Đề thi Ngữ văn (không chuyên) vào Phổ thông Năng khiếu năm 2020 – 2021

de-thi-ngu-van-khong-chuyen-vao-pho-thong-nang-khieu-nam-2020-2021

Đề thi Ngữ văn (không chuyên) vào Phổ thông Năng khiếu năm 2020 – 2021.

Trường THPT Phổ Thông Năng Khiếu
– Đại học Quốc Gia Hồ Chí Minh –
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10
NĂM HỌC: 2020 – 2021
Môn: Ngữ văn (không chuyên)
Ngày thi: 12/7/2020

Câu 1 (3,0 điểm):

“Do tình cờ, trước khi bước vào Sơn Đoòng, tôi đang nghĩ về một mẫu người trong cuộc tiếp xúc Đông Tây suốt mấy trăm năm qua (1). Ấy là mẫu những nhà khai sáng xuyên qua những rào cản cố hữu của đời này (2). Họ là những tri thức có tình yêu con người vô sở cầu, vô bờ bến (3). Nhờ họ mà sự tăm tối ở chốn này được đẩy lùi, sự dã man ở nơi kia được giảm thiểu (4). Đường biển quốc gia không cản được chân họ, giới hạn quê hương không nhất được lòng họ và đời họ (5). Họ thuộc về nhân loại khổ đau (6). Họ thuộc về nhân loại tiến bộ (7).

(Chu Văn Sơn, “Sơn Đoòng, Tự tình cùng cái đẹp, Nxb Hội Nhà văn, 2019, trang 119)

1. Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là gì? (0,5 điểm)
2. Xác định chủ đề của văn bản trên. (0,5 điểm)
3. Từ “vô sở cầu” trong câu (3), “giảm thiểu” trong câu (4) nghĩa là gì? (0,5 điểm)
4. Từ “Ấy” trong câu (2) thuộc từ loại gì và thay thế cho cái gì trong câu trước đó?(0,5 điểm)
5.  Câu (6) và câu (7) sử dụng thủ pháp nghệ thuật gì? Nêu ý nghĩa của thủ pháp đó (0,5 điểm). Theo anh chị hai câu này có mâu thuẫn nhau hay không? (0,5 điểm)

Câu 2 (3,0 điểm):

Trong văn bản trên, Chu Văn Sơn viết về Howard Limbert, chuyên gia đến từ Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, người dành cho Sơn Đoòng một tình yêu lớn. Chu Văn Sơn cũng nhắc đến Alexandre de Rhodes, nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã có công hình thành chữ Quốc ngữ, Victor Tardieu, họa sĩ Pháp sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương; Yersin, nhà y học Thụy Sĩ tìm ra vaccine phòng dịch hạch, lập ra Viện Pasteur Nha Trang,…

Từ cảm hứng đó, anh/chị hãy viết một bài nghị luận nói về những nhà trí thức không biên giới – những người đem lại ánh sáng tri thức cho con người, giúp con người thoát khỏi tăm tối, ngu dốt, bệnh tật,… đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới ngày nay.

Câu 3 (4,0 điểm): Chọn một trong hai đề sau:

Đề một:

“Có thể nói, trong cái lặng lẽ của mây trời Sa Pa, Nguyễn Thành Long đã vẽ nên chân dung của những niềm yêu sống, luôn rạo rực, luôn sinh sôi. Anh thanh niên làm công tác khí tượng, cô kĩ sư trẻ, ông họa sĩ già, cả bác lái xe, đều là những con người hạnh phúc. Họ hạnh phúc bởi họ được làm những việc mà họ yêu thích, tiếp xúc với những con người mà họ cảm mến, phấn đấu cho lí tưởng mà họ lựa chọn. Cả tác phẩm là một niềm vui, cái lặng lẽ của thiên nhiên cũng như cái im lặng của con người không khuất lấp được niềm vui rạo rực, sinh sôi ấy”.

(Đoàn Ánh Dương, “Lặng lẽ Sa Pa – lặng lẽ mà trỗi sống”, Tạp chí Nhà văn số 4/2013)

Anh/ chị có cho rằng những nhân vật trong truyện là những con người hạnh phúc? Hãy chọn một nhân vật để phân tích. Trong thời đại ngày nay, anh/ chị có lựa chọn hạnh phúc theo cách của nhân vật trong truyện hay không?

Đề hai:

Cảm thụ của người đọc đa dạng và thay đổi qua thời đại. Theo anh/ chị, như thế nào là một tác phẩm hay?

Hãy đưa ra nhận định và phân tích qua một tác phẩm văn học cụ thể.

———- Hết ———-

ĐÁP ÁN THAM KHẢO.

Câu 1 (3,0 điểm):

1. Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là nghị luận

2. Chủ đề của văn bản trên:  những nhà trí thức không biên giới – khai sáng xuyên qua những rào cản cố hữu.

hoặc: sứ mệnh và vai trò của những người dẫn đường, người tri thức đối với nhân loại.

3.

– Vô sở cầu nghĩa là làm gì đó mà không xuất phát từ tâm truy cầu, không phải vì danh lợi mà làm.

– “giảm thiểu” là giảm đến mức thấp nhất (có thể được).

4. Ấy” thuộc từ loại là đại từ.

“Ấy” thay thế cho “một mẫu người ….. ”.

5.

– Câu (6) và câu (7) sử dụng biện pháp điệp cấu trúc “họ thuộc về nhân loại …” có ý nghĩa nhấn mạnh vào chủ thể và tạo nhịp điệu cho đoạn văn, giúp người đọc hình dung rõ hơn về “họ” – những nhà tri thức.

– Theo anh chị hai câu này có mâu thuẫn nhau hay không? – Nêu quan điểm cá nhân của em!

Gợi ý: 2 câu không có sự mâu thuẫn mà nó còn bổ trợ, làm sáng rõ nhau.

Câu 2 (3,0 điểm):

Yêu cầu về hình thức: một bài nghị luận có đầy đủ bố cục 3 phần (mở – thân – kết).

Nội dung bàn luận: nói về những nhà trí thức không biên giới – những người đem lại ánh sáng tri thức cho con người, giúp con người thoát khỏi tăm tối, ngu dốt, bệnh tật,… đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới ngày nay.

Gợi ý nội dung:

“Trí thức” lại là “người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”.

– Người có trí thức là người đã tích lũy được một lượng tri thức đủ lớn để làm việc và sáng tạo trong lĩnh vực mà mình am hiểu.

– Những nhà trí thức không biên giới – những người đem lại ánh sáng tri thức cho con người, giúp con người thoát khỏi tăm tối, ngu dốt, bệnh tật,… đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới ngày nay- là những người đem tài năng – trí tuệ của bản thân để góp phần xây dựng xã hội, thúc đẩy sự tiến bộ, tạo cảm hứng và góp phần lan tỏa tới tất cả mọi người.

– Thực trạng:

+ Họ là những con người sắn sàng cống hiến, góp phần phát triển xã hội. Họ bỏ ra thời gian, sức lực để nghiên cứu, tìm tòi, khám phá những giá trị mới đem lại lời ích cho cuộc sống của toàn nhân loại.

+ Là lực lượng lao động nòng cốt, kế thừa và phát huy những thành tựu của nhân loại.

– Phản đề: có những người trí thức có tài năng nhưng lại tự kiêu, tự mãn, không muốn bỏ công sức, trí lực của mình để giúp ích cho đời.

Câu 3 (4,0 điểm):

Đề một:

Lưu ý:

– Truyện đưa ra 4 nhân vật: bác lái xe, ông hoạ sĩ, cô kỹ sư mới ra trrường và anh thanh niên ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét.

– Anh thanh niên là nhân vật chính của truyện, nhân vật này không xuất hiện ngay từ đầu truyện mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật kia với anh, khi xe của họ dừng lại nghỉ. Nhân vật ấy chỉ hiện ra trong chốc lát, đủ để các nhân vật khác kịp ghi nhận một ấn tượng, một ký hoạ chân dung về anh rồi dường như anh lại khuất lấp trong mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thủa của núi cao Sa Pa. Nhân vật anh thanh niên hiện ra để mọi người cảm nhận được rằng: “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ Kỹ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”.

– Nhân vật anh thanh niên được hiện ra sự nhìn nhận, suy nghĩ, đánh giá của các nhân vật khác: bác lái xe, ông hoạ sỹ, cô gái. Qua cách nhìn và cảm xúc của mỗi người, hình ảnh anh thanh niên thêm rõ nét và đáng mến hơn.

Đề hai:

Lưu ý:

– Cảm thụ là cảm nhận, thụ hưởng những giá trị, tư tưởng sâu sắc được gửi gắm thông qua các tác phẩm.

– Cảm thụ của người đọc đa dạng và thay đổi qua thời đại là một nhận định đúng đắn, nó cho thấy những khía cạnh mà người đọc có thể tiếp nhận thông qua văn học sẽ đa dạng và thay đổi qua mỗi thời kì.

– Một người đọc sẽ có những cảm thụ về một tác phẩm khác nhau, nó do nhiều yếu tố như bối cảnh, thời gian, tư duy,…

– Một văn bản được xem là tác phẩm văn học phải đầy đủ 2 phương diện về cả nội dung và hình thức.

+ Nội dung cần phải có sự kết hợp giữa thế giới khách quan, thái độ, tình cảm chủ quan của tác giả, qua đó phản ánh xã hội theo góc nhìn của tác giả.

+ Hình thức: ngôn từ nghệ thuật là một chất liệu độc đáo mà mỗi tác phẩm đều có nét riêng, sự sinh động và ấn tượng mà nó tạo ra chính là điểm nhấn trong tác phẩm.

– Một tác phẩm hay PHẢI có đủ giá trị về cả nội dung và hình thức. Nó nhất định phải mang lại xúc cảm cho người đọc, khơi gợi tư tưởng tích cực trong lòng người đọc. Mặt khác, một tác phẩm văn học hay cần được tạo dựng trên sự kết nối với đọc giả, qua đó có thể giải đáp tác phẩm đa chiều hơn.

– Chọn và phân tích một tác phẩm văn học cụ thể, bám sát nhận định đã đưa ra.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.