de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-tinh-than-lac-quan

Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề tinh thần lạc quan

Chủ đề tinh thần lạc quan

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Nước Đức trở thành một đống hoang tàn sau Thế chiến thứ hai. Khi ấy, có hai người Mĩ đến hỏi chuyện một người dân Đức vẫn đang sống dưới hầm trú đạn. Sau khi đi khỏi, hai người đã có cuộc trò chuyện với nhau trên đường.
Một người hỏi:
– Anh nghĩ người Đức có thể tái thiết đất nước hay không?
Người kia trả lời:
– Họ hoàn toàn có thể.
– Sao anh có thể khẳng định như thế? Thay vì câu trả lời, bạn anh hỏi ngược lại:
– Anh có nhìn thấy họ đặt thứ gì trên bàn dưới tầng hầm u tối đó không?
– Một bình hoa.
– Phải, trong hoàn cảnh khốn khó mà vẫn không quên hoa tươi, tôi tin chắc họ có thể xây dựng lại đất nước từ đống hoang tàn.
Còn giữ lấy một bông hoa trong ngục tối tức là còn nuôi dưỡng chút niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp. Ngỡ là hão huyền nhưng trong lúc khó khăn nguy cấp nhất, đó chính là động lực để thúc đẩy con người vượt qua sự nghiệt ngã của đời sống. Chỉ cần không nhụt chí, vẫn giữ được tinh thần lạc quan cởi mở, thì ta có thể trèo lên khỏi vực thẳm. Thái độ tích cực chính là dòng suối mát lành và ánh sáng hi vọng.

(Trích Hạt giống tâm hồn – nghệ thuật sáng tạo cuộc sống, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr. 136)

Câu 1. Trong câu chuyện trên, hai người Mĩ một người dân Đức ở đâu?
Câu 2. Tại sao từ chiếc bình hoa dưới tầng hầm, một trong hai người Mĩ lại tin rằng người Đức có thể tái thiết đất nước sau chiến tranh?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: Thái độ tích cực chính là dòng suối mát lành và ánh sáng hi vọng.
Câu 4. Qua câu chuyện trên, anh/chị rút ra bài học gì về thái độ ứng xử trước những khó khăn, thử thách?


Gợi ý trả lời:

Câu 1. Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của hai người Mĩ với người dân Đức đang sống dưới hầm trú đạn.
Câu 2. Từ chiếc bình hoa dưới tầng hầm, một trong hai người Mĩ tin rằng, người Đức có thể tái thiết đất nước sau chiến tranh vì đó là hình ảnh thể hiện sức sống, tinh thần lạc quan, niềm hi vọng vào tương lai.
Câu 3. Biện pháp nghệ thuật: so sánh.
– Tác dụng: tạo nên cách diễn đạt giàu hình ảnh, mang ý nghĩa sâu
sắc.
Câu 4. Học sinh có thể trình bày ý kiến theo nhiều cách nhưng cần diễn đạt theo các mức sau:
– Nêu bài học ứng xử trước khó khăn, thử thách.
– Trình bày lí giải lí do rút ra bài học ấy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang