huong-dan-lam-phan-doc-hieu-van-ban-trong-de-thi

Hướng dẫn làm phần Đọc – hiểu văn bản trong đề thi

Hướng dẫn làm phần Đọc – hiểu văn bản trong đề thi

I. Năng lực đọc – hiểu

– Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học, năng lực đọc hiểu là năng lực chung, cốt lõi cần hình thành cho học sinh THCS. Bởi vậy, đọc hiểu trở thành nội dung quan trọng của môn Ngữ văn. Năng lực đọc hiểu được hiểu như sau:

1. Có được những kiến thức cơ bản về văn bản như: Hiểu từ ngữ, các biện pháp NT trong văn bản, hiểu thể loại, cấu trúc của từng văn bản, hiểu các phương thức được dùng trong văn bản, hiểu đề tài, chủ đề của văn bản….

2. Có được những kĩ năng đọc hiểu văn bản quan trọng như: Tìm chủ đè, nội dung chính của văn bản, tìm các chi tiết thông tin về văn bản, giải thích phân tích các chi tiết, hình ảnh trong văn bản đó tổng hợp để nắm được nội dung của văn bản hoặc một đoạn văn, đánh giá về nội dung ý nghĩa và hình thức của văn bản….

3. Biết vận dụng kiến thức kĩ năng đọc hiểu văn bản để giải quyết  các nhiệm vụ trong quá trình học tập, thi cử và các hoạt động khác trong đời sống…..

II. Các loại văn bản đọc – hiểu thường gặp

Trong chương trình Ngữ văn THCS hiện hành có 2 loại văn bản thường gặp là: Văn bản văn học và văn bản nhật dung. Đối với mỗi loại văn bản cần có kiến thức, kĩ năng đọc hiểu phù hợp.

1. Đọc hiểu văn bản văn học:

a. Một số yêu cầu và lưu ý khi đọc hiểu  văn bản.

* Đối với các văn bản trung đại Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Văn bản trung đại Việt Nam được sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm có dùng nhiều điển tích, điển cố…Vì vậy cần phải bám sát bản phên âm, bản dịch nghĩa, hiểu được ý nghĩa  các điển tích, điển cố, các từ cổ…

– Hình tượng trong văn bản trung đại thường mang tính ước lệ, tượng trưng nên khi đọc hiểu cần thấy được ý nghĩa tượng trưng ước lệ của các hình tượng đó và điều mà các tác giả gửi trong tác phẩm.

– Văn bản trung đại có tính quy phạm: Ngôn ngữ cân xứng, hài hòa, mực thước dùng nhiều điển tích, điển cố, kết cấu chặt chẽ…Do đó cần tìm hiểu kĩ các phương diện này để hiểu văn bản.

* Đối với truyện ngắn Việt Nam hiện đại:

– Cần chú ý đến nhân vật ( Ngoại hình, nội tâm, ngôn ngữ, hành động mối quan hệ giữa các nhân vật với hoàn cảnh….) để nhận ra đặc điểm tính cách nhân vật, tìm hiểu cốt truyện, kết cấu tác phẩm, sự việc chi tiết tiêu biểu để nhận ra sự hấp dẫn và ý nghĩa của chúng

– Cần chú ý đến nghệ thuật để thấy  được giọng điệu, điểm nhìn thái độ và tình cảm của người kể chuyện

* Đối với thơ Việt Nam hiện đại :

Phải cảm nhận được tâm trạng của nhân vật trữ tình, tìm hiểu lời thơ ( âm điệu, từ ngữ, các biện pháp tu từ, cách gieo vần ngắt nhịp…) để nhận ra nội dung trữ tình và ý nghĩa của văn bản, tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của bài thơ và giải thích ý thơ…

* Đối với kịch bản văn học:

Cần tìm hiểu lời  thoại của  nhân vật để nhận ra tâm tư tình cảm và tính cách của nhân vật, phân tích được hành động và xung đột kịch trong văn bản.

2. Đọc hiểu văn bản nhật dụng

– Văn bản nhật dụng thường đề cập đến những vấn đề quan trọng, bức thiết, có tính thời sự liên quan đến cuộc sống hằng ngày của xã hội và con người như vấn đề dịch bệnh, dân số, môi trường…Vì vậy các văn bản nhật dụng khá đa dạng về đề tài và thể loại.

– Nhiều văn bản nhật dụng có nhiều nét NT đặc sắc về ngôn từ, bố cục, hình ảnh, các phép tu từ…Khi đọc hiểu văn bản nhật dụng cần nắm vững các vấn đề về đời sống XH mà văn bản đề cập, đồng thời hiểu được những nét đặc sắc NT đó.

III. Nội dung câu hỏi và bài tập đọc – hiểu văn bản thường gặp.

– Trong đề thi, kiểm tra Ngữ văn phần đọc hiểu văn bản chủ yếu sử dụng bài tập và câu hỏi tự luận. Do đó học sinh cần đọc kĩ câu hỏi, bài tập và lựa chọn nội dung trả lời, cách diễn đạt đúng với yêu cầu. Nội dung các câu hỏi và các bài tập đọc hiểu văn bản thường hướng vào các vấn đề sau:

– Nội dung của văn bản, đoạn văn

– Những vấn đề về hình thức, nghệ thuật của  văn bản như: Bố cục văn bản, các phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ, hình ảnh, chi tiết, từ ngữ….

Câu hỏi và các bài tập đọc hiểu văn bản thường hướng vào đánh giá năng lực học sinh theo các mức độ: Nhận biết thông hiểu và vận dụng

* Mức độ nhận biết: Thường hướng vào các vẫn đề về thể loại, đề tài, phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ, hình ảnh chi tiết, thông tin trực tiếp của văn bản….

* Mức độ thông hiểu: Thường hướng vào các vấn đề  ( Nêu nội dung chính của văn bản, lí giải nội dung văn bản, ý nghĩa của các biện pháp tu từ, chi tiết quan trọng trong văn bản…)

* Mức độ vận dụng: Hướng vào các vấn đề ( Đánh giá hình thức, nội dung của văn bản, vận dụng ý nghĩa hoặc rút ra bài học từ văn bản để giải quyết các tình huống thực tiễn.

IV. Bài tập minh họa

Bài tập 1: Đọc kĩ phần trích sau đây và trả lời câu hỏi bên dưới:

Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

(Cảnh ngày xuân- Truyện Kiều)

1. Xác định phương thức biểu đạt chính?
2. Xác định và nêu tác dụng của các từ láy trong đoạn trích?
3. Giải nghĩa hai từ “ Tài tử” và “Giai nhân”
4. Câu thơ “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” là kiểu câu nào xét theo cấu tạo
5. Chỉ ra biện pháp tu từ và tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ:
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Hướng dẫn trả lời:

1. Xác định 2 từ láy: nô nức, dập dìu ( 0,5 đ )
* Tác dụng: Nhấn mạnh không khí tưng bừng đông vui rộn ràng của lễ hội mùa xuân ( 0,5 đ)
( Nếu nhầm thêm từ sắm sửa thì trừ 0,25 đ )
Giải nghĩa hai từ mỗi từ 0,5 đ:
– Tài tử: Người trai tài
– Giai nhân: Người con gái đẹp
3. Câu thơ “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” là câu  ghép xét theo cấu tạo
4. Chỉ ra biện pháp tu từ và tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ:

Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
– Biện pháp: đảo trật tự cú pháp (Dập dìu tài tử…)
– So sánh và hoán dụ: Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
⇒ Nhấn mạnh không khí đông vui nhộn nhịp của lễ hội mùa xuân

Bài tập 2: Đọc kĩ phần trích sau đây và trả lời câu hỏi bên dưới:

“Ông lão ôm thằng con út vào lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ nói:
-Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?
-Là con thầy mấy lỵ con u.
-Thế nhà con ở đâu?
-Nhà ta ở làng chợ Dầu.
-Thế con có thích về làng chợ Dầu không? Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ:
-Có. Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu lại hỏi:
-À thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai? Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:
-Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm! Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:
-Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ. Mấy hôm nay ru rú ở xó nhà, những lúc buồn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lão lại thủ thỉ với con như vậy. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa. Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai. Mỗi lần nói ra được vài câu như vậy nỗi khổ trong lòng ông cũng vơi đi được vài phần.”

(Trích “ Làng”- Kim Lân)

1/ Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn? ( 0,5 điểm)
2/  Hãy giải thích từ “ Đơn sai” trong câu văn “ Chết thì chết có bao giờ giám đơn sai” – 0,5đ
3/ Hai câu “ Nước mắt ông lão cứ giàn ra, chảy ròng ròng hai bên má. Ông nói thủ thỉ….” Là lời của ai ? 0,5đ
4/ Tìm một câu nghi vấn và câu cầu khiến trong đoạn trích? (1.0đ)
5/ Nêu nội dung chính của đoạn trích (1,5đ)

Hướng dẫn trả lời:

1/ Phương thức biểu đạt chính: Tự sự ( 0,5 điểm)
2/ “Đơn sai” trong câu văn “Chết thì chết có bao giờ giám đơn sai”:
Nói sự thật, không nói sai, nói dối ( – 0,5đ)
3/ Hai câu “Nước mắt ông lão cứ giàn ra, chảy ròng ròng hai bên má. Ông nói thủ thỉ….” Là lời của ông Hai nói với cậu con trai ( 0,5đ)
4/ Câu nghi vấn: -Thế con có thích về làng chợ Dầu không? (0,5đ)
Câu cầu khiến: -Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm! (0,5đ)
5/ Nêu nội dung chính của đoạn trích (1,5đ)
– Cuộc trò chuyện của ông Hai với con trai qua đó bộc lộ tình yêu làng yêu nước và tinh thần ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cách mạng, ủng hộ cụ Hồ

Bài tập 3: Đọc kĩ phần trích sau đây và trả lời câu hỏi bên dưới:

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa!

(“Bếp lửa”- Bằng Việt)

Hướng dẫn trả lời:

1/ Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?
2/ Trong 2 câu thơ:
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm…..
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
a. Giải nghĩa từ “ nhóm” trong 2 câu thơ trên?
b. Xác định nghĩa gốc? Nghĩa chuyển và phương thức chuyển nghĩa?
c. Từ “Tâm tình” là từ loại nào xét theo nguồn gốc và cấu tạo?
4/ Chỉ ra tác dụng của điệp từ “ nhóm” ?
5/ Nêu nội dung chính của đoạn thơ?

Hướng dẫn trả lời:

1/ Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm ( 0,5 điểm)
2/ Trong 2 câu thơ:
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm…..
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
a. Giải nghĩa từ “ nhóm” trong 2 câu thơ :
– Nhóm bếp lửa: Cho lửa bén vào chất đốt làm cho chất  đốt cháy lên ( 0,5 điểm)
– Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ: Khơi dậy những tình cảm tốt đẹp ( 0,5 điểm)
b. Xác định nghĩa gốc: Nhóm bếp lửa
– Nghĩa chuyển: Nhóm dậy cả những…nhỏ ( 0,25 điểm)
– Phương thức chuyển nghĩa: Ẩn dụ ( 0,25 điểm)
c. Từ “ Tâm tình” xét theo nguồn gốc: hán việt và cấu tạo: ghép ( 0,5 điểm)
4/  Tác dụng của điệp từ “ nhóm”: ( 1 điểm)
– Điệp từ “nhóm” được nhắc lại 4 lần  làm toả sáng hơn nét “kì lạ” và thiêng liêng bếp lửa. Bếp lửa của tình bà đã nhóm lên trong lòng cháu bao  điều thiêng liêng, kì lạ. Từ “nhóm” đứng đầu mỗi dòng thơ mang nhiều ý nghĩa: Từ bếp lửa của bà những gì được nhóm lên, khơi lên?
+ Khơi dậy tình cảm nồng ấm
+ Khơi dậy tình yêu thương, tình làng nghĩa xóm, quê hương
+ Khơi dậy những kỉ niệm tuổi thơ, bà là cội nguồn của niềm vui, của ngọt bùi nồng đượm, là khởi nguồn của những tâm tình tuổi nhỏ.
⇒ Đó là bếp lửa của lòng nhân ái, chia sẻ niềm vui chung.
5/ Nêu nội dung chính của đoạn thơ: ( 0,5 điểm)
– Cảm nghĩ về cuộc đời bà và bếp lửa

V. Bài tập luyện tập.

Bài 1: Dưới đây là một phần trong lệnh truyền của vua Quang Trung với quân lính:

“Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. (…) Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn.”

(Trích Ngữ văn 9, tập một – NXB Giáo dục, 2012)

1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?
2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn
3. Nhà vua nói “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định điều gì? Hãy chép 2 câu trong bài thơ “ Sông núi nước Nam” có nội dung tương tự.
4. Chỉ ra câu nghi vấn có trong đoạn văn?
5. Nêu nội dung của đoạn văn? Em học tập được điều gì từ nhân vật Quang Trung ( Viết đoạn văn khoảng 5-7 dòng)

Bài 2: Cho đoạn thơ sau:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn thơ
2.Đoạn thơ diễn tả tình cảm của ai với ai?
3.Giải thích thành ngữ “Quạt nồng ấp lạnh”
4. Nêu nội dung chính của đoạn văn
5.  Nêu ý nghĩa câu thơ:
“Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?”

Bài 3. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên.
Câu 2: Nêu các thành ngữ được sử dụng trong đoạn thơ.
Câu 3:  – Giải thích nghĩa của từ tri kỉ , đồng chí.
Câu 4: Tình đồng chí được hình thành trên những cơ sở nào?
Câu 5: Giải thích nhan đề bài thơ.

Bài 4. Cho đoạn thơ sau:

“Không có kính rồi xe không có đèn.
Không có mui xe thùng xe có xước.
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước.
Chỉ cần trong xe có một trái tim”

1. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ
2. Hình ảnh những chiếc xe không kính được miêu tả qua những chi tiết nào?
3. Chỉ ra biện pháp tu từ trong 2  câu thơ  cuối và nêu tác dụng
4. Nêu vẻ đẹp của người chiến sĩ lái xe Trường sơn qua khổ thơ
5. Từ đoạn thơ em hãy nêu trách nhiệm của bản thân với đất nước ( viết đoạn văn khoảng 5-7 dòng)

Bài 5: Cho đoạn thơ sau:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm trong gió khơi.”

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên
Câu 2: Chỉ ra và phân tích biện pháp tu từ trong đoạn thơ
Câu 3:  Hình ảnh đoàn thuyền ra khơi được miêu tả qua những chi tiết nào?
Câu 4. Giải thích nghĩa của “lại”
Câu 5: Từ đoạn thơ em có suy nghĩ gì về vẻ đẹp của đất nước và  con người VN ( viết đoạn văn khoảng 5-7 dòng)

Bài 6: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

“Chao ôi bắt gặp một người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài. Mặc dù vậy ông đã chấp nhận sự thử thách”.

(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2014)

1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?
2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn?
3. Chỉ rõ thành phần biệt lập có trong đoạn văn trên?
4. Nêu phép liên kết trong đoạn văn trên.
5. Nhân vật có suy nghĩ trong đoạn văn trên là ai và giữ vai trò như thế nào trong tác phẩm?

Bài 7: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

“Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đó – buổi chiều sau một ngày mưa rừng, giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ni lông nóc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như đứa trẻ được quà”.

1. Đoạn trích trên được trích trong tác phẩm nào? Ai là tác giả?
2. Nhân vật tôi và anh được nói đến trong đoạn trích là ai?
3. Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu văn in đậm và cho biết đó là kiểu câu gì xét về mặt cấu tạo ngữ pháp?
4. Câu văn Mặt anh hớn hở như đứa trẻ được quà diễn tả điều gì? Dựa vào những hiểu biết của em về tác phẩm, hãy lí giải vì sao mặt anh hớn hở như vậy?
5. Chỉ ra thành  phần  phụ chú có trong đoạn văn?

Bài 8: Đọc câu văn  sau và trả lời các câu hỏi:

“Nếp sống giản dị và thanh đạm của Bác Hồ, cũng như các vị danh nho xưa , hoàn toàn không phải là một cách tự thần thánh hóa, tự làm cho khác đời, hơn đời, mà đây là lối sống thanh cao, một cách di dưỡng tinh thần, một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống, có khả năng đem lại hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác.”

(SGK Ngữ văn 9, tập một)

1. Câu văn trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai ? “di dưỡng tinh thần” được dùng ở đây có nghĩa là gì?
2. Văn bản chứa câu văn trên đề cập đến chủ đề gì?
3. Lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông của Bác Hồ được biểu hiện như thế nào?
4. Có bạn cho rằng, học tập theo lối sống cao đẹp của Bác, mỗi chúng ta cần nên ép mình vào cuộc sống khắc khổ.Em có đồng ý với suy nghĩ đó không? Vì sao?
5. Viết một văn bản ngắn (3-5 dòng ) trình bày suy nghĩ của em về một trong các bài học mà em rút ra được từ câu văn trên?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang