Đề bài: Đọc – hiểu truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài
Đề bài 1:
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu dưới:
“Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại”.
(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn bản trên?
Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn văn bản trên?
Câu 3: Trong đoạn văn, tác giả sử dụng nhiều câu câu văn ngắn, dài đan xen với nhịp điệu nhanh có tác dụng gì?
Câu 4: Đoạn văn trên khiến anh/chị liên tưởng đến hiện tượng nào trong cuộc sống? Viết một đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng trên?
Đề bài 2:
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho.Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều quanh nương để sưởi lửa.Ở Hồng Ngài, người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội.
Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ (…). Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.
Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu.
Tiếng chó sủa xa xa. Những đêm tình mùa xuân đã tới.
Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm sân chơi chung ngày tết. Trai gái, trẻ con ra sân ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi kèn và nhảy.
(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục – 2008)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: Khung cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài được tác giả khắc họa bằng những chi tiết hình ảnh, màu sắc, âm thanh nào?
Câu 3: Qua đoạn trích, anh/chị hình dung như thế nào về phong tục đón tết của người Mèo trên vùng núi cao?
Câu 4: Theo anh/chị,việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số có cần thiết hay không? Vì sao?