng lại dòng thời gian khắc nghiệt đang tàn phá tuổi thanh xuân, đang cướp đi sức sống của vạn vật. “Tôi muốn buộc gió lại” là muốn gom về mình hương sắc của trăm phương vạn nẻo đang từng ngày lãng phí mà không có ai tận hưởng. Sự sốt sắng, cuồng nhiệt, đắm duối của Xuân Diệu cũng là ước muốn của mỗi chúng ta trước sự phai tàn của thời gian trong cuộc sống này.

3. Thơ trữ tình có tổ chức ngôn ngữ đặc biệt:

Bên cạnh những đặc điểm chung của ngôn ngữ nghệ thuật (truyền cảm, gợi hình tượng, hàm súc, cá thể hóa…), ngôn ngữ thơ trữ tình còn có những đặc điểm riêng. Trong đó, nổi bật nhất là tính nhạc. Nhạc tính của ngôn ngữ thơ được thể hiện ở các yếu tố cơ bản sau:

Sự trầm bổng của ngôn ngữ thơ nhờ thay đổi, hòa phối các thanh bằng và thanh trắc.

Ví dụ:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa ca khơi

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Câu thơ đầu với nhiều thanh trắc đã diễn tả được cái gập ghềnh, hiểm trở của dốc núi và nỗi mệt nhọc của người đi. Câu thơ cuối lại toàn thanh bằng gợi không gian êm đềm của thung lũng trải ra trong màn mưa. Cách ngắt nhịp và sự tương xứng hài hòa của các vế câu, cặp câu cũng góp phần tạo nên nhạc tính cho ngôn ngữ thơ. Thơ cổ điển chú trọng đến sự cân đối này:

Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

(Chiều hôm nhớ nhà – Bà Huyện Thanh Quan)

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?

(Thu vịnh – Nguyễn Khuyến)

Thơ hiện đại phóng khoáng, tự do, linh hoạt hơn khi sử dụng phép đối xứng:

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Sự trùng điệp của ngôn ngữ được tạo nên bởi cách gieo vần, điệp ngữ, điệp câu. Vấn có tác dụng kết nối và tạo âm hưởng cho các dòng thơ:

Anh dắt em vào cõi Bác xưa
Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa

(Theo chân Bác – Tố Hữu)

Lỗi điệp ngữ như trong đoạn thơ sau:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Điệp khúc “này đây” khiến lời thơ vang lên với âm hưởng rộn ràng, náo nức – diễn tả niềm vui sướng, hân hoan của một tâm hồn trẻ trung muốn phô bày với mọi người vẻ đẹp của mùa xuân, của thiên đường trần thế.

Hay lối giao chữ kì tài của Quang Dũng trong câu thơ:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Chữ “Mường Hịch” đi liền với chứ “oai linh” khiến ta hình dung vẻ oai linh, huyền bí và đáng sợ của bước chân cọp dữ trong bóng tối của rừng thiêng. Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ gợi lên trong tâm trí người đọc những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy của người lính Tây Tiến trên từng bước hành quan. Và cả khi nghỉ ngơi, điều nguy hiểm vẫn chưa dừng lại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang