hoi-trong-co-thanh-hoi-thu-28-truong-phi-hieu-nham-quan-cong

Đọc hiểu văn bản: “Hồi trống cổ thành” (trích hồi thứ 28 – Tam quốc diễn nghĩa) – La Quán Trung

Đọc – hiểu văn bản: “Hồi trống cổ thành” (trích hồi thứ 28 – Tam quốc diễn nghĩa) – La Quán Trung

I. Tác giả, tác phẩm.

1. Tác giả: La Quán Trung.

La Quán Trung (1330 – 1400) tên La Bản, hiệu Hồ Hải tản nhân, người vùng Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây cũ. Ông lớn lên vào cuối thời Nguyên đầu thời Minh, tính tình cô độc,lẻ loi, thích một mình ngao du đây đó.

Ông là người đầu tiên có đóng góp xuất sắc cho trường phái tiểu thuyết lịch sử thời Minh – Thanh ở Trung Quốc.

2. Tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa.

Sự kiện: Tam quốc diễn nghĩa (Tam quốc chí) ra đời vào đầu nhà Minh, gồm 120 hồi, kể chuyện một nước chia ba trong gần 100 năm của nước Trung Quốc thời cổ. Đó là cuộc phân tranh giữa ba tập đoàn phong kiến quân phiệt: Bắc Ngụy do Tào Tháo cầm đầu, Tây Thục do Lưu Bị thống lĩnh, Đông Ngô do Tôn Quyền trấn giữ.

Nội dung:

Tam quốc diễn nghĩa phơi bày cục diện chính trị – xã hội Trung Hoa thời cổ: giai đoạn cát cứ phân tranh, chiến tranh loạn lạc, đất nước bị chia cắt, nhân dân đói khổ, điêu linh. Nguyện vọng hòa bình, thống nhất, ổn định của nhân dân và tác giả được gửi gắm vào một ông vua lí tưởng, biết thương dân (Lưu Bị), một triều đình lí tưởng (nhà Thục Hán với các quan tướng tài giỏi, hết lòng vì dân, vì nghĩa (Khổng Minh, Ngũ hổ tướng).

3. Đoạn trích Hồi trống cổ thành

Vị trí đoạn trích:

Đoạn trích thuộc hồi 28 của tác phẩm “tam quốc diễn nghĩa”, thuật lại việc Quan Công đi tìm minh chủ Lưu Bị, qua năm cửa ải, chém sáu tướng Tào, về đến Cổ Thành bị Trương Phi nghi ngờ bội nghĩa, quyết sống mái với người an hem.

Nội dung và nghệ thuật (ghi nhớ).

Linh hồn đoạn văn thâu tóm trong hồi trống. Đó là hồi trống thách thức, minh oan và đoàn tụ. Kết nghĩa anh em, … phải nhằm mục đích trong sáng, cao cả thì mới vững bền.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Nhân vật trương phi.

Văn bản ca ngợi một Trương Phi cương trực đến nóng nảy, trung thành và căm ghét sự phản bội, không tin lời nói chỉ tin việc làm nhưng biết cầu thị, khoan dung.

– Khi nghe tin Quan Công đến Cổ thành, Trương Phi “chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc”.

– Khi gặp mặt Quan Công: “mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”.Xung hô vơi Quan Công: mày – tao.

– Đối với Trương Phi “trung thần thà chịu chết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ”.

– Trước lời thanh minh hộ Quan Công của hai chị dâu và Tôn Càn, Trương Phi vẫn không tin, ra yêu cầu cho quan công trong ba hồi trống phải lấy được đầu Sái Dương và “thẳng cánh đánh trống”

– Khi biết mình đã hiểu lầm Quan Công, Trương Phi “rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trương”.

Nhận xét: Trương Phi tính khí nóng nảy,  căm ghét sự phản bội nhưng là người tín nghĩa, trung thành với Lưu Bị, lấy đại nghiệp làm trọng. 

2. Nhân vật Quan công.

Văn bản đề cao một quan công trí dũng song toàn, biết tiến, biết thoái, khiêm nhường, nhũn nhặn khi ở thế “tình ngay lí gian”; biết dùng hành động chém tướng để minh oan, thể hiện lòng trung nghĩa.

– Trước thái độ của Trương Phi; Quan Công vẫn bình tĩnh, độ lượng, từ tốn, xưng hô: ta – hiền đệ, em.

– Nhún mình thanh minh

– Cầu cứu hai chị dâu.

– Chấp nhận điều kiện của Trương Phi: lấy đầu sái Dương trong ba hồi trống

– Chưa dứt một hồi trống, Quan công đã lấy được đầu Sái Dương.

3. Ý nghĩa của hồi trống.

– Ca ngợi tình nghĩa giữa ba an hem Lưu – Quang – Trương.

– Hồi trống thách thức, minh oan và đoàn tụ.

– Hồi trống chứng minh lòng trung nghĩa, thách thức khí phách của bậc đại trượng phu.

Nghệ thuật:

– Tính cách nhân vật nhất quán; xung đột giàu kịch tính.

– Cách kể chuyện, lôi cuốn, hấp dẫn.

Câu hỏi ôn tập

1. Trình bày hiểu biết của em về La Quán Trung.
2. Tóm tắt đoạn trích hồi trống cổ thành.
3. Tính cách Trương Phi được biểu hiện qua những chi tiết nào?
4. Tính cách Trương Phi và quan công khác nhau như thế nào?
5. Tại sao Trương Phi nổi giận định đâm chết quan công?
6. Vì sao có thể đặt nhan đề cho đoạn trích là hồi trống cổ thành?
7. Có ý kiến cho rằng “nóng như Trương Phi” còn là nóng lòng muốn biết sự thực, nóng lòng xác định phải trái, đúng sai chứ không phải chỉ là nóng nảy do cá tính gàn dở. Anh/chị có đồng ý không? Vì sao?
8. Tại sao nói: nếu không có chi tiết Trương Phi thẳng tay giục trống thì đoạn văn sẽ tẻ nhạt, mất hết ý vị tam quốc?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang