Trong bài cảm nghĩ về chuyện “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài viết: “Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt” (Tác phẩm văn học 1930- 1975, Tập hai, NXB Khoa học Xã hội, 1990, tr 71).
Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn ” Vợ chồng A Phủ” (đoạn trích được học) của Tô Hoài để làm sáng tỏ nhận xét trên.
- Mở bài:
Truyện ngắn” Vợ chồng A Phủ” in trong tập truyện Tây Bắc ( 1953) là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc của Tô Hoài. Truyện kể về cuộc đời Mị và A Phủ ở Hồng Ngài với những ngày đen tối và những ngày tươi sáng đầy hi vọng. Nhân vật Mị được tác giả xây dựng với sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ, vượt lên kiếp sống đầy đau khổ, tủi nhục, hướng tới cuộc sống mới tốt lành. Chính vì vậy trong bài cảm nghĩ về chuyện ” Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài viết: “Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”
- Thân bài:
Qua nhận xét ta thấy, nhà văn Tô Hoài đã nêu rõ cuộc sống cực nhục của người dân nghèo miền núi. Ông cũng đề cao bản chất tốt đẹp và khẳng định sức sống bất diệt của con người. Phẩm chất ấy được thể hiện rõ ràng nhất qua hình ảnh nhân vật Mị trong tác phẩm.
Nhân vật Mị có phẩm chất tốt đẹp, hứa hẹn một cuộc đời ấm êm, hạnh phúc. Cô không những là một thiếu nữ xinh đẹp, tài hoa, hồn nhiên, yêu đời mà còn là đứa con hiếu thảo, hết lòng vì mẹ cha. Cô không những chăm chỉ làm ăn mà còn yêu tự do, ý thức được quyền sống của mình.
Ở nhân vật Mị, ta còn thấy chói sáng lên giàu lòng vị tha, đức hi sinh, tận tụy, lòng thương người cao cả. Mị thà chết còn hơn sống khổ nhục, nhưng rồi Mị chấp nhận sống khổ nhục còn hơn là bất hiếu, còn hơn thấy cha mình già yếu vẫn phải chịu bao nhục nhã khổ đau.
Thế nhưng, cuộc sống thật không công bằng. Hoàn cảnh trớ trêu đã đẩy cuộc đời Mị vào hố thẳm của khổ đau, bị tước mất quyền sống, quyền làm người hạnh phúc. Mị bị cường quyền và thần quyền của cha con nhà thống lí đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần.
Mang danh là con dâu thống lí, vợ của con quan nhưng Mị lại bị đối xử như một nô lệ. Mị ở nhà chồng mà như ở địa ngục với công việc triền miên. Mị sống khổ nhục hơn cả súc vật, thường xuyên bị A Sử đánh đập tàn nhẫn. Mị sống như một tù nhân trong căn buồng chật hẹp, tối tăm.
Trong cuộc sống tù hãm, Mị vô cùng buồn tủi, uất ức. Muốn sống cũng chẳng được sống cho ra người, muốn chết cũng không xong, dường như Mị bắt đầu chấp nhận thân phận khốn khổ, sống như cái bóng, lầm lũi như “con rùa nuôi trong xó cửa”
Sau tất cả sự thống khổ, sức cam chịu, sự câm lặng đến tận cùng, tưởng rằng Mị đã chết trong tâm hồn. Sự sống đang tiếp diễn kia, người phụ nữ vẫn từng ngày làm lụng kia chỉ là cái xác không hồn. Thế nhưng, thật bất ngờ, thẳm sâu bên trong tâm hồn khô kiệt và cằn cõi ấy vẫn còn tồn tại một sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.
Bên trong Mị vẫn đang còn có một con người khát khao tự do, khát khao hạnh phúc. Gió rét dữ dội cũng không ngăn được sức xuân tươi trẻ trong thiên nhiên và con người, tất cả đánh thức tâm hồn Mị. Mị uống rượu để quên hiện tại đau khổ. Hơi rượu nồng nàn khiến Mị nhớ lại thời con gái, Mị sống lại với niềm say mê yêu đời của tuổi trẻ. Trong khi đó, tiếng sáo (biểu tượng của tình yêu và khát vọng tự do) từ chỗ là hiện tượng ngoại cảnh đã đi sâu vào tâm tư Mị.
Mị thắp đèn như thắp lên ánh sáng chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối. Ánh sáng leo loét của ngọn đèn ít ra còn giúp Mị nhìn rõ hơn mọi thứ. Rồi Mị muốn đi chơi. Mị với lấy váy áo. Mị muốn được xinh đẹp để bước ra ngoài với cuộc sống, cái mà bao nhiêu năm nay Mị không buồn nghĩ tới. Thế nhưng, A Sử xuất hiện, như một hung thần chặn đứng tất cả. Tuy bị trói nhưng Mị vẫn tưởng tượng và hành động như một người tự do, Mị vùng bước đi nhưng không được.
Thực tại dẫu có phũ phàng, khắc nghiệt nhưng không thể ngăn cản được nguồn sống đang trào dâng trong Mị. Những vòng dây tàn bạo đã trói chặt thân xác cô nhưng không thể nào trói buộc được tâm hồn. Mị đã thực hiện một cuộc giải thoát trong tâm tưởng. Tâm hồn cô dần theo tiếng sáo gọi, lên núi, qua đèo, qua sông, qua suối, đi khắp núi rừng như thuở xưa lúc Mị còn là thiếu nữ. Hành trình ấy tạm thời mang lịa cho Mị cảm giác vượt thoát khỏi thực tại khổ đau, nặng nề. Hơi rượu tan, Mị cũng lịm dần trong mệt mỏi và đớn đau.
Sau đêm tình mùa xuân năm ấy, Mị trở lại với chính mình, lầm lụi và lặng câm. Sức sống tiềm tàng lại ẩn sâu, được giấu kín. Nhưng lúc này nó khác với lúc trước. Giờ đây, nó đã được thử thách, được rèn luyện (dù rằng Mị không có nhận thức đầy đủ về điều đó). Nghĩa là nó đã mạnh mẽ hơn, chỉ chờ có dịp là trỗi dậy. Và dịp ấy đã đến. Việc A Phủ bị trói vì làm mất con bò một lần nữa đánh thức tâm hồn Mị.
Lúc đầu thấy A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên. Nhưng đêm ấy, Mị thấy dòng nước mắt trên má A Phủ. Nhớ lại cảnh ngộ của mình trong đêm mùa xuân năm trước, Mị đồng cảm, thương xót A Phủ. Phân tích nét tâm lí: Mị thấy cái chết sắp tới với A Phủ là uất ức, phi lí. Mị không sợ hình phạt của Pá Tra , ý thức căm thù và lòng nhân ái giúp Mị thắng nỗi sợ hãi, biến Mị thành con người dũng cảm trong hành động cắt dây trói cứu A Phủ. Ngay sau đó, Mị đứng lặng trong bóng tối với bao giằng xé trong lòng. Nhưng rồi khát vọng sống trỗi dậy thật mãnh liệt, Mị vụt chạy theo A Phủ, đến với tự do.
Người đọc nhận thấy rõ, việc trói người trong nhà thống lí đâu có gì lạ. Bao nhiêu lần Mị đã chứng kiến nhưng Mị không mảy may quan tâm đến. A Phủ đối với Mị cũng như bao nhiêu nạn nhân khác thôi. Thế nhưng, sau đêm tình mùa xuân, Mị bắt đầu có ý thức về cuộc sống, về ý nghĩa tồn tại của đời người, về sự sống và cái chết. Giọt nước mắt của A Phủ lăn xuống đánh thức hồi ức, lúc Mị bị trói, nước mắt của Mị cũng lăn xuống, mặn chát mà không thể nào lau đi được. Chính sự đồng cảm đã đánh thức tình thương người, đánh thức khát vọng sống. Lần đầu tiên Mị nhận ra tội ác của nhà thống lí và cũng là lần đầu tiên Mị kết tội chúng: “Chúng nó thật độc ác”.
Lời của Mị không hứa hẹn dẫn đến một hành động phản kháng nhưng từ nay Mị biết nhận thức về sự tồn tại của mình, cố gắng làm chủ số phận chứ không phó thác cho nhà thống lí nữa. Điều đó đến thật nhanh. Sau khi cắt dây giải thoát cho A Phủ, Mị cũng tự giải thoát chính mình khỏi nhà thống lí. Mị chưa hình dung được cuộc sống phía trước như thế nào nhưng chắc chắn rằng nó dễ chịu hơn nhà thống lí. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thôi thúc Mị bước chân chạy theo A phủ.
- Kết bài:
Với bút pháp hiện thực sắc sảo, nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật Mị. Cuộc đời đau khổ, tủi nhục của Mị có ý nghĩa tiêu biểu cho kiếp sống khốn khổ của người dân miền núi dưới ách thống trị của các thế lực phong kiến và thực dân. Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt. Con người từ trong bóng tối của thời đại đã hướng tới ánh sáng của nhân phẩm và tự do. Vượt qua nghịch cảnh, vượt qua nỗi sợ hãi, họ tự mình tìm lấy con đường sống đích thực.
- Phân tích truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài
- Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm giải cứu A Phủ (“Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài)
- Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài (“Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài)
- Trong “Vợ chồng A phủ”, Tô hoài đã xây dựng nhân vật theo quá trình phát triển cách mạng. Phân tích Mị để làm sáng tỏ điều đó