de-thi-ngu-van-khong-chuyen-vao-pho-thong-nang-khieu-nam-2021-2022

Đề thi Ngữ văn (không chuyên) vào Phổ thông Năng khiếu năm 2021 – 2022.

Đề thi Ngữ văn (không chuyên) vào Phổ thông Năng khiếu năm 2021 – 2022.

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM.

Câu 1 (3,0 điểm):

Tiếng dội của xa xôi

Chắc là âm thanh, và những người làm ra những âm thanh đó không biết rằng tiếng dội của nó lại vang xa đến vậy, những mấy chục năm vẫn bền dai.

Nhất là ông già đã rón rén hết sức để đứa cháu gái không thức giấc, cái cửa vẫn kêu khi ông lách mình qua đi ra sông đổ đó*. Mái dầm chách bủm đều từng nhát, tiếng những bẹ lá dừa nước cọ vào be xuồng dần xa. Trong bếp nước đã kêu ấm. Chắc là củi còn ướt nên trên đầu còn lại của thanh củi réo sôi. Bà già châm trà xong, xúc gạo nấu nồi cháo trắng. Một con chuột nào chạy ngang vách bếp, bà già chỉ suỵt đuổi, không rượt theo tới ổ vì sợ gây ồn. Gần sáng luôn là quãng thời gian con nít ngủ ngon.

Những âm thanh đầu ngày khẽ khàng như một người tịnh không dám thở, sau này chẳng hiểu sao chúng lại náo động mỗi khi đứa cháu gái nhớ về. Tiếng dép bà lép xép tới đâu, bóng tối tan ra tới đó…

(Nguyễn Ngọc Tư, Đong yêu thương, Nxb Trẻ, tr.118-119)

* “Đó”: dụng cụ bằng tre, nứa dùng để bắt tôm cá trên sông, trên đồng.

1. Những âm thanh buổi sáng được kể trong văn bản trên: tiếng cửa kêu khi ông lách mình đi ra sông, tiếng mái dầm chách bủm từng nhát, tiếng bẹ lá dừa nước cọ vào be xuồng, tiếng bếp nước kêu ấm, tiếng thanh củi réo sôi, tiếng chuột chạy.

Thí sinh nêu được ít nhất 3 âm thanh trong số trên được 0,5 điểm.

2. Những từ láy được sử dụng trong văn bản trên: rón rén, khẽ khàng, lép xép. Thí sinh nêu được cả 3 từ láy được 0,5 điểm.

3. “Tiếng dội của xa xôi” là một nhan đề gợi mở, chứa đựng nhiều ẩn ý. Trước hết, đó là những âm thanh quen thuộc hàng ngày, những âm thanh tưởng chừng như nhỏ bé, khẽ khàng đã đi sâu vào ký ức tuổi thơ của cháu gái. Đó cũng là âm thanh của tình yêu thương gia đình, nơi mà ông bà luôn cố gắng nhẹ tay, rón rén mỗi sớm mai để giữ yên lặng, để nâng niu giấc ngủ của cháu. Vì thế, sau này mỗi khi nhớ lại, đứa cháu bỗng nghe âm thanh đó vọng về, mang theo nỗi nhớ về ông bà và tuổi thơ yêu thương.

Giải thích được các ý trên, hoặc thêm những ý kiến riêng thuyết phục, thí sinh được 1,0 điểm.

4. Yêu cầu thí sinh viết 5-7 dòng về “âm thanh tuổi thơ” được nhớ nhất. Đó có thể là tiếng gà gáy mỗi sớm, tiếng hát ru của bà, tiếng kể chuyện của mẹ, lời dạy của cha, tiếng rao khuya,… Mỗi thí sinh có thể chọn trình bày về âm thanh riêng mà mình nhớ nhất. Những thí sinh chỉ nói chung chung về kỷ niệm tuổi thơ thì không được trọn số điểm mà tùy vào khả năng diễn đạt sẽ cho điểm, nhưng tối đa 0,5đ.

Hình thức yêu cầu: đoạn văn khoảng 5 – 7 dòng và các câu đúng chính tả, đúng ngữ pháp. Những đoạn văn có diễn đạt lưu loát, thuyết phục được trọn (1.0 điểm).

Câu 2 (3,0 điểm):

“Đại dịch này rồi sẽ đi qua. Nhưng những lựa chọn hiện tại sẽ thay đổi cuộc sống tương lai của chúng ta.” Yual Noah Harari, nhà sử học Do Thái đã viết như thế trong bài báo “Thế giới sau đại dịch Coronavirus” đăng trên tạp chí Financial Times vào tháng 3/2020. Trong bài báo, ông cũng đặt vấn đề liệu mọi thứ sẽ thế nào nếu tất cả các trường đại học và phổ thông đều dạy trực tuyến. Ý kiến trên cảnh báo những thay đổi lớn lao của nhân loại trong nhiều lĩnh vực sau đại dịch Covid-19, trong đó có giáo dục. Là người từng được trải nghiệm việc học trực tuyến do đại dịch, bạn hãy thử hình dung về một thế giới tương lai, nơi trường học đều nằm trên mạng internet và phát biểu suy nghĩ của mình về cái được, cái mất của nhân loại từ hình thái học tập mới này trong một bài nghị luận khoảng một trang giấy.

Đáp án:

Đề bài yêu cầu thí sinh phát biểu suy nghĩ của mình về cái được và cái mất của nhân loại khi triển khai mô hình học tập trực tuyến trong tương lai. Nhìn chung, đây là một đề mở, thí sinh có thể hình dung về trường học trên internet theo nhiều cách khác nhau, đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, miễn là lập luận hợp lý. Bài viết cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:

– Thí sinh nhìn nhận được sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đưa nhân loại đến tình thế bắt buộc phải thay đổi nhiều thói quen và hình thái sống vốn tồn tại lâu dài trong lịch sử và tìm ra hình thái mới phù hợp với tình hình dịch bệnh. Trong đó, giáo dục đã dần chuyển từ việc học trực tiếp sang trực tuyến. Mô hình giáo dục mới này có khả năng sẽ tồn tại và trở thành hình thái chủ đạo ngay cả khi đại dịch kết thúc.

– Thí sinh cần tưởng tượng nền giáo dục giả định trong tương lai sẽ hoàn toàn trên mạng internet, bao gồm việc học, tương tác, kiểm tra, thi cử… Trong hình dung đó, thí sinh bày tỏ quan điểm của mình về cái được và cái mất của nhân loại trong mô hình giáo dục mới này.

– Những điều tích cực việc học trực tuyến mang lại: tiết kiệm thời gian di chuyển; tiết kiệm không gian dạy học; lớp học được tự động hoá nên dễ cho người học tiếp cận; phá vỡ lối học và tư duy truyền thống có thể mở ra những con đường mới, nghề nghiệp mới; nhiều người từ các không gian khác nhau trên thế giới có thể dễ dàng tiếp cận tri thức mà không cần phải đến trường; nếu gặp phải những trường hợp nan giải như đại dịch thì việc giáo dục vẫn được duy trì, không gián đoạn….

– Những cái mất của nhân loại với mô hình học trực tuyến: con người ít có cơ hội tương tác với nhau trong thế giới thực, điều này có nhiều ảnh hưởng không tốt đến tâm lý con người; nhân loại sẽ bị phụ thuộc tuyệt đối vào công nghệ, dẫn đến nhiều rủi ro bị kiểm soát bởi các thế lực xấu; khi xem mạng internet là toàn bộ thế giới của mình, từ học hành, làm việc đến kết giao. , con người dễ thu mình lại trong không gian vật lý nhỏ hẹp, cảm thấy xa lạ với thế giới tự nhiên, mất cân bằng trong tâm lý; học trực tuyến có thể hiệu quả về mặt tiếp cận tri thức nhưng sẽ không hiệu quả trong việc nâng cao trí tuệ cảm xúc của người học….

– Thí sinh cần liên hệ trực tiếp với kinh nghiệm bản thân trong việc học online để đưa ra các dẫn chứng thuyết phục.

Thang điểm:

– Đạt, tối đa 1.5/3.0 điểm: Thí sinh hiểu vấn đề và đưa ra ý kiến hợp lý, kết cấu bài viết đúng chuẩn, dẫn chứng phù hợp.

– Khá, tối đa 2.5/3.0 điểm: Thí sinh triển khai vấn đề toàn diện, có kiến giải hay, kết cấu bài viết tốt, dẫn chứng phong phú.

– Tốt, tối đa 3.0/3.0 điểm: Ngoài việc đảm bảo được các yêu cầu trên, thí sinh có thêm những ý kiến sâu sắc, độc đáo, thể hiện tầm nhìn rộng và xa về vấn đề học trực tuyến. Khuyến khích các bài viết có văn phong khúc chiết, sắc sảo, phù hợp với thể loại nghị luận xã hội.

Câu 3 (4,0 điểm)

Đề một:

“Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.

(Lý Bạch, Tĩnh dạ tứ, Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, tập một, Nxb Giáo dục, 2016, tr.123)

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”

(Nguyễn Duy, Ánh trăng, Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 tập một, Nxb Giáo dục, 2016, tr.156)

Phân tích hình tượng vầng trăng trong bài thơ Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch và đoạn thơ cuối trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.

Đáp án:

1. Yêu cầu chung:

– Cần hiểu được khái niệm hình tượng nghệ thuật và vai trò của hình tượng nghệ thuật trong một tác phẩm văn học.

– Phân tích được hình tượng vầng trăng cụ thể trong bài thơ và đoạn trích.

– Nhìn ra được vầng trăng là mạch nối kết của hai tác phẩm đề bài để cạnh nhau. Từ đó, có nhận xét riêng về trăng trong thơ, về trăng trong mối liên hệ với con người…

– Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, có cảm xúc. Bố cục bài viết rõ ràng, hợp lý.

2. Yêu cầu cụ thể:

– Mở bài: Thí sinh có thể mở bài bằng cách giới thiệu tác giả- tác phẩm, bàn về trăng trong thơ ca, hoặc bất cứ cách nào có thể dẫn dắt được vấn đề đã nêu ở đề bài.

– Thân bài:

+ Giải thích khái niệm hình tượng và vai trò của hình tượng trong tác phẩm văn học. Hình tượng nghệ thuật là thực thể khách quan (con người, sự vật, thiên nhiên…) được nhà văn tái hiện lại trong tác phẩm và trao cho chúng một đời sống mới, thông qua đó nhà văn gửi gắm tình cảm, nỗi niềm và tư tưởng của mình. Hình tượng nghệ thuật là cửa vào để khám phá tác phẩm văn học.

+ Hình tượng vầng trăng trong Tĩnh dạ tứ: Vầng trăng gắn liền với ký ức về cố hương. Trăng được miêu tả như màu bãng lãng của sương khói càng tạo không gian cho ký ức tái hiện. Nhà thơ nhầm giữa trăng và sương, giữa trăng đất khách, với trăng quê nhà, trăng xưa và trăng nay. Cách viết như vậy làm nổi bật nỗi nhớ của Lý Bạch, tình cảm của Lý Bạch dành cho quê hương.

+ Hình tượng vầng trăng trong đoạn cuối Ánh trăng: Vầng trăng “tròn vành vạnh”, “im phăng phắc” ở đoạn cuối là tấm gương để chủ thể trữ tình soi lại bản thân, là kết tinh của ký ức, của lương tri trong cuộc đối thoại với con người. Để vầng trăng của đoạn cuối trở nên như vậy, cần phải tóm lược lại mối quan hệ giữa trăng và chủ thể trữ tình trong suốt bài thơ: trăng là tri kỷ thời ấu thơ ở đồng, sông, bể; trăng là tri kỷ thời đi lính ở rừng; trăng thành người dưng khi về thành phố với ánh điện, cửa gương. Trăng không còn là khách thể, trăng trở thành hình tượng tác giả gửi gắm nỗi niềm.

+ Nhận xét mở rộng: Thí sinh cần thấy được trăng là điểm chung của hai đoạn thơ trên. Thí sinh có thể so sánh hai vầng trăng, mối liên hệ giữa con người và trăng trong hai bài thơ trên; lý giải vì sao trăng lại gắn bó với con người như vậy; vì sao trăng đã luôn là hình tượng nghệ thuật trong thơ ca. Thí sinh cũng có thể từ đó bàn đến mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, con người nên bầu bạn với thiên nhiên, là một phần của thiên nhiên…

– Kết bài: Tổng kết lại những vấn đề đã trình bày trong bài.

Thang điểm:

– Đạt, tối đa 2.0/4.0 điểm: Thí sinh phân tích được hình tượng vầng trăng theo yêu cầu của đề. Bố cục bài viết đủ các phần cơ bản.

– Khá, tối đa 3.0/4.0 điểm: Thí sinh giải thích được khái niệm hình tượng nghệ thuật, phân tích được hình tượng vầng trăng trong hai văn bản, có ý thức về việc nhận xét mở rộng. Bố cục hợp lý, diễn đạt trôi chảy.

– Tốt, tối đa 4.0/4.0 điểm: Ngoài việc đảm bảo được các yêu cầu trên, thí sinh cho thấy kiến thức lý luận văn học, trình bày được ý kiến riêng, có khả năng cảm thụ văn học tốt. Bố cục bài viết hợp lý, có sáng tạo, văn có cá tính riêng.

Đề hai:

Tác phẩm văn học đem lại cho người đọc nhiều lợi ích, trong đó có niềm vui của sự hiểu biết. Bạn suy nghĩ gì về nhận định trên? Dẫn chứng qua những tác phẩm văn học cụ thể đã học hoặc đọc thêm.

Đáp án:

Thí sinh cần thực hiện được 2 yêu cầu chính:

1. Trình bày suy nghĩ về nhận định đã nêu trong đề: “Tác phẩm văn học đem lại cho người đọc nhiều lợi ích, trong đó có niềm vui của sự hiểu biết”.

2. Phân tích, chứng minh qua một hoặc nhiều tác phẩm văn học cụ thể, qua đó cho thấy tác phẩm văn học đã mang đến niềm vui của sự hiểu biết.

Đối với yêu cầu 1, thí sinh cần trình bày được hai vấn đề sau:

– Giải thích nhận định: “Tác phẩm văn học mang lại nhiều lợi ích”. Nhận định này nói về chức năng, tác dụng của văn học đối với xã hội và con người.

– Tác phẩm văn học đem đến chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ, chức năng giải trí, giao tiếp… cho người đọc.

– Trong đó, một trong những lợi ích tiêu biểu của văn học là tác dụng về nhận thức, đó là sự hiểu biết về vũ trụ, về thế giới tự nhiên, về xã hội, về số phận và đời sống nội tâm của con người,…

– Mỗi tác phẩm văn học đều mang đến cho người đọc một sự hiểu biết nhất định về cuộc sống xung quanh hoặc về lịch sử xã hội. Ví dụ, với tác phẩm Làng, người đọc hiểu được tinh thần kháng chiến, tình yêu làng thống nhất với tình yêu nước của người nông dân thời kỳ chống Pháp… Đọc tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá, độc giả hiểu thêm về cuộc sống lao động trên biển, vẻ đẹp của biển khơi, đất trời, vẻ đẹp của ngư dân…

– Sự hiểu biết này mang lại niềm vui, sự thích thú bởi tác phẩm văn học giúp người đọc khám phá được những điều mới lạ, mở mang trí tuệ, từ đó vun bồi lòng tự tin, lòng yêu cuộc sống. Người đọc cũng cảm thấy hài lòng, hạnh phúc bởi từ sự hiểu biết cuộc sống, họ rút ra được những thông điệp, những bài học cho cuộc đời chính mình.

* Nhìn chung, đây là một câu hỏi mở, thí sinh có thể nêu ra những quan điểm khác nhau về niềm vui hiểu biết từ tác phẩm văn học. Người chấm khuyến khích những ý tưởng riêng của thí sinh, dẫu khác đáp án nhưng vẫn thuyết phục.

Đối với yêu cầu 2, thí sinh cần chọn và phân tích một hoặc nhiều tác phẩm văn học cụ thể: tác phẩm trong chương trình học, hoặc tác phẩm ngoài chương trình mà thí sinh tự đọc thêm. Qua những dẫn chứng này, thí sinh cần chứng minh được sự hiểu biết rút ra từ tác phẩm.

Thang điểm:

– Đạt, tối đa 2.0/4.0 điểm: Thí sinh hiểu, giải thích, phân tích được vấn đề.

– Khá, tối đa 3.0/4.0 điểm: Thí sinh phân tích sâu sắc nhận định trên, lập luận thuyết phục, giới thiệu và phân tích được tác phẩm văn học cụ thể, làm rõ nhận định về sự hiểu biết rút ra từ tác phẩm đó.

– Tốt, tối đa 4.0/4.0 điểm: Ngoài việc đảm bảo được các yêu cầu trên, thí sinh cho thấy kiến thức lý luận văn học vững vàng, trình bày được những suy nghĩ riêng về việc đánh giá tác phẩm văn học. Thí sinh mở rộng vấn đề, dẫn chứng phong phú, thể hiện được văn phong tinh tế.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang