»» Nội dung bài viết:
Lịch sử phát triển của thi pháp học
Lịch sử phát triển của Thi pháp học được các nhà nghiên cứu chia ra hai chặng là Thi pháp học cổ điển (Truyền thống) và Thi pháp học hiện đại, với mốc thời gian dùng để phân chia là cuối thế kỷ XIX trở về trước và đầu thế kỷ XX đến nay.
1. Thi pháp học cổ điển (Truyền thống).
Trên thế giới, Thi pháp học cổ điển đã có từ lâu đời. Ở phương Tây thời Hy Lạp cổ đại, Thi pháp học nghiên cứu các phương tiện biểu hiện như thể loại, ngôn từ. Công trình nổi tiếng nhất trong Thi pháp học đương thời là Poetica (Nghệ thuật thi ca) của Aristote (384 – 322). Ở Trung Quốc, tác phẩm Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (khoảng 465- 532) là công trình thi pháp học xuất hiện sớm nhất. Đó là cuốn sách có nội dung chủ yếu bàn về thi pháp học ở bình diện cách sáng tác văn chương, bên cạnh đó còn có một số ý kiến về nghiên cứu văn học từ góc độ lịch sử văn học và thi pháp học so sánh. Chẳng hạn: “Khi xem xét tất cả các đời, ta có thể thấy cái sự biến đổi của tình cảm và tư tưởng. Khi xét chung các điểm dị đồng thì ta có thể hiểu rõ cái chủ chốt”.
Đặc biệt, tác phẩm Tùy Viên Thi Thoại của Viên Mai (1716-1798) có thể được coi là nhịp cầu nối giữa thi pháp học cổ điển và thi pháp học hiện đại, bởi tác phẩm này bàn về nghệ thuật thơ vừa với những yêu cầu có tính cổ điển, lại vừa đề cao tính sáng tạo, phá khuôn của người nghệ sỹ. Tùy Viên Thi Thoại đề cao thuyết Tính linh với ba yếu tố – ba phương diện của chủ thể sáng tạo cần phải có là chân tình, cá tính và thi tài; đề cao tính chân thực của tình cảm, sự linh hoạt của bút pháp; nổi bật là về tư tưởng thì không bị trói buộc bởi quan niệm đạo đức phong kiến và tư tưởng chính thống, về hình thức nghệ thuật thì đề cao tự do sáng tạo, khuyến khích bộc lộ cá tính, tạo lập được phong cách riêng. Bên cạnh đó, còn có một số học giả tiêu biểu như Nghiêm Vũ, Chu Bật, Khương Quỳ, Thẩm Đức Tiềm, Ngụy Khánh Chi dùng thuật ngữ thi pháp để chỉ phép làm thơ. Một số nhà nghiên cứu khác như Kim Thánh Thán, Mao Tôn Cương, Chi Nghiễn Trai, Lý Trác Ngô, Trương Trúc Pha có những đóng góp về thi pháp ở phương diện nghệ thuật kể chuyện của tiểu thuyết Trung Quốc và cách thức sáng tác thơ.
Thời trung đại, trên thế giới xuất hiện nhiều cuốn sách bàn về cách thức, phép tắc sáng tác văn học. Thi pháp học được hiểu ở bình diện là đặc trưng, tiêu chuẩn của ngôn từ văn chương và các phương cách, biện pháp xây dựng, tổ chức các tác phẩm văn học theo loại thể nhất định. Theo đó thì bất cứ nền văn học nào dù không có loại sách chuyên bàn về lý thuyết Thi pháp học, nhưng cũng vẫn có thi pháp, vì các kiểu dạng sáng tác văn học dù muốn hay không thì đều phải tuân theo những hệ tiêu chí, khuôn phép, cách thức nào đó. Do chỉ dùng những thể loại chịu sự ràng buộc khắt khe của niêm, luật nên khả năng phản ánh và thể hiện xúc cảm trực tiếp của tác giả thơ trung đại nhìn chung là hạn chế, hạn hẹp.
Vì vậy, trong thực tế, khi cần phản ánh những vấn đề có phạm vi hiện thực rộng lớn và không bị ràng buộc bởi niêm luật mới đáp ứng được mục đích sáng tạo thì nhà thơ thời trung đại phải lựa chọn những thể loại thích ứng. Chẳng hạn, Đỗ Phủ – vị Thi thánh thơ Đường, có những bài thơ luật đúng cách bất hủ như tám bài Thu hứng, bài Đăng cao…, nhưng để phản ánh những vấn đề hiện thực rộng lớn, sâu sắc hoặc cần sự bộc lộ, diễn trình cảm xúc, suy tư một cách trực tiếp và tự do hơn thì Đỗ Phủ lựa chọn thể hành – một thể thơ khá tự do, ít bị ràng buộc bởi tiêu chí niêm luật khắt khe và có thể trữ tình trực tiếp, tiêu biểu như Binh xa hành (Xe ra trận), Mạc tương nghi hành (Bài hành chớ ngờ nhau), Tàm cốc hành (Bài hành tằm và lúa)…
Ở Việt Nam, Thi pháp học cổ điển không được xây dựng thành hệ thống lý thuyết, nguyên tắc mà được ứng dụng như là những cách thức, phép tắc, qui phạm để sáng tác văn học, cả ở văn học dân gian và văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Nghĩa là tác giả khi sáng tạo tác phẩm thì đã tuân thủ theo những quy tắc Thi pháp học nhất định. Văn học viết bằng chữ Hán rồi đến chữ Nôm suốt 10 thế kỷ văn học trung đại thể hiện đặc trưng chủ yếu là truyền thống thi pháp tượng trưng, ước lệ, sùng cổ, qui phạm, bất biến. Cũng có một số tác gia thời trung đại như Nguyễn Trãi có những phá cách trong sáng tác thơ, tiêu biểu như bài Tùng (cây thông), hoặc phá cách trong thi pháp phản ánh bằng cách đưa những hình ảnh đời thường như ao rau muống, lãnh mùng tơi…, vào thơ, vốn được coi là sân chơi chỉ dành cho những thứ, những loại cao cả, trang đài như người quân tử; các con vật long, ly, quy, phụng; các loại cây mang tính biểu trưng như mai, lan, cúc, trúc…
Đến Tú Xương, một trong những đại biểu ưu tú ở giai đoạn cuối của văn học trung đại thì việc cách tân thi pháp ở phương diện đối tượng phản ánh, cái nhìn, điểm nhìn đã có những đổi mới đáng kể. Ở một số bài thơ, Tú Xương phá vỡ cái nhịp cố định 4/3 của câu thơ Đường luật, đưa thán từ, tiếng chửi…, vào thơ;ông đưa con người cá nhân vào thơ, tạo nên cấu trúc thẩm mỹ mới của bài thơ mang tính nội dung về sự đảo lộn đạo lý trong xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ngay cả người táo bạo và cá tính như Tú Xương thì tiêu chí chung của thi pháp thơ trung đại vẫn còn khống chế ở những mức độ nhất định.
Nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ về thơ thời kì trung đại chủ yếu là để thù tạc, trao tặng, bình tán. Việc bình thơ, khen thơ và thưởng lãm thơ chủ yếu là bình tán về kĩ thuật dùng từ ngữ; phạm vi sáng tác và việc thưởng lãm cũng chỉ giới hạn trong một phạm vi hẹp, chủ yếu là tầng lớp người biết chữ và đặc biệt là trí thức; đối tượng hướng tới thiên về thiên nhiên mỹ. Hồ Chí Minh từng cảm nhận về cổ thi rằng:
“Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ
Sơn, thủy, yên, hoa, tuyết, nguyệt, phong”
(Dịch: Thơ xưa thiên về yêu thiên nhiên đẹp như núi, nước, khói, hoa, tuyết, trăng, gió).
Ở phương diện lý luận, những quan niệm về nghệ thuật thơ ca hoặc cách thức sáng tác văn học chủ yếu xuất hiện trong các bài tựa sách, ít được in thành tập riêng. Đáng kể nhất có cuốn Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn (được hoàn thành năm 1773) có bàn đến một số nội dung của thi pháp trong các phần nói về văn nghệ (48 điều) và ngôn ngữ (111 điều).
Sang giữa thế kỷ XIX, Cao Bá Quát đề cao thuyết tính linh trong sáng tác văn học và được nhiều nhà nho có tư tưởng cởi mở thời đó ủng hộ. Cuốn sách thi pháp học đầu tiên của Việt Nam xuất bản ở Sài Gòn cuối thế kỷ XIX là Thi pháp nhập môn (bàn về thơ Annamite) của Thế Tải Trương Minh Ký (1898). Tác phẩm này dạy luật thơ thất ngôn qua những bài miêu tả các sự vật hiện tượng trong thiên nhiên có kèm tranh vẽ. Năm 1932, nhà in Bùi Văn Nhẫn ở Bến Tre cũng xuất bản cuốn sách Thi pháp diễn giải: chỉ phép tắc làm thơ, truyện, ngâm, phú…
2. Thi pháp học hiện đại.
Trên thế giới, Thi pháp học với tư cách là một bộ môn khoa học và với những tiêu chí mới, đặc điểm mới chỉ xuất hiện cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỷ XX bắt đầu phát triển mạnh ở Nga rồi dịch chuyển sang Âu – Mỹ và phổ biến khắp thế giới. So với Thi pháp học cổ điển, Thi pháp học hiện đại xây dựng những hệ tiêu chí mới, những phạm trù mới; nghiên cứu các hiện tượng văn học từ nhiều chiều kích như tư duy nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật, kết cấu ngôn từ và hình tượng trong mối quan hệ nội tại và quan hệ ngoại tại với lịch sử, văn hóa…, đặc biệt là chú trọng tính văn học của tác phẩm. Những thể loại mới với những đặc trưng thi pháp mới của văn học hiện đại ra đời có nhiều lợi thế hơn trong phản ánh so với các thể loại văn học trung đại; đồng thời, cũng có sức hấp dẫn hơn đối với cả nhà văn, độc giả, người nghiên cứu và phê bình văn học.
Thi pháp học hiện đại bao gồm nhiều trường phái, trong đó có các trường phái tiêu biểu như: Trường phái Hình thức Nga ra đời từ năm 1914, với các thành viên tiêu biểu như R. Jakobson, V. Shklovski, đề cao vai trò của hình thức, coi trọng ngôn từ thi ca với các thủ pháp nghệ thuật và qui luật nội tại của văn học, chú trọng vai trò lạ hóa, vai trò của cái nhìn nghệ thuật đối với chỉnh thể tác phẩm.
Trường phái Phê bình mới Anh, Mỹ xuất hiện vào những năm 20 thế kỉ XX ở Anh, hình thành ở Mỹ vào những năm 30 và thịnh hành vào những năm 50, 60. Trường phái này có các thành viên tiêu biểu như: I. A. Richards, T. S. Eliot. W. Wimsatt, R. Wellek, C. Brooks và A. Warren. Họ đưa ngữ nghĩa học và tâm lý học vào phê bình văn học, tạo thành phương pháp phê bình lấy văn bản làm trung tâm; chú trọng, đề cao phương pháp phê bình khách quan, phê bình nội tại.
Trường phái Cấu trúc, Ký hiệu học với các nhà khoa học chủ chốt như F. D. Saussure, R. Jacobson, C. L. Strauss, J. Lacan, T. Todorov. Trường phái này vận dụng lý thuyết cấu trúc ngôn ngữ vào nghiên cứu văn học, đề cao tính hệ thống và quy luật nội tại của tác phẩm văn học, phân tích chức năng của các yếu tố văn học trong hệ thống, kết hợp đồng đại và lịch đại; phân biệt văn bản văn học và văn bản phi văn học bằng tiêu chí tính văn học, đề cao vai trò của cấu tạo chất liệu ngôn ngữ ở quan hệ kết hợp và lựa chọn trong việc tạo nên tính văn học.
Trường phái kí hiệu học có các thành viên tiêu biểu như E. Cassirer, S. Langer, M. Bakhtin, T. Todorov, M. L. Gasparov, V. Ivanov, I. Lotman. Kí hiệu học xem xét văn học ở hai bình diện trong mối quan hệ với nhau: cái biểu đạt (hình thức) và cái được biểu đạt (nội dung). Tác phẩm được xem là kí hiệu, là cái biểu đạt; còn cái được biểu đạt là hình tượng, ý nghĩa, là khách thể thẩm mỹ, chỉ bộc lộ trong quan hệ với người đọc.
Trường phái Thi pháp học lịch sử bắt đầu từ Nga cuối thế kỉ XIX, với các nhà nghiên cứu tiêu biểu là A. N. Veselovski, M. B. Khrapchenco, D. X. Likhachev, M. Bakhtin. Trường phái này quan niệm ý thức nghệ thuật và hình thức nghệ thuật là sản phẩm của lịch sử, có quá trình phát sinh, biến đổi, phát triển; dùng phương pháp hệ thống, quan điểm lịch sử và so sánh lịch sử và vận dụng các phạm trù nhân loại học phổ quát như con người, không gian, thời gian…, để nghiên cứu sự thể hiện và phát triển của chúng trong các nền văn học, qua các thời kì văn học.
Tóm lại, giữa Thi pháp học cổ điển và Thi pháp học hiện đại có những sự khác nhau cơ bản. Thi pháp học cổ điển chú trọng các cách thức sáng tác mà chủ yếu là một số thể thơ; tập trung vào các nguyên lí bất biến, khái quát thành những công thức có tính quy phạm. Thi pháp học hiện đại nghiên cứu đặc trưng của văn học thông qua tính văn học và ngôn ngữ biểu hiện của nó; nghiên cứu tư duy nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật trong lộ trình phát triển của lịch sử văn học và cá tính sáng tạo của nhà văn thể hiện ở bút pháp, ngôn từ, giọng điệu, kết cấu phong cách. Đồng thời, coi trọng tính chỉnh thể, tính hệ thống thẩm mỹ và mối quan hệ nội tại giữa các thành tố của tác phẩm văn học.
Ở Việt Nam, Thi pháp học hiện đại phát triển trên cơ sở vận dụng lý thuyết Thi pháp học nước ngoài để nghiên cứu văn học. Nửa đầu thế kỷ XX, đã xuất hiện nhiều công trình lý luận phê bình ứng dụng các học thuyết văn nghệ phương Tây vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam. Trong đó, công trình mang màu sắc thi pháp học rõ rệt nhất là Chương Dân thi thoại (1936) của Phan Khôi. Nhìn chung, trước 1975, Thi pháp học đã thâm nhập vào miền Nam nhưng chưa có điều kiện phổ biến ở miền Bắc. Trong thời gian này, công trình về thi pháp học đáng kể là cuốn Poetica (Nghệ thuật thơ ca) của Aristote, do Phan Ngọc dịch, xuất bản năm 1964.
Ở miền Nam, trong vùng kiểm soát của chính quyền cũ, tuy có điều kiện giới thiệu về lí thuyết cấu trúc, song thực tế nghiên cứu thi pháp văn học chỉ mới xuất hiện ở một số công trình lí luận, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, các giáo sư bậc đại học nhưng còn tản mạn, phân tán. Về cơ bản, Thi pháp học vẫn chỉ được quan niệm ở bình diện hẹp, chủ yếu được hiểu như là phép tắc làm thơ, kiến thức về thi ca, chưa diễn ra ở tất cả các bình diện của Thi pháp học và cũng chưa thành một trào lưu phổ biến.
Đến đầu những năm 1980, một số nhà nghiên cứu văn học như Trần Đình Sử, Phạm Vĩnh Cư, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân…, đã giới thiệu thi pháp học Liên Xô vào Việt Nam, dịch một số công trình của M. B. Khrapchenco như Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học (1978), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực – con người (1984). Trần Đình Sử có những bài viết có giá trị như: Thời gian nghệ thuật trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (1981), Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” (1983). Chuyên đề thi pháp học được Trần Đình Sử thuyết giảng tại Đại học Sư phạm Hà Nội, một số cuộc hội thảo chuyên đề về Thi pháp học đã được tổ chức tại Hà Nội… Từ đó, nhu cầu tìm hiểu thi pháp học trở nên khởi sắc trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn học.
Đến sau Đổi mới (1986), Thi pháp học nhanh chóng được nhiều người vận dụng. Thi pháp học được dạy ở bậc Cao học, Đại học và có trong sách bồi dưỡng thường xuyên giáo viên trung học, trong sách giáo khoa, trong giờ giảng văn và trong bài làm văn của học sinh ở những mức độ nhất định. Đến năm 1993, Thi pháp học đã được Trần Đình Sử viết thành giáo trình đầu tiên ở bậc Đại học. Trong không khí đó, nhiều nhà nghiên cứu vận dụng Thi pháp học vào nghiên cứu, phê bình văn học, tạo thành phong trào nghiên cứu khá phổ biến và thu được những thành tựu đáng kể. Trong số đó, nổi bật là các tác giả như Phan Ngọc với các công trình nghiên cứu về Truyện Kiều: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học (1995); Nguyễn Phan Cảnh với cuốn Ngôn ngữ thơ, đề cập đến một số vấn đề về đặc trưng thi pháp của ngôn ngữ thơ theo quan điểm của chủ nghĩa cấu trúc thuộc trường phái R. Jakobson; Nguyễn Tài Cẩn với hai công trình: Tìm hiểu kĩ xảo hồi văn liên hoàn trong bài “Vũ trung sơn thủy” của Thiệu Trị , và Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn. Đặc biệt, Trần Đình Sử có những đóng góp lớn qua các công trình: Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Một số vấn đề thi pháp văn học Trung đại Việt Nam (1998), Giáo trình Dẫn luận thi pháp học (1998), Thi pháp “Truyện Kiều” (2002).
Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học vận dụng Thi pháp học để nghiên cứu văn học, đạt được những kết quả bước đầu rất đáng chú ý, tiêu biểu như: Trần Đình Sử, Hoàng Trinh, Bùi Công Hùng, Nguyễn Kim Đính, Đỗ Đức Hiểu, Lê Huy Bắc. Cho đến nay, Thi pháp học ở Việt Nam chủ yếu đi theo hướng vận dụng, ứng dụng lí thuyết Thi pháp học hiện đại trên thế giới vào nghiên cứu văn học ở các khuynh hướng chính như Thi pháp học lịch sử, Thi pháp học cấu trúc hệ thống, Thi pháp phong cách ngôn ngữ học, nhưng chưa bước sang giai đoạn giải cấu trúc, và hậu hiện đại như ở phương Tây, chưa tiến kịp với xu thế chung của thế giới. Do vậy, cần đa dạng hóa cách tiếp cận, ứng dụng các hệ lý thuyết thi pháp vào nghiên cứu văn học hơn nữa. Trong thực tế, Thi pháp học ở Việt Nam đã và đang được xác định là một hướng nghiên cứu có ý nghĩa lâu dài, và sẽ có những đóng góp toàn diện hơn nữa.
3. Đối tượng nghiên cứu của thi phá học.
Đối tượng nghiên cứu của Thi pháp học là đặc trưng, tổ chức, các phương thức, phương tiện, nguyên tắc, quy luật nội tại, cấu tạo và phong cách của văn bản làm nên giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của văn học trong tính chỉnh thể của văn bản.
Như vậy, đối tượng nghiên cứu của Thi pháp học chính là hình thức mang tính nội dung. Đó không phải là hình thức thuần túy kỹ thuật, mô hình, công thức, khô cứng mà là hình thức hàm chứa nội dung cụ thể, xác định, và chỉ tồn tại trong tác phẩm; là những sáng tạo mới, là kết quả của tư duy nghệ thuật, quan niệm và cái nhìn nghệ thuật mới; mang đến cho người đọc một nội dung mới như lần đầu tiên được nhận ra. Do mỗi hình thức là một sáng tạo mới của tác giả trong những hoàn cảnh, thởi gian, không gian, mục tiêu sáng tạo riêng nên cần phải nghiên cứu hình thức của từng tác phẩm, từng nhà văn, từng giai đoạn, trào lưu và cả nền văn học của một dân tộc.
Khi nghiên cứu Thi pháp học, một mặt cần chú ý những đặc tính của hình thức trong văn học như: hình thức có tính hệ thống, hình thức mang tính quan niệm, hình thức mang tính tinh thần; mặt khác, cần chú trọng cả mối quan hệ nội tại của tác phẩm và ngoại tại của tác phẩm, của hiện tượng văn học khác bên ngoài tác phẩm như lịch sử, xã hội, văn hóa, tâm lý, mỹ học.