hoan-canh-sang-tac-gia-tri-noi-dung-va-nghe-thuat-tap-tho-nhat-ki-trong-tu-nguc-trung-nhat-ki-cua-ho-chi-minh

Hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật tập thơ “Nhật kí trong tù” (Ngục trung nhật kí) của Hồ Chí Minh

Tập thơ “Nhật kí trong tù” (Ngục trung nhật kí) của Hồ Chí Minh.

“Nhật ký trong tù” (nguyên văn chữ Hán: 獄中日記; Hán-Việt: Ngục trung nhật ký) là tập thơ chữ Hán gồm 134 bài theo thể Đường luật do Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc, từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943.  Ngoài ra, phần cuối văn bản là bút ký đọc sách và bút ký đọc báo ghi chép tóm tắt những thông tin quan trọng về chính trị, quân sự, văn hóa quốc tế và Việt Nam đương thời.

I. Hoàn cảnh sáng tác.

a. Bối cảnh lịch sử.

– Ngày 13-8-1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, với danh nghĩa là người đại diện của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) và Phân bộ quốc tế chống xâm lược của Việt Nam, Bác Hồ sang Trung Hoa để gặp nhà đương cục Quốc dân đảng, nhưng thật ra là đi gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

– Ngày 27-8-1942, trên đường đi công tác, vừa tới xã Túc Vinh, thuộc huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây thì Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch Trung Quốc bắt giữ vì bị tình nghi là “Hán gian”. Chúng giam cầm và đày đọa Người rất dã man trong 13 tháng, giải qua giải lại gần 18 nhà giam của 13 huyện

b. Thời gian sáng tác:  từ 29/8/1942 đến 10/9/1943.

c. Mục đích sáng tác:  Trong thời gian bị cầm tù, đặc biệt là 4 tháng đầu, hoàn toàn không có điều kiện hoạt động Cách mạng, Hồ Chí Minh đành làm thơ để giải trí đồng thời để tỏ ý chí và trang trải nỗi lòng:

“Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”.

Suy đến cùng, hành vi sáng tác văn chương cũng chính là một phương tiện phục vụ cho sự nghiệp Cách mạng (trong trường hợp này, thơ là liều thuốc di dưỡng, củng cố tinh thần Cách mạng của Hồ Chí Minh).

2. Quá trình sáng tác.

– Số lượng bài: 134 bài (sau này, năm 1960 trong lần dịch in đầu tiên có đưa thêm vào bài “Tân xuất ngục học đăng sơn” (Mới ra tù tập leo núi).

+ 4 tháng đầu: 103 bài.

+ 9 tháng sau: 31 bài.

→ Như vậy, bốn tháng cực khổ nhất lại là bốn tháng sáng tác nhiều nhất.

3. Thể loại.

– Tên: Ngục trung nhật ký → Đây thực chất là một cuốn nhật ký bởi nó được viết hàng ngày, trong thời gian bị tù đày, ghi lại những sự việc và tâm tình của người viết một cách chân thực để cho chính tác giả đọc.

– Nhưng đặc biệt là ở chỗ tập nhật ký này lại được viết dưới hình thức thơ bằng chữ Hán.

+ 126 bài tứ tuyệt.

+ 8 bài thể thơ khác.

→ Có thể coi đây là tập thơ tứ tuyệt của Hồ Chí Minh.

II. Giá trị của tập thơ.

1. Giá trị nội dung.

a. Bức tranh nhà tù và một phần xã hội Trung Hoa (giá trị hiện thực).

* Hiện thực phản ánh:

– Bộ mặt đen tối của chế độ nhà tù Quốc dân đảng Trung Quốc:

Dẫn chứng:

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc
Giải nguời cảnh trưởng kiếm ăn quanh”.

(Lai tân)

→ Nhà tù là nơi hội tụ của những tệ nạn (đánh bạc, buôn bán, hối lộ…). “Nhật kí trong tù” đã cho thấy sự tha hoá đến cùng cực của bộ máy quản lý nhà tù.

“Không rau, không muối, canh không có,
Mỗi bữa lưng cơm đỏ gọi là;
Có kẻ đem cơm còn chắc dạ,
Không người lo bữa đói kêu cha”.

(Cơm tù)

→ Nhà tù cũng là nơi đày đoạ con người (tù nhân) một cách tàn bạo, vô nhân đạo.

– Một phần xã hội Trung Quốc những năm 1942 – 1943.Trên đường chuyển lao, Hồ Chí Minh đã quan sát khung cảnh xã hội Trung Hoa và phản ánh trung thành hiện thực ấy trong tập Nhật ký của mình:

“Tới đây khi lúa còn con gái,
Gặt hái hôm nay quá nửa rồi;
Khắp chốn nông dân cười hớn hở,
Đồng quê vang dậy tiếng ca vui”.

(Cảnh đồng nội)

→ Phản ảnh đời sống của nhân dân lao động: lúc ấm no, yên bình, lúc khó khăn thiếu thốn, cực nhọc, vất vả.

* Bút pháp phản ánh:

– Tả thực ( VD: Cơm tù)

– Châm biếm với nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau.

b. Bức chân dung tự họa Hồ Chí Minh.

– Tập thơ thể hiện tâm hồn phong phú, cao đẹp của người tù vĩ đại. Về phương diện này, có thể coi “Nhật kí trong tù” như một bức chân dung tự họa con người tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

+ Chân dung Hồ Chí Minh trong tập thơ là hình ảnh nhà ái quốc vĩ đại có dũng khí lớn, nghị lực phi thường và lòng yêu nước thiết tha, lúc nào cũng nóng lòng sốt ruột hướng về Tổ quốc, khát khao tự do, là chiến sĩ cộng sản kiên cường bất khuất. Bị đày đọa trong lao tù, Người vẫn ung dung, tự tại, tràn đầy tinh thần lạc quan.

+ Chân dung Hồ Chí Minh còn là hình ảnh bậc đại nhân có tình thương yêu bao la, thấu hiểu cảnh ngộ của mọi kiếp người, nhạy cảm với niềm vui, nỗi đau của con người.

+ Tâm hồn Hồ Chí Minh nhạy cảm với mọi biến thái của thiên nhiên. Tập “Nhật kí trong tù” bộc lộ cốt cách của một thi nhân, một nghệ sĩ lớn.

→ Bức chân dung của Hồ Chí Minh là bức chân dung của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng mà trong đó đại nhân chính là cái gốc, là cơ sở. Đồng thời ta thấy được sự hoà quyện tuyệt vời giữa chất thép và chất tình trong thơ Bác. Chính nội dung này đã làm nên tính hướng nội của một cuốn nhật ký trữ tình.

2. Giá trị nghệ thuật.

Tập thơ là sự kết hợp của những yếu tố tưởng như trái ngược nhưng lại rất thống nhất:

– Chất thép và chất tình: tinh thần thép kiên cường đi liền với một chất thơ trữ tình đằm thắm. Bản chất chiến sĩ lồng vào hình tượng thi sĩ.

– Màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại.

+ Màu sắc cổ điển:

  • Về đề tài: thường hướng về thiên nhiên là chủ đạo (Thơ xưa yêu cảnh…)
  • Về bút pháp: chấm phá cốt ghi lấy hồn tạo vật.
  • Về nhân vật trữ tình: phong thái ung dung, nhàn tản, hòa hợp với thiên nhiên.

+ Tinh thần hiện đại:

  • Cảnh vận động hướng về sự sống, ánh sáng, tương lai.
  • Nhân vật trữ tình làm chủ thiên nhiên, luôn đứng ở trung tâm của bức tranh thiên nhiên.
  • Trong thơ Hồ Chí Minh có sự tồn tại song hành của cả hai yếu tố trên.

Ví dụ: “Chiều tối”, “Giải đi sớm”,…

“Nhật kí trong tù” là một tập thơ phong phú, đa dạng độc đáo mà rất hài hoà, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh.

III. Nhận xét về vị trí, giá trị nội dung và nghệ thuật.

– Vị trí: “Nhật kí trong tù” là một tập thơ có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh nói riêng và kho tàng văn học VN nói chung.

– Giá trị nội dung: “Nhật kí trong tù” là một tập thơ có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh nói riêng và kho tàng văn học Việt Nam nói chung. Tác phẩm phản ánh bức tranh đen tối của nhà tù và xã hội Trung Quốc Đồng thời thể hiện bức chân dung tự họa của Hồ Chí Minh – một nhân cách vĩ đại kết hợp hài hòa giữa phẩm chất chiến sĩ và tâm hồn thi sĩ.

– Giá trị nghệ thuật: Nhật kí trong tù thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo của Hồ Chí Minh với sự kết hợp hài hoà giữa nét cổ điển và chất hiện đại.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang