de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-tinh-yeu-trong-cong-viec-va-hoc-tap

Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề tình yêu trong công việc và học tập

Chủ đề tình yêu trong công việc và học tập

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Đối với những người đã biết đam mê của mình thì mọi thứ rõ ràng hơn. Nhưng đối với những người không biết mình giỏi gì, không biết mình thích gì, thì cần nhiều thời gian. Với những em học sinh, có thể từ từ tìm hiểu chính mình qua các chương trình trắc nghiệm tính cách, các phương pháp tìm hiểu bản thân. Hoặc thử tham gia tương tác trong những môi trường khác nhau, thử học các lớp kĩ năng thuyết trình, lớp học vẽ, lớp nhiếp ảnh sơ đẳng, các khóa học về lập trình, những trò chơi giáo dục. Mục đích là thử tất cả những bộ môn, ngành nghề thực tế khác nhau để xem mình hợp với cái nào nhất, và có ý niệm để tiếp tục đào tạo sâu tìm hiểu nó. Nhưng đối với những người đã ra trường đi làm, đã theo đuổi chuyên môn của mình từ lâu và khá khó để thay đổi ngành nghề, thì làm thế nào bây giờ? Chính đứa em tôi đã đưa ra câu trả lời cho bản thân nó. Một hôm em tôi bảo: Chị à, em đã biết con đường của mình rồi. Em không rõ đam mê của mình. Nhưng trước đây em có hứng thú với công nghệ thông tin. Hứng thú xong thì tìm tòi, tìm tòi xong thì tự làm. Giờ thì em đang làm lập trình và thấy mình cũng khá giỏi, vì mình đã làm quen rồi. Em thấy cái em cần làm là theo đuổi nó, hết mình vì nó, tìm kiếm những điều mình yêu thích trong ngành này. Trở nên xuất sắc trong ngành nghề của mình, thì sau này cũng sẽ đạt được thành tựu, đem lại giá trị cho xã hội.” Tôi nhìn em mình gật gù đồng ý.

Quả thật là câu trả lời cho những vấn đề cuộc sống nằm sâu bên trong tâm hồn mỗi người. Chỉ có mình mới trả lời được câu hỏi của chính mình. Và câu trả lời cho những người như em tôi là: đặt hết tình yêu vào công việc của họ.

(Trích Đam mê là tất cả?, Roise Nguyễn, Tuổi trả đáng giá bao nhiêu?,NXB Hội Nhà Văn, 2017)

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn văn?

Câu 2: Tác giả khuyên những người chưa có đam mê thế nào?

Câu 3: Theo anh/chị, vì sao cần “đặt hết tình yêu vào công việc”?

Câu 4: Theo anh/chị, nên làm gì để có được tình yêu trong công việc và học tập?


* Gợi ý trả lời:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2. Tác giả đưa ra lời khuyên cho hai đối tượng:

– Đối với học sinh: tìm hiểu chính mình qua các chương trình trắc nghiệm tính cách, các phương pháp tìm hiểu bản thân. Hoặc thử tham gia tương tác trong những môi trường khác nhau, thử học các lớp kĩ năng thuyết trình, lớp học vẽ, lớp nhiếp ảnh sơ đẳng, các khóa học về lập trình, những trò chơi giáo dục.

– Đối với người đi làm: cần “đặt hết tình yêu vào công việc”

Câu 3. Cần “đặt hết tình yêu vào công việc” vì:

+ Nếu không muốn thay đổi công việc, tìm niềm vui trong trong công việc là để sống hạnh phúc.

+ Nếu không lựa chọn cần “đặt hết tình yêu vào công việc” thì công việc và cuộc sống sẽ mệt mỏi, nhàm chán.

Câu 4.

– Chú tâm, đào sâu vào điểm mình thích trong công việc để đạt thành tựu. Thành tựu sẽ tiếp thêm tình yêu trong công việc/học tập của bạn.

– Có thái độ tích cực trong công việc/học tập, bớt than vãn, hãy hành động.

– Biến công việc/học tập thành thói quen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang