giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet-sgk-ngu-van-12-tap-1

Văn bản: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt – SGK Ngữ văn 12, tập 1

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

I – SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT

Như nhiều ngôn ngữ trên thế giới, trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, tiếng Việt đã đạt được phẩm chất trong sáng, nhưng yêu cầu giữ gìn sự trong sáng vẫn luôn luôn cần đặt ra.

Sự trong sáng của tiếng Việt được biểu hiện qua một số phương diện cơ bản sau:

1. Tiếng Việt có hệ thống chuẩn mực, quy tắc chung về phát âm, chữ viết, về dùng từ, đặt câu, về cấu tạo lời nói, bài văn,… Những chuẩn mực, quy tắc đó là cơ sở cho việc thể hiện rõ ràng, mạch lạc nội dung tư tưởng, tình cảm của mỗi người và cho việc lĩnh hội được đầy đủ, chính xác những nội dung truyền đạt của người khác. Hệ thống chuẩn mực, quy tắc đó có tính đặc thù của tiếng Việt, mang bản sắc và tinh hoa của tiếng Việt. Sự trong sáng của tiếng Việt trước hết bộc lộ ở chính hệ thống các chuẩn mục và quy tắc chung, ớ sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc đó. Nói hoặc viết đúng chuẩn mực, đúng quy tắc của tiếng Việt sẽ đảm bảo được sự trong sáng của lời nói. Ngược lại, nói hoặc viết sai quy tắc, sai chuẩn mực là không trong sáng.

Ví dụ, so sánh ba câu sau đây:

a) Tình cảm của tác giả đối với non sông đất nước, đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài tuy xa nhưng vẫn nhớ về Tổ quốc.

b) Đó là tình cảm của tác giả đối nới non sông đất nước, với đồng bào trong nước bà kiều bào ở nước ngoài – những người tuy ở xa nhưng vẫn nhớ về Tổ quốc.

c) Tình cảm của tác giả đối với non sông đất nước, với đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài – những người tuy ở xa nhưng vẫn nhớ về Tổ quốc – thật là sâu nặng.

Ta thấy:

Câu (a) diễn đạt không rõ nội dung: vừa thiếu ý (tình cảm của tác giả như thế nào?), vừa không mạch lạc (bộ phận “tuy xa nhưng vẫn nhớ về Tổ quốc” được chắp nối vào cuối câu mà không xác định rõ quan hệ với các bộ phận ở trước) Do đó câu (a) là một câu không trong sáng. Còn hai câu (b) và (c) diễn đạt rõ nội dung; quan hệ giữa các bộ phận trong câu mạch lạc. Vì thế, hai câu (b) và (c) là những câu trong sáng.

Có thể nói, qua hàng ngàn năm phát triển, tiếng Việt đã xác lập được một hệ thống chuẩn mực và quy tắc thuộc các phương diện khác nhau. Hệ thống đó làm nên phẩm chất trong sáng của tiếng Việt và là cơ sở cho mọi hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ.

Mặt khác, chuẩn mực không phủ nhận những sự chuyển đổi linh hoạt và sáng tạo, không phủ nhận cái mới, miễn là cái sáng tạo, cái mới phù hợp với quy tắc chung. Chẳng hạn, Nguyễn Duy đã sáng tạo rất nhiều khi viết về cây tre:

Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con.

(Tre Việt Nam)

Nhưng những sáng tạo trong việc sử dụng các từ lưng, áo, con,… không nằm ngoài quy tắc chuyển nghĩa của từ theo phép ẩn dụ nên vẫn diễn tả được ý. tình của tác giả và làm cho người đọc, người nghe lĩnh hội, rung động với những ý tưởng, cảm xúc đó. Hoặc trong câu văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Chúng tắm các cuộc khói nghĩa của ta trong những bể máu”.

(Tuyên ngôn Độc lập)

Từ tắm gã được sử dụng với một nghĩa mới và những đặc điểm ngữ pháp mới so với ý nghĩa và đặc điểm vốn có của nó. Song người đọc vẫn lĩnh hội được rõ ràng nội dung tư tưởng và tình cảm biểu hiện trong câu văn bởi sự sử dụng sáng tạo đó phù hợp với quy tắc chuyển hoá của từ về ý nghĩa và đặc điểm ngữ pháp. Đồng thời, chính những sự sáng tạo, những phép tu từ như thế làm cho lời nói chẳng những sáng rõ về ý mà còn “trong trẻo” về lời. Như vậy, những sự chuyển đổi, sáng tạo trong việc sử dụng tiếng Việt vẫn đảm bảo sự trong sáng khi chúng được thực hiện theo những quy tắc chung của tiếng Việt.

2. Sự trong sáng không dung nạp tạp chất. Do đó, sự trong sáng của tiếng Việt không cho phép pha tạp, lai căng, nghĩa là không cho phép sử dụng tuỳ tiện, không cần thiết những yếu tố của ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, nếu trong tiếng Việt không có yếu tố nào đó để biểu hiện thì có thể vay mượn từ tiếng nước ngoài. Sự vay mượn như thế thường diễn ra ở mọi ngôn ngữ và là cần thiết vì nó làm phong phú cho từng ngôn ngữ.

Ví dụ, tiếng Việt đã mượn nhiều thuật ngữ chính trị và khoa học từ tiếng Hán, tiếng Pháp, hoặc ngôn ngữ khác như: chính trị, cách mạng, dân chủ, độc lập nhân đạo, ôxi, cacbon, elip, von,…

Nhưng, trên sách báo tiếng Việt hiện nay, có nhiều trường hợp lạm dụng tiếng nước ngoài trong khi tiếng Việt có từ ngữ tương xứng. Có những người thích dùng các từ: computer (máy vi tính producer (nhà sản xuất), manager (người quản lí), paparazzi (thợ săn ảnh), mobile phone (điện thoại di động), superstar (siêu sao), card (thẻ), classic (cổ điển),… thay vì dùng từ ngữ tiếng Việt (trong ngoặc đơn).

Ví dụ: Các superstar thích dùng mobile phone loại xịn.

Việc lạm dụng tiếng nước ngoài như thế làm tổn hại sự trong sáng của tiếng Việt.

Ngay từ năm 1947, trong cuốn Sửa đối lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng có mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta”.

Như vậy, sự trong sáng của tiếng Việt không chấp nhận những yếu tố lai căng, pha tạp trong khi vẫn dung hợp những yếu tố tích cực đối với tiếng Việt.

3. Sự trong sáng của tiếng Việt còn được biểu hiện ở tính văn hoá, lịch sự của lời nói. Nói năng thô tục, thiếu văn hoá, bất lịch sự tức là làm cho tiếng Việt mất đi vẻ trong sáng vốn có của nó.

Người xưa đã có câu “Người thanh tiếng nói cũng thanh”. Sự trong sáng trong lời nói chính là thể hiện vẻ thanh lịch, nét văn hoá của con người.

Ví dụ, trong đoạn hội thoại sau, hai nhân vật tuy sống thiếu thốn, vất vả nhưng qua lời nói, mỗi người vẫn thể hiện một sự ứng xử văn hoá, lịch sự:

Lão cười và ho sòng sọc. Tôi nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo:

– Chằng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào… Thế là sung sướng.

– Vâng! Ông giáo dạy phải! Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.

Lão nói xong lại cười đưa đà. Tiếng cười gượng nhưng nghe đã hiền hậu lại. Tôi vui lẽ bảo:

– Thế là được, chứ gì? Vậy cụ ngồi xuống đây, tôi đi luộc khoai, nấu nước.

– Nói đùa thế, chứ ông giáo cho để khi khác…

– Việc gì còn phải chờ khi khác?… Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại Cụ cứ ngồi xuống đây! Tôi làm nhanh lắm…

– Đã biết, nhưng tôi còn muốn nhờ ông một việc…

(Nam Cao, Lão Hạc)

* Ghi nhớ:
Sự trong sáng là một phẩm chất của tiếng Việt. Phẩm chất đó được biểu hiện ở những phương diện chủ yếu như: tính chuẩn mực, có quy tắc của tiếng Việt; sự không lai căng, pha tạp và tính lịch sự, văn hoá trong lời nói,…

II – TRÁCH NHIỆM GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam, trong đó có tầng lớp học sinh, sinh viên – những người thường xuyên sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp xã hội, trong học tập, nghiên cứu và trong các hoạt động nghề nghiệp sau này. Công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đòi hỏi mọi người phải có những nỗ lực về các phương diện: tình cảm, nhận thức, hành động.

1. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trước hết đòi hỏi phải có tình cảm yêu mến và ý thức quý trọng tiếng Việt. Mỗi người cần thấm nhuần sâu sắc nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc: Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Mỗi âm thanh, mỗi từ ngữ, mỗi quy tắc trong tiếng Việt,… đều là di sản quý báu mà bao đời cha ông ta đã để lại. Di sản đó giúp cho mỗi người chúng ta có hiểu biết, có nhân cách, đồng thời nuôi dưỡng cho cả dân tộc trường tồn và phát triển. Cho nên muốn giữ gìn được phẩm chất trong sáng của di sản quý báu đó, cần có một tình yêu sâu sắc, lớn lao đối với di sản.

2. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng đòi hỏi mỗi người còn có những hiểu biết cần thiết về tiếng Việt. Đó là những hiểu biết về chuẩn mực và quy tắc của tiếng Việt ở các phương diện phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, tạo lập văn bản, tiến hành giao tiếp,… Các chuẩn mực và quy tắc đó, như đã biết, thể hiện sự trong sáng của tiếng Việt và là cơ sở để xác định phẩm chất trong sáng của lời nói.

Muốn có hiểu biết, cần tích luỹ kinh nghiệm từ thực tế giao tiếp, từ sự trau dồi vốn ngôn ngữ qua sách báo hoặc qua việc học tập ở nhà trường. Câu châm ngôn “Học ăn, học nói, học gói, học mở” cho thấy tầm quan trọng của việc “học nói”. Có thể tìm hiểu và học hỏi tiếng Việt ở mọi nơi, mọi lúc mà tiếng Việt được sử dụng. Trước một cách nói mới như “bệnh viện máy tính” (chỉ nơi xem xét và sửa chữa máy vi tính), có thể nhận thấy từ “bệnh viện” đã có một nghĩa mới do sự chuyển nghĩa theo quy tắc chung là ẩn dụ. Cách nói đó vừa mới, vừa thú vị mà vẫn trong sáng do tuân thủ quy tắc sử dụng trong tiếng Việt.

3. Công cuộc giữ gìn sự trong sáng cửa tiếng Việt đòi hỏi trách nhiệm cao của mỗi người trong chính hoạt động sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp (nói hoặc viết). Hoạt động sử dụng tiếng Việt yêu cầu tuân thủ đúng các chuẩn mực và quy tắc ngôn ngữ (tiếng Việt). Nói, viết đúng chuẩn mực, quy tắc là điều đầu tiên đảm bảo cho sự trong sáng. Những cách nói “hơi bị đẹp” hoặc viết “vá 9” (thể hiện cách vá săm xe có dùng lửa: vá chín),… trong giao tiếp hiện nay chỉ là những cách nói vui nhộn hoặc viết tắt không đúng chuẩn mực và không thể coi là trong sáng. Chỉ có những sự sử dụng mới, sáng tạo riêng nhưng tuân theo quy tắc chung mới đảm bảo yêu cầu trong sáng (như từ “bệnh viện” trong “bệnh viện máy tính” đã dẫn ở trên.

Sự trong sáng của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng, như đã nói, không cho phép pha tạp, lai căng, tuy vẫn cần tiếp nhận những yếu tố tích cực của tiếng nước ngoài. Đồng thời cũng cần tránh những cách nói thô tục, kệch cỡm, để cho lời nói đạt mức độ “lời hay, ý đẹp” và có văn hoá.

* Ghi nhớ: Muốn đạt được sự trong sáng khi sử dụng tiếng Việt, mỗi cá nhân cần có tình cảm quý trọng, có hiểu biết về tiếng Việt, có ý thức và thói quen sử dụng tiếng Việt theo các chuẩn mực, các quy tắc chung, sao cho lời nói vừa đúng, vừa hay, vừa có văn hoá.

II. LUYỆN TẬP

1. Phân tích tính chuẩn xác trong việc sử dụng từ ngữ của Hoài Thanh và Nguyễn Du khi chỉ ra nét tiêu biểu về diện mạo hoặc tính cách các nhân vật trong Truyện Kiều.

[…] Nhưng trong Truyện Kiều còn có bao nhiêu người khác. Có chàng Kim, con người rất mực chung tình, có Thuý Vân, cô em gái ngoan, có Hoạn Thư, người đàn bà bản lĩnh khác thường, biết điều mà cay nghiệt, có Thúc Sinh, anh chàng sợ vợ, có Từ Hải chợt hiện ra, chợt biến đi như một vì sao lạ, mỗi người một cá tính khó quên. Đối với bọn nhà chứa, ngòi bút Nguyễn Du không tò mò, Nguyễn Du ngại bới ra những gì quá dơ dáy, Nguyễn Du chỉ ghi vội vài nét. Nhưng chỉ vài nét cũng đủ khiến cả cái xã hội ghê tởm đó sống nhơ nhúc dưới ngòi bút Nguyễn Du tới cái màu da “nhờn nhợt” của Tú Bà, cái bộ mặt “mày râu nhẵn nhụi” của Mã Giám Sinh, cái kẻ “chải chuốt”, “dịu dàng” của Sở Khanh, cái miệng thề “xoen xoét” của Bạc Bà, Bạc Hạnh.

(Theo Hoài Thanh toàn tập, tập 2, NXB Văn học, Hà Nội,1999)

2. Đoạn văn sau của Chế Lan Viên đã bị lược bỏ các dấu câu. Hãy đặt các dấu câu cần thiết vào vị trí thích hợp để đảm bảo sự trong sáng của đoạn văn.

Tôi có lấy ví dụ về một dòng sông dòng sông vừa trôi chảy vừa phải tiếp nhận dọc đường đi của mình những dòng nước khác dòng ngôn ngữ cũng vậy một mặt nó phải giữ bản sắc cố hữu của dân tộc nhưng nó không được phép gạt bỏ từ chối những gì mà thời đại đem lại.

3. Nhận xét về việc dùng từ nước ngoài trong trường hợp sau. Hãy thay những từ ngữ mà anh (chị) cho là lạm dụng bằng từ ngữ tiếng Việt tương xứng.

Chỉ vài ngày sau khi Microsoft vá lỗi nghiêm trọng trong phần mềm xử lí file đồ hoạ, một hacker xưng là “cocoruder” đã công bố chi tiết về hai vắn đề tương tự trong hệ điều hành.

4. Chọn câu văn trong sáng trong những câu văn sau và phân tích sự trong sáng đó.

a) Muốn xoá bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, đòi hỏi chúng ta phải có những kế hoạch cụ thể.
b) Muốn xoá bỏ sự cách biệt giữa thành thịvrà nông thôn, chúng ta phải có những kế hoạch cụ thể.
c) Việc xoá bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn đòi hỏi chúng ta phải có những kế hoạch cụ thể
d) Chúng ta phải có những kế hoạch cụ thể để xoá bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn.

5. Hãy đọc lời quảng cáo sau đây và cho biết từ nước ngoài nào không cần thiết sử dụng vì đã có từ tiếng Việt có ý nghĩa và sắc thái biểu cảm thích hợp với nội dung cần biểu đạt.

Bạn chờ đợi gì trong ngày lễ tình nhân – một ngày hạnh phúc cua những đôi lứa yêu nhau và luôn mong muốn mang đến cho nhau những gì ngọt ngào nhất?

Ca sĩ Quang Vinh, chàng “hoàng tử sơn ca” tiết lộ: “Tôi là con người dễ thường và lãng mạn, hiện tại tôi cũng yêu như thế”. Vậy lãng mạn trong ngày Valentine cua chàng hoàng tử này sẽ như thế nào?

Còn nàng Bảo Thy – “công chúa bong bóng” vẫn luôn mơ về một chàng “bạch mã hoàng tử vậy nàng mong chờ chàng hoàng tử của mình sẽ ra sao trong ngày Tình yêu?


* Soạn bài:

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

I. Sự trong sáng của tiếng Việt

1. Nói hoặc viết đúng chuẩn mực, đúng quy tắc của tiếng Việt

Chuẩn mực không phù nhận những sự chuyển đổi linh hoạt, những sự sáng tạo, không phủ nhận cái mới, miễn là cái sáng tạo, cái mới phù hợp với phương thức chung, quy tắc chung.

2. Không cho phép pha tạp, lai căng một cách tuỳ tiện những yếu tố của một ngôn ngữ khác. Để cho tiếng Việt trong sáng, giàu có và phát triển một mặt cần tiếp thu những tinh hoa trong các ngôn ngữ khác, đồng thời tránh lạm dụng, pha tạp khi không cần thiết.

3. Sự trong sáng của tiếng Việt cũng biểu hiện ở tính văn hoá, lịch sử của lời nói. Nói năng lịch sự, có văn hoá chính là sự biểu lộ sự trong sáng của ngôn ngữ. Ngược lại, nói năng thô tục, thiếu văn hoá, bất lịch sự tức làm cho tiếng Việt mất đi vẻ trong sáng vốn có của nó.

II. Luyện tập

1. Tính chuẩn xác trong việc dùng từ ngữ của Hoài Thanh và Nguyễn Du khi lột tả tính cách các nhân vật trong Truyện Kiều.

Nhân vậtTừ ngữ miêu tảĐặc điểm nhân vật
Kim TrọngRất mực chung tìnhYêu say đắm Thuý Kiều, chung thuỷ trước sau như một. Dù đã có Thuý Vân thay thế nhưng tấm lòng Kim Trọng không khi nào quên được Thuý Kiều, dù nàng đã trải qua bao sóng gió dập vùi nhưng tình yêu của Kim Trọng vẫn mặn mà, đằm thắm.
Thuý VânCô em gái ngoanNhận lời “trao duyên” của Thuý Kiều để chị an lòng trên đường xa vạn dặm.
Hoạn ThưBản lĩnh khác thường, biết điều mà cay nghiệtNgười đàn bà thâm hiểu, luôn biết làm những việc để đạt những mục đích của mình
Thúc SinhSợ vợCon người luôn lép vế, cúi đầu trước vợ (Hoạn Thư). Thúc Sinh yêu Thuý Kiều nhưng không dám bày tỏ với vợ, chứng kiến Hoạn Thư hành hạ Kiều chỉ biết câm lăng, ngâm đắng nuốt cay

2. Đặt lại các dấu câu vào vị trí thích hợp để đảm bảo sự trong sáng của đoạn văn

“Tôi có lấy ví dụ về một dòng sông. Dòng sông vừa phải trôi chảy vừa phải tiếp nhận – dọc đường đi của mình – những dòng nước khác. Dòng ngôn ngữ cũng vậy – một mặt nó phải giữ bản sắc cố hữu của dân tộc nhưng nó không được phép gạt bỏ từ chối những gì mà thời đại đem lại.”

Cách điền khác:

“Tôi có lấy ví dụ về một dòng sông. Dòng sông vừa phải trôi chảy vừa phải tiếp nhận (dọc đường đi của mình) những dòng nước khác. Dòng ngôn ngữ cũng vậy: một mặt nó phải giữ bản sắc cố hữu của dân tộc nhưng nó không được phép gạt bỏ từ chối những gì mà thời đại đem lại.”

3. Nhận xét:

Có sự lạm dụng từ nước ngoài (tiếng Anh).
Các từ lạm dụng là: fan, file, hacker.
Thay thế lần lượt: người hâm mộ, tập tin, tin tặc.

4.

Trong 4 câu a, b, c, d thì câu a không trong sáng do từ đòi hỏi không cần thiết, nếu bỏ từ này thì câu văn sẽ đạt được sự trong sáng.

Ba câu b, c, d là những câu trong sáng do viết đúng ngữ pháp, câu đủ thành phần, diễn đạt trong sáng.

5. Từ nước ngoài không cần thiết sử dụng vì đã có từ Việt thay thế: Valentine (ngày Valentine –> ngày lễ Tình nhân hoặc ngày Tình yêu).

Nghị luận: Ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của học sinh ngày nay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang