dan-bai-chung-minh-co-cong-mai-sat-co-ngay-nen-kim

Dàn bài chứng minh: Có công mài sắt, có ngày nên kim (Tục ngữ)

Dàn bài chứng minh: “Có công mài sắt có ngày nên kim” (Tục ngữ)

Dàn bài 1:

  • Mở bài:

– Nhà bác học Newton từng nói: “1% là tài năng, 99% là sự cố gắng”. Trên đời này không có việc gì dễ làm mà thành công lớn. Muốn vượt qua khó khăn, thử thách, giành lấy thắng lợi, đòi hỏi con người phải kiên trì, bền bỉ. Bàn về điều này, tục ngữ có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Câu tục ngữ là một lời khuyên vô cùng ý nghĩa và sâu sắc.

  • Thân bài:

Giải thích câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim”

* Về nghĩa đen:

“Sắt”: là vật liệu cứng cáp, rất khó mài giũa, dùng để chế tạo các đồ dùng → “Mài sắt” là mài giũa thanh sắt ấy thành đồ dùng hữu ích.

“Kim”: là đồ dùng được làm từ sắt, nhỏ gọn và sắt nhọn, dùng trong việc may vá quần áo → “Nên kim” nghĩa là tạo thành cây kim có ích.

* Về nghĩa bóng:

“Sắt”: là những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống → “Có công mài sắt” có nghĩa là kiên trì, bền bỉ vượt qua những khó khăn, trở ngại ấy.

“Kim”: là kết quả tốt đẹp, giá trị hữu ích, là thành công → “Có ngày nên kim” có nghĩa là chắc chắn sẽ đạt đến thành công trong công việc và trong cuộc sống.

* Ý nghĩa câu tục ngữ: Trong công việc và cuộc sống, chỉ cần kiên trì, bền bỉ, không ngừng nỗ lực vươn lên trước khó khăn, thử thách thì sẽ có ngày đạt đến thành công.

Chứng minh câu tục ngữ là một lời khuyên đúng đắn và sâu sắc

Kiên trì, bền bỉ, không chịu đầu hàng hay bỏ cuộc trước khó khăn, thử thách mới có thể đạt tới thành công.

+ Trong học tập (dẫn chứng kết hợp với lí lẽ).

+ Trong cuộc sống (dẫn chứng kết hợp với lí lẽ).

+ Những tấm gương sáng ngời về lòng kiên trì (dẫn chứng kết hợp với lí lẽ).

– Thiếu sự kiên trì, dù là việc nhỏ cũng khó hoàn thành.

+ Trong học tập (dẫn chứng kết hợp với lí lẽ).

+ Trong cuộc sống (dẫn chứng kết hợp với lí lẽ).

Bài học nhân thức và hành động.

– Lòng kiên trì là đức tính cần phải có ở mỗi con người.

– Trước khó khăn, trở ngại, cần nâng cao ý chí, sự kiên trì và nghị lực vươn lên, không bao giờ bỏ cuộc hay đầu hàng trước hoàn cảnh.

  • Kết bài:

– Không gì trên thế giới có thể thay thế cho sự kiên trì. Tài năng không thể, rất nhiều người có tài năng nhưng lại không thành công đấy thôi. Thiên tài không thể, vì thiên tài mà không được công nhận thì cũng chỉ là truyền thuyết. Giáo dục cũng không, khi mà thế giới này có quá nhiều người có học bị bỏ quên. Chỉ có lòng kiên trì và sự quyết tâm mới là nguồn sức mạnh đưa ta đến với thành công.

Dàn bài 2:

I. Mở bài:

– Ý chí bền bỉ, lòng kiên trì quả cảm là nguồn sức mạnh chiến tháng của con người. Bàn về vai trò của ý chí, tục ngữ từng khuyên:  “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

II. Thân bài:

1. Giải thích câu tục ngữ:

– “Sắt”: là một loại kim loại cứng, khó gọt đẽo.

– “Kim”: là dụng cụ để khâu vá có hình dáng rất nhỏ, mảnh mai.

⇒ Ý nghĩa: Nói về quá trình mài sắt thành cây kim tinh xảo- một việc làm tưởng như không thể, câu tục ngữ là hình ảnh ẩn dụ cho ý chí nghị lực và lòng kiên trì của con người. Có nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ thì khó khăn dù lớn đến mấy thì cũng có thể vượt qua.

2. Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ:

– Cuộc sống giống như một bông hoa hồng đẹp nhưng nhiều gai. Để đạt được thành công, để vươn tới cái đẹp của cuộc đời thì con người phải trải qua nhiều gian nan thử thách.

– Cách duy nhất để gạt bỏ vật cản và đi tới thành công là phải có ý sự nỗ lực, kiên trì.

– Từ xa xưa, ông cha ta đã dạy cho con cháu bài học tương tự về lòng kiên trì như “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, “Thất bại là mẹ thành công”…

+ Cao Bá Quát xưa kia viết chữ rất xấu nhưng nhờ khổ công rèn luyện, ông đã được tôn làm “Thánh Quát” với biệt tài văn hay chữ tốt…..

+ Những cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm hay cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ là bằng chứng sống cho chân lý : có ý chí, lòng quyết tâm thì mới có thắng lợi. Nếu nhân dân ta không kiên cường, chịu khó chịu khổ đấu tranh thì liệu ngày hôm nay, chúng ta có được sống trong hòa bình độc lập?

+ Người nông dân Việt Nam đã phải “dầu mưa dãi nắng”, “đầu tắt mặt tối” ngoài đồng ruộng với mong ước có một vụ mùa bội thu. Dù hạn hán, dù lũ lụt, ý chí vươn lên thoát đối thoát nghèo của họ vẫn không thay đổi.

+ Dẫn chứng về những người nổi tiếng, nhà bác học, những người chiến sĩ cách mạng…

3. Bàn luận mở rộng, phê phán:

Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người lười biếng, nhát sợ, sống ích kỷ, chỉ biết sống dựa dẫm, hưởng thụ, không chịu làm việc, không có ý chí kiên trì bền bỉ. Trước khó khăn trở ngại, học sớm lùi bước, bỏ cuộc, mới thấy thấy “sóng cả” đã “ngã tay chèo”. Những người như thế thật đáng chê trách.

4. Bài học rút ra:

– Câu tục ngữ là bài học về một phẩm chất đáng quý của con người.

Cần rèn luyện cho mình ý chí và nghị lực và học tập những tấm gương dám sống và dám đi đến thành công.

– Đó cũng là lời phê phán những còn người thiếu ý chí quyết tâm, dễ dàng buông bỏ đi ước mơ, mục tiêu của mình.

III. Kết bài:

– Nêu suy nghĩ về vấn đề.

Khẳng định tính đúng đắn của câu tục ngữ. Liên hệ bản thân.

Dàn bài 3:

I. Mở bài:

– Ý chí nghị lực là một đức tính không thể thiếu đối với con người trong cuộc sống.

 – Trích dẫn câu tục ngữ.

II. Thân bài

1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ:

– Nghĩa đen:

+ “Sắt”: Vốn là những vật to lớn, bề ngoài sần sùi, không sáng bóng,đẹp đẽ, lại vô cùng cứng rắn.

+ “Kim”: Chỉ những vật vô cùng nhỏ bé, nhẵn nhụi, bề mặt sáng, hữu dụng trong cuộc sống như dùng để may vá quần áo.

⇒ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”: Tức là có quyết tâm, kiên nhẫn, miệt mài, ngày qua ngày mài mòn thanh sắt lớn để tạo nên thành quả là chiếc kim bé nhỏ, đẹp đẽ được tôi rèn từ một thanh sắt lớn, xấu xí.

– Nghĩa bóng:

+ “Sắt”: Tức là khó khăn, những thử thách trên con đường đạt tới mơ ước và những điều mình mong muốn. Nó cũng là những công việc nhỏ cần thiết để góp phần tạo nên thành quả xứng đáng.

+ “Kim”: Tức là thành quả sau một quá trình kiên trì, nhẫn nại thực hiện mọi thử thách và khó khăn. Nó cũng là ý nghĩa của sự luyện tập, của lòng quyết tâm bền bỉ.

⇒ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”: Là lời khuyên nhủ chúng ta phải biết cố gắng, nỗ lực, kiên trì thì sẽ được hưởng thành quả xứng đáng, đạt được ước mơ cũng như mong ước của mình. Muốn đạt được ước mơ thì phải luôn biết nỗ lực không ngừng nghỉ, phải luôn quyết tâm thực hiện tới cùng.

2. Biểu hiện, dẫn chứng:

– Biểu hiện: Trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp những người có ý chí quyết tâm hoàn thành những công việc khó khăn.

+ Đó là những học sinh có ý chí nỗ lực trong học tập

+ Những người vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn của bản thân để sống có ích và cống hiến.

– Dẫn chứng (ví dụ)

+ Tục ngữ: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, “Có chí thì nên”

+ Từ xưa đến nay, các vị danh nhân đều là những người có nghị lực. Cụ Đồ Chiểu vượt qua khó khăn và bất hạnh để cống hiến cho đời những tác phẩm hay, có giá trị.

+ Edison sáng tạo ra bóng đèn điện với hơn hai nghìn lần thử nghiệm.

+ Hồ Chí Minh là một điển hình cho sự cố gắng, kiền trì để tạo nên thành công. Người đã bôn ba gần nửa đời người ở nơi xứ người, mong tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Cuối cùng, sau bao nỗ lực, cũng như quyết tâm sắt đá, Người đã tìm ra phương hướng, ra con đường đưa dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ, trở thành một đất nước độc lập.

+ Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thầy giờ đây là một giảng viên đứng trên bục giảng. Nhưng để thực hiện được điều đó, thầy đã phải quyết tâm rèn luyện đôi chân mình để đôi chân có thể thay thế đôi tay học được những con chữ.

Liên hệ thực tế:

+ Những bạn học sinh biết quyết tâm vươn lên, biết kiên trì học hỏi thường trở thành những đứa con ngoan, trò giỏi.

+ Mỗi người trong xã hội phải luôn có được sự quyết tâm, kiên trì trong học tập, công việc thì mới đạt được thành quả xứng đáng. Nếu không có được sự bền lòng, vững chí, dễ nản lòng thì làm việc gì cũng khó khăn. Như Bác Hồ đã dạy “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp bể/ Quyết chí ắt làm nên”.

3. Vì sao phải có ý chí nghị lực?

+ Vì mỗi lần thất bại, ta sẽ rút kinh nghiệm, khắc phục và chắc chắn lần sau sẽ thành công.

+ Bất cứ ai cũng có những lần thất bại. Nếu là người có ý chí nghị lực thì họ sẽ tìm ra những biện pháp để có thể vượt qua mọi khó khăn, không bỏ cuộc nửa chừng.

 4. Phê phán:

– Những người dễ nản lòng, buông xuôi, bỏ cuộc, bi quan. Vẫn còn những học sinh vì điểm kém mà nản lòng, không chịu suy nghĩ trước những khó khăn.

– Vẫn còn những người con khi thấy gia đình khó khăn về vật chất hoặc thiếu vắng một mái ấm gia đình đã vội chán nản, bỏ bê việc học.

5. Bài học nhận thức và hành động:

– Rèn luyện cho mình tinh thần vượt khó, luôn tin tưởng vào bản thân mình. Siêng năng, lạc quan

– Luôn nỗ lực trong mọi hoàn cảnh, lấy câu “Thất bại là mẹ thành công” làm phương châm sống.

– Ta cần nhớ: Lòng kiên nhẫn, ý chí phải hướng về mục đích tốt đẹp. Mọi sự thành công còn đòi hỏi con người phải có thêm tài năng, sự sáng tạo trong công việc.

III. Kết bài

– Ý chí nghị lực là một trong những yếu tố quan trọng giúp ta thành công trong công việc.

– Chúng ta cần phải rèn luyện và học tập không ngừng để trở thành người có ích cho xã hội.

Tài liệu tham khảo:

Tục ngữ có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Hãy chứng minh lời khuyên trên.

  • Mở bài:

Kiên trì, nhẫn nại là gốc rễ của mọi thành công. Khẳng định điều này, tục ngữ có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Đây là một lời khuyên hoàn toàn đúng đắn.

  • Thân bài:

Với hình thức ngắn gọn, súc tích, tục ngữ luôn ẩn chứa trong nó những hàm nghĩa sâu sắc. “Sắt” là một kim loại cứng khó, rất có thể mài giũa. “Kim” là một vật dụng nhỏ, sắc nhọn, được làm từ sắt. So với thanh sắt, kim nhỏ bé hơn rất nhiều lần. Thật khó khi trông một hoặc hai ngày mà có thể mài một thanh sắt thành cây kim nhỏ xíu để may đồ. Từ sắt làm ra cây kim là một quá trình khắc khổ, gian khổ. Quá trình ấy đòi hỏi con người phải có sự kiên trì, bền chí, tổn hao nhiều công sức mới có được.

Mượn hình ảnh “sắt” “kim”, câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta phải biết kiên trì, nhẫn nại, chịu khó làm việc, không quản ngại khó khăn ắt sẽ đạt tới thành công.

Có công mài sắt, có ngày sẽ nên kim. Tất cả mọi thành quả không tự nhiên mà có, mà đều qua quá trình khổ luyện và kiên trì với mục tiêu. Một người thợ xây lành nghề, có thể xây những bức tường thẳng tắp, đổ những trụ bê tông vững chắc, kỹ năng ấy không phải mộ sớm một chiều mà có được. Có lẽ, sau bao lần thất bại mới có thể trở nên khéo léo và giàu kinh nghiệm như thế.

Có lòng kiên trì giúp ta vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Những khó khăn rất dễ khiến ta nản chí, buông bỏ. Chính sự kiên trì giúp ta giữ vững niềm tin, tiếp tục công việc, hướng đến thành công. Một học sinh trước bài toán khó mà đã vội chán nản, tìm kiếm bài dễ hơn để làm, không những không thể tiến bộ mà còn tự tập cho mình thói xấu, chọn việc dễ mà làm, sao có thể làm được việc lớn.

Không có việc gì có thể thành công nếu không có lòng kiên trì vượt khó. Việc dễ làm, ai cũng làm được, mang lại lợi ích nhỏ. Việc khó làm mang lại lợi ích lớn. Kiên trì, bền bỉ giúp ta từng bước chinh phục khó khăn, nâng tầm giá trị bản thân. Khi xưa, Mạc Đĩnh Chi đạp bằng gian khổ, ngày đêm học tập không biết mệt mỏi. Sau khi thi đỗ, ra làm quan, ông đã cứu giúp người nghèo khó. Khi đi sứ, bằng tài năng lỗi lạc, ông khiến cho vua nhà Nguyên ngưỡng mộ tài năng phong làm Lưỡng quốc Trạng nguyên, vang danh dân tộc. Có lòng kiên trì rèn luyện ắt sẽ có đủ dũng khí sẵn sàng đạp bằng mọi chông gai, vươn đến thành công.

Lòng kiên trì , ý chí quyết tâm có ý nghĩa rất to lớn đối với đời sống chúng ta. Ý chí , nghị lực, lòng kiên trì , bền bỉ có vai trò rất quan trọng, nó quyết định sự thành bại của mỗi con người.

Dù con người có mục đích, lí tưởng đúng đắn nhưng không có sự kiên trì thì cũng khó mà thành công được. Câu tục ngữ là một bài học quý giá, nó cho ta thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm để hoàn thành công việc .

Để rèn luyện lòng kiên trì, mỗi học sinh chúng ta phải tự nâng xao ý thức của bản thân mình.  Trong công việc, không được ngại khó khăn, gian khổ, không so đo, tính toán, lúc nào cũng hăng hái làm việc.

Trước những thử thách không được chán nản, lùi bước. Luôn kiên trì với mục tiêu, năng động, sáng tạo tìm ra những giải pháp phù hợp để hoàn thành tốt công việc.

Phải có tinh thần học hỏi chăm chỉ mỗi ngày bởi tri thức là sức mạnh, ai có tri thức người đó có sức mạnh. Càng học hỏi, chúng ta càng hiểu nhiều, biết nhiều. Công việc vì thế cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Phải phân biệt được rèn luyện với khổ luyện. Rèn luyện là thực hành một kỹ năng nào đó còn khổ luyện là rèn luyện đến thuần thục, hoàn hảo. Phải có nghị lực để vượt lên mọi khó khăn trong bất cứ hoàn cảnh nào.

  • Kết bài:

Không có việc gì dễ làm mà mang lại lợi ích lớn. Cuộc sống luôn đặt ra những khó khăn, trở ngại để con người vượt qua. Bởi thế, phải kiên trì, kiên trì hơn nữa mới đạt tới thành công. Câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” là bài học quý cần phải phát huy trong học tập và cuộc sống.

»»» Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang