Nội dung:
Xác định kĩ năng và mục tiêu làm bài thi THPT
Trong kì thi THPT, kết quả đạt được không những dùng để xét tốt nghiệp mà còn dùng để xét tuyển đại học. Bởi thế, đây là một kì thi thi vô cùng quan trọng đói với mỗi thí sinh. Đề thi THPT là dành cho tất cả các thí sinh. Nghĩa là thí sinh nào cũng đối diện với 1 đề thi như nhau, mức độ như nhau. Ai giành chiến thắng trong tuyển sinh đại học không phải ở sự may mắn mà là ở sự chuẩn bị kĩ lưỡng, học đúng cách, xử lí đề thi một cách tốt nhất với khả năng của mình.
Học sinh thường chú trọng ôn thi ở phần nghị luận xã hội và nghị luận tác phẩm văn học mà thường xem thường hoặc bỏ qua phần đọc hiểu văn bản. Đó là một thiếu sót rất lớn mà hầu hết các học sinh đều mắc phải. Mỗi phần trong đề thi đều hướng đến một số năng lực nhất định. Kết quả cuối cùng là sự tổng hòa các giá trị đạt được ở các phần đề thi. Không có phần đề thi nào quan trọng nhất cũng không có phần nào là không quan trọng. Bởi thế, muons chiến thắng, nhất định phải chuẩn bị từ thấp lên cao, toàn diện và sáng suốt.
Yêu cầu của đề thi trong Kì thi Trung học phổ thông quốc gia:
Theo yêu cầu của Kì thi Trung học phổ thông quốc gia hiện nay, năng lực đọc hiểu cần được thể hiện ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Để đáp ứng được những yêu cầu đó, học sinh cần nắm vững các tri thức về văn bản, các kĩ năng đọc hiểu từng loại văn bản… Trong chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông ở Việt Nam hiện nay, có hai loại văn bản được dùng trong dạy học đọc hiểu: văn bản văn học và văn bản nhật dụng.
Đọc hiểu văn bản văn học:
Khái niệm văn bản văn học:
Văn bản văn học, hiểu theo nghĩa rộng, là tất cả các văn bản sử dụng ngôn từ một cách nghệ thuật (bao gồm không chỉ văn bản thơ, truyện, kịch mà cả các văn bản hịch, cáo, chiếu, biểu, sử kí của thời trung đại và kí, tạp văn của thời hiện đại).
Hiểu theo nghĩa hẹp, văn bản văn học chỉ bao gồm các sáng tác có hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng hư cấu.
Đặc điểm riêng của văn bản văn học:
Đặc điểm về ngôn từ: tính nghệ thuật và tính thẩm mĩ; ngôn từ dùng để sáng tạo hình tượng; có tính biểu tượng và đa nghĩa.
Đặc điểm về hình tượng: chỉ tồn tại đối với trí tưởng tượng và trong tưởng tượng; là một phương tiện giao tiếp đặc biệt giữa tác giả và người đọc.
Đặc điểm về ý nghĩa: là hiện tượng đời sống được nhà văn nắm bắt và tái hiện bằng hình tượng; được thể hiện qua nhân vật, sự kiện, cảnh vật, chi tiết và cách tổ chức sắp xếp các bộ phận của văn bản, cách sử dụng ngôn từ. Có thể chia ý nghĩa của văn bản văn học thành các lớp sau: đề tài, chủ đề, cảm hứng, tính chất thẩm mĩ, triết lí nhân sinh…
Đặc điểm về cá tính sáng tạo của tác giả: được thể hiện trong hình tượng, chi tiết, cách nhìn, giọng điệu, mang lại sự phong phú, đa dạng, mới lạ cho đời sống văn học.
Yêu cầu đọc hiểu văn bản văn học:
Người đọc phải tự mình trải qua quá trình đọc – hiểu: từ hiểu ngôn từ, ý nghĩa của hình tượng, đến hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả, biết đánh giá và thưởng thức các giá trị của văn bản.
Người đọc cần biết tra cứu, biết tưởng tượng, suy ngẫm, hình thành thói quen và năng lực cảm thụ, phân tích, thưởng thức văn học.
Các bước đọc hiểu văn bản văn học:
Đọc hiểu ngôn từ: đọc thông suốt toàn bộ văn bản, hiểu các từ khó, các điển cố, biện pháp tu từ; hiểu được cách diễn đạt, nắm được các lớp ý nghĩa tường minh và hàm ẩn; phát hiện những điểm đặc sắc, khác thường, thú vị…
Đọc hiểu hình tượng nghệ thuật: biết sử dụng trí tưởng tượng để “cụ thể hóa” các hình tượng được tác giả miêu tả bằng ngôn từ (chất liệu phi vật thể, trừu tượng, khái quát…); tìm hiểu logic bên trong và phát hiện các mâu thuẫn…
Đọc hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả: kết hợp ngôn từ và phương thức biểu hiện; dùng năng lực phán đoán, khái quát… để nắm bắt tư tưởng, tình cảm mà người viết muốn thể hiện, gửi gắm.
Đọc hiểu và thưởng thức văn học: cảm nhận được vẻ đẹp hài hòa giữa ngôn từ và hình tượng, nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm; hiểu được tầm vóc và chiều sâu tư tưởng, tình cảm của tác giả, thưởng thức được những biểu hiện của tài nghệ, những chi tiết đặc sắc…
Hay nha.