Đề kiểm tra Học kỳ 1, Ngữ văn 9 (Đề bài 3).

de-kiem-tra-hoc-ky-1-ngu-van-9-de-bai-3

ĐỀ THI HỌC KỲ I
Môn: Ngữ văn 9
Thời gian: 90 phút (không kể thời gian phát đề)

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM):

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Nhìn từ góc độ văn hoá, Truyện Kiều có nội dung sâu sắc, nhiều tầng ý nghĩa phong phú, đa dạng, dào dạt như dòng chảy văn hoá suốt chiều dài lịch sử dân tộc, có nghệ thuật biểu hiện nội dung đạt đến thành tựu rực rỡ, đặc biệt là nghệ thuật vận dụng tiếng Việt và thể thơ lục bát của dân tộc. Truyện Kiều đã kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Tất cả từ Hán Việt và điển cố lấy trong sách vở với lối diễn đạt đài các, quý phái đều được sử dụng phù hợp, đúng người, đúng cảnh với liều lượng đủ để làm rõ những sắc thái tinh tế của cảnh, của tình, của nhân vật và làm rõ những nét tinh vi, tế nhị trong ma trận tình cảm của con người. Lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động, thành ngữ, tục ngữ, cao dao, dân ca được chọn lọc, hài hoà, khéo léo để kết hợp tinh tế, sáng tạo cùng ngôn ngữ bác học đã làm tăng sức biểu cảm cho tác phẩm. Thể thơ lục bát giản dị, dân dã, tinh tế, truyền cảm được Nguyễn Du khai thác triệt để. Bên cạnh đó, nghệ thuật dẫn truyện – tự sự và nghệ thuật miêu tả độc đáo cũng là một trong những thành công lớn của Nguyễn Du. Một vài câu thơ cũng đủ để Nguyễn Du khắc hoạ rõ nét ngoại hình, tính cách của một nhân vật hay vẽ ra một bức tranh phong cảnh hữu tình, sống động, tuyệt mĩ… theo kiểu vẽ mây nẩy trăng, ý tại ngôn ngoại. Nhưng tuyệt chiêu nghệ thuật ngôn từ của Nguyễn Du lại nằm ở nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật, điển hình là miêu tả nội tâm nhân vật Thuý Kiều. Trong văn học cổ và văn học trung đại, Nguyễn Du chiếm vị trí độc nhất vô nhị trong nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.

Nói như Mộng Liên Đường Chủ Nhân: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột… Tố Như Tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trong thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định một đoạn dẫn trực tiếp có trong đoạn trích.

Câu 2. (1.0 điểm) “Trong văn học cổ và văn học trung đại, Nguyễn Du chiếm vị trí độc nhất vô nhị trong nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật”. Em hãy chỉ ra một vài câu thơ miêu tả nội tâm nhân vật trong các đoạn trích đã học.

Câu 3. (1.5 điểm) Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu cảm nhận về một giá trị nổi bậc của Truyện Kiều mà em thích nhất.

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)

Câu 1 (2.0 điểm):

Viết một đoạn văn (khoảng 10 – 15 dòng) nêu suy nghĩ của em về lòng yêu thương con người.

Câu 2 (5.0 điểm):

Đóng vai người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, kể lại chuyến tải hàng vào miền Nam đầy gian khổ, hi sinh những cũng lắm niềm vui, niềm tự hào lớn lao.

 (Bài viết có kết hợp yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm)

————————– Hết ——————————–

(Học sinh không được sử dụng tài liệu, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.