de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-tinh-me

Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề tình mẹ (tình mẫu tử)

Đọc – hiểu chủ đề tình mẹ (tình mẫu tử)

Đề bài 1:

Đọc các đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.

(Trích Trong lời mẹ hát -Trương Nam Hương)

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

(Trích Mẹ và quả – Nguyễn Khoa Điềm)

Câu 1. Những đối tượng nào được nhắc đến trong cả hai đoạn thơ?
Câu 2. Nghệ thuật tương phản được sử dụng trong những câu thơ nào của đoạn thơ thứ hai?
Câu 3. Làm rõ hiệu quả nghệ thuật của phép nhân hoá được sử dụng trong câu thơ: “ Thời gian chạy qua tóc mẹ”.
Câu 4. Hãy chỉ ra một điểm tương đồng giữa hai đoạn thơ mà anh/chị tâm đắc


* Gợi ý làm bài:

Câu 1. Những đối tượng được nhắc đến trong cả hai đoạn thơ: người mẹ và con.

Câu 2. Nghệ thuật tương phản được thể hiện trong các câu thơ: “Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống”.

Câu 3. Hiệu quả của phép nhân hoá được sử dụng trong câu thơ “Thời gian chạy qua tóc mẹ”:

– Phép nhân hóa: “Thời gian chạy”

– Hiệu quả: làm câu thơ sinh động, hấp dẫn; nhấn mạnh sự trôi qua nhanh chóng của thời gian, đồng nghĩa với dấu ấn tuổi tác (tuổi già) của mẹ; sự xót xa, lo lắng của người con hiếu thảo.

Câu 4. Một điểm tương đồng giữa hai đoạn thơ về phương diện nội dung hoặc nghệ thuật; chẳng hạn: Cả hai đoạn thơ đều làm bật lên hình ảnh người mẹ với sự hi sinh thầm lặng và tình cảm yêu thương biết ơn của con với mẹ…


Đề bài 2:

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi ở dưới

Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò…sung chát đào chua…
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

(Trích Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Theo Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội nhà văn, 2010)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Hình ảnh người mẹ được khắc họa qua những từ ngữ, chi tiết nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Văn bản thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả đối với người mẹ?  (1,0 điểm)
Câu 4. Hai câu thơ: “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” gợi suy nghĩ gì về lời ru của mẹ đối với những đứa con? (1,0 điểm)

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1. Phương thức biểu đạt của đoạn thơ: phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm.

Câu 2. Hình ảnh người mẹ được khắc họa qua những từ ngữ, chi tiết : không có yếm đào, nón mê thay nón quai thao đội đầurối ren tay bí tay bầuváy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Câu 3. Văn bản thể hiện nỗi nhớ, lòng biết ơn sâu sắc và tình yêu thương to lớn của tác giả dành cho người mẹ. Đồng thời, tác giả cho ta thấy được mỗi người cần phải yêu thương và ghi nhớ công ơn của mẹ cha.

Câu 4. Hai câu thơ: “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” gợi suy nghĩ là: Lời ru của mẹ không xa lạ trong thi ca như ta thường thấy, vậy mà những ngôn ngữ rất đời thường của Nguyễn Duy lại khiến ta xốn xang trước phận mình bởi nhà thơ đã nhận ra “kiếp con người” dễ gì sánh được “mấy lời mẹ ru”. “Mấy lời” thôi nhưng là sự kết tinh của một cuộc đời và cả nhiều cuộc đời. Nó không chỉ chứa đựng tình mẹ bao la mà còn là những bài học làm người vô cùng quý giá mà chúng ta phải dành cả cuộc đời để học, để thấm và để biết ơn.


Đề bài 3:

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái gió trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con”.

(Ca dao)

Câu 1: Nêu nội dung ý nghĩa của bài ca dao trên. (1.0 điểm)
Câu 2: Em hãy chỉ ra một thành ngữ đã được sử dụng trong bài ca dao trên. Cho biết tác dụng của thành ngữ ấy. (1.0 điểm)
Câu 3: Bài ca dao trên đã gợi cho em những suy nghĩ gì về tình mẹ đối với con. Trình bày suy nghĩ bằng đoạn văn ngắn từ 2 đến 3 câu. (1.0 điểm)

* Hướng dẫn trả lời:

Câu a: Nội dung ý nghĩa: Lòng yêu thương, đức hi sinh của mẹ dành cho con. Mẹ làm tất cả vì con, mong con nên người mà không quản ngại gian lao.

Câu b:

– Thành ngữ:

+ “buôn tảo bán tần”
+ “trái gió trở trời”

(Học sinh nêu được 1 trong 2 thành ngữ trên).

– Tác dụng: nhấn mạnh nỗi cơ cực, đức hi sinh cao cả của mẹ dành cho con cái.

Câu c:

– Suy nghĩ: Bài ca dao trên đã gợi cho em những suy nghĩ:

+ Mẹ cam chịu vất vả, gian lao chỉ mong con khôn lớn. Mẹ dành trọn cuộc đời cho con.
+ Tình mẹ là tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất trong cuộc đời này.
+ Bổn phận làm con là phải biết kính yêu, hiếu thảo với cha mẹ; không làm điều sai trái khiến cha mẹ buồn lòng.

– Học sinh viết thành đoạn văn ngắn (2 đến 3 câu), trình bày được 2 trong 3 ý trên.


Đề bài 4:

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng.
Chập chờn sống lại những ngày không.

Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời,
Lúc Người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng Me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.”

(Trích Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 1999, tr 288)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ?
Câu 2. Điều gì đã gợi cảm hứng khiến thi nhân nhớ về người mẹ của mình?
Câu 3. Hình ảnh nét cười đen nhánh gợi ấn tượng nào của nhân vật trữ tình về người mẹ?
Câu 4. Kỉ niệm riêng của Lưu Trọng Lư gợi trong anh/chị xúc cảm gì về một người thân yêu nhất của mình?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang