dan-bai-nghi-luan-ve-mot-tu-tuong-dao-li

Dàn bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

Dàn bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

I. Khái niệm.

Nghị luận về tư tưởng, đạo là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, quan điểm nhân sinh (như các vấn đề về nhận thức; về tâm hồn nhân cách; về các quan hệ gia đình xã hội, cách ứng xử; lối sống của con người trong xã hội…).

– Tư tưởng, đạo lí trong cuộc sống bao gồm:

+ Lí tưởng (lẽ sống): yêu nước, yêu thương con người,….

+ Cách sống: sống đẹp, sống có ích, sống có khát vọng,…..

+ Hoạt động sống: chia sẻ, cảm thông, đoàn kết, giản dị, khoan dung,…..

+ Các mối quan hệ trong cuộc đời như: Cha con, vợ chồng, anh em, tình làng nghĩa xóm, thầy trò, bạn bè….

II. Yêu cầu.

1. Hiểu được vấn đề cần nghị luận là gì.

2. Từ vấn đề nghị luận đã xác định, người viết tiếp tục phân tích, chứng minh, bình luận những biểu hiện cụ thể của vấn đề.

3. Phải biết rút ra ý nghĩa vấn đề.

4. Diễn đạt cần chuẩn xác, mạch lạc; có thể sử dụng một số phép tu từ và yếu tố biểu cảm nhưng phải phù hợp và có chừng mực.

III. Cấu trúc bài văn.

1. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận.

– Nêu ý chính hoặc câu nói về tư tưởng, đạo lý mà đề bài đưa ra.

2. Thân bài:

– Luận điểm 1: Giải thích yêu cầu đề

+ Cần giải thích rõ nội dung tư tưởng đạo lý.

+ Giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có).

+ Rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ…).

– Luận điểm 2: Phân tích và chứng minh

+ Các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế?).

+ Dùng dẫn chứng xảy ra cuộc sống xã hội để chứng minh.

+ Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội.

– Luận điểm 3: bình luận mở rộng vấn đề

+ Bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý (vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác).

+ Dẫn chứng minh họa (nên lấy những tấm gương có thật trong đời sống).

– Rút ra bài học nhận thức và hành động

+ Rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc.

+ Áp dụng vào thực tiễn đời sống.

3. Kết bài:

– Nêu khái quát đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã nghị luận.

– Mở ra hướng suy nghĩ mới.

IV. Hướng dẫn cụ thể.

Để làm một bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí hay thì các em cần ghi nhớ 4 bước sau:

Bước 1: Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.

– Dẫn dắt đưa vấn ra vấn đề nghị luận về tư tượng đạo lí trong đề bài.

Bước 2: Bàn luận vấn đề

– Giải thích tư tưởng, đạo lí:

+ Đầu tiên, cần giải thích những từ trọng tâm, sau đó giải thích cả câu nói: giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ,…).

+ Thường trả lời câu hỏi: Là gì? Như thế nào? Biểu hiện cụ thể?

– Phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý

+ Thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế?

+ Dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lí đối với đời sống xã hội.

– Bác bỏ (phê phán) những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề:

+ Bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lí vì có những tư tưởng, đạo lí đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác; dẫn chứng minh họa.

Bước 3:  Bàn bạc mở rộng.

– Mở rộng bằng cách giải thích và chứng minh.

– Mở rộng bằng cách đào sâu thêm vấn đề.

– Mở rộng bằng cách lật ngược vấn đề.

Người viết có thể đưa ra mặt trái của vấn đề, phủ nhận nó là công nhận cái đúng, ngược lại, nếu vấn đề bình luận là sai hãy lật ngược bằng cách đưa ra vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng có nghĩa là phủ định cái sai.

Trong các bước mở rộng, tuỳ vào từng trường hợp và khả năng của mình mà áp dụng cho tốt, không nên cứng nhắc.

Bước 4: Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động.

Đây là vấn đề cơ bản của một bài nghị luận bởi mục đích của việc nghị luận là rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc áp dụng vào thực tiễn đời sống.

Ví dụ: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết” (B.Babbles). Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

Hướng dẫn phân tích đề:

1. Ý kiến trên có các từ khoá trọng tâm cần giải thích :

“Sứ mạng”: Vai trò lớn lao, cao cả của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái.

“Người mẹ”: Người sinh ra con cái, rộng hơn đó chính là mái ấm gia đình.

“Chỗ dựa cho con cái”: nơi che chở, yêu thương, là nơi con cái có thể nương tựa.

→ Ý nghĩa: Câu nói đã đưa ra quan điểm giáo dục của cha mẹ với con cái hết sức thuyết phục: Vai trò của cha mẹ không chỉ nằm trong việc dạy dỗ con mà quan trọng hơn là làm sao để con cái biết sống chủ động, tích cực, không dựa dẫm. Đây chính là vấn đề nghị luận.

Tham khảo:

Phân tích và làm sáng tỏ ý nghĩa của câu nói: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học).

1. Mở bài:

– Có rất nhiều yếu tố giúp con người thành công trong cuộc sống. Người xưa thì khái quát thành “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Người nay lại khẳng định lí tưởng cao đẹp, phương pháp đúng đắn, hiểu biết sâu sắc, bản lĩnh sáng tạo…

– Song có lẽ, không ai phủ nhận vai trò của ý chí, nghị lực. Câu nói của Nguyễn Bá Học “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” góp thêm một tiếng nói đáng tin cậy về vai trò của ý chí, nghị lực.

2. Thân bài:

a. Giải thích ý kiến

– Giải thích từ, hình ảnh:

+ “ngăn sông cách núi” là một hình ảnh vừa mang ý nghĩa cụ thể chỉ những không gian địa lí hiểm trở, vừa chứa ý nghĩa khái quát về những chướng ngại, thử thách, khó khăn khách quan.

+ “lòng người ngại núi e sông”: diễn tả những chướng ngại, thử thách, khó khăn thuộc chủ quan – bản thân con người chưa thông suốt về tư tưởng, không có ý chí, quyết tâm, nhụt chí, nản lòng.

+ “đường đi” : không chỉ có ý nghĩa cụ thể mà còn là cách nói khái quát về công việc, sự nghiệp.

 Câu nói muốn khẳng định và nhấn mạnh yếu tố tinh thần, tư tưởng của con người đối với công việc. Một khi tư tưởng thông suốt, tinh thần vững vàng thì sẽ có quyết tâm cao, có ý chí mạnh mẽ để vượt qua được khó khăn, thử thách.

b. Bàn luận ý kiến:

* Vai trò của ý chí, nghị lực:

– Con đường đời luôn ẩn chứa nhiều chông gai thử thách. Bởi vậy, khi thực hiện một công việc, xây dựng một sự nghiệp, nếu bản thân con người chưa thông suốt về tư tưởng, không có ý chí, quyết tâm, nhụt chí, nản lòng… thì khó có thể vượt qua những thử thách dù lớn hay nhỏ.

– Vượt qua khó khăn thử thách của đường đời đã khó, vượt qua sự ngại khó ngại khổ của bản thân còn khó hơn. Vì thế, con người cần nhận thức đúng, sâu sắc tư tưởng để có tinh thần vững vàng. Ý chí, nghị lực, quyết tâm chính là sức mạnh tinh thần để con người bắt tay thực hiện công việc nhanh chóng và hiệu quả. Khi ấy, dù đối mặt với những thử thách bất ngờ, tưởng như quá khả năng, con người vẫn sẽ có cách để khắc phục, chiến thắng.

* Biểu hiện của ý chí, nghị lực trong đời sống và trong văn học:

– Trong đời sống:

+ Nhờ có ý chí, quyết tâm cao độ, Bác Hồ kính yêu mới vượt qua bao khó khăn, thử thách trên hành trình bôn ba suốt ba mươi năm tìm đường cứu nước. Chính Bác cũng đã khẳng định vai trò to lớn của ý chí, nghị lực:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên

+ Trong lịch sử giữ nước, dân tộc ta, nếu không có quyết tâm cao, ý chí sắt đá giành độc lập, mang nặng tâm lí “nước nhược tiểu”, sẽ không thể có nguồn sức mạnh tinh thần vô địch để đứng vững và chiến thắng các thế lực ngoại xâm hung bạo, hùng hậu, hung hãn (cuộc chiến đấu chống Mông Nguyên, cuộc đấu tranh vệ quốc chống Pháp và giải phóng đánh Mĩ…).

+ Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bằng sức mạnh của tinh thần, chúng ta đã vượt lên nhiều thử thách để bảo vệ thành quả dựng nước của cha ông ta, làm cho tổ quốc Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, có thể sánh vai với bạn bè quốc tế…

+ Các nhà khoa học đã nghiên cứu kiên trì, bền bỉ… để có được những phát minh, công trình khoa học giúp ích cho con người.

– Trong văn học nghệ thuật:

+ Có nhiều nhà văn bằng ý chí, nghị lực phi thường đã vượt lên hoàn cảnh, cuộc sống nghèo khổ, xã hội xấu xa để trở thành những nhà văn lớn được kính trọng về nhân cách và tài năng (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Gorki, Solokhop, Victor Hugo, Moda…)

+ Có rất nhiều tác phẩm ca ngợi, khẳng định sức mạnh kì diệu của ý chí, nghị lực con người (anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa, tổ nữ trinh sát mặt đường trong Những ngôi sao xa xôi, những người lính trong thơ ca kháng chiến Đồng chí, Tây Tiến, Bài thơ về tiểu đội xe không kính…

* Mở rộng, phản đề:

– Câu nói trên đề cao tinh thần vượt khó chứ không khuyên con người đạt được mục tiêu bằng mọi giá.

– Phê phán những người vừa gặp khó khăn đã nản chí, vừa gặp thất bại đã buông xuôi, chưa làm được việc mà đã tưởng tượng ra những khó khăn, nguy hiểm…

c. Bài học nhận thức và hành động:

– Câu nói đã khẳng định được vai trò quan trọng của ý chí, nghị lực đối với việc vượt qua khó khăn thử thách trên đường đời của mỗi người.

– Mỗi chúng ta cần rèn luyện ý chí, nghị lực để sẵn sàng đối diện với những khó khăn thử thách.

3. Kết bài:

– Như vậy, trên đường đời đầy gian nan thử thách, mỗi người phải có nghị lực sống để vượt qua tất cả, “nghị lực sống sẽ mở ra cho chúng ta những con đường đi đến thành công!”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang